Tiếng Nghệ răng mà thương mà nhớ
Nghệ Tĩnh, dẫu chỉ là một vùng đất thuộc dải đất hẹp miền trung, mảnh đất phải hứng chịu nhiều thiên tai, nhưng lại được xem là Nơi đòn gánh gồng hai đầu đất nước. Nhắc đến mảnh đất này người ta lại nghĩ tới cuộc sống vất vả, khó nhọc của người dân cá gỗ. Nhưng nơi đây cũng chính là mảnh đất địa linh nhân kiệt với một nền văn hoá đậm đà bản sắc riêng mang tên văn hoá Hồng - Lam. Bản sắc văn hoá và cốt cách, phẩm chất của con người xứ Nghệ được phản ánh rất rõ qua tiếng Nghệ.
Tiếng Nghệ không mượt mà như tiếng nói của người miền Bắc, âm thanh nặng trầm, không rõ thanh điệu, nhưng ẩn sau vẻ thô mộc như chính con người xứ Nghệ lại là sự đằm thắm tình người và tình đời.
Trong giao tiếp hàng ngày, chúng ta gặp những từ xưng hô như tau, tui, mi, mày, choa, miềng, mềnh, bầy tui, bầy choa, nhà miềng, nhà mềnh, hay ênh, êênh, cu, đĩ, … hay mô, tê, răng, rứa,….rất mộc mạc, dân quê mà cũng rất ấm áp. Nhưng để hiểu hết tiếng Nghệ, nếu không phải người xứ Nghệ thì cũng không phải là chuyện dễ. Nếu như trước đây, ông cha mình học tiếng Hán bằng cách tạo ra những câu thơ dịch nghĩa như:
Thiên - trời, địa - đất, vân - mây
Vũ - mưa, phong - gió, nhật - ngày, dạ - đêm…
Thì giờ đây cũng có những vần thơ viết về tiếng Nghệ rất đáng yêu. Chúng ta sẽ thấy rất rõ điều này qua những vần thơ sau:
Cái gầu thì bảo cái đài
Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
Chộ tức là thấy mình ơi
Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em
Thích chi thì bảo là sèm
Nghe ai bảo đọi thì mang bát vào
Cá quả lại gọi cá tràu
Vo troốc là bảo gội đầu đấy em…
Hay: (Nguyễn Bùi Vợi)
Rảnh rang hoọc tiếp bạn nha
Sôông su : cần hiểu ấy là sông sâu
Xán cảy trốc - ném u đầu
Tríu chắc: rằng nghĩa níu nhau ấy mà
Trôốc lộn khu: (là) đầu lộn đuôi
Nghe: “nhác thượt rọt”- là lười ưỡn thây
Kháp mặt: là gặp nhau đây
Bằng nghe “đừng ngọi” hiểu ngay: đừng hòng!
Các từ trong tiếng Nghệ, ngoài nghĩa tương đương với nghĩa của từ phổ thông như trên, nó còn có sắc thái biểu cảm riêng. Lấy ví dụ về từ nỏ trong phương ngữ Nghệ Tĩnh. Về nghĩa, nỏ vừa tương ứng nghĩa với không vừa tương ứng với chẳng trong tiếng Việt toàn dân.
Nước uống nỏ muốn rót
Cơm ăn nỏ muốn nhơi
Cầm lấy đụa đụa rớt
Cầm lấy đọi đọi rơi
Thầy hỏi: Vì răng rứa con ơi?
Hay:
Vua quan không thấu
Nỏ đoái mất mùa
Thứ mô thuế vua
Thứ mô lang lính?
Nỏ được dùng rất phổ biến không chỉ bởi đặc điểm ngữ nghĩa mở rộng mà còn bởi những sắc thái riêng về tính biểu cảm. Trong nhiều trường hợp, sắc thái phủ định của từ nỏ không còn rõ ràng như từ chẳng nhưng lại kèm theo sắc thái biểu cảm “trách cứ” ngọt ngào:
Anh thương em nỏ nói khi đầu
Bây dừ cưởi bá ngành dâu đi rồi.
Em có chồng rồi em nói rằng chưa
Tội riêng em đó nỏ lừa được anh.
Đây thương đó, đó nỏ thương đây,
Làm chi cách trở nứa mây đôi đường.
Phận lại ngồi trách phận
Phận nỏ giám trách phận
Anh thương em từ tháng giêng đến tháng chạp
Hay sắc thái phê phán:
Khôông cho mần thầy thì khóc
Cho mầm thầy thì đọc nỏ ra
Trong rất nhiều hoàn cảnh sử dụng, người nghe phải hiểu nghĩa của nỏ ngược hoàn toàn ý nghĩa phủ định. Dựa vào ngữ điệu tình thái của câu trong từng tình huống giao tiếp, nỏ có thể được dùng với nghĩa “có", “đồng ý", “đồng tình" như lối nói:
Ra về răng được mà về
Ở đây tay gối đầu kề nỏ hơn
Từ ngữ của người Nghệ không chỉ dùng để xưng hô, miêu tả, nhận xét…. mà người ta sử dụng từ còn để thể hiện tình cảm. Chẳng hạn, người Bắc bộ dùng từ tôi để xưng hô với con cái (đã trưởng thành) là thể hiện lịch sự, tôn trọng người khác còn người Nghệ Tĩnh lại cho đó là lạnh lùng, xa lạ, thiếu tình cảm. Người Nghệ Tĩnh dùng từ tui để xưng hô. Mặc dù tui là biến âm của tôi, tương ứng với tôi nhưng tui lại khác tôi rất rõ. Theo quan niệm người Nghệ, dùng tui là khiêm nhường, thân mật còn xưng tôi với người lớn tuổi là xấc xược, hỗn láo. Phải chăng đây cũng là tính cách của người Nghệ “khiêm nhường, ít lời” song lại nặng về tình cảm, thứ tình cảm chân chất mộc mạc không hoa mĩ, không cầu kì.
Hay từ mô, đại từ này được dùng phổ biến trong đời sống giao tiếp thường ngày hay trong thơ ca để nói về cái không biết cụ thể hoặc để chỉ cái không cần cụ thể về thời gian, sự vật… Nó tương ứng với từ nào trong ngôn ngữ toàn dân.
Khi mô chiêm ngả màu vàng
Tin cho nhau biết ta sang gắt cùng
(ca dao)
Nhưng trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, mô còn được dùng chỉ nơi chốn nào đó không rõ. Với nghĩa này, mô lại tương ứng với từ đâu. Ví dụ:
Rồi mùa toóc rạ rơm khô
Bạn về xứ bạn biết mô mà tìm?
Và có lẽ đọc hai câu thơ sau chúng ta sẽ thấy rõ nhất về nghĩa của từ mô trong từng hoàn cảnh:
Mô rú, mô ri, mô nỏ chộ,
Mô rào, mô biển chộ mô mồ?
Còn nhiều, rất nhiều từ khác nữa mà ở đây tôi chưa thể kể hết. Là người xứ Nghệ, tự hào về mảnh đất quê hương tôi càng yêu tha thiết tiếng nói quê mình. Xin được mượn lời nhà thơ Huy Cận để kết thúc bài viết này và gửi trọn tình cho xứ Nghệ yêu thương:
Ai đi vô nơi đây xin dừng chân xứ Nghệ
Nghe câu hò ví dặm càng lắng lại càng sâu
Như sông Lam chảy chậm dặm bao thủa vùi sâu.
>>>Xem thêm: Ngày xuân nói chuyện tiếng Nghệ
Tác giả: Nguyễn Thúy Hằng Trường Tiểu học Thị Trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh
Nguồn tin: Giáo dục Hà Tĩnh
Tags: tiếng nghệ trong mắt ai
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Lười nhác hay lười nhát viết đúng? Phân biệt nhát và nhác
-
Cách phân biệt xong hay song chính xác nhất
-
Mặc khác hay mặt khác từ nào đúng chính tả tiếng Việt?
-
Sổng chuồng hay xổng chuồng? Viết sổng hay xổng là đúng chính tả?
-
Gởi hay gửi? Kính gửi hay kính gởi? Cách phân biệt gởi và gửi
-
Dời lịch hay rời lịch đúng chính tả? Cách phân biệt dời hay rời
-
Chân quý hay trân quý viết đúng? Mẹo phân biệt chân hay trân
-
7 bài thơ ngắn hay về triết lý cuộc sống của tác giả Thái Bá Tân
-
Xi nhê là gì? Nói không xi nhê nghĩa là sao?
-
Cập nhật số điện thoại, giá cước Taxi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mới nhất
-
Học kỳ hay học kì? Kỳ thi hay kì thi? Cuối kỳ hay cuối kì?