Nghệ Ngữ

https://nghengu.vn


Nhớ mít Nghệ

Mít - thứ quả quen thuộc mà miền quê nào cũng có. Nhưng với người Nghệ nhắc đến mít là nhắc đến nhiều kỷ niệm xưa cũ, yên bình. Từ lúc trái còn nhỏ như ngón chân cái, mít là món khoái khẩu của lũ trẻ say mê vặt trộm chấm cùng muối ớt, cho đến khi cuối mùa hè mít chín, thơm ngon đến độ người Nghệ hay nói "mít ngọt eng đấn cả xơ".
nho mit nghe min
Mít Nghệ làm đủ món ngon. Ảnh: Quỳnh

Người ngoài nhìn vào thấy người Nghệ "rành tài". Đến trái mít mà làm được đủ món: Mít cảm chấm muối ăn chơi, mít non đem luộc chấm ruốc ngon hơn thịt, rồi nhút mít Thanh Chương vấn vương bao thế hệ. Chưa hết, đến hạt mít đem quăng nơi góc bếp, đợi héo hon một chút rồi đem đi luộc thì ngon khỏi bàn. Nói chung, với người Nghệ, mít được tận dùng hết công suất, khác với nhiều vùng miền mít vốn chỉ là thứ trái ăn chơi!

Nhớ đến mít Nghệ là nhớ đến hàng loạt món ngon từ thứ quả thần kỳ này. Tạm gác lại những múi dai hươm vàng đọng sắc mật ngọt ngào, người Nghệ chuộng những cọng xơ hơn. Không phải xơ ngon hơn múi, mà xơ như người bạn đồng hành cùng họ qua bao mùa giáp hạt, đói nghèo.

Những cọng xơ mít mỏng manh qua tay người Nghệ bỗng biến thành nhiều món ngon nay lên hàng đặc sản. Từ vại nhút mặn chát đặt nơi góc bếp, đến từng bọc nhút bằng mo cau treo trên giàn, hay những món xào, món canh đủ loại. Và canh chua nhút mít là một trong những món ngon đáng nhớ nhất.

Lại bàn về canh chua, người miền Bắc chuộng sấu, miền Nam chuộng me, còn người Nghệ Tĩnh thì chuộng xơ mít. Kể ra trong các cách nấu canh chua thì món canh chua nhút mít đơn giản, nhẹ nhàng mà tinh tế hơn cả. Nguyên liệu chỉ dăm ba
 thứ quanh quẩn vườn nhà, cùng con cá, con tép. Cái vị ngon của canh chua nhút mít là vị thanh của nhút, vị ngọt của cá sông. Nhưng trên hết, là cái tình, cái vị ngon của quê hương thấm trong từng sợi nhút.

Trái mít rời cành, múi ăn xong thì xơ vẫn còn. Người Nghệ không bỏ xơ đi, mà họ xé tươm ra. Sau đó họ nấu một nồi nước muối để nguội đổ ngập chừng 2 lóng tay lên lớp xơ đã được nén chặt bằng vỉ tre, dằn kỹ bên trên bằng một hòn cuội lớn cỡ vài ba cái bát chiết yêu đựng canh. Đợi một tuần xơ mít lên men thoáng mùi chua dịu dàng. Cái vị chua này khác hẳn vị chua của me hay sấu. Và món canh chua bắt đầu.
  
Bát canh xơ mít dễ nấu thôi, nhưng lại đượm cái "tình", cái tảo tần của người nấu. Buổi tối trước đó, mẹ hay cha đi đặt "nhủi", kéo te kiếm mớ cá vụn hay ít tép tươi để đó. Xơ mít được vớt ra, vắt kỹ, cắt đôi, cắt ba. Lại phải thêm ít hành tăm giã nhẹ, cho vào phi thơm rồi cho nhút vào xào. Nồi canh dậy mùi thì thêm độ hai ba gáo dừa nước giếng vào đun sôi. Khi thấy xơ mít chuyển màu, nước sôi lần hai thì cho cá, tép đã làm sạch vào nấu cùng.

Đợi sôi thêm tầm 5 phút nữa là cá chín. Lúc này nhắc nồi canh chua xuống, thêm tí hành lá, nêm nếm là có món ăn đậm chất Nghệ. Bữa cơm gạo ba lá đỏ au dọn ra, nếu sang thì thêm đĩa thịt ba chỉ xào nhút mít nữa thì càng tuyệt vời. Nhớ, trước khi ăn ra vườn hái nhanh vài cọng kinh giới vào. Nhút mít phải có rau kinh giới, đó mới là chất Nghệ.

Ngày này, mít Nghệ vẫn còn nhiều, nhưng mít tây, mít thái tràn về cũng không ít. Thế nhưng, dù mít tây mít thái có ngọt đến đâu khi đem muối vẫn thiếu vị Nghệ. Phải chăng sự thiếu thốn đó xuất phát từ những ký ức xưa cũ, về một thời đói nghèo ăn nhút nhiều hơn ăn cơm?

Tác giả: Nghệ ngữ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây