Gái Vinh cay hơn gừng, mặn hơn muối...
Bàn về chủ đề con gái Vinh, chị Nguyễn Thu Thủy - một người con gái Vinh chính gốc đã có góc nhìn rất thú vị. Được sự đồng ý của chị, Nghệ ngữ xin chia sẻ câu chuyện này.
Chuyện về 3 đời con gái Vinh
Ông nội tôi có hai người vợ đều là gái Vinh. Bà nội đầu của tôi người làng Phong Văn, Hưng Dũng. Nghe kể lại tuổi thanh xuân bà đẹp nức làng, da trắng, tóc dài, dáng mảnh mai. Bà làm nghề hàng xáo, đi mua thóc tận chợ Quán, chợ Cầu về xay rồi đem lên chợ Mới bán.
Ông nội tôi lúc đó còn thư sinh, được theo học chữ Nho, người làng gọi là thầy nên chỉ biết ăn rồi học tam tự kinh. Được người mai mối, ông tôi bí mật đi xem mặt bà bằng cách bảo chị dâu đi đong gạo của bà bán rồi đứng từ xa quan sát. Bà tôi một bằng một bát, nói năng dễ nghe mặc dù tiếng Hưng Dũng hơi ồm ồm tý nhưng bù lại thoăn thoắt đong gạo đầy bơ, lại bốc thêm một nắm thêm cho người mua khiến ai cũng vui, cũng thấy thoả mãn.
Ông tôi ưng bà liền khi thấy bà đảm đang chợ búa và gọi cố tôi đưa trầu cau đến hỏi cưới tức thì. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, bà tôi sinh bác tôi ra thì mất, và sau một tháng bà tôi cũng mất luôn theo bác. Mọi thông tin về bà chỉ qua lời kể của ông tôi và anh em họ hàng.
Hai năm sau, ông tôi lấy vợ mới là người làng Ngũ Phúc, Hưng Lộc. Bà nội tôi sinh ra 10 người con nhưng chỉ nuôi được 6 người vuông tròn. Bà tôi dáng tròn, nước da bánh mật, ăn nói cũng không khéo léo như bà trước, tuy bù lại bà hay lam hay làm, suốt ngày quần quật ăn rồi đẻ và chuyện đồng áng sớm trưa. Năm 1964 khi sinh lần thứ 10 xong bà tôi cũng ra đi, để lại sự tiếc thương vô hạn cho một kiếp người cam chịu, chuyên cần và ôn nhu.
Chúng tôi, thế hệ thứ 3 là gái Vinh ngoại thành. Điểm nổi bật dễ thấy những đứa con gái trong họ hàng, là cái lúm đồng tiền xinh xinh và gương mặt tròn phúc hậu, đôi mắt sáng thông minh. Đời chìm nổi theo sự phát triển của Vinh, gái nửa quê nửa tỉnh lớn lên, đứa nào cũng biết nấu rượu lậu, biết làm ruộng, biết quẩy quả chợ búa qua ngày và phần đa là thoát ly khỏi cây cày ruộng lúa.
Gái làng tôi nói riêng và gái Vinh nói chung nhìn thì hiền, ai nói cũng chỉ cười nhưng cũng đanh đá đáng mặt khi bị ức hiếp.
Gái Vinh ẵm trọn đức tính người Nghệ
Gái Vinh là thương hiệu của một vùng. Người ở quê thì ngưỡng mộ, kẻ xa thì thú vị còn người gần cũng hơi khiêp khiếp. Gái Vinh, ẵm trọn đức tính của người Nghệ, chịu thương, chịu khó, ham học, học được. Nhưng cái nổi nữa không biết là ưu điểm hay tồn tại đó là hay cãi, bất cần. Lý sự của gái Vinh, cái gỉ cái gi, cái gì cũng biết, cái không biết chỉ là sự giả vờ, giả đò để biết rõ hơn thôi.
Gái Vinh đọc ý người khác nhanh có kể, nhưng làm theo lại dựa vào ý mình có thích hay không. Gái Vinh, khi làm duyên cũng dạ thưa, ngọt nhạt, có người nhầm gái Huế, nhưng gái Vinh không nũng nịu, nếu đã nũng nịu thì chỉ có làm người ta say đứ đừ thôi. Gái Vinh biết nói khi cần, biết im lặng khi bất cần, biết nhẫn nhịn và cũng rất biết nổi loạn. Gái Vinh, không lằng nhằng "chạc điện", nhất là bét khi không còn tin, không còn yêu...
Một đặc điểm nữa, gái Vinh thông minh nhưng đối với quan trường, hầu như thờ ơ, chỉ muốn được nhìn nhận mà không muốn ghi danh. Điểm này, gái Vinh thua gái huyện tính quyết đoán, tính ăn thua. Họ có cách nhìn đời bằng con mắt AQ, phép thắng lợi tinh thần của họ là những niềm vui nho nhỏ, sự tán dương người thật việc thật chỉ ở bên lề hội nghị , chẳng thể hiển vinh được bao nhiêu, họ chỉ là sự ngưỡng mộ của con cái, của bạn bè, đồng nghiệp.
Gái Vinh, cay hơn gừng, mặn hơn muối bể Đông. Gái Vinh nóng hơn gió Lào, lạnh hơn gió mùa đông bắc. Gái Vinh, ngọt như nước dòng Lam, nồng như rượu Nghi Phú, ngon và bổ dưỡng như bát cháo lươn Vinh.
Ai từng quen, từng yêu, từng hận gái Vinh có đồng cảm vậy không ta?
Tác giả: NGUYỄN THU THỦY
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Gáng hay ráng? Gáng lên hay ráng lên? Ráng sức hay gáng sức?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Tỉ mỉ hay tỷ mỷ đúng? Nên viết i ngắn hay y dài hay hơn?
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Top 5+ địa chỉ thuê xe máy ở Hà Tĩnh tốt và có giá rẻ nhất
-
Lý thuyết hay lí thuyết? Lý luận hay lí luận viết đúng?