Chuyện người Nghệ kể: Bài học cuộc đời
Năm nay tôi đã gần bảy mươi tuổi. Cái tuổi mà con cháu đã có thể chúc thọ được rồi. Tôi đã chứng kiến biết bao câu chuyện cuộc đời. Nhưng có một câu chuyện mà tôi không thể nào quên được. Tôi viết câu chuyện này gửi các anh, các chị để kể lại câu chuyện mà tôi là một người liên quan đến câu chuyện đó. Hy vọng, câu chuyện của tôi, sẽ nói với bạn đọc gần xa một điều gì đó về cuộc đời này.
Câu chuyện xảy ra vào năm cuối cùng trong đời sinh viên của tôi, ở ký túc xá mà tôi ở lúc đó. Một hôm, chúng tôi đi tập quân sự. Duy chỉ có một người trong phòng kêu ốm và ở lại. Người đó là S, quê ở Thanh Hóa. Buổi chiều trở về, tôi sắp xếp lại đồ đạc cá nhân và hoảng hốt nhận ra một chỉ vàng của tôi không cánh mà bay. Đó là chỉ vàng mà cha mẹ cho, để mua xe đạp đi làm sau khi tôi ra trường. Ngay lúc đó, tôi nhìn S đang nằm quay mặt vào tường, và hoàn toàn tin rằng S đã lấy cắp chỉ vàng của tôi.
Tôi đề nghị mọi người trong phòng cho tôi khám tư trang của họ. Cuộc khám xét không thành công.
Nhưng qua phân tích của chúng tôi và qua thái độ hoang mang của S, chúng tôi đều tin S đã giả ốm ở nhà để lấy cắp chỉ vàng. Bảo vệ nhà trường cho biết, buổi sáng chúng tôi đi tập quân sự thì S có ra khỏi trường khoảng một giờ đồng hồ. Mặc dù S cả quyết không hề lấy cắp chỉ vàng ấy, nhưng chúng tôi và nhà trường đã tiến hành nhiều cuộc họp để chất vấn và khẳng định thủ phạm vụ trộm đó là S.
Một tuần sau, chúng tôi phát hiện S mang một bao tải mì sợi ra ga tàu mang về quê. Chúng tôi túm lại hỏi S lấy tiền đâu mà mua mì sợi. S không nói gì mà ôm mặt khóc. Năm đó, nhà trường đã không xét tốt nghiệp cho S mặc dù học lực của S rất khá, với lý do đã có hành vi đạo đức xấu và không trung thực với tội lỗi của mình. Chúng tôi hồ hởi nhận bằng tốt nghiệp và quyết định phân công công tác. Chỉ có S không được nhận bằng tốt nghiệp và tạm thời không được phân công công tác. Đồng thời nhà trường có công văn gửi về địa phương S sinh sống, đề nghị địa phương theo dõi và giáo dục S. Khi nào địa phương chứng nhận S đã hối cải và tiến bộ, thì nhà trường sẽ xem xét giải quyết trường hợp của S.
Thời gian cứ thế trôi đi. Một số bạn bè học cùng chúng tôi vẫn có liên lạc với nhau. Duy chỉ có S là không ai biết rõ ràng ở đâu và làm gì. Nhà trường cho biết, S cũng không quay lại trường để xin cấp bằng và phân công công tác.
Ngày tháng trôi qua, tôi chẳng còn nhớ tới chỉ vàng bị lấy cắp năm xưa. Trong đám bạn bè tôi, có những người rất thành đạt. Đặc biệt H đã trở thành một người rất giàu có bằng năng lực và sức lao động của chính anh. Anh là một người được xã hội biết đến.
Vào cái hôm, sau ngày tôi vừa nghỉ hưu, có một thanh niên mang đến nhà tôi một lá thư và một cái hộp giấy nhỏ. Anh thanh niên nói là một người nhờ chuyển, nhưng lại nói là không nhớ tên người đó. Tôi băn khoăn và hồi hộp mở thư ra. Lá thư chỉ vẻn vẹn mấy dòng:
"Anh P thân mến, tôi xin được gửi trả lại anh chỉ vàng mà tôi đã lấy của anh cách đây mấy chục năm.
Tôi sẽ đến gặp anh để xin anh thứ tội. Kính".
Đọc thư xong, tôi thực sự bàng hoàng. Lá thư không ký tên. Tôi không còn nhận được chữ đó là của ai viết nữa. Tôi đoán đó là thư của S. Tôi mở chiếc hộp giấy nhỏ và nhận ra trong đó có một chỉ vàng. Đó là một chỉ vàng mới. Không hiểu tại sao lúc đó nước mắt tôi chảy ra giàn giụa. Lúc này tôi mới thực sự nghĩ đến S với một nỗi xót thương. Ngày ấy, S là sinh viên nghèo nhất trong lớp. Bố S mất sớm. Mẹ S phải tần tảo nuôi năm anh chị em S ăn học. Có lẽ vì thế mà trong một phút không làm chủ được mình, S đã trở thành một kẻ ăn cắp. Nếu lúc đó, chúng tôi có được sự xót thương như bây giờ thì có lẽ chúng tôi không đẩy S vào tình cảnh như ngày ấy.
