Từ điển ca dao tục ngữ Nghệ Tĩnh (vần A, Ă, Â)
Trong kho tàng ca dao tục ngữ Nghệ Tĩnh có rất nhiều câu thú vị, độc đáo. Với mong muốn lưu giữ và giới thiệu đến bạn đọc những nét đẹp trong tiếng Nghệ, Nghệ ngữ đã sưu tầm lại những bài viết này. Trân trọng kính mời quý bạn đọc cùng đọc và suy ngẫm những lời dạy cha ông ta trong đó.
Từ điển ca dao tục ngữ Nghệ Tĩnh vần A
1. Ả em du như bù nác đấy
Quan hệ giữa chị em dâu thường không được thắm thiết như quan hệ giữa chị em gái. Khi đôi bên đối xử với nhau lạnh nhạt, xem nhau như người dưng, dân gian thường ví: Ả em du như bù (bầu) nác (nước) lạnh. Còn khi quan hệ giữa đôi bên xấu hơn, không còn tôn trọng nhau, ganh ghét, dè bỉu nhau thì thành ngữ này được dùng để chỉ mối quan hệ đó.
2. Ả em du như tru một bịn
(Bịn: cái lỗ được trổ ở đầu cây gỗ để buộc dây vào kéo gỗ từ nơi khai thác về địa điểm tập kết (bến bãi). Dây dùng để buộc vào bịn gọi là chạc bịn. Thường là gỗ to nên khi kéo phải dùng đến hai ba con trâu cùng kéo, mỗi con trâu phải có một người điều khiển. Con trâu đứng đầu gọi là trâu bịn, người đứng đầu gọi là người đứng bịn, khi con trâu đứng đầu lấy đà để kéo được gọi là tru bịn). Thành ngữ này hàm chỉ và khuyên răn chị em dâu trong gia đình phải đoàn kết, chung lưng đấu cật xây dựng gia đình như những con trâu cùng chung một chạc bịn để kéo gỗ. Nhà ta thật có phúc, ả em du nhà ta như tru một bịn.
3. Ả em gấy như trấy cau non
Quan hệ giữa chị em gái là quan hệ con một nhà, cùng huyết thống, chị em đùm bọc, thương yêu, nhường nhịn nhau: Ả em gấy (gái) như trấy (trái) cau non hàm chỉ mối quan hệ tốt đẹp trong ứng xử giữa chị em gái trong gia đình. Coi bên nhà người ta, chị em gấy như trấy cau non.
4. Ác đen độ cơn quế
Quế là cây có vỏ chứa tinh dầu cay và thơm làm dược liệu quý có nhiều công dụng. ác đen là loài chim ăn thịt có bộ lông đen, sải cánh dài hay bắt gia cầm trông bẩn thỉu, xấu xí, gớm ghiếc. Người xưa rất có ác cảm với loại chim này. Hàm chỉ sự không tương xứng, thường là trong quan hệ lứa đôi.
5. Ác như chó
Chó là loài gia súc có bản tính vào loại hung dữ. Chỉ loại người độc ác, tàn bạo, sẵn sàng ra tay làm hại người khác. Thằng cha đó ác như chó.
6. Ác ngồi ngọn tre, ác lo thân ác,
Bèo nằm mặt nác bèo lo thân bèo
Mỗi người một cảnh ngộ khác nhau, ai lo thân nấy.
7. Ác tắm thì giợ, tráo trợ tắm thì mưa
Kinh nghiệm xem thời tiết trong dân gian: thấy quạ tắm biết trời nắng, thấy tráo trợ tắm biết trời sắp mưa.
8. Ai đen ai trắng ra nắng mới hay
Qua thử thách mới rõ ai tốt, ai xấu.
9. Ai biết có sôống đến mai mà để cổ khoai đến mốt
Cái việc sống chết của con người là vô thường chẳng ai có thể biết trước được không nên lo lắng hão huyền làm gì cho mệt xác, sống ngày nào biết ngày ấy.
10. Ai không ăn gai đầu mùa là dại, ai không ăn mít trái mùa là ngu
Gai đầu mùa, mít trái mùa thường có hương vị thơm ngon và hấp dẫn hơn gai và mít giữa vụ.
11. Ai lanh tay thì tày đụa
Tày đũa: trước khi ăn phải so đũa để chọn đũa đúng kích cỡ, đầu đũa dùng để gắp phải cho tày thì mới gắp được) Kẻ nhanh nhẹn thì được hưởng lợi nhiều. Vào lúc bát nháo này, ai lanh tay thì tày đụa.
12. Ai mà biết ma ăn cộ
Nghi ngờ về điều gì đó mà chưa xác định được. Nếu ai mà biết ma ăn cỗ, chắc chi họ đã mần (làm) giỗ đúng ngày.
13. Ai vác dùi đục đi hỏi vợ
Dùi đục: Thanh gỗ, một đầu to vuông dùng để nện vào cán đục, cán chàng; một đầu nhỏ tròn dùng để cầm). ý nói làm việc gì phải có phương tiện phù hợp. Mi mần cái chi cũng không có ý, có tứ, ai lại vác dùi đục đi hỏi vợ.
14. Ai về Hà Tĩnh thì về, mặc áo lụa Hạ, uống nước chè Hương Sơn
Lụa Hạ, chè Hương Sơn là những đặc sản của Hà Tĩnh. Đây là câu ngạn ngữ nói lên niềm tự hào của người Hà Tĩnh xưa về những đặc sản của quê hương.
15. Ai về Thạch Hạ mà coi, bắc nồi lên bếp xách oi ra đồng
Thạch Hạ là xã giáp biển của huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, đất nhiễm mặn, bạc màu, dân tình nghèo nàn, xơ xác cái ăn hàng ngày không tự túc nổi: ăn bữa nào lo bữa ấy. Oi: giỏ đựng cua, cá hình quả bầu gáo, nắp miệng có hom để giữ không cho cua, cá bò ra). Chỉ cuộc sống tạm bợ, gặp chăng hay chớ.
16. Anh ba sương gặp nường bảy nắng
Ba sương bảy nắng là chỉ sự từng trải gian khổ, những kẻ lận đận long đong gặp nhau, sự đói nghèo cực khổ gặp nhau. Đã rủi ro, cay cực lại càng thêm rủi ro cay cực.
17. Anh chưa vợ như chợ chưa có đình
Đình chợ là những cái nhà to rộng dùng để che mưa nắng cho người mua kẻ bán khi họp chợ; chợ chưa có đình thì không thể họp được). Trạng thái chưa ổn định trong sinh hoạt của người con trai khi chưa có vợ chưa có gia đình riêng.
18. Anh em chém chắc đàng sống không chém chắc đàng lại
Anh em máu mủ ruột rà nếu có tức giận, xô xát thì cũng không thể nặng tay với nhau. Đã là anh em thân thích thì không nên sống cạn tình cạn nghĩa với nhau.
19. Anh em rể như chủi sể quét nhà
Chổi sể là loại chổi mà dân Nghệ thường làm bằng nhánh cây dành, ngọn chổi hình búp hoa, dùng để quét loại rác to. Nếu chổi sể dùng để quét nhà thì do rác nhỏ cho nên khi quét rác không bị lùa đi hết mà thường bị ngọn chổi làm bật lại). Anh em rể thường hay khích bác nhau, ít nhường nhịn nhau, nhất là khi ở nhà bố vợ. Hàm chỉ quan hệ anh em rể thường không tốt đẹp.
20. Anh em trai như khoai mài chấm mật
Thành ngữ này biểu trưng cho tình cảm thắm thiết, thân ái giữa anh em trai với nhau trong gia đình.
21. Anh trưa chợ gặp ả lợ đò
Duyên phận của những kẻ lỡ làng, cuộc đời gặp nhiều trắc trở nhất là trong tình yêu và hôn nhân. Anh trưa chợ gặp ả lợ đò rứa (thế) mà nên vợ nên chồng, gia đình hạnh phúc ít ai bằng.
22. Anh xanh cọng, nóng nác, khái vác anh vô lòi
Xanh cọng, nóng nác là nói cái việc luộc rau chưa chín. Hấp tấp nóng vội, nên lúc làm những việc nguy hiểm dễ gặp tai vạ. Chưa đủ độ chín chắn để có thể đứng làm chủ việc lớn.
24. Áo cụt quần quàng
Cảnh nghèo túng, khó khăn.
25. Áo mấn vấn cột cầu
Chỉ sự không tương ứng giữa cái phục sức bên ngoài với nội dung, bản chất bên trong.
Xem thêm: Thơ vui xắt mấn là chi?
26. Áo mới may xỏ cựa tay vô là cộ
Áo mới may thì dù chỉ mới xỏ cửa tay, mới ướm thử cái ống tay áo cũng đã cũ. Hàng ra khỏi cửa hiệu là không trả lại được đâu, áo mới may xỏ cựa tay vào là cộ. Chỉ sự mất tân của người con gái khi đã có sự chung đụng với đàn ông, dù ở mức độ nào. Nó yêu nhiều rồi mày ơi, áo mới may xỏ cựa tay vào là cộ.
27. Áo rách khéo vá hơn lành vôống may
Khéo lo liệu, khéo thu xếp, khéo ứng xử thì việc xấu trở nên tốt, việc dở trở thành hay, mọi khó khăn trắc trở đều được giải quyết tốt đẹp.
Từ điển ca dao tục ngữ Nghệ Tĩnh vần Ă
1. Ăn ba đọi nói ba lời
Thái độ dứt khoát, có chủ kiến, có bản lĩnh. Tau (tao) thì ăn ba đọi nói ba lời.
2. Ăn ba méng, uống ba chén, sống ở với làng, chết ra cồn Chủi
Cồn Chủi là một bãi đất cao ở đồng làng ích Hậu (Can Lộc, Hà Tĩnh là nơi làm nghĩa địa của làng). Câu tục ngữ này thể hiện sự bất cần, ngang tàng của người dân vùng này.
3. Ăn bựa hôm lo bựa mai
Tình cảnh nghèo túng, quẩn bách phải chạy ăn từng bữa. Quanh năm chỉ lo cho mấy cái tàu há mồm, ăn bựa hôm lo bựa mai.
4. Ăn cau chọn trấy trửa buồng
Kinh nghiệm dân gian về việc chọn cau ăn trầu; trái cau giữa buồng thường là ngon vì không già quá mà cũng không non quá.
5. Ăn cho đều, kêu cho sọi
Bình đẳng trong hưởng thụ, tự giác, đồng thuận trong làm việc. Các chú mần (làm) việc chi cũng phải nhớ ăn cho đều kêu cho sọi.
6. Ăn cho ngái, đái cho xa
Cần phải tỉnh táo, cẩn trọng trong mọi công việc. Tau (tao) nói cho mi (mày) biết: Ở đời phải biết ăn cho ngái, đái cho xa.
7. Ăn có mời, mần có mạn
Ăn phải được mời, có lời mời thì mới ăn; làm phải có người mượn, nhờ cậy thì mới làm. Làm việc gì cũng phải hợp tư cách, phải có lý do chính đáng.
8. Ăn có nơi, nhởi có chốn
Làm việc gì cũng phải có sự cân nhắc cho hợp tình , hợp lý .
9. Ăn có phần, mần có việc
Ăn đúng phần của mình, làm đúng việc của mình, không ăn phần người khác, làm tranh việc người khác.
10. Ăn coi chắc mặc coi thân
Việc gì cũng phải biết người biết ta. Ra đi với thiên hạ, con phải ăn coi chắc mặc coi thân.
11. Ăn coi nồi, ngồi coi hướng
Cần phải có ý tứ trong sinh hoạt tập thể. Đi mô, con phải nhớ là ăn coi nồi, ngồi coi hướng.
12. Ăn cộ đi trước, lội nác theo sau
Chỉ hạng tiểu nhân, khôn lỏi, tìm mọi cách hưởng lợi riêng mình, đùn đẩy việc khó khăn nguy hiểm cho người khác.
13. Ăn côộc bôốc vạ
Ăn đòn chịu vạ thay người.
14. Ăn cơm le trú
Ăn uống phải cẩn thận, nhai kỹ, lưỡi lừa trấu, lọc sạn kỹ càng. Chỉ những người lọc lõi trong cuộc sống. Anh ta thuộc loại người ăn cơm le trú, không vừa vặn gì đâu.
15. Ăn cơm tấm ngấm về sau
Có những thứ tuy tầm thường nhưng lại rất có ích, cho kết quả tốt
16. Ăn cơm với cà là nhà có phúc, ăn cơm cá khúc là nhà có tội
Cà muối trường (muối mặn ăn quanh năm) là thức ăn thường ngày của dân lao động nghèo ngày xưa. Cá khúc là loại cá to phải chặt khúc ra, quanh năm thường không mấy khi có trong bữa ăn của nhà nghèo. Câu này, trong các gia đình nghèo, người lớn thường xuyên dùng để răn dạy, nhắc nhở trẻ con phải biết hà tiện, chịu cực chịu khổ; con cái biết chịu cực, chịu khổ là cái phúc của gia đình.
17. Ăn của trùa ngoọng mẹng
Hưởng thụ cái không phải của mình nên bị khống chế, bị lệ thuộc. Đừng tưởng bở, khéo ăn của trùa ngoọng mẹng con ạ.
18. Ăn cục cục như ác ăn giam
Chỉ sự ăn uống thô thiển, phàm tục .
19. Ăn cúi troốc đẩy nôốc van làng
Chỉ trích những kẻ ích kỷ, khi hưởng thụ thì chỉ biết mình, động việc gì thì đùn đẩy cho người khác. Loại người Ăn cúi troốc, đẩy nôốc van làng thì kể mần chi.
20. Ăn cứt sắt ẻ ra xà beng
Cứt sắt: Ở các lò luyện gang thép, xỉ gang sau khi nóng chảy vón lại thành viên. Dân Nghệ gọi các viên xỉ gang này là cứt sắt). Hàm chỉ những kẻ sống keo kiệt, bủn xỉn. Thằng đó thì ăn cứt sắt ẻ ra xà beng.
21. Ăn dệ mần lệ khó
Hưởng thụ thì dễ nhưng làm ra thành quả mới khó. Đừng tưởng bở, ăn dệ mần lệ khó
22. Ăn đau cơm, mặc xót áo
Chỉ những kẻ vô tích sự, không xứng được hưởng bất cứ điều gì. Suốt ngày lêu lổng mày chỉ là đứa ăn đau cơm mặc xót áo thôi con ạ.
23. Ăn đồ hô mần đôốc hôốc
Chỉ kẻ ăn thô, làm ẩu. Thuê chi cái loại ăn đồ hô mần đôốc hôốc nớ (ấy)
24. Ăn đống phân tru hơn mần du đất thịt
Đất thịt (đất thó nâu), ít chất màu, trồng trỉa không được, mùa màng thất bát, về mùa mưa lầy lội, đường trơn, đi lại khó khăn, cuộc sống cơ cực trăm bề. Câu này nhằm nhấn mạnh cái khổ của dân ở những vùng đất thịt.
25. Ăn gấu nhớ kẻ đâm xay dần tràng
Hưởng thụ cái gì phải nhớ đến công lao khó nhọc của người làm ra cái đó. Ở đời con phải biết: ăn gấu nhớ kẻ đâm xay dần tràng .
26. Ăn hột mít địt ra khói
Kinh nghiệm trong ăn uống: ăn hạt mít rất hay đánh rắm.
27. Ăn không khéo không no, nằm không co không ấm
Biết thu vén thì lúc nào cũng đầy đủ. Cái gì cũng phải học cọn ạ, ăn không khéo không no, nằm không co không ấm.
