Nghệ Ngữ

https://nghengu.vn


Từ điển ca dao tục ngữ Nghệ Tĩnh (vần B)

Trong bài viết trước, Nghệ ngữ đã giới thiệu ca dao tục ngữ Nghệ Tĩnh vần A, Ă, Â. Trong bài viết hôm nay chúng tôi xin giới thiệu những câu ca dao tục ngữ xứ Nghệ vần B. Mời bạn đọc cùng theo dõi.
ME min
Ca dao tục ngữ xứ Nghệ có rất nhiều câu thú vị.

1. Ba cơm, bảy mắm, chín cà sớm mưa, trưa nắng, mới ra ló này


Ba (bát ) cơm, bảy (con) mắm, chín (quả) cà muối mặn: Ăn theo tỷ lệ này là ăn rất mặn, chỉ có người lao động nặng mới ăn mặn như vậy. Hàm chỉ cuộc sống kham khổ của người nông dân, phải đổ ra nhiều công sức mới có được sản phẩm.

2. Ba đấm cụng bằng một đạp

Sự thiệt hại của hai bên trong tranh chấp là như nhau. Thí dụ: Mi đừng hậm hực nữa, ba đấm cũng bằng một đạp. Theo nghĩa khác, câu này khuyên việc gì cần thiết thì phải làm đừng quá tiết kiệm, ki bo mà không có hiệu quả. Mần một lần có phải hơn không, ba đám cụng như một đạp.

3. Ba lạy bảy tùy

Nhịn nhục, tuỳ lụy thiên hạ đủ đường. Ý nói thích ứng với mọi cảnh ngộ để sống.

 4. Ba lọc bảy lừa mắc phải bừa rụng răng

 Đối với nhà nông cày bừa là nông cụ quan trọng nhất, cho nên khi mua sắm hai loại nông cụ này họ lựa chọn cẩn thận. Nhưng lựa chọn quá kỹ lại hay mua nhầm công cụ kém chất lượng. Ở đời, bất cứ việc gì cũng thế, cầu toàn quá dễ hỏng việc; kén chọn quá để mất cơ hội cuối cùng sẽ phải chấp nhận cái kém hơn, tệ hại hơn.

 5. Ba mai bảy choòng

Vô tích sự, không làm nên việc gì.  Nó thì ba mai bảy choòng thế chứ có làm nên việc gì đâu.

 6. Bà rú Lông đi ông rú Trà

Hai địa danh này thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Rú Trà thuộc xã Thanh Phong, rú Lông thuộc xã Thanh Hương. Câu này sử dụng cách nói nhân hoá để chỉ một hiện tượng khí hậu ở địa phương. Về mùa gió Lào, gió thường đổi chiều từ rú Lông gây nên nhưng cơn lốc nhỏ thổi xuống rú Trà làm cho nhà cửa đổ sập, mùa màng hư hại. Khi xảy ra hiện tượng này, dân địa phương quan niệm là bà thần rú Lông đi thăm ông thần rú Trà.

Xem thêm: Cách làm nhút mít Thanh Chương chuẩn vị 
nghe ngu min
Trẻ em xứ Nghệ. Ảnh: Quốc Đàn

7. Bác một trự mự cũng một đồng

Hai bên cùng đóng góp để lo việc chung, và sự đóng góp đó là bình đẳng nên đừng ai tị nạnh ai.

8. Bán ba con tru mua một thúng ló. Bán ba con chó mua một vại cà

Bán ba trâu là bán một số tài sản lớn nhưng chỉ mua được rất ít lương thực (một thúng lúa); bán ba con chó cũng chỉ mua được một vại cà (loại thức ăn rẻ nhất). Câu này ám chỉ tình cảnh khốn khó của nhà nông vào những năm mất mùa đói kém. Ngày ba tháng tám thì bán ba con tru mua một thúng ló bán ba con chó mua một vại cà để mà phòng đói.

 9. Bán bò mua cuốc

Chỉ những kẻ ngớ ngẩn, không biết tính toán, bán đi một tài sản lớn để mua một vật dụng nhỏ, bỏ điều thuận lợi chuốc lấy khó khăn. Mi mà bán cái xe Mini thì lấy chi mà kiếm ăn, rứa là bán bò mua cuốc.

 10. Bán chị em ngái mua láng giềng ghin

Chỗ dựa gần quan trọng hơn những mối quan hệ xa. Đến ở đất này trăm sự nhờ bà con cô bác, bán chị em ngái mua láng giềng ghin mà.

 11. Bán củi để con chết rét

Bi kịch của người lao động, làm ra sản phẩm mà mình không được hưởng vì bị các thế lực thống trị tước đoạt; rơi vào cảnh ngộ cùng quẫn. Tội nghiệp cho cánh dân sơn tràng, bán củi để con chết rét. 

 12. Bán đầu cá, vá đầu tôm

Chỉ cuộc sống chắp vá, ăn sáng lo bữa trưa, đắp đổi tháng ngày. 

13. Bán gà kiêng trời gió, bán chó kiêng trời mưa

Trời gió gà co ro vì lạnh, lông xơ xác, trời mưa làm lông chó dính bết lại, không đẹp mã, khó bán.

14. Bạn thương hơn nương rào

Sống hữu hảo, thân tình với nhau thì mọi việc yên bình, ngược lại thì dù tường cao cổng kín cũng khó lòng ở yên. Đi ra con phải nhớ ăn ở tốt với người ta, bạn thương hơn nương rào con ạ.

15. Bánh đa chợ Cày, bánh tày chợ Voi

Chợ Cày ở Thị trấn Thạch Hà và chợ Voi ở Kỳ Bắc, Kỳ Anh là hai chợ có bánh tày và bánh đa ngon nổi Tiếng của Hà Tĩnh.

 Xem thêm: Những cái tên quê tôi

16. Bánh khéo không ai khen, cháy seng mình phải vạ

 Rán bánh khéo vừa ngon vừa thơm thì bánh phải hơi sém da nhưng như vậy rất dễ cháy chảo. Nghĩa là bánh ngon người ăn chưa chắc đã khen nhưng lỡ cháy chảo thì người rán phải chịu trách nhiệm.

 17. Bánh tày nhân cá rô

Chỉ sự quê mùa, lạc hậu ngày trước ở vùng Yên Thành.
 
18. Bao giờ chớp bức sang Đông. Ráng lòe phương Bắc, mưa dông rõ ràng

Kinh nghiệm xem thời tiết của dân địa phương: khi thấy hiện tượng trên là trời sắp nổi giông tố.

 19. Bạo ăn Trường Lại bạo cại Trường Phong

Trường Lại và Trường Phong là hai xóm thuộc xã Kỳ Thịnh, Kỳ Anh, nổi Tiếng ăn khoẻ và hay lí sự.

 20. Bạo không ai khen, hèn người ta chê

Thói thường, người đời ít khi thừa nhận cái tốt, cái đẹp của nhau mà chỉ tìm cách moi móc điều xấu, diều dở của người. Thói ganh ghét đồng loại, tìm cách hạ thấp uy thế của người khác. Chớ có trổ tài múa may, ở đời bạo không ai khen, hèn người ta chê.

21. Bát cơm đạ lợ chan canh vô rồi

Việc đã xảy ra, không còn cách gì thay đổi. Mọi việc đã được an bài, nhất là trong tình duyên, không có cách gì thay đổi được.

22. Bàu cạn hói khô

Bàu: hồ nước vùng chân núi; hói: ngòi nước nhỏ chảy ra sông lớn) Cảnh sống rất khó khăn trong việc canh tác của cư dân vùng bán sơn địa.
chua kien min
Chua khớt, chua kiên... ai còn nhớ? Ảnh: Quỳnh

23. Bay cao bay thấp cụng kể là diều. Ăn ít ăn nhiều cụng kể là ăn


Mọi việc sẽ được đánh giá theo đúng chức năng, bản chất dù mức độ biểu hiện thế nào. Làm việc gì phải ra việc đó, bay cao bay thấp cũng kể là diều, ăn ít ăn nhiều cũng kể là ăn. Kinh nghiệm ứng xử trong ăn uống: ăn ít hay nhiều cũng mang tiếng, nên đã ăn thì ăn cho thỏa thích. Chớ có làm khách mà đói, bay cao bay thấp cũng là diều, ăn ít ăn nhiều cũng kể là ăn .

24. Bày cho đị vén váy. Bày cho tiến sị viết văn. Bày chó tra liếm cối

Hàm chỉ những người lúc nào cũng cho mình thông minh hơn người, lúc nào cũng muốn làm thầy kẻ khác.

25. Bảy  mươi chớ cười bảy mốt
 Đời người khó mà lường được những tai biến xảy ra khó mà nói trước được bất cứ điều gì. Chẳng biết trời mấy tuổi, bảy mươi chớ cười bảy mốt.

 26. Bắt được tay nhay được cánh

Bắt được quả tang kẻ đang định làm việc xấu, việc phạm pháp. Cái thằng trộm ni đã gian manh, bắt được tay day được cánh mà nó cứ chối phăng.

 27. Bắt chí cho mụ gia chộ đa đa trên đường

Bắt chấy cho mẹ chồng là sự săn sóc thân tình, nhưng lại thấy ba ba ngoài bể nghĩa là ngó bâng quơ làm giả vờ. Chỉ hạng người lơ đễnh, không chú ý vào việc đang làm. Cái thằng ni (này) rõ là bắt chí cho mụ gia chộ ba ba ngoài bể.

28. Bắng nhắng như lằng vào chuồng tru

Chỉ loại người xum xoe, nịnh bợ gặp việc gì có đông người thì lăng xăng, nhặng xị lên nhưng kỳ thực vô tích sự, chẳng làm được việc gì. Nó suốt ngày bắng nhắng như nhặng vào chuồng tru.

 29. Bấc bỏ qua đèn, mèn bỏ qua rui

Không thể làm chuyện trái đạo ly lẽ thường được cũng như bấc không thể bỏ qua đèn, mèn không thể bỏ qua rui được.

30. Bất nhân như lính, bạc nghĩa như làng

Lính tráng được huấn luyện và tổ chức đàn áp cho nên thường bất nhân (tàn ác), làng là quần cư sinh sống của một cộng đồng nông thôn lâu đời nên thường tồn tại nhiều hủ tục tập quán không tốt. Quan hệ trong làng, khi có việc, thường lấy số đông áp đảo số ít, bất chấp chuyên ăn ở tình nghĩa thường ngày.

 31. Bẩy nhau ả em du, lu bù là anh em rể

Hàm chỉ quan hệ anh em rể tốt hơn chị em dâu. Chị em dâu thường hay kích bác, chơi khăm nhau để hạ bệ, làm mất mặt nhau trước người nhà đàng chồng. Anh em rể gặp nhau thường bù khú với nhau một cách vui vẻ.

32. Bè lim sào ná

Công việc nặng nề, hết sức khó khăn nhưng khả năng giải quyết lại hết sức hạn chế.

 33. Bè ta ná chú

Danh nghĩa thì của mình, nhưng lợi ích thì của người.

34. Bẹ ấp cành cau

Sự gắn bó gần gũi đến mức khó mà rời nhau ra trong mọi hoàn cảnh.

35. Bẻ que đo vại nác mắm

Chỉ sự bủn xỉn, keo kiệt.

 36. Béng cá giá ruốc

Những thứ thức ăn dân dã chợ quê mà người quê thích và thường mua khi đi chợ. Mẹ nó đi chợ về chắc là đã no rồi, ngoài chợ thiếu chi béng cá giá ruốc.

Xem thêm: Bún, giá, cá, ruốc

 37. Béng lèng trong lá

Khó mà biết được thực chất bên trong khi chỉ thấy được hình thức bên ngoài. Cậu lầm là phải, béng lèng trong lá, có trời mà biết.

 38. Béng cú đem đi, béng dì đem lại

Luật đời sòng phẳng, có đi có lại có cho có nhận. Nó rứa chịu nhởi (chơi), béng ú đem đi béng dì đem lại.

 39. Béo cảy béo cương

Sự to béo đến mức gây cảm giác khó chịu. Béo đến mức tưởng như bị sưng sỉa ra.

40. Béo như trấn mấn

Chỉ ai đó, người nào đó béo đến mức trông bẩn tướng, dị dạng. Mi ăn chi mà béo như trấn mấn rứa?

 41. Bề ngoài làu lảu như hoa, mà trong ghẻ guốc tiêm la ba tầng

Làu lảu: trơn tru sạch sẽ; Tiêm la: bệnh hoa liễu. Bề ngoài nhìn sạch sẽ, xinh đẹp, đáng yêu nhưng bên trong thì lại dơ bẩn, bệnh hoạn.

 42. Bể bát tát rọt

Tâm lý xót xa, nuối tiếc khi của cải, vật dụng bị hư hỏng, mất mát. Mất cái xe nó tiếc lắm, bể bát tát rọt mà.

 43. Bền c... lọ hơn bền gọ lim

Tình cảm vợ chồng hài hoà, nồng thắm hơn là nhà cao cửa rộng, của cải dồi dào.
mit min
Món mít non lọc của người Nghệ Tĩnh.

 44. Bền quai dai cuống

Chất lượng tốt thì sử dụng được lâu dài. Làm một việc gì đó với một ý chí bền bỉ, dẻo dai. Trong làng này, nó thuộc loại bền quai dai cuống.

 45. Bên ngoại thương nó bằng bên nội ghét


Quan niệm này là sản phẩm của chế độ phụ hệ. Cái gì bên nội cũng tốt hơn, có giá trị hơn bên ngoại. Quan hệ bên nội là quan hệ huyết thống nên chi phối mọi mối quan hệ khác. Về làm dâu nhà người ta còn phải nhớ rằng: bên ngoại thương nỏ bằng bên nội ghét.

 46. Bệnh gấp lành mau, đau lâu trậm khỏi

Theo quan niệm y học cổ truyền bệnh đổ đột ngột thường là bệnh nhẹ, mau lành chóng khỏi, bệnh âm ỉ mà phát chậm thường là bệnh nặng phải chữa lâu và chậm khỏi. Yên tâm đi, bệnh của nó chẳng có gì phải lo, bệnh gấp lành mau, đau lâu chậm khỏi cơ mà.

47. Biết sự trời mười đời khỏi đói

Không ai có thể biết chuyện gì có thể xảy ra, vì thế cần phải chấp nhận những rủi ro, khó khăn mà mình gặp phải. Mi thì chỉ nói tài (bốc phét), biết được sự đời mười đời

48. Bò đẻ tháng năm nỏ bằm thì hui

Tháng năm là tháng nóng nhất trong mùa hè, bò đẻ vào tháng này do nóng mà hay bị khát sữa, bê không có sữa bú thường dễ chết.

 49. Bò trao chạc, bạc trao tay

Làm việc gì cũng phải rạch ròi, dứt điểm.

50. Bỏ tiếc mò su

Không biết lượng sức, chọn những việc vượt quá sức mình, mất công theo đuổi không đạt kết quả vì gặp quá nhiều khó khăn cản trở, bỏ thì tiếc công, tiếp tục theo đuổi thì không đủ sức. Đã nói là mần (làm) không nổi rồi mà vẫn cứ liều, giờ bỏ tiếc mò su, thấm còn chưa.

51. Bớt đen lắm ló, bớt đỏ lắm tiền

Bớt: vết chàm trên da. Quan niệm nhân tướng học dân gian cho rằng: người có bớt đen giàu về lúa gạo, người có bớt đỏ giàu về tiền bạc.

52. Bớt nồi sang niêu

Do hoàn cảnh túng thiếu phải thu hẹp phạm vi sử dụng tài sản, giảm thiểu việc chi Tiêu. Anh ta bán cái nhà mặt đường để vào xóm ở cũng là bất đắc dĩ phải bớt nồi sang niêu.

53. Buồn như chó chết con

Gia súc trong nhà thì chó là loài vật có tình cảm nhất. Chó mẹ mà con bị chết thì nó sầu đến mức bỏ ăn và tru lên một cách thê thảm. Chỉ trạng thái rất buồn. Thi hỏng nó buồn như chó chết con.

 54. Buồn như anh mất gấy

Rất buồn, buồn đến mức không nói năng, không làm được việc gì nữa. Chú mi đi mô về mà buồn như anh mất gấy rứa?

 55. Buồn như kèn đám ma

Chỉ cảnh tượng, không khí buồn da diết, não nùng. Mi bữa ni có chuyện chi mà ăn nói buồn như kèn đám ma rứa?

 56. Bụng tròn như vại nhút

Nhút: món ăn được muối từ xơ mít hoặc củ chuối được trộn lẫn với một vài thứ rau gia vị khác và gạo rang dùng để làm thức ăn ở vùng nông thôn. Ở Nghệ An, nổi tiếng có nhút Thanh Chương.

57. Bụng như bụng cá cóc 

Bụng ỏng trông có vẻ bệnh hoạn. Thằng bé bị cạm, bụng như bụng cá cóc.

58. Bụng như bụng chó nảy xuống ao

Chó rơi xuống ao vì uống no nước mà bụng phình ra. ý nói bụng căng tròn vì ăn uống quá nhiều, chỉ hạng người phàm phu tục tử Không biết hắn ăn chi, uống chi mà bụng

59. Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc

Cấm Chỉ tức là ngõ Cấm Chỉ, thuộc phường Văn Chương, khu Quốc Tử Giám ngày nay, là nơi xưa kia sản xuất nhiều loại bút lông nổi tiếng. Thiên Lộc là tên cũ của huyện Can Lộc ngày nay. Xưa kia, Thiên Lộc nổi tiếng vì có nhiều kẻ sĩ hiển đạt lưu danh sử sách.

60. Bụt chùa Già, ma chùa Dọc

Chùa Già là ngôi chùa của làng kẻ Già nay thuộc xã Thạch Kênh, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ngày xưa, ngôi chùa này có Tiếng là linh thiêng. Chùa Dọc là ngôi chùa thuộc xã Tiến Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh (gần xã Thạch Kênh), một ngôi chùa hoang có Tiếng là lắm ma. Cả hai ngôi chùa này, nay không còn nữa.

 61.Bươi kít cho hôi

Những cái dở không tìm cách che dấu, dẹp bỏ lại còn bới lên cho thêm rắc rối; làm việc gì đó dở dang, không xong, để lại hậu quả xấu.

 62. Bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, hồng vuông Thạch Hà

Chỉ ba loại đặc sản nổi tiếng ở Hà Tĩnh (cam, bưởi, hồng). Phúc Trạch là một xã của huyện Hương Khê có giống bưởi ngon nổi tiếng cả nước. Giống cam bù ở huyện Hương Sơn, giống hồng vuông ở huyện Thạch Hà cũng được thiên hạ biết tiếng từ xưa vì sai quả.

Xem thêm: Mùa bưởi Phúc Trạch

 
com moi lac min
Về ăn cơm mói lạc!

Tác giả: SƯU TẦM

Nguồn tin: Ca dao tục ngữ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây