Bàn thêm về “Người Nghệ nói tiếng Nghệ”

Chủ nhật - 20/09/2020 19:00
Trước hết tôi rất thông cảm với nhà giáo Thái Hữu Thịnh về tâm huyết của thầy với vấn đề tiếng Nghệ, thầy đã rất nhiệt tình tìm nhiều dẫn chứng và lý luận để ca ngợi tiếng Nghệ và đặt vấn đề một cách dứt khoát: Người Nghệ phải nói tiếng Nghệ! Tôi nhất trí với ý kiến của thầy và của ông Phạm Xuân Cần là “… các buổi phát thanh truyền hình Thời sự, phát trên sóng NTV, phát thanh viên không phát âm bằng tiếng Nghệ, mà lại “tự pha tiếng” của mình”.

Cần nói tiếng Nghệ chuẩn?

Ông bà ta xưa nay vốn ghét pha tiếng nên thành ngữ đã có câu: “Chửi cha không bằng pha tiếng!”. Trong một bài viết đăng báo Nghệ An cuối tuần, ông Lê Lân ca ngợi bộ phim “Nhìn ra biển lớn” phản ánh giai đoạn chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành thời kỳ dạy học ở trường Dục Thanh, vẫn lấy làm tiếc là trong đoạn phim Nguyễn Tất Thành gặp cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc nhưng cả hai diễn viên đều không nói tiếng Nghệ! Thiếu sót ấy sẽ làm giảm mất tính trung thực của bộ phim rất nhiều!

Tất nhiên nếu giao thiệp với người ngoài Bắc chẳng hạn thì ta cố gắng nói theo giọng Bắc để người ta dễ hiểu, như thầy cô giáo người Nghệ mà ra dạy ngoài Bắc thì phải tập nói theo giọng Bắc và dùng các từ phổ thông học sinh mới hiểu bài được.

Trong thời gian còn công tác ở Sở GD Nghệ Tĩnh, tôi đã chứng kiến nhiều cô giáo người Nghi lộc dạy ở Vinh, khi lên lớp vẫn nói tiếng Vinh nên các học sinh Vinh vẫn tiếp thu bài tốt, nhưng sinh hoạt ở gia đình vẫn rặt tiếng Nghi Lộc. Tôi cũng không đồng tình với những ý kiến phản bác của ông Nguyễn Phương Thoan mà ông Phạm Xuân Cần đã nêu ra đầy đủ nên xin miễn nhắc lại. Tôi rất tán thành các ý kiến của ông Phạm Xuân Cần và xin trao đổi thêm về tiếng Nghệ chuẩn.

Chúng ta ai cũng biết rằng người dân tỉnh Nghệ An ta cũng có nhiều thứ tiếng nói khác nhau: tiếng Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành khác với tiếng Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, riêng Nghi Lộc lại còn có tiếng nói khác hơn nữa mà người ta hay nêu ra “cà có cuống, cà có đuôi” để cười cho vui, ngoài ra ngôn ngữ của bà con dân tộc ít người ở miền núi cũng còn nhiều thứ tiếng khác. Ngay trong một huyện vẫn có vùng có tiếng nói khác như Vân Diên của Nam Đàn, chợ Cồn của Thanh Chương. Đó là khác về thổ âm.

Tiếng Nghệ lại còn khác về phương ngữ nhưng đang dần mất đi những phương ngữ mà có lẽ đến lớp con cháu chúng ta ngày nay và lớp kế tiếp theo sau này sẽ không biết như những tiếng mà nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã nêu ra trong bài thơ “Tiếng Nghệ” nổi tiếng: Cươi (sân), tru (trâu), ga (gà), trôốc (đầu), trụng (nhúng), đài (gầu)…Tất nhiên ta nên dùng từ phổ thông chứ không nên dùng các phương ngữ mà ngày nay đến dân địa phương mình (lớp trẻ) cũng không thể hiểu được.

 

Tiếng Nghệ trong văn học

Tuy vậy, trong sáng tác văn học nếu viết về con người ở thời đại trước có khi ta cần phải viết đúng phương ngữ mà người xưa sử dụng, có như vậy mới đảm bảo tính trung thực. Nhưng cần lưu ý chú thích đầy đủ thì con em chúng ta sau này nếu đọc được một số tác phẩm xuất hiện thời trước mới có thể hiểu được. Không nói đâu xa, nếu lớp trẻ mà đọc tập truyện ngắn “Nằm vạ” của nhà văn Bùi Hiển, xuất bản thời Pháp thuộc thì đã thấy có nhiều phương ngữ của vùng Quỳnh Lưu mà ngày nay chắc không mấy bạn thuộc thế hệ trẻ được biết. Chính vì không hiểu hết một số phương ngữ nên đã có những trường hợp lầm lẫn đáng tiếc.

Tôi xin nêu lên vài dẫn chứng: Trong bài thơ “Lên chơi trăng” của nhà thơ Hàn Mạc tử có câu: “Ta bay lên! Ta bay lên/ Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm/ Ta ở côi cao nhìn thẳng xuống/ Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm” trong đó có từ “côi” nghĩa là “trên” (côi cao là trên cao, từ địa phương Quảng Bình, quê nhà thơ).

Trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân in hồi còn thuộc Pháp, đã in đúng như thế. Tiếc rằng trong cuốn Thi nhân Việt Nam in lại năm 1998 (khi Hoài Thanh đã mất) của nhà Xuất bản Văn học lại ghi là “cõi cao” (trang 198) thì quá sai, do vì không hiểu tiếng địa phương của nhà thơ! Hay như bài thơ của Hồ Vy (ở vùng tạm chiếm Bình Trị thiên) mà Hoài Thanh ghi lại trong cuốn “Nói chuyện Thơ kháng chiến”, xuất bản thời kỳ kháng chiến chống Pháp, có bốn câu đầu là: “Mấy bữa ni rồi trời thiếu nắng/ Chừng chưa bưa lụt nước còn cao/ Đêm qua bộ đội hành quân tới/ Trấn thủ dầm phơi chật cả rào”, trong đó có từ “bưa” (tiếng Quảng Bình, Quảng Trị hay dùng), “bưa lụt” nghĩa là “lụt chưa vừa, chưa thôi, chưa hết” và từ “rào” (dậu) tức là hàng rào, bao trước sân thường bằng cây dâm bụt hay cây mạn hảo mà dân vùng bắc Trung bộ hay trồng.

Vì lụt chưa bưa nghĩa là chưa hết lụt, nên nước còn dâng lên cao, nhưng một người mẫn tiệp như nhà thơ Trần Hữu Thung, trong một bài báo giới thiệu bài thơ này đăng báo Nghệ An thời nhà thơ còn công tác, lại ghi câu thơ đó là “trời chưa mưa lụt, nước còn cao” và “trấn thủ dầm phơi chật cả sào”. áo trấn thủ bộ đội bị ướt phơi chật sào thì còn được, nhưng “trời chưa mưa lụt” thì thật vô nghĩa, vì lụt chưa bưa nghĩa là chưa hết nên nước còn cao, nếu chưa mưa lụt thì làm gì có nước mà cao! (Xin mạn phép linh hồn nhà thơ, nhắc lại việc này chỉ để nói lên do không hiểu từ địa phương có khi hiểu lầm câu thơ!)

Trong bài báo mới đây “Cần nói đúng và viết đúng, nói hay và viết hay…” (trang 34), báo Văn nghệ số 35+36 (ra ngày 29-8 và4-9-2010), GS-TS Nguyễn Văn Khang chuyên gia về ngôn ngữ học xã hội, trả lời phỏng vấn do Liễu Hạnh thực hiện có ghi: “Sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường đã tạo ra sự di chuyển mạnh mẽ của dòng người giữa ba miền Bắc-Trung-Nam, giữa các địa phương cũng như trong nội bộ của một địa phương.

Điều đó tạo ra sự xáo trộn đáng kể của phương ngữ tiếng Việt. Hệ quả của nó là làm pha trộn phương ngữ tiếng Việt giữa các vùng miền và xuất hiện khả năng tạo ra phương ngữ tiếng Việt pha trộn mới. Việc người miền Bắc vào Nam nói tiếng Bắc pha chút giọng Nam, người miền Nam ra Bắc nói tiếng Nam pha chút giọng Bắc…đang làm xuất hiện các biến thể giọng nói, cách nói tiếng Việt pha trộn trên cơ sở của một phương ngữ Việt làm gốc. Sự di chuyển của dòng người từ nông thôn ra thành phố và ngược lại từ thành phố về nông thôn có tác động mạnh mẽ về quan hệ giữa tiếng Việt đô thị với tiếng Việt nông thôn làm mờ dần ranh giới tiếng Việt giữa hai vùng. Đây là quá trình tất yếu của đô thị hoá ngôn ngữ”.

Rõ ràng sự pha trộn phương ngữ là không tránh khỏi, vì vậy để không làm mất đi tiếng Nghệ yêu quý của chúng ta, trong chừng mực nào còn giữ được tiếng của quê hương thì ta nên cố giữ do đó việc các phát thanh viên của đài phát rhanh và truyền hình Nghệ An phải phát thanh tiếng Nghệ là điều cần thiết phải làm và nên làm.

Tôi cũng nhất trí với ý kiến của thầy Thịnh, tiếng Nghệ chuẩn phải là tiếng Vinh vì Vinh là thủ phủ của Nghệ An, nơi mà con người được giao lưu rộng rãi với người tứ xứ nên tiếng nói của người Vinh sẽ dễ hoà nhập với mọi người trong nước. Cũng như ở nước ta thì phải dùng tiếng Hà Nội vì Hà Nội là thủ đô của cả nước. Các phát thanh viên đài phát thanh truyền hình Nghệ An nên đọc theo phương ngữ của Vinh trong các buổi phát thanh và truyền hình, không nhất thiết phải cầu toàn trong khi chưa quy định chuẩn thống nhất như ý kiến của ông Phạm Xuân Cần. Mấy lời tâm huyết xin mạnh dạn trao đổi thêm, nếu có sai sót mong được lượng thứ. Xin cảm ơn!


 

Tác giả: HOÀNG KỲ

Nguồn tin: Văn hóa Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 55 trong 11 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 11 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây