Thơ tiếng Nghệ An - Thú vị và ngọt ngào
Tiếng Nghệ An nghe đã hay, thơ tiếng Nghệ An lại càng thú vị. Có lẽ vì thế mà trên khắp các diễn đàn, thơ tiếng Nghệ trở thành đặc sản được đông đảo bạn đọc chia sẻ. Không chỉ riêng những người con Nghệ Tĩnh, mà có cả những người không “hiểu tiếng quê choa” cũng hưởng ứng, vì âm điệu vui tươi, lẫn cách gieo vần có một không hai. Chẳng vì thế mà trong thời gian qua, những tên tuổi như Nam Nguyễn, Thế Mạnh, Nguyễn Đình Hoàng, Nguyễn Đức Biểu, Từ Công Hải, Nguyễn Mỹ Mậu… đã làm sống dậy tiếng quê choa bằng những vần thơ ngọt ngào, thú vị.
Thơ tiếng Nghệ An: lạ và hay
Rất lạ, đó là lời nhận xét của những người không sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, Hà Tĩnh khi đọc những vần thơ viết bằng tiếng Nghệ. Điều này dễ hiểu thôi, bởi nói như tác giả Từ Công Hải “tiếng choa, choa nói, choa nghe”, người ngoài đọc, nghe cứ như nghe một thứ tiếng nước ngoài lạ hoắc.
Ví dụ đoạn đoạn thơ viết bằng tiếng quê xứ Nghệ Tĩnh như sau, với một người ngoài, cực kỳ khó hiểu:
Nạm chạc ná mẹ mi hay bó ló
Mới bựa qua tau để đó mô rồi
Bay khi mô cụng cứ đòi hôông xôi
Mà côông buổi nhác như troi ra rứa?
(Tiếng quê tôi - thơ của tác giả Long Nguyen )
Lúc này, người ngoài buộc phải tra từ điển Nghệ ngữ. Và đoạn thơ trên sẽ được dịch thành tiếng phổ thông như sau:
Bó dây ná mẹ mày hay buộc lúa
Mới hôm qua tao để đó đâu rồi
Bay lúc nào cũng cứ đòi hông xôi
Mà công buổi nhác như troi thế hả?
Tất nhiên lúc dịch ra như thế thì chẳng còn sự thú vị của thơ người Nghệ nữa. Điều hay của thơ tiếng xứ Nghệ nằm ở những từ ngữ địa phương có một không hai, lúc hiệp vần tạo nên những âm điệu bằng trắc cực kỳ độc đáo. Cụ thể, người Nghệ Tĩnh hay dùng dấu nặng, dấu sắc, và nhiều từ địa phương đặc biệt.
Như tác giả Thanh Vân Nguyễn trong bài thơ tiếng quê xứ Nghệ “Vịnh ruốc” của mình chị đã viết:
Bựa qua đi chợ Rộ
Mần được hụ ruốc hôi
Rọt đưng tính để bôi
Nhử cun lằng trước cựa
Răng mà nỏ chộ nựa
Hay cun Tý buổi trưa
Hấn lủm mất rồi nạ?
Chỉ trong mấy câu thơ mà hàng loạt từ chỉ có người Nghệ dùng xuất hiện: Bựa qua (hôm qua), Mần (làm), hụ (hũ), rọt (ruột), cun (con), cựa (cửa), nỏ chộ nựa (không thấy nữa)…
Điểm lạ mà hay chính ở chỗ đó. Thế nên khi người ngoài đọc thơ tiếng Nghệ, họ thấy thích vì âm điệu hơn là vì hiểu nghĩa. Còn riêng những người con xứ Nghệ thì khỏi cần bàn, họ luôn yêu tiếng nói quê hương mình. Thơ tiếng quê xứ Nghệ giúp họ bày tỏ tình cảm với quê hương, con người, với gia đình, cha ông, với người thân, bạn bè dù ở xa hay ở gần.
Chắc nhiều người còn nhớ sau đêm chung kết Sea Games 19, đội tuyển Việt Nam vô địch, hàng loạt bài thơ tiếng quê xứ Nghệ tràn ngập mặt báo. Điều hay là không chỉ ở những tờ báo người Nghệ hay đọc, mà còn cả những tờ báo vốn dành cho người tứ xứ. Như bài thơ “Cho tui gặp chắt Hậu” của tác giả Nam Nguyễn (quê Hà Tĩnh):
Alô! Ai đầu chạc?
Nhằm rùi lạc số chi
Mà tui hỏi cấy ri
Số ni phải chắt Hậu?
Guơ cha là bà Mậu
Mệ chắt Hậu đó à ?
Răng mà tài rứa bà
Đẻ thằng con rành giỏi
Gặp bà tui mới hỏi
Rứa thằng Hậu ở mô?
Bựa qua cun In đô
Bị vô hần cức lắm
Gửi tâm tình qua thơ tiếng Nghệ An
Tiếng Nghệ nghe đã khó hiểu, và đọc thì… càng khó hiểu. Nếu như nghe, tiếng quê choa thường phát âm khá nặng, không rõ lời, nói nhanh, đã thế còn nhiều từ ngữ địa phương cứ như tiếng Nhật “mi, ga, mô, chi, nỏ” không tài nào hiểu được. Còn khi đọc, tiếng quê xứ Nghệ Tĩnh trở thành ngoại ngữ, vì viết hoàn toàn khác về mặt dấu câu. Vậy điều gì khiến thơ tiếng xứ Nghệ ngày càng hấp dẫn? Có lẽ, điều thu hút nằm ở tâm tình lẫn sự sáng tạo mà các tác giả gửi gắm trong đó.
Ví dụ, ở đoạn thơ sau:
Mai tau về Hà Tịnh
Kháp chắc tẻo bay mồ
Về mấy bựa tau vô
Tranh thủ lanh không truốt
Nắng nôi cơm khó nót
Đi Hộ Độ ăn cua
Cua Hộ Độ một lô
Đạ mất 5 lạng chạc
(Ới trước kẻo nỏ kịp - tác giả Lại Huyền Châu)
Bài thơ trên của chị Lại Huyền Châu viết bằng thể thơ 5 chữ, cách gieo vần rất hay, và tất nhiên đặc sắc tiếng Hà Tĩnh. Nhưng quan trọng hơn nằm ở tâm tình chị gửi gắm: một người xa quê, nay trở về muốn gặp lại bạn bè cũ.
Hay trong một bài thơ chưa rõ tác giả, với tựa đề “Cơn ổi” người viết đã kể lại câu chuyện tuổi thơ của mình bằng những vần thơ tiếng quê Nghệ Tĩnh thật thú vị:
Nhớ ngay tê, nhà tau gưn nhà mi
Ranh dưới hai nhà chỉ là cơn ổi
Học cùng lớp, mi hơn tau một tuổi
Nhưng cũng dại khờ, ngốc nghếch giống tau thôi
Vì gưn nhà nhau nên bọn nớ ghép đôi
Từ bựa nớ tau không ngồi xe nựa
Cũng từ đó tau ghét mi như rứa
Đi bộ đến trường... chơ quyết nỏ ngồi xe
Rồi những tâm sự của bậc làm cha làm mẹ ở quê, xa ngái con cái cũng được viết thành những vần thơ thật cảm động:
Mắc chi lắm không con ?
Về giúp cha mấy bựa!
Đồng trên với đồng trửa
Ló cha gắt chưa xong.
Mẹ con thì cẳng đau
Cha hại mần nỏ kịp
Rơm thì khô chưa hết
Khoai lạc lại gưn về .
(Về giúp cha mấy bựa )
Tất nhiên, cả những người con cũng luôn nhớ về cha mẹ, và gửi tâm tình của mình qua những bài thơ tiếng Nghệ thật hay.
Bựa đến dừ có nắng lắm không cha ?
"Vơ bay ơi chơ răng mà nắng dại!
Bựa đến dừ hần nắng cho le lại
Cả tháng ni choa nghe hại lắm rồi!
Ở trong nhà ngài ngợm trướt mồ hôi
Phải cầm mo đưa ra ngồi ngoài bụi
Nắng khiếp đen ai mô mà trụ nổi
Nóng ra ri nghe rành tội kẻ tra
Ở thành phố là họ khác nơi ta
Ngồi một lộ có điều hòa nghe mát
Chư nông thôn uống vô đọi chè chát
Là đạ nghe trảy đút rát sau lưng
(Nắng lắm không cha? Tác giả Thế Mạnh)
Còn rất nhiều bài thơ tiếng Nghệ An hay, còn rất nhiều tác giả ẩn danh vẫn viết nên những vần thơ tiếng quê xứ Nghệ tuyệt vời chưa được nhắc đến ở bài viết này. Hy vọng rằng, trong một tương lai gần nhất, Nghệ ngữ sẽ sưu tầm được nhiều hơn nữa, góp phần lan tỏa cũng như gìn giữ tiếng Nghệ - đặc sản quê ta.
Tổng hợp bởi Nghengu.vn
Ý kiến bạn đọc
-
07/07/2021 23:00
- Trả lời
- Thích 1
- Không thích 2
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Lười nhác hay lười nhát viết đúng? Phân biệt nhát và nhác
-
Mặc khác hay mặt khác từ nào đúng chính tả tiếng Việt?
-
Sổng chuồng hay xổng chuồng? Viết sổng hay xổng là đúng chính tả?
-
Gởi hay gửi? Kính gửi hay kính gởi? Cách phân biệt gởi và gửi
-
Viết kỹ thuật hay kĩ thuật? Cách phân biệt kĩ hay kỹ
-
Xêm xêm là gì? Viết xêm xêm hay sêm sêm mới đúng chính tả?
-
7 bài thơ ngắn hay về triết lý cuộc sống của tác giả Thái Bá Tân
-
Giòn hay dòn? Rán giòn hay dòn, giòn tan hay dòn tan?
-
Giành chiến thắng hay dành chiến thắng? Giành giải hay dành giải?
-
Cập nhật giá thuê xe 4 chỗ tại Vinh (Nghệ An) mới nhất
-
Top 7 địa chỉ cho thuê xe máy ở TP Vinh (Nghệ An) tốt nhất