Đến với bài thơ tiếng Nghệ hay: Dép tau cấy mô

Thứ năm - 25/03/2021 02:42
Tiếng Nghệ độc đáo và thơ tiếng Nghệ càng độc đáo hơn. Có lẽ vì thế mà không ít "nhà thơ tiếng Nghệ" đã cho ra đời những bài thơ tiếng Nghệ thú vị. Trong bài viết này BBT trân trọng giới thiệu một vài cảm nhận về bài thơ Dép tau cấy mô của tác giả Nguyễn Thư (Hà Tĩnh).

Viết thơ từ chuyện lạc dép

Ngày xưa khi tivi chưa phổ biến, trong làng chỉ có một vài nhà có thì cứ đến giờ phim là cả xóm lại chạy đến xem ké. Ngày này tivi có hầu hết ở khắp mọi nhà nhưng "tinh thần xem ké" vẫn còn. Hay nói đúng hơn, người dân quê thường có thói quen ngồi lại với nhau, bên ấm chè xanh xem thời sự, hoặc xem một trận bóng đá.

Tác giả Nguyễn Thư (quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) cũng có thói quen này. Đặc biệt trong dịp bóng đá U23 Việt Nam vừa qua anh cùng những người dân quê mình ngồi lại để cổ vũ cho đội nhà. Và nhiều chuyện hài hước xảy ra, như chuyện "lạc dép". Và bài thơ tiếng Nghệ Dép tau cấy mô ra đời đã nhận được rất nhiều lời tán dương từ những người con xứ Nghệ Tĩnh. 

Khi túi coi đá bóng
Lạc đôi dép mất rồi
Tìm toát cả mồ hôi
Mà nỏ chộ mô cả

Dép các eng, các ả
Cứ xỏ lộn tùng phèo
Dép tui mới dán keo
Tróc phía bên cẳng trái

Lưa chiếc bên cẳng phải
Quai mới dán bựa qua
Ngồi coi ở trong nhà
Ra là khung chộ nựa

Lần sau khung mần rứa
Đi cẳng đất chắc đòn
Kiếm đôi mô ngon ngon
Xỏ bù đôi bựa lạc.

 
BAI THO TIENG NGHE HAY
Trên cánh đồng xứ Nghệ. Ảnh: Quốc Đàn

Mong mọi người gìn giữ tiếng Nghệ

Trò chuyện cùng Nghệ ngữ, anh Nguyễn Thư cho biết bản thân là một người con xứ Nghệ nên rất yêu quý tiếng Nghệ. Không chỉ là tiếng nói trong đời sống thường ngày, trên trang Facebook cá nhân của mình anh Thư còn viết nhiều bài thơ tiếng Nghệ rất độc đáo, trong đó bài thơ Dép tau cấy mô ra đời đúng dịp bóng đá U23 nổi lên được rất nhiều lượt chia sẻ.

Vaf khi đọc chúng ta sẽ thấy bài thơ này "đặc sệt tiếng Nghệ". Ví dụ những từ như "khi túi", "nỏ chộ", "eng, ả", "cẳng", "bựa qua", "khung chộ", "mần rứa"... nếu người ngoài xứ Nghệ Tĩnh thì có lẽ phải dùng từ điển tiếng Nghệ thì mới may ra hiểu được. Nhưng với những người xứ Nghệ, yêu tiếng Nghệ thì những từ trên rất đỗi thân thuộc.

Bên cạnh việc sử dụng tiếng Nghệ điêu luyện, tác giả Nguyễn Thư còn khéo léo kể câu chuyện dép lạc vui theo một trình tự thú vị. Bắt đầu từ chuyện "khi túi coi bóng đá" bị lạc dép tác giả nhớ đến đôi dép của mình "tróc bên cẳng trái", còn bên cẳng phải thì "quai mới dán". Hình ảnh dép dán có lẽ gợi nhiều người quê ta nhớ về một thời nghèo khổ: dép đứt quai dán hết lần này đến lần khác.

Ở khổ cuối bài thơ, tác giả Nguyễn Thư đã đưa ra một cái kết hóm hỉnh, đậm chất tính cách người Nghệ

Lần sau khung mần rứa
Đi cẳng đất chắc đòn
Kiếm đôi mô ngon ngon
Xỏ bù đôi bựa lạc.

Tất nhiên tác giả sẽ không làm thế ngoài đời thực. Ở đây tác giả chỉ đưa ra một ví dụ vui, một cách nói tếu táo như người dân xứ Nghệ: "Lần sau đi coi bóng đá cứ đi chân đất, ra về kiếm đôi dép đẹp xỏ vô là xong".

Tâm sự với Nghệ ngữ, anh Nguyễn Thư cho biết rằng anh mong qua bài thơ tiếng Nghệ này và những bài thơ khác sẽ góp phần gìn giữ tiếng Nghệ. Với riêng anh, mỗi lần xa quê, nghe tiếng Nghệ là đau đáu về quê nhà.


Xem thêm bài thơ tiếng Nghệ khác của tác giả Nguyễn Thư: TẠI ĐÂY

Tác giả: Nghệ ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 5 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây