Người Nghệ nên sửa tính

Thứ sáu - 19/06/2020 04:25
Khi bàn đến tính cách người Nghệ, trong bài viết trước chúng ta đã “khen” đủ nhiều. Người Nghệ Tĩnh nói chung có nhiều nét đẹp trong cách đối nhân xử thế, và thật đáng tự hào. Tuy nhiên, nhìn ở chiều ngược lại nhiều tác giả cho rằng có một số nét tính cách chúng ta cần thay đổi, cần sửa.

Từ “Khun như troi”

Có lẽ do cuộc sống quen với cái khổ, quanh năm chịu lũ lụt, hạn hán, gió lào… nên trong tình cách người Nghệ có sự “gàn” đến mức cực đoan. Cụ thể, ta hay nghe người Nghệ nói: thằng nớ “khun ranh”, “khun như troi”, ý muốn đề cập sự khôn khéo quá giới hạn, kiểu khôn lỏi mà ai cũng ghét.

Ai từng lớn lên ở xứ Nghệ Tĩnh nắng lắm mưa nhiều, sẽ được nghe căn dặn: “khun thì khun cho người ta hại, dại thì dại cho người ta thương, đừng có dở dở, ương ương mà người ta ghét”. Vì thế, dễ thấy đâu đó có những người Nghệ quen sống kiểu “khun như troi”, luôn chỉ biết mình, luôn cho lợi ích của mình trên hết. Đáng buồn hơn, trong quan hệ giữa đồng hương với nhau, cũng xuất hiện một bộ phận người nghệ cố “sống khun” hơn người khác.

Không phải ngẫu nhiên mà cư dân các vùng miền khác thường có ý e ngại mỗi khi phải giao tiếp, chung sống, làm ăn với người Nghệ Tĩnh. Cái họ sợ chính là sự “khun ranh” mà một số người Nghệ được nuôi dạy từ nhỏ. Với nhóm người này, họ luôn cố gắng vượt lên tất cả, làm sao để mình giành được lợi lộc cho mình là được, không cần quan tâm thiên hạ là ai, sẽ ra sao.

Thế mới thấy, người Nghệ hay nói vừa đùa vừa thật câu: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Đó chính là biểu hiện của tính “khun như troi” chứ còn gì! Ăn cỗ đi trước để ngồi mâm trên, ngon hơn, còn lội nước đi sau để an toàn cho mình, lỡ người đi trước sẩy chân!

Một vài dẫn chứng ở trên cho thấy dường như khun lỏi, khun ranh luôn là dấu ấn cực đoan, gàn bướng của tư duy. Cụm từ Đồ Nghệ đã nổi tiếng từ ngàn xưa bởi cái thói gàn ít giống ai, bảo thủ thì thôi rồi mà cãi cho bằng được thì người các miền khác phải bó tay. Người Nghệ ít có yếu tố mềm, thỏa hiệp, nhượng bộ, nhường nhịn trong văn hóa tranh luận. Nếu như các vùng văn hóa khác dùng những cụm từ ít nhiều có tính thỏa hiệp như: nước chảy lá môn, nước đổ đầu vịt để ngầm hiểu rằng cái “trôi đi” vẫn còn đọng lại một ít trên đầu vịt hay cái lá môn.

Thì người Nghệ thẳng, rõ, ngay, luôn là “cại với trốc cúi” (cãi nhau với cái đầu gối). Chính cái sự cực đoan được “cộng hưởng” bằng thanh âm nặng, dữ dằn của lời ăn, tiếng nói đã khiến cho mọi cuộc tranh luận với người Nghệ đều có xu hướng rất gần với… xung đột!


 

ve gat i bay
Người Nghệ Tĩnh thật thà. Ảnh: Nghệ ngữ

 

Đến tính cố chấp kiểu “phút mốt”
 

Nếu cãi nhau người Nghệ Tĩnh rất hiếm khi… chịu thua. Dù biết sai, nhưng người Nghệ vẫn bảo thủ, kiểu chày cối nói “mi nói cho mi nghe”. Tính khó nhận phần thua, luôn tranh phần hơn đã làm cho người Nghệ có cái ngạo mạn đáng sợ: Ngồi quán chè chát, ăn xôi chấm muối vừng, muối lạc mà cứ tha hồ, thoải mái nghênh ngang bàn về chuyện “sắp xếp nội các” tít tận bên… Mỹ!

Chuyện vui kể rằng, khi hỏi trai Nghệ Tĩnh tán gái ra răng thì họ luôn trả lời “phút mốt” (đơn giản, dễ ợt). Câu trả lời theo lối không cần biết thực lực bản thân cho thấy một phần của tính ngạo mạn không nơi nào bằng… Nghệ Tĩnh.
Tính cực đoan, bảo thủ, cố chấp đã làm cho người Nghệ chậm thích nghi với cái mới, khó tiếp thu tinh hoa của các vùng miền khác, rộng hơn là của thế giới - thành thử. Người Nghệ dường như cứ mặc định rằng, đổi thay là thách thức, khó khăn, hiểm nguy - y như lội nước, khun thì nên… đi sau cho chắc ăn?

Có lẽ đây là tâm lý, tính cách nguy hại nhất đối với mọi sự phát triển. Cả một guồng máy, cả “xã hội Nghệ” cứ trì kéo lẫn nhau khiến cho cái nghèo cứ theo mãi, cái thua cứ từ từ… thẳng tiến.

Hãy nghĩ xa hay rộng một chút là cả mênh mông những nỗi buồn. Rất nhiều tài nguyên, rất nhiều lợi thế, vô cùng nhiều tài năng; thế nhưng, xứ Nghệ vẫn xứ nghèo? Chúng ta hãy tự hỏi rằng tại sao trong rất nhiều lĩnh vực từ cổ chí kim, người Nghệ đều dẫn đầu nhưng Xứ Nghệ thì lại đứng sau?

Đôi khi, tôi nghĩ, đội bóng Sông Lam Nghệ An là ánh phản thu nhỏ, rõ ràng của tính cách Nghệ. Không ai dám phủ nhận tài năng, thực lực của nó nhưng cũng chẳng có đội bóng nào nhiều cái “nhất” cực đoan như nó.

Phải chăng, giữa tài năng và tính cách; giữa cái biết và sự bảo thủ; giữa sự cực đoan và uyển chuyển, người Nghệ chưa bao giờhọc đủ và đúng về hai chữ hài hòa (hay cân bằng)? Thay đổi (giảm bớt) những hạn chế, phát huy được cái nổi trội là mơ ước của bao người, trải qua rất nhiều đời… Chính vì thế, tìm được lời giải đúng là điều rất đỗi khó khăn.

Thật là nghịch lý khi nói rằng đó là điều ai cũng thấy nhưng chẳng biết đổi thay như nào. Hãy nghĩ xem: biển Cửa Lò đẹp thế, đồi chè ở Thanh Chương kiều diễm vậy, những cái cây ngàn tuổi hiếm hoi vô cùng… Nhưng, những ông Tây bà đầm cứ mài miệt xắn quần lội nước chiêm nghẫm “thiên nhiên hoang dã” ở đồng bằng sông Cửu Long hay đến với Nha Trang, Đà Nẵng chứ ít người nào tìm đến với xứ Nghệ…

Chúng ta đã sai và vẫn đang sai khi cố tìm hiểu về bản sắc, tính cách văn hóa của chính mình. Muộn lắm rồi nhưng phải thay đổi cách thức giáo dục ngay từ đầu, cho lũ trẻ biết rõ, đúng về thói xấu của tính cách người Nghệ. Có như thế, mấy chục năm sau mới đủ tự tin để kiêu hãnh ngẩng cao đầu…


 

tính cách người nghệ
Bắt dam. Ảnh: Nghệ ngữ

 

 

Tác giả: NGHỆ NGỮ tổng hợp

Nguồn tin: Văn hóa Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 10 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây