Nghe người Hà Tĩnh dạy con
Con ngơ ngác “đọi” là gì ba nhỉ?
Ba cười lớn : thì "đọi" là cái chén,
Con cầm dùm thêm cái “cạu” cho ba.
Đứng chôn chân miệng con cứ làu bàu,
“Đọi” với “cạu” là gì con đâu hiểu.
Gốc Hà Tĩnh nhưng con nào có biết,
Tiếng quê mình vui “rứa” đó con ơi.
Cái “lặc lè” con biết ở “mô” không?
Và còn nữa “trục cúi” là đầu gối.
“Ót” là gáy con làm sao hiểu nổi?
“Troốc” là đầu càng thêm rối cho con.
Con gái quê ta khi tuổi còn son,
Tiếng Hà Tĩnh sẽ gọi là “con gấy”.
“Chí” là chấy sống ở trên cái “troốc”,
Thức ăn mốc gọi là “moốc” con à.
Dạy "mi" hoài “răng mi nỏ " nhớ ra.
“Hoọc a rứa” đúng thật là con ngốc.
Con nhoẻn miệng vò tai và bứt tóc,
Tiếng quê mình khó học quá ba ơi !
Mấy từ thôi đã kêu đất, kêu trời,
Còn nhiều lắm “mần răng mi” thuộc được?
Biết không thể nên con đành xuống nước.
Hè về quê học cũng được nghe ba !
Hiểu ý con ba cất tiếng cười khà,
Tiếng Hà Tĩnh “nhà choa” hay rứa đó.
“Bây” không đẻ ở miền quê nắng gió,
Nhưng gốc là từ nơi đó sinh ra.
Dù ở đâu hãy nhớ lấy lời ba,
Tiếng Hà Tĩnh gắn với "ngài" Hà Tĩnh
“Ngài” Hà Tĩnh rồi "cụng" về Hà Tĩnh,
Cho con theo để “bày” tiếng quê mình,
Bởi dạy hoài, “hấn” vẫn nói linh tinh,
Chê hấn dốt, hấn “mần” thinh “nỏ cại”
Thôi thì cũng tại hấn còn nhỏ dại,
Chấp mần chi khung hấn “hại” nỏ về.
Lỡ mai ni hấn nỏ biết “mô, tê”.
"Hại" khi "nớ" có "ngài" chê, kẻ trách.
Rồi một "bựa" hấn nách mang, tay xách,
túi, va ly chạy lách cách theo “tui”.
Hai cha con với vẻ mặt tươi vui,
Về quê nhé ! rủng rỉnh tiền trong túi.
Cả ngày trời, "đàng" không rồi "đàng" bộ
Về đến nhà hấn "nhoọc" toát mồ hôi.
Ai nói chi cũng vâng dạ cho rồi,
Bởi “nỏ” biết “mô, tê, răng, rứa, hỉ”.
Mấy người “nậy” O, cậu cùng dì, dượng,
Xúm “chắc” vô hỏi hấn thấy mà thương
“Mới đi về “cồ nhoọc” lắm "khung mi”
Nhớ ngồi nghỉ một “mảy” rồi tắm “hí”.
Để “tau” xuống bếp nấu cho “đọi” cháo,
Cha con “bây” ăn cho khoẻ “con ngài”,
Trong “nớ” về “đàng ngái” lắm “phẩy khung”?
Dù “cồ ngái" "tau cụng mần" một chuyến...”
Khổ thân con. Hấn cứ ngồi ngơ ngác,
nỏ hiểu chi cũng gật đại cho rồi.
Gắng lên con dăm bữa nửa tháng thôi,
Con sẽ hiểu hết lời tình nghĩa đó
Quê Hà Tĩnh quanh năm mưa, nắng, gió,
Vẫn còn nghèo với nhiều nỗi âu lo,
Nhưng tình người thì chẳng thước nào đo.
Trọn vẹn lắm như câu hò ví dặm.

Tác giả: SƯU TẦM
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Diễu hành hay diễn hành? Diễu binh hay diễn binh đúng chính tả?
-
Thành ngữ ướt như chuột lột hay ướt như chuột lội mới đúng?
-
Tán hay táng vào mặt? Tán gia bại sản hay táng gia bại sản?
-
Đều như vắt tranh hay vắt chanh hay vách tranh mới đúng?
-
Viết/gọi là lòng xe điếu hay se điếu mới đúng chính tả?
-
Viết trút giận hay chút giận? Trút nước hay chút nước?
-
Viết cho chừa hay cho trừa? Chừa tội hay trừa tội đúng?
-
Thi thoảng hay thỉnh thoảng, thảng thốt hay thoảng thốt đúng?
-
Viết tinh giản hay tinh giảm biên chế mới đúng chính tả?
-
Hành chánh hay hành chính là đúng? Chánh quyền hay chính quyền?
-
Viết gian díu hay dan díu mới đúng? Phân biệt gian hay dan