Nghệ Ngữ

https://nghengu.vn


Cách làm bánh mướt xáo lòng đặc sản người Nghệ

Bánh mướt nhìn qua tưởng như món bánh ướt Sài Gòn hay bánh cuốn Hà Nội. Nhưng thực ra cách làm lẫn thưởng thức rất khác biệt. Bài viết hôm nay Nghệ ngữ sẽ hướng dẫn cách làm bánh mướt đúng chuẩn người Nghệ.
Cách làm bánh mướt
Người Nghệ ai cũng biết món bánh mướt.

1. Làm bánh mướt cần chuẩn bị gì?

Bên cạnh cháo lươn Vinh, ram Hà Tĩnh, thì bánh mướt phải được xem là một đặc sản ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Người dân ở đây sáng rất hay dùng bánh mướt ăn sáng hoặc đôi khi làm món chính trong giỗ, tiệc hay mùa cấy giặt lúa để tiết kiệm thời gian.

Nếu tìm kiếm cách làm bánh mướt chúng ta sẽ thấy hàng loạt cách làm khác nhau. Nhưng ngon nhất phải học cách làm của người Nghệ An. Đặc biệt, với ai sành ăn bánh mướt thì nhớ đến vùng Diễn Châu nơi có nhiều gia đình làm bánh mướt truyền thống từ nhiều đời. Dưới đây là những nguyên liệu cần có.
  • Gạo tẻ (tiếng Nghệ gọi là gạo lòn): 200 gram
  • Hành lá: 1 nắm
  • Hành khô (chọn hành tăm mới ngon): 8 củ
Lưu ý: Trong cách làm bánh mướt người Diễn Châu họ rất chú trọng việc chọn gạo. Ngày xưa người dân nơi đây chọn loại gạo Vê (ở huyện Quỳnh Lưu) về làm bánh mướt. Nay loại gạo này ít nên họ chuyển qua gạo lòn bình thường.
banh muot xao long
Món vánh mướt xáo lòng ngon đúng điệu.

2. Hướng dẫn cách làm bánh mướt Nghệ An ngon đúng chuẩn


Để làm bánh mướt Nghệ An cần thực hiện theo các bước như sau:

2.1. Ngâm gạo

  • Đem gạo ngâm 3 tiếng. Sau đó đem xay nhỏ rồi ngâm thêm 3 - 6 tiếng để gạo đủ "độ chín".
  • Tiếp tục đem gạo xay thành bột nước sau đó để lắng. Thông thường quá trình lắng bột phải mất 2 tiếng. Công đoạn này rất cần thiết để bánh mướt dai, mịn, phồng.
ngam gao
Cần ngâm gạo ít nhất 3 tiếng trước khi tráng bánh.

2.2. Tráng bánh

  • Cho nước vào gần đầy nồi tráng bánh. Sau đó bọc lên một lớp vải mịn trên miệng nồi.
  • Đưa nồi tráng lên bếp và đun sôi nước. Khi nước sôi, múc từng muỗng bột gạo mới xay trải mỏng đều lên lớp vải mịn. Sau đó đậy vung lại như cách làm bánh ướt ở trong Nam.
  • Cán đều cho bánh vừa ăn, thêm hành lá.
  • Sau cùng dùng đũa bếp nhấc bánh lên đặt ra ngoài và cuốn lại.
Lưu ý: Ở bước tráng này phải làm đều tay để tránh bánh không quá dày hay mỏng. Ngoài ra bếp phải luôn đun lửa lớn để nồi sôi, hơi nước bốc lên mạnh để căng miếng vải tráng bánh.
trang bot
Bột làm bánh mướt.

2.3.  Làm hành phi

  • Hành tăm rửa sạch, sau đó thái mỏng.
  • Cho dầu ăn lên chảo đun nóng. Khi dầu sôi già thì cho hành tăm vào phi đến khi vàng ươm thì vớt ra. Lưu ý vàng hành là được, không để cháy nhé.
trang banh muot
Công đoạn tráng bánh mướt cần khéo léo.

3. Một số bí quyết trong cách làm bánh mướt ngon ở Nghệ An

Với người Diễn Châu, khi làm bánh mướt họ có một số bí quyết riêng như sau.
  • Người dân lấy chắt lấy nước cốt của chậu bột ngâm hôm trước để tráng bánh.
  • Vải mịn để tráng phải đạt yêu cầu về độ mịn màng.
  • Họ luôn để lửa to, nước thật sôi.
  • Dùng môi để múc từng lớp bột tráng lên, sau đó đậy vung lại.
  • Khi bánh chín thì kéo ra nhanh, cuộn tròn và cho vào lá chuối.
banh muot ga xao
Món bánh mướt ăn với gà xáo Thanh Chương.

4. Bánh mướt Nghệ An ăn với món gì?

Người Nghệ Tĩnh ăn bánh mướt với nước mắm, thêm chút chanh và ớt tươi là đủ ngon. Nếu kỳ công họ làm thêm chút rau chuối để ăn kèm. Hoặc ngon nhất là ăn với xáo lòng, bò hầm, thịt gà nấu xáo Thanh Chương...

Nếu bạn muốn làm bánh mướt xáo lòng thì cần làm bánh mướt như hướng dẫn trên. Và bước tiếp theo làm xáo lòng bạn làm như sau nhé:
  • Mua lòng heo tươi ngon nhất.
  • Sơ chế sạch sau đó cho vào đảo với dầu ăn đã phi thơm hành tăm. Nêm nếm gia vị.
  • Đổ nước vào xâm xấp, đun sôi hai lần là dùng được.
Muốn làm xáo ngon, các nguyên liệu mua về phải còn tươi. Sau khi sơ chế, tất cả được đảo cho săn lại trên chảo dầu đã phi hành thơm từ trước, thêm các loại gia vị cho vừa miệng. Bước cuối cùng là đổ thêm nước vào, đợi đến khi sôi lại là có thể dùng được.

Cách làm bánh mướt khá cầu kỳ và tốn công sức. Nhưng món ăn này rất ngon và đậm đà vị xứ Nghệ. Nếu không có thời gian làm bạn có thể ghé nhiều hàng quán trong bán ở các chợ Nghệ An, Hà Tĩnh ăn thử nhé. Hoặc ngay cả ở Sài Gòn cũng có bán bánh mướt xứ Nghệ nữa đấy.

 

Tác giả: Nghệ ngữ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây