Tiếng Nghệ là một phần máu thịt của cha ông

Thứ hai - 30/09/2019 02:40
Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ (sinh năm 1980, có nhiều công trình nghiên cứu độc đáo về ngôn ngữ; sáng tác thơ, viết tiểu luận, dịch thuật) đã có nhiều bài viết tâm huyết về ngôn ngữ dân tộc, trong đó có phương ngữ. Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với anh về tiếng Nghệ trong dòng chảy chung của Tiếng Việt.
hoa mua

*Trong dòng chảy của ngôn ngữ dân tộc, phương ngữ có một vai trò khá quan trọng, tạo nên bản sắc riêng cho mỗi vùng miền. Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ nhận xét như thế nào về tiếng Nghệ?

Xét về mặt khoa học, phương ngữ học là một bộ môn của ngôn ngữ học. Xét về mặt hiện tượng xã hội, phương ngữ là một vấn đề phổ niệm có ở hầu hết các quốc gia/ dân tộc trên thế giới. Bản chất nó chính là sự biểu hiện ngôn ngữ toàn dân ở một địa phương cụ thể với những nét khác biệt của nó so với ngôn ngữ toàn dân hay với một phương ngữ khác. Phương ngữ như thế cũng là một phần của văn hóa, mang đậm dấu ấn từng vùng miền.

Ở Việt Nam từ trước đến nay, các nhà ngôn ngữ học nhìn chung đều thống nhất trong việc chia ra 3 vùng phương ngữ chính: phương ngữ Bắc, phương ngữ Trung và phương ngữ Nam. Tiếng Nghệ thuộc về vùng phương ngữ Trung, bao gồm 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Như vậy, phương ngữ Trung sẽ còn 2 khu vực nữa là phương ngữ Thanh Hóa và phương ngữ Bình Trị Thiên, đều có những khác biệt nhất định về mặt ngữ âm cũng như từ vựng so với phương ngữ Nghệ Tĩnh.

*Nghệ ngữ là danh từ mới định danh cho những người Nghệ nói tiếng Nghệ, có bản sắc riêng, không lẫn với bất cứ địa phương nào. Xét về mặt ngữ nghĩa thì tiếng Nghệ có nhiều từ, ngữ so với từ, ngữ toàn dân thì có sự khác biệt. Điều này phần nào đã gây ra sự bất cập trong giao tiếp, theo anh có đúng như vậy không?

Khi xét về sự khác biệt giữa các vùng phương ngữ, 2 vấn đề nổi lên là sự khác biệt về hệ thống từ vựng và hệ thống ngữ âm. Có một hiện tượng rất thú vị trong đời sống mà chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy, đó là những người thuộc phương ngữ Bắc (sinh ra lớn lên ở Bắc) mà nghe những người thuộc phương ngữ Trung nói chuyện với nhau, hay cụ thể hơn là nghe những người Nghệ nói chuyện với nhau có thể sẽ không hiểu gì, người Bắc khi ấy sẽ thường buông một câu cửa miệng: “Nghe họ nói líu lo như chim, không hiểu gì luôn”.

Khi bạn nhắc đến sự khác biệt về từ vựng, có thể làm một vài so sánh đối chiếu tiêu biểu qua một đoạn lục bát khá vui như sau: “Con trâu thì gọi con tru/ Con dâu thì gọi con du trong nhà/ Mấn là váy, ngái là xa/ Đi mô để hỏi ai là đi đâu/ Nác su ý nói nước sâu/Trấy bù để gọi quả bầu đấy nha”…

Tuy nhiên, tôi thấy rằng, nếu quan niệm rằng phương ngữ nói chung, Nghệ ngữ nói riêng gây ra bất cập trong giao tiếp thì không hẳn là như vậy. Bởi thực tế cho thấy, người Nghệ khi tiếp xúc với những người thuộc các vùng miền khác, họ luôn có ý thức sử dụng các đơn vị từ ngữ thuộc hệ thống ngôn ngữ toàn dân để cho người nghe dễ hiểu, thuận lợi trong giao tiếp.

Tôi còn thấy nhiều người Nghệ có khả năng nói giọng Bắc/ tiếng Bắc như người Hà Nội luôn, nếu các bạn ấy mà không giới thiệu rằng mình quê Nghệ An thì người ngoài cũng không thể biết được. Tiếp đến mình nói theo chiều ngược lại, là người Bắc và người Nam khi tiếp xúc với người miền Trung nói chung, người Nghệ nói riêng có thấy khó khăn không?

Theo tôi khó khăn là không lớn, chủ yếu nằm trong một hai lần đầu, bởi một vài khác biệt về mặt ngữ âm/ biểu hiện thanh điệu. Chứ còn về mặt từ ngữ, trong nhiều trường hợp dựa vào hoàn cảnh giao tiếp mình vẫn có thể đoán được, hiểu được, hoặc khi chưa hiểu thì mình hỏi lại bạn thoại xem từ đó thực chất là chỉ cái gì.

Như vậy, những khác biệt về các vùng phương ngữ sẽ làm cho bức tranh ngôn ngữ của mỗi quốc gia thêm đa dạng, phong phú, có thể trở thành những đề tài nghiên cứu khoa học thú vị chứ không có gì là phiền toái cho lắm.

 
ts do anh tu
TS Đỗ Anh Tú.


*Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ nhận xét gì về âm sắc tiếng Nghệ?

Về mặt âm sắc tiếng Nghệ, so với tiếng Bắc có 6 thanh thì tiếng Nghệ chỉ có 5 thanh bởi thanh ngã và thanh nặng nhập làm một, không phân biệt. Ở một số địa phương thuộc Nghệ Tĩnh, theo tôi quan sát thấy, còn có hiện tượng thanh hỏi và thanh ngã nhập một hoặc thanh sắc và thanh nặng nhập một (giống như phương ngữ Huế). Tiếng Nghệ cũng được coi là có độ trầm lớn hơn phương ngữ Bắc và phương ngữ Nam.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến một số khác biệt trong thể hiện phụ âm đầu. Nếu như người Bắc không phân biệt giữa s và x, r và d/gi, tr và ch; thì người Nghệ lại có phát âm khu biệt khá rõ những cặp đơn vị nói trên.

*Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là kết tinh của tiếng Nghệ, anh đánh giá như thế nào về âm sắc Nghệ trong dân ca ví giặm?

Quả nhiên là quan sát về mặt ca từ trong các bài dân ca hoặc ca khúc mang âm hưởng dân ca, ta sẽ thấy rất rõ đặc trưng ngữ âm vùng miền được thể hiện trong đó. Khi người ca sĩ thể hiện một bài dân ca Nghệ Tĩnh hoặc một ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh, cũng phải làm rõ được điều này thì mới ra chất Nghệ, thì mới được coi là hát thành công.

Có thể lấy một vài ví dụ về các ca khúc nổi tiếng được viết trên chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh, ta cũng sẽ thấy rất rõ đặc trưng ngữ âm tiếng Nghệ được thể hiện ra sao. Chẳng hạn bài Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh của Trần Hoàn, ngay từ câu đầu, chữ “giữa” hát lên giống như “giựa”, chính là thể hiện đặc trưng thanh ngã và thanh nặng nhập làm một. Hay bài Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác của nhạc sĩ An Thuyên, trong câu “bát ngát nhớ thương mà thoảng hương giữa đời”, chữ “giữa” cũng được hát lên như chữ “giựa”.

*Phương ngữ nói chung và tiếng Nghệ nói riêng luôn giữ bản sắc riêng và góp phần làm phong phú ngôn ngữ tiếng Việt, anh có hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng phương ngữ không?

Việc sử dụng phương ngữ là một hiện tượng xã hội rất bình thường, tiếng nói quê hương của bất kỳ vùng miền nào cũng cần được trân trọng, giữ gìn. Khi chọn tiếng nói để phát thanh trên các đài truyền hình/ đài tiếng nói quốc gia, người ta lúc ấy mới cần phải cân nhắc xem nên chọn phương ngữ nào để tạo ra sự tiếp nhận thuận lợi nhất, chứ còn trong đời sống, về quê được nghe giọng quê mình mới chính là một điều hạnh phúc. Ở giữa quê hương thì phải nói tiếng quê hương và được nghe tiếng quê hương.

Người Việt có câu “chửi cha không bằng pha tiếng” chính là để nói về việc này, hãy làm sao để tiếng nói quê hương giữ trọn được tính nguyên bản của nó. Chắc bạn còn nhớ bài thơ Đường nổi tiếng Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương, trong bài có câu diễn tả sự xúc động khi được nghe lại giọng quê mình: Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi/ Hương âm vô cải mấn mao tồi (Khi đi trẻ, lúc về già/ Giọng quê vẫn thế tóc đà khác bao).

Tôi yêu tiếng Nghệ, yêu phương ngữ Trung cũng như phương ngữ của mọi vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam. Thích nhất là được nghe giọng những thiếu nữ, những người con gái của từng vùng nói chính tiếng quê hương mình. Không chỉ tôi mà nhiều bạn nam giới khác cũng có chung cảm xúc đó, khi tôi từng làm các trắc nghiệm phỏng vấn ngôn ngữ học xã hội. Tiếng Nghệ hay tiếng bất kỳ vùng miền nào đều là một phần máu thịt của cha ông mình, nói như nhạc sĩ Phạm Duy trong bản Tình ca nổi tiếng của ông là: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi tiếng ru muôn đời…”

Trân trọng cảm ơn tiến sĩ Đỗ Anh Vũ đã chia sẻ.

>>>Xem thêm: Tiếng Nghi Lộc... nặng hơn tiếng Nghệ

 

Tác giả: VÂN KHÁNH

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 8 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây