Nghệ Ngữ

https://nghengu.vn


Nhớ Vinh

Khi cái nắng đã đổ nhiệt lên thành phố là lúc tiếng ve oán thán râm ran. Phượng nức nở bởi sự chia tay các cô cậu học trò nên rực trời thương nhớ. Bằng lăng tím ngắt rồi cũng nhạt dần sau những cơn mưa rào gọt rửa cái nắng.
xua min
Ngày xưa ơi... Ảnh: Vinh xưa

Nắng ở Vinh tháng 5 chưa có gió Lào cũng đã gay gắt lắm rồi. Nắng vàng mắt bác xích lô oằn mình, mồ hôi làm nước ướt đẫm cả lưng áo lao động. Nắng đến nỗi chị hàng cá sau phiên chợ về nhà không tìm thấy bóng mình đâu nữa, nó nhỏ tý thoăn thoắt theo nhịp đạp bánh xe uể oải.

Lúc đó, người ta chưa sử dụng rộng rãi từ hotgirl nhưng sự nóng bỏng để miêu tả các cô gái làm ai cũng giật mình vì nếu mà cứ nóng như cái nắng hè miền Trung ắt cánh đàn ông chỉ sợ "hồng nhan hoạ thuỷ" xẩy ra chứ làm sao mà chịu nổi cái nóng hơ hớ như mùa hè.

Nắng hè còn gắn liền với cảnh cắt điện luân phiên. Lũ nhóc 7X, 8X ngày đó đâu được thưởng thức hơi mát từ những cái điều hoà. Cái chiếu cói cong vênh lên vì nắng. Muốn uống nước lạnh thì đổ nước chanh đường vào bidong rồi giòng dây xuống giếng ngâm càng lâu càng mát. Thi thoảng, đôi nhà giàu có cái quạt tai voi hoặc quạt Hoa Sen chạy xè xè khi chưa mất điện. Còn muốn mát cơ học, hoặc là cái quạt giấy "chành ra ba góc da còn thiếu", cái quạt nan" chớp chớp lay lay" hoặc là cái quạt mo thằng Bờm phe phẩy mang gió từ bàn tay uyển chuyển của người bà người mẹ đã là hồng phúc lắm rồi. Ban ngày, mất điện còn đỡ, ban đêm, khí trời oi nồng, chỉ muốn ra cái giếng thùng kéo gàu nước mát dội ào ào, nhưng cũng chỉ vợi cái nóng được một lúc thôi.

Nhớ Vinh, mùa tháng 5, oi ả, nắng cháy đen cháy đũi những đứa học trò đội trời đạp xe lầm lũi, đầu tháng thì cấp tập ôn thi, cuối tháng thì nhởn nhơ nhặt phượng, bẻ cành bằng lăng tím trao cho bạn gái vội vàng như sợ ai nhìn thấy rồi phóng xe mất hút. Nắng vàng mắt nhìn đường nhựa lấp loáng, bánh xe hằn trên đường bởi nhựa đường tan chảy...

Nhớ Vinh, nhớ con đường rợp bóng xà cừ, nhớ bóng đèn đường rải rác vàng vọt đầy bọ vừng và cà cuống sau những trận mưa rào, thi thoảng vài ba chiếc xe máy ồn ào trên phố chạy tới chạy lui điểm danh các mỹ nhân thành phố từ thượng cầu Rầm đến hạ Bến Thuỷ.

Nhớ sân Vinh đạp xe một vòng bở hơi tai, chẳng như bây giờ chỉ loáng chạy xe một cái là ôm trọn vòng ra đến cổng thành đã được trùng tu giả cổ.

Nhớ món cháo lươn càng xuýt xoa càng cay, cho thêm bao nhiêu chanh vẫn chẳng thấy chua, vị chua cay lẫn lộn lại mang đến cảm giác ngon, mát, bổ không bao giờ quên khi xa quê.

Nhớ Vinh, nhớ sân ga nhốn nháo, bịn rịn người đi kẻ ở của những lần chia tay đi tìm miền đất hứa mà hi vọng tương lai bao giờ sán lạn hơn.

Nhớ Vinh, nhớ mẹ quạnh hiu, đau gối mỏi lưng, lúc quên lúc nhớ nhưng ngày tuần, ngày kỵ ông bà tổ tiên lại chẳng hề quên.

Nhớ Vinh, là nhớ đám bạn lớn lên từng ngày với nhau "mi khi mô thì về rứa". Đành lại hẹn "hết dịch tất sẽ về". Quê hương mà, đâu có quên được, đặc biệt là lúc đi xa, lúc hoàng hôn đã từ từ phủ xuống cuộc đời thứ tuổi tác nhuốm màu trải nghiệm.

Nhớ Vinh, nhớ gia đình nhỏ xíu và những đứa con thơ ngây bụ bẫm, lớn khôn dần trở lên tỷ lệ nghịch với sức khoẻ mẹ già.

Nhớ Vinh, bao giờ mới về được để ăn đĩa bánh mướt dò chấm nước mắm chua chanh cay ớt đường Trần Thủ Độ với cô bạn quan niệm chẳng bao giờ kiêng mì chính độc hại bởi cứ ngon miệng là được, mì chính mà độc thì ai sản xuất ra mần chi?

Chiều nay, lòng lại chùng xuống sau cơn mưa, để nỗi nhớ Vinh xâm chiếm tâm hồn. Vinh của tôi và những người xa quê ơi, lòng luôn man mác nhớ quê nhưng đâu dễ nói là về luôn được. Vinh của tôi, tôi lại nợ Vinh lời hứa "bao giờ... sẽ về"...

Xem thêm: Gái Vinh cay hơn gừng, mặn hơn muối

 

Tác giả: NGUYỄN THU THỦY

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây