Cháo lươn Vinh và kỷ niệm khó quên
Bác Viet Ho là một người Nghệ xa quê. Được sự đồng ý của bác Nghệ ngữ đăng tải bài viết thú vị về món cháo lươn Vinh. BBT trân trọng kính mời quý bạn đọc nghe câu chuyện đậm chất Nghệ này.
Không phải riêng nước Việt mình, mà cả thế giới, mọi nơi, mọi miền đều có một đặc tính riêng, đặc sản riêng, đặc trưng cho xứ sở. Âu cũng là do thời tiết, khí hậu, đất đai “núi sông bờ cõi đã chịa, phong tục Bắc Nam cũng khác”. Mỗi một hương vị mỗi đặc sản luôn luôn “hùng cứ mỗi phương”.
Món ăn cũng vậy có phở Bắc, bún bò Huế, hủ tiếu Nam. Ấy vậy mà cũng thịt bò đó cũng các thứ gia vị đó mà lại ăn bún bò Huế ở Hà nội thì chỉ sơ sơ tạm bợ, ăn cho đỡ nhớ mà thôi. Chứ không hiểu sao mà nó đã không đậm đà mà lại nhạt phèo như nước lèo cơm hến… Sài gòn.
Bởi vậy muốn ăn một bát cháo lươn cho thật đã, hợp “gu” thì chỉ có ở Vinh. Vâng Vinh Nghệ Tĩnh.
Không hiểu sao khi tôi còn bé người ta thường “trút vảy cho lươn” bằng ám chỉ những trận đòn là cho ăn “cháo lươn”. Còn bây giờ nếu có cháo lươn (ở) Vinh tôi sẽ xung phong chịu đựng nó “mút mùa Lệ thủy”.
Vinh, sơ sơ cũng có ba quán lươn khá nổi tiếng: Cửa thành, Cổng chốt, Quán bàu chỉ khác nhau về độ cay chứ ngoài ra gia vị và phẩm chất cũng na ná như nhau. Gọi là “cháo lươn” nhưng thực chất là lươn đã được xé phay rồi nấu trong cái bung lớn loãng như soup, cháo nấu riêng. Thực khách cứ thế mà gọi.
Cách nấu cháo lươn Vinh thì cháo ít, lươn nhiều, những hạt gạo ít ỏi nấu nhừ, loãng thoảng điểm trong bát cháo đầy lươn. Riêng tôi thì chi khoái "một trăm phần trăm em ơi! một trăm phần trăm!” soup lươn thôi nhé! Soup hay cháo thì người ta cũng phải kèm theo đĩa bánh mướt, bánh đa hay mấy ổ bánh mì.
Bánh mướt ăn một mình thì nhạt nhẽo vậy mà khi đi với cháo lươn thì không những bồi bổ thêm cho cái bụng kẹp lép mà còn tăng thêm phân khoái khẩu ngọt ngào “ăn một rồi lại muốn thêm hai” của nó nữa. Cũng như cây phong lan không thể sống để nở ra những cánh hoa đẹp đẽ nếu như không có cành gỗ mục.
Bát thứ hai lại đổi món, soup lươn với bánh mì. Những miếng bánh mì nóng giòn, bỏ vào bát lươn đỏ sóng sánh điểm lơ thơ nhúm lá rau răm đã băm nhỏ, đẫm điều cho nó ngụp lặn trong bát soup lổm ngổm những mảnh lươn xé nhỏ đầu đũa thâm thẩm, vàng óng uốn lượn như những con rồng ẩn hiện giữa đại dương rực lửa. Lấy thìa khoắng nhẹ một miếng bánh đã “trẫm mình” kỹ lưỡng bỏ vào miệng, gắp thêm cọng lươn, chan thêm thìa nước chậm rãi nhào lộn với nhau trong miệng.
Chẳng nhớ mình có nhắm mắt lại hay không nhưng cứ như thế để cho nó từ từ, từ từ trôi vào cái bụng cho thỏa nỗi khát khao. No bụng mà vẫn đói con mắt, muốn bát thứ ba, hòa với bánh đa. Mấy thằng bạn cầm tay cản dữ lắm mới thôi "để tối còn cá có cuống cùng rau muống chấm tương".
Sáng nào cũng phải chiếu cố cháo lươn. Vậy mà chưa đã để khi vào lại Sài gòn thế nào cũng phải có một liễn lớn làm quà. Ra sân bay, qua kiểm soát, nhân viên gác cổng thấy mấy thứ cồng kềnh thì “hỏi thăm” bằng Anh ngữ (tưởng tôi ngoại quốc).Tôi trả lời bằng tiếng Nghệ cố rành rọt từng từ một. Anh ta tròn mắt:
- Bác học mô mà nói tiếng Nghệ hay rứa?
- Người Nghệ mẫn răng mà không biết nói tiếng Nghệ. Còn. Cấy. Ni. Là. Cháo. Lươn. Vinh. Tui nói rứa đồng bào nghe có rõ khôông?
Hớn hở anh ta mở cổng để tôi đi qua với nụ cười toe toét.
>>>Xem thêm: Top những quán lươn đồng ngon nhất ở Vinh
Tác giả: Viet Ho
Tags: tâm tình người nghệ
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Lười nhác hay lười nhát viết đúng? Phân biệt nhát và nhác
-
Cách phân biệt xong hay song chính xác nhất
-
Ngành hay nghành là đúng? Khi nào viết ng hay ngh?
-
Tỉ lệ hay tỷ lệ là đúng? Cách viết nào chính xác hơn?
-
Mặc khác hay mặt khác từ nào đúng chính tả tiếng Việt?
-
Sổng chuồng hay xổng chuồng? Viết sổng hay xổng là đúng chính tả?
-
Gởi hay gửi? Kính gửi hay kính gởi? Cách phân biệt gởi và gửi
-
Dời lịch hay rời lịch đúng chính tả? Cách phân biệt dời hay rời
-
7 bài thơ ngắn hay về triết lý cuộc sống của tác giả Thái Bá Tân
-
Cập nhật số điện thoại, giá cước Taxi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mới nhất
-
Chân quý hay trân quý viết đúng? Mẹo phân biệt chân hay trân