Truyện kể bằng thơ: Con chim quên tiếng hót
Con chim quên tiếng hót là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Bác Kiều Trọng đã kể lại câu chuyện này bằng thơ thú vị, Nghệ ngữ trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
Phần 1
Bà nội tôi kể, ngày đó
Ông tôi là người hào hoa
Top đầu trong làng nghề mộc
Tiếng tăm lan khắp gần xa...
Ông tôi nuôi một con sáo
Đẹp như cổ tích bước ra
Khoác bộ áo choàng đen mượt
Cổ viền lông trắng kiêu sa
Mỏ vàng, chân cũng vàng rực
Như chàng hoàng tử giày vàng
Ông làm cái lồng cho nó
Lộng lẫy, quý phái nhất làng.
Con sáo khoái cái lồng tốt
Vui vẻ, nhẩy nhót suốt ngày
Đặc biệt, nó không thích hót
Nhưng nhại tiếng người rất hay.
Vừa thoáng thấy bóng ai ngó
Nó liền “Chào khách” ! Thế rồi
Nếu khách dừng trước mặt nó
Nó “hỏi” : “ Khoẻ không” ? liên hồi...
Nó nhại cả giọng bà nội
Gọi ông : “Ông ơi , ông à“
Bắt chước ông nội để gọi :
“ Bà ơi ! Bà ơi, ơi bà “....
Khi ông nói chuyện gì đó
Ông cười, nó liền dỏng lên
Làm tràng : “ Khậc, khậc, khậc, khậc...
Nhại cười mà cứ như...rên...
Thỉnh thoảng nó còn hạ giọng:
“ Thôi, thôi...” nghe rất thiết tha
Tình cảm, như đang can gián
Bực dọc gì đó trong nhà ?
Người lớn, trẻ con hàng xóm
Ghé chơi, thường cho nó quà
Là vài trái ớt đỏ chót
Được hái từ trong vườn nhà.
Nó “biết cảm ơn” quý khách
Bằng cách gắp xơi ngon lành
Thể hiện sự đang phấn khích
Bằng việc nhảy nhót vòng quanh...
Trong nhà, ai cũng dạy nó
Những câu lịch sự , dễ thương
Nhưng hình như thế chưa đủ
Nó cần “ngôn ngữ đời thường” ?
Nên khi bọn trẻ tếu táo
Thường hay đến chơi nhà này
Dạy nó mấy câu chửi láo
Nó liền bắt chước theo ngay
“ Đồ đểu “; “ Cút đi”!, “Đồ quỷ ”...
Bọn trẻ hoan hỷ vỗ tay
Mà không chỉ có bọn trẻ
Người lớn cũng khoái chuyện này.
Vì suy cho cùng thì họ
Có ai là “đồ đểu” đâu !
Còn bảo “Đồ quỷ“, “Cút, cút”...
Chỉ là tếu táo, giải sầu.
Họ còn “bo” thêm cho nó
Trái ớt chín đỏ mọng thơm
Nên nó càng khoái “Đồ đểu”
Càng ”nói” từ này nhiều hơn...
Phần 2
Một hôm, quan lớn trên tỉnh
Đến nhà của ông nội tôi
Đặt bộ salon đóng nhái
Kiểu dáng vua chúa một thời.
Vị quan từ trên xe xuống
Biết mình chức trọng quyền cao
Nên không một lời chào hỏi
Cứ thế cứ bệ vệ bước vào...
Đến cửa, con sáo liến thoắng:
- “ Đồ đểu, đồ đểu”...chết người !
Rồi khi chưa thấy thưởng ớt
Nó cứ : “Đồ đểu”... liên hồi...
Vị quan tức trợn hai mắt
Ông nội thì sợ điếng người
Cúi rạp mình: “Chào quan lớn” !
Bà tôi lúm khúm ra mời
Quan lớn vào nhà xơi nước
Lựa lời xin lỗi ông quan
Thì nghe choe choé rồi... “Bốp”!
Bà nội hết sức kinh hoàng
Khi nhìn thấy con sáo nhỏ
Đã bị ông nội của tôi
Túm lấy đập vào cái cột
Bét đầu, cánh xoã tả tơi
Nó bị ném xuống ngay đó
Như miếng giẻ rách con con
Máu đỏ nhỏ từ đầu nó
Xuống cạnh cái lồng sơn son.
Chẳng biết ông giận hay sợ
Chỉ nghe làu bàu: “Còn may,
Nó mà thổ ra: Cút, cút...
Thì chỉ còn nước ăn mày” ?
Bà nội thương con sáo quá
Quỳ trước xác nó, xót xa...
Hình như nước mắt ngày ấy
Đang chảy trên khoé mắt bà?
Chim chết, câu chuyện cũng hết
Nhưng sau câu chuyện vừa rồi
Cũng như nhiều chuyện bà kể
Bà lại răn dạy chúng tôi :
- Cháu ạ, biết thì hãy nói
Không biết thì nín lặng đi.
Nói mà bản thân không hiểu
Là mình đang nói những gì
Tốt nhất là đừng nên nói.
Con sáo kia bị nát đầu
Chắc chắn nó không thể biết
Mình chết, nguyên cớ từ đâu?
Là chim đừng quên tiếng hót
Tổ tiên ngàn đời truyền cho
Bắt chước mà không hiểu biết
Kết cục sẽ chẳng hay ho!
Tác giả: KIỀU TRỌNG
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Lười nhác hay lười nhát viết đúng? Phân biệt nhát và nhác
-
Mặc khác hay mặt khác từ nào đúng chính tả tiếng Việt?
-
Sổng chuồng hay xổng chuồng? Viết sổng hay xổng là đúng chính tả?
-
Xêm xêm là gì? Viết xêm xêm hay sêm sêm mới đúng chính tả?
-
Giòn hay dòn? Rán giòn hay dòn, giòn tan hay dòn tan?
-
7 bài thơ ngắn hay về triết lý cuộc sống của tác giả Thái Bá Tân
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Nghĩ hay nghỉ? Cách phân biệt nghĩ hay nghỉ chi tiết
-
Bán đắt hay đắc đúng chính tả? Cách phân biệt đắt hay đắc
-
Top 7 địa chỉ cho thuê xe máy ở TP Vinh (Nghệ An) tốt nhất
-
Cập nhật giá thuê xe 4 chỗ tại Vinh (Nghệ An) mới nhất