Tiếng Nghệ sâu nặng nghĩa tình!

Thứ năm - 08/08/2019 23:34
Hồi còn là sinh viên, tôi nhớ có lần nghe anh bạn người xứ Bắc nhận xét rằng: Tiếng Nghệ của các bạn thật đặc biệt, lúc đầu nghe hơi lạ, nhưng quen lại thấy rất gần gũi, chân thành; đặc biệt tiếng “dạ” của các cô gái Nghệ nghe thật dễ thương!
minh hoa pham tuan tub cpgy


Tôi đón nhận lời khen ấy như một niềm vui nho nhỏ, thoáng qua của một thời nông nổi. Cho đến khi bắt gặp bài thơ “Tiếng Nghệ” của Nguyễn Bùi Vợi, nhớ lại kỷ niệm cũ một thời, tôi chợt hiểu thêm và thấy yêu vô cùng tiếng nói của quê hương:

       “Cái gầu thì gọi cái đài
       Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
       Chộ tức là thấy mình ơi
       Trụng là nhúng đấy, đừng cười nghe em
       Thích chi thì bảo là sèm
       Nghe ai bảo đọi thì đem bát vào
       Cá quả thì gọi cá tràu
       Vo trôốc là bảo gội đầu đấy em
       Nghe em giọng bắc êm êm
       Bà con hàng xóm đến xem chật nhà:
       “Răng không sang nhởi nhà choa 
       Bà O mới nhốt con ga trong truồng” ?
       Em cười bối rối mà thương
       Thương em một, lại trăm đường thương quê
       Gió Lào thổi rạc bờ tre
       Chỉ nghe tiếng nói đã nghe nhọc nhằn
       Cất từ sỏi đá đất cằn
       Nên yêu thương mới sâu đằm đó em”
.

Nghe nói xuất xứ bài thơ kể về câu chuyện rằng, có chàng trai xứ Nghệ ra học tập và công tác ngoài bắc, được một cô gái xứ bắc nhẹ nhàng, thanh lịch yêu thương và chọn làm chồng. Trước khi đưa vợ về quê, chàng trai vội “trang bị” cho vợ những “biệt ngữ” riêng của người Xứ Nghệ. Những âm, vần thuộc Nghệ ngữ đã được chàng trai dự tính và diễn giải ra tiếng phổ thông rất cụ thể: Cái đài - cái gàu, cái sân - cái cươi, chộ - thấy, trụng - nhúng, thích - sèm, bát - đọi, cá quả - cá tràu, vo trôốc - gội đầu… Hầu như tất cả các khái niệm, đồ vật quen thuộc hàng ngày đã được chàng trai dự liệu và trang bị  nhưng khi về đến quê, bỗng có một tình huống phát sinh ngoài dự kiến: 

       Răng không sang nhởi nhà choa? 
       Bà O mới nhốt con ga trong truồng. 


Cô gái không hiểu người bà con đàng chồng định nói gì vì trong từ điển “Tiếng Nghệ” vừa được chồng trao, không có những từ ấy. Tình huống ngoài kịch bản này đã làm cho cô gái Bắc kỳ bối rối. Nét bối rối thật hiền và thật đáng yêu. Thế rồi giọng thơ đột ngột đổi hướng, từ chỗ hài hước, pha trò bỗng chuyển sang trữ tình sâu lắng:

        Gió Lào thổi rạc bờ tre
        Chỉ nghe tiếng nói đã nghe nhọc nhằn


Có thể nói cái hay nhất, thành công nhất của bài thơ là ở câu này. Tác giả đã rất chính xác trong cách dùng từ và bút pháp tả thực. “Rạc”, nghe khô cằn, xơ xác, gầy gò, khắc khổ. Chỉ có miền Trung mới có gió Lào, thứ gió rất mạnh nhưng nóng hầm hập. Mọi cơ thể sống ở đây đều phải gồng mình lên mới chống chọi lại được những cơn gió nóng ấy. Thực ra, gốc gác của ngọn gió này là gió mát từ vịnh Ben gan ở Ấn Độ dương, nhưng khi vượt qua dãy Trường Sơn trùng điệp nó đã bị núi non chập chùng lấy mất hơi nước ẩm mát của biển. Cái nắng hè như đổ lửa cộng với gió Lào đã làm cho cái nóng miền Trung càng thêm khắc nghiệt hơn. Bởi thế khi nhắc đến Xứ Nghệ, người ta cứ liên tưởng đến một hình ảnh gầy khô, khắc khổ như cây tre. Nhưng cây tre lại cũng là biểu tượng của tình đoàn kết, cố kết để vươn lên. Bởi bất kể gió bão, nắng hạn cũng không chia tách, không làm chúng rời nhau. Phải như thế mới chống chọi được sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Chàng trai lý giải với vợ mà như nói với chính mình:

        Cất từ sỏi đá đất cằn
        Nên yêu thương mới sâu đằm đó em


Người đọc đang thấy tức cười đến chảy nước mắt bỗng nhiên thấy tâm hồn sâu lắng, rưng rưng. 

Triết gia Platon có quan niệm rằng, cái đẹp là do ở mắt nhìn của người cảm nhận. Phải chăng vì tình yêu  nồng nàn, sâu lắng với quê hương mà nhà thơ đã có một cảm nhận rất đặc biệt về tiếng Nghệ. Với cảm nhận ấy, nhà thơ lý giải với vợ và với độc giả rằng: Tiếng Nghệ hơi nặng – quả là thế. Bởi nó mang trong lòng sức nặng ân tình. Cái tình ấy “không mau”, đã “nhen bén rồi là sâu lắng”, đã “quen lâu thì càng tình sâu nghĩa nặng”.

Rất mộc mạc, không cầu kỳ, tựa hồ như một lời tâm sự rất nhẹ nhàng, nhưng “Tiếng Nghệ” đã tự cất cánh bay lên một tầm cao thẩm mỹ./.

>>>Xem thêm: Tiếng Nghệ nghe buồn cười đáo để
Th.S Nguyễn Thị Hoài An - Khoa Nhà nước - pháp luật

Nguồn tin: Trường Chính Trị Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây