Cơm sốt canh sốt, nước chè cốt mới ngon
Nước chè tươi Hương Sơn rất đặc, rất chát. Có người đã mô tả chất lượng của loại đồ uống độc đáo này bằng mấy câu:"Khăm đũa không đổ", có nghĩa là sánh đặc như một tảng nước đóng băng đến nỗi đũa cắm vẫn thẳng đứng như nén nhang.
Hẳn đó là cách nói cường điệu nhưng đúng là đã đặc ở mức độ khác thường mới vừa miệng bác thợ cày Hà Tĩnh trước lúc bụng không dạ trống ra đồng. Người ta thường nói :"Cơm sốt canh sốt, nước chè cốt mới ngon" là thế !
Ở Hương Sơn không có lá vối, hầu như nhà nào cũng ươm một vạt chè trong vườn. Buổi sáng trước khi đi cày ,đi bừa, người nông uống một lúc mấy bát chè xanh thay cho bữa điểm tâm, nhiều người nghiện chè xanh như nghiện rượu.
Ở vùng này có một tục lệ đẹp đầy tình làng nghĩa xóm là cùng ngồi uống nước chè tươi nóng với nhau để đàm đạo mọi chuyện trong nhà ngoài ngõ, thậm chí một sự kiện lớn trong nước vừa xảy ra...
Cuộc gặp mặt bình thường chẳng có điều khoản nào gò bó bắt buộc nhưng cũng có ước lệ cho những người nghiện nặng chè xanh cư trú liền kề nhau trong cùng một xóm. Mỗi lần nhà ai nấu được nồi nước chè ngon thường bưng ra nhiều bát rồi vợ con chủ nhà ra ngõ "ới" vài tiếng để mời những ông bạn bà bạn và dăm bảy người quanh nhà sang uống. Người đến uống có thể ngồi trên những chiếc ghế gỗ con con hay cạnh chõng tre, vừa uống vừa nói chuyện làm ăn trong làng ngoài xã và khuyến khích đọc truyện Nôm hay thoại chèo đã thuộc lòng, ngâm vè hay kể chuyện cũ, mới để cùng vui...
Chè xanh ở Hương Sơn thường nấu trong một loại nồi đất nung khá to mà người địa phương gọi là "ấm" ( không có vòi). Mỗi ấm thường nấu một "rộp chè" cả cành lẫn lá, có thế mới ngon, mới đặc. Uống xong bát nước chè nóng rít tiếp hơi thuốc lào, trong cổ họng thấy dịu mát như ngậm đường phèn. Đói bụng uống vào có thể say nhưng đối với dân "nghiện" thì thế mới "đã", thậm chí còn uống nước chè thay cơm. Bữa cơm có thể ăn ít cũng xong nhưng phải được uống nước chè cốt hằng ngày. Nhiều người cho rằng uống nước chè xanh cho người đỡ bệnh tật. Thực ra thì các nhà khoa học cũng đã cho chè xanh là một loại đồ uống được hàng triệu người châu Á ưa thích. Nếu dùng thường xuyên có thể ngừa được bệnh ung thư thanh quản. Viện ung thư quốc gia Mỹ cho biết: chè xanh có chất Polyphenol được đưa vào cơ thể có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu...
Sau khi uống cạn nồi nước chè cốt lại đổ nước vào nấu lần thứ hai, thứ ba gọi là chè "giao" để người nhà làm nước uống cả ngày.
Ở Hà Tĩnh, những vùng chè đại trà thuộc vùng Hương Sơn_Hương Bộc giáp ranh với vùng chè Nghệ An. Ở Hương Sơn chè mới hái nấu với nước sông Ngàn Phố hương vị vừa thơm vừa đậm, nước xanh sóng sánh dễ đam mê.
Ai về Hà Tĩnh thì về
Mặc lụa chợ Hạ uống chè Hương Sơn.
Nếu Việt nam được coi là một xứ sở của chè xanh thì Nghệ Tĩnh lại là một trong những địa phương trồng nhiều chè xanh nhất và có cách uống chè độc đáo của miền Trung.
>>>Xem thêm: Phong vị xứ Nghệ: Từ cà muối đến bát nước chè xanh
Tác giả: SƯU TẦM
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Lười nhác hay lười nhát viết đúng? Phân biệt nhát và nhác
-
Cách phân biệt xong hay song chính xác nhất
-
Mặc khác hay mặt khác từ nào đúng chính tả tiếng Việt?
-
Sổng chuồng hay xổng chuồng? Viết sổng hay xổng là đúng chính tả?
-
Gởi hay gửi? Kính gửi hay kính gởi? Cách phân biệt gởi và gửi
-
Dời lịch hay rời lịch đúng chính tả? Cách phân biệt dời hay rời
-
Chân quý hay trân quý viết đúng? Mẹo phân biệt chân hay trân
-
7 bài thơ ngắn hay về triết lý cuộc sống của tác giả Thái Bá Tân
-
Xi nhê là gì? Nói không xi nhê nghĩa là sao?
-
Cập nhật số điện thoại, giá cước Taxi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mới nhất
-
Học kỳ hay học kì? Kỳ thi hay kì thi? Cuối kỳ hay cuối kì?