28. Ăn không lo, ba bò đơm không nên một cộ
Chỉ biết ăn mà không biết lo toan thì dẫu có mổ thịt đến ba con bò cũng không làm nên một mâm cỗ. Chỉ trích những kẻ gặp chăng hay chớ, không biết lo toan, dẫu điều kiện có thuận lợi mấy cũng không làm nên việc gì. Mi (mày) thì chỉ biết ăn mà chẳng biết lo tính gì cả, ăn không lo ba bò đơm không nên một cộ.
29. Ăn không nên đọi nói không nên lời
Chỉ những kẻ ngu si, hèn kém, nói năng vụng dại. Loại người ăn không nên đọi nói không nên lời thì được tích sự gì.
30. Ăn khôông nói có
Chỉ hạng người chuyên đơm đặt, bịa chuyện để hại người khác. Đừng có ăn không nói có mà tội cho người ta.
31. Ăn lạt mới nghị đến mèo
Ở vào tính thế khó khăn mới biết thương người cùng cảnh ngộ. Có ăn lạt mới nghĩ đến mèo ông ạ.
32. Ăn mày không tày dự bị
Cố làm mà không biết giữ thì cũng là công cốc. Làm ra của mà không biết giữ cũng như ăn mày không tày giữ bị.
33. Ăn mày này xôi gấc
Đã là phận ăn mày mà còn đòi thứ cao sang, hàm ý phê phán những kẻ không biết thân phận, đòi hỏi quá đáng. Được thế là may rồi, đừng có ăn mày này xôi gấc nhé!
34. Ăn mặc như bà Đị Soạn
Bà đị Soạn: người phụ nữ nổi tiếng về ăn mặc nhếch nhác lôi thôi ở Diễn Châu, Nghệ An. Chỉ người ăn mặc lôi thôi, bẩn thỉu. Con gấy thời ni mà ăn mặc lôi thôi như bà đị Soạn, dệ coi chưa!
35. Ăn mặn uống nước đỏ da
Cuộc sống vất vả gian nan làm biến đổi cả vóc dáng màu da con người.
36. Ăn mất tang
Ăn hết một cách nhanh chóng không để lại dấu vết gì. Đang đói, vớ được cái bánh, loáng cái thằng bé đã ăn mất tang.
37. Ăn mòn đọi lọi đụa
Quá quen thuộc, quá biết nhau, rành rẽ về nhau. Ăn mòn đọi lọi đụa nhà người ta mà hắn cứ dửng dưng khi người ta gặp nạn.
38. Ăn mô ẻ đó
Chỉ loại người làm việc cẩu thả, luộm thuộm; sinh hoạt thiếu vệ sinh, không gọn gàng. Con với cái, mần (làm) cái chi (gì) cụng (cũng) ăn mô ẻ đó.
39. Ăn một đọi cơm, đơm một đọi máu
Trong xã hội cũ, để có được cái ăn giành được quyền sống, nhân dân ta phải trả một cái giá quá đắt, phải đổ máu.
40. Ăn một miếng tiếng cả đời
Chỉ vì cái lợi nhỏ mà trả giá quá lớn: Đừng thấy ăn được mà ăn, có khi ăn một miếng
41. Ăn một mình đau tức, mần một mình cực thân
Sống đơn độc, không quan hệ với người khác, không có tính tập thể thì sẽ rơi vào tình trạng buồn tủi.
42. Ăn mụi, ẻ lái, đái xung quanh
Sinh hoạt của dân sông nước làm nghề chài lưới, ăn uống và phóng uế bừa bãi, lộn xộn. Cái dân Bồ Lô nhà nó ăn mụi, ẻ lái, đái xung quanh.
43. Ăn mun hun trú
Cuộc sống vất vả, lam lũ, đầu tắt mặt tối.
44. Ăn nể ngồi dưng
Chỉ những kẻ ăn không, ngồi rồi, không có việc làm.
45. Ăn ngoại vái nội
Ăn ở, nhờ cậy một nơi, lại đi phụng sự một nẻo; hưởng thụ của người này nhưng lại đi làm việc cho người kia. Nó sống theo kiểu ăn ngoại vái nội.
46. Ăn nhiều thì béo khun khéo chi mà khen
Bình phẩm về hình thức bề ngoài của con người: sự béo tốt là do ăn uống, hưởng thụ có phải là tài giỏi gì đâu
47. Ăn như khái đổ đó
Khái đổ đó: ở vùng bán sơn địa, dân đơm đó ở khe suối, nếu hổ gặp là chúng vớt đó lên ăn sạch cá. Ăn sạch không còn một thứ gì.
48. Ăn no rửng mợ
Ăn uống quá đủ đầy, sinh lực thừa thải nên sinh đú đởn
49. Ăn nu, đ... khỉ
Nâu: Củ nâu rất chát, thú rừng như nhím, tê tê, lợn rừng cũng chỉ ăn khi quá đói. Chỉ cuộc sống khốn khổ của con người, chẳng khác gì thú vật.
50. Ăn ra trần, mần ra áo
Ăn ra trần: cởi trần mà ăn, mần ra áo: Cởi áo ra mà làm. Thể hiện sự cả quyết, ăn được, làm được. Làm trai là phải ăn ra trần, mần ra áo.
51. Ăn thì cổ ngay, mần thì tay rụt
Cổ ngay: thẳng cổ, ăn miếng to nên phải bạnh cổ ra mới nuốt được; tay rụt: thụt tay lại khoanh tay đứng nhìn). Chỉ hạng người siêng ăn nhác làm. Thằng đó, ăn thì cổ ngay, mần thì tay rụt.
52. Ăn trắt quen mồm
Con người dễ quen với các thói xấu và nếu không được ngăn chặn, giáo dục kịp thời các thói xấu trở thành bản năng thì rất khó từ bỏ.
53. Ăn trù nhớ mở trù ra, một là mặn thuốc hai là mặn vôi
Người Việt xưa ăn trầu thuốc rất phổ biến, ngoài trầu, cau, vôi còn có một dúm thuốc lá sợi (thuốc lào) Khi được ai mời trầu, người có kinh nghiệm phải mở miếng trầu được têm ra để xem mức độ vôi thuốc có phù hợp với mình không. Nếu mặn (nhiều) vôi quá thì bị bỏng miệng, mặn (nhiều) thuốc quá bị say. Cần phải thận trọng trong mọi việc làm, cái mà người ta làm được chưa chắc mình đã làm được.
54. Ăn xong quẹt mỏ
Chỉ hạng người bội bạc được người khác cưu mang, giúp đỡ mà chóng quên ơn; hoặc chỉ những kẻ không biết điều, chỉ biết hưởng của người ta mà không biết đến nghĩa vụ của mình. Cho hắn ăn mần chi, ăn xong là hắn quẹt mỏ.
Từ điển ca dao tục ngữ Nghệ Tĩnh vần Â
1. Ấp mạ giường không
Chỉ sự cô đơn lạnh lẽo, thường nói đến cảnh nam nữ đã quá thì mà chưa có gia thất.
Tiếp tục cập đến bạn đọc trong bài viết sau! Trân trọng!
Tác giả: SƯU TẦM
Nguồn tin: Ca dao tục ngữ
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Lười nhác hay lười nhát viết đúng? Phân biệt nhát và nhác
-
Mặc khác hay mặt khác từ nào đúng chính tả tiếng Việt?
-
Sổng chuồng hay xổng chuồng? Viết sổng hay xổng là đúng chính tả?
-
Gởi hay gửi? Kính gửi hay kính gởi? Cách phân biệt gởi và gửi
-
Viết kỹ thuật hay kĩ thuật? Cách phân biệt kĩ hay kỹ
-
Xêm xêm là gì? Viết xêm xêm hay sêm sêm mới đúng chính tả?
-
7 bài thơ ngắn hay về triết lý cuộc sống của tác giả Thái Bá Tân
-
Giòn hay dòn? Rán giòn hay dòn, giòn tan hay dòn tan?
-
Giành chiến thắng hay dành chiến thắng? Giành giải hay dành giải?
-
Cập nhật giá thuê xe 4 chỗ tại Vinh (Nghệ An) mới nhất
-
Top 7 địa chỉ cho thuê xe máy ở TP Vinh (Nghệ An) tốt nhất