Sau khi nhận được lá thư và chỉ vàng, tôi hầu như mất ăn, mất ngủ. Một nỗi ân hận cứ xâm chiếm lòng tôi. Ngày ngày tôi đợi S đến tìm. Tôi sẽ nói với S là tôi tha thứ tất cả và tôi cũng xin lỗi S vì lòng tôi thiếu sự thông cảm và thiếu vị tha.
Một buổi sáng có tiếng chuông cửa. Tôi vội chạy ra mở cửa. Người xuất hiện trước tôi không phải là S mà là H. Tôi reo lên:
"Ối, hôm nay sao rồng lại đến nhà tôm thế này".
Khác với những lần gặp gỡ trước kia, hôm đó gương mặt H trầm tư khác thường. Tôi kéo H vào nhà và nói ngay:
"Mình vừa nhận được thư thằng S. Cậu có biết nó viết gì không? Nó đã trả lại tôi chỉ vàng và nói sẽ đến gặp tôi để xin lỗi".
Khi tôi nói xong, H bước đến bên tôi và nói: "P ạ, anh không nhận ra chữ viết của tôi ư. Tôi chính là người viết lá thư đó. Tôi chính là người đã ăn cắp chỉ vàng của anh".
Nói xong, H như ngã đổ vào tôi và khóc rống lên. Tôi vô cùng bàng hoàng và không tin đó là sự thật. Khóc xong, H đã kể cho tôi nghe tất cả sự thật. Vì cũng muốn mua một chiếc xe đạp sau khi tốt nghiệp đi làm, H đã tìm cách lấy trộm chỉ vàng. Và suốt thời gian qua, H rất ăn năn và luôn tìm kiếm S để chuộc lỗi.
Thế rồi chúng tôi quyết định về quê S mặc dù biết S không còn sinh sống ở quê đã lâu.
Vất vả lắm chúng tôi mới biết thông tin về S: Sau khi bị nhà trường gửi công văn đến địa phương thông báo về đạo đức của mình, S đã phải chịu quá nhiều tai tiếng và những ánh mắt khinh bỉ của hàng xóm. S đã xin đi khai hoang ở một huyện miền núi. Nghe vậy, chúng tôi lại tức tốc lên đường tìm đến nơi S đang sinh sống. Ở đó S sống cùng vợ con trong một ngôi nhà gỗ đẹp dưới chân một dãy đồi. S trồng trọt và mở một trang trại chăn bò lớn. Trông anh già hơn tuổi nhưng khỏe mạnh và đôi mắt nhân ái vô cùng. Cả ba chúng tôi ôm lấy nhau mà khóc.
Tôi và H quyết định ngủ lại một đêm với S. H xin S cho H được kể sự thật cho vợ con S nghe để họ thanh thản và hãnh diện về chồng, về cha mình và H muốn được tạ lỗi với vợ con S. Nhưng S gạt đi và nói:
"Chưa bao giờ họ tin tôi là kẻ ăn cắp".
Trước khi chia tay nhau, H cầm tay S khóc và nói:
"Mình có tội với cậu. Cậu đã tha tội cho mình. Nhưng mình muốn được trả một phần nhỏ cái nợ lớn mà đời mình đã mang nợ với cậu. Hãy nói mình phải trả nợ cậu như thế nào".
S mỉm cười và nói:
"Ông đã trả hết nợ rồi".
Khi tôi và H còn chưa hiểu ý thì S nói:
"Việc ông nói ra sự thật về tội lỗi của ông là ông đã trả hết nợ rồi. Đừng nghĩ gì về chuyện cũ nữa. Mà thực ra, ông nợ chính ông nhiều hơn là ông nợ tôi. Nợ người dễ trả hơn nợ chính mình".
Cho đến lúc đó, tôi mới thực sự hiểu con người S. Tôi hiểu ra một điều gì đó thật xúc động, thật sâu sắc về cuộc đời này. Hóa ra, có những tâm hồn lớn lao và cao thượng lại nằm trong những con người khốn khó và giản dị như thế.
Cũng trong cái đêm thức với S tại ngôi nhà gỗ của anh, chúng tôi mới biết những ngày đi học, khi nghỉ học, S vẫn đi quay mì sợi thuê để mua mì sợi cứu đói cho gia đình. Chúng tôi đã không hiểu được bạn bè mình. Chúng tôi đã làm cho một con người như S nếu không có nghị lực, không có lòng tin có thể dễ dàng rơi vào tuyệt vọng.
Thưa các anh, các chị, câu chuyện tôi kể cho các anh, các chị chỉ có vậy. Nhưng với tôi đó là một bài học về con người và về cuộc đời.
Tác giả: SƯU TẦM
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Làm lốt hay nốt, xin lốt hay nốt đúng chính tả?
-
Viết cái hủ hay cái hũ đúng? Phân biệt hủ hay hũ chi tiết
-
Không nỗi hay không nổi viết đúng? Mẹo phân biệt nỗi hay nổi
-
Méc hay mét khác nhau thế nào? Méc mẹ hay mét mẹ?