Tiếng Nghệ, tiếng quê, tiếng lòng…

Thứ năm - 11/02/2021 13:01
Chẳng biết Việt Nam ta có mấy vùng phương ngữ khác nhau, chỉ biết trong 3 miền Bắc, Trung, Nam, thì ngay mỗi cái vùng lớn ấy đã có mấy thứ tiếng khác nhau, mà dễ nhận thấy là tiếng Thanh, Tiếng Nghệ, Tiếng Quảng, tiếng Huế, tiếng Sài Gòn, tiếng miền Tây, đôi khi cũng gọi là giọng…
tiếng nghệ
Bà con xã Thanh Lương, Thanh Chương, Nghệ An.


Mỗi thứ tiếng (giọng) có một sắc thái tình cảm riêng, một chất riêng, cũng có thể gọi đó là nét cơ bản dễ nhận dạng góp phần tạo nên bản sắc văn hoá vùng miền.

Tiếng Nghệ quê tôi của cả Nghệ An và Hà Tĩnh (trước kia là Nghệ Tĩnh), mang âm vực nằng nặng khó nghe nhất đối với ai sống ở vùng miền khác, lại là khi mới tiếp xúc lần đầu. Người Nghệ tôi yêu quê nên tự hào về tiếng nói ấy, có nhiều người đi xa hàng chục năm trời vẫn nặng nặng tiếng nói ấy, có người đã pha lẫn ngai ngái giọng Bắc, giọng Nam nhưng không lẫn đi đâu được cái giọng Nghệ.

Có phải giọng Nghệ nặng nên khó thay đổi, hay vì chính người Nghệ không muốn thay đổi. Xét từ bản thân mình, đôi khi mình muốn nói nhẹ hơn, chuẩn mực phổ thông hơn để bè bạn và mọi người khác xứ dễ nghe, song những âm vực ấy, chất giọng Nghệ ấy đã ngấm vào máu, trụ lại ở thanh quản, chẳng dễ gì phôi phai. Tôi chỉ có thể nói tiếng ngôn ngữ phổ thông hơn, nhẹ hơn để dễ hiểu hơn một chút, còn cái giọng ấy, âm vực nằng nặng ấy vẫn đi theo tôi dù đã xa quê lâu ngày, chỉ có con gái là mềm mại hơn nên dễ đỗi giọng, nếu cố tình thay đổi thì cũng có thể nói được giọng Bắc nghe chẳng khác chi người Bắc.

Hồi đi học đại học, mấy bạn gái ở quê ra bắt chước giọng Hà Nội thật chuẩn, có khi chính người thân như tôi còn thấy ngỡ ngàng, thì người lạ cũng không dễ gì phát hiện ra gốc gác. Đôi lần tôi đùa “Hôm qua em đi tỉnh về/Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” (Nguyễn Bính), thì mấy cô bạn gái tôi cười, ừ thì cũng phải biến tấu ít để ngoại giao chứ! ấy vậy nhưng mỗi khi gặp đồng hương thì xả những tràng tiếng quê giòn như pháo, tự nhiên, khoan khoái, như đang chính ở nhà mình.

Cái giọng nằng nặng của tôi cũng gặp không ít phiền phức nho nhỏ, vì có khi người khác phải hỏi lại mới rõ mình nói gì, mà trong giao tiếp như thế cũng là bất tiện. Một anh bạn đồng nghiệp người Bắc có lần hỏi tôi, anh không thay đổi được giọng của mình nhỉ?, tôi bảo, ừ cũng khó! mà nếu tôi thay đổi chắc tôi sẽ là người khác mất rồi, tôi nghĩ bụng thế! Ông cha quê tôi có câu mắng mỏ những kẻ lai căng mất gốc thế này “chém cha không bằng pha giọng”. Pha giọng còn nặng hơn tội bất hiếu với cha. Dân gian có cái lý của mình, tôi không thuộc típ người nệ cổ và bảo thủ song vẫn mến yêu giọng nói quê mình và tự thấy có lẽ giọng ấy là chút quê của tôi còn lại sau bao năm tha hương.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng hiện sống và làm việc tại Liên bang Nga, đã từ lâu ông viết một bài thơ về quê hương, trong đó ông có mấy câu nói về giọng quê: “…Tiếng mộc mạc nhận ra người xứ Nghệ / Đi muôn nơi, giọng nói vẫn quê nhà…”. Người ta dễ dàng nhận ra con người Nghệ nhờ chất giọng không lẫn vào đâu được, giọng quê nhà, giọng của người đất Nghệ.

Giữa những người Nam, đất Bắc, nghe một tiếng Nghệ bỗng thấy quê hương gần lại, người xa lạ cũng hoá thân quen. “Nhiều khi chợt nhớ điếng người / Không cao sang – chỉ những lời “mô, tê” / Thôi thì cũng một tiếng quê / Người chê nằng nặng mình nghe chính mình” (Giữa Hà Nội gặp đồng hương – Hồ Huy Sơn). Cũng có đôi khi có những thoáng sánh so đáng yêu. Trong bài thơ “Con gái Nghệ An ra thăm Hà Nội”, tác giả Phan Thuý Thảo có viết: “Con gái Nghệ An ra thăm Hà Nội Ngẩn ngơ: Lời họ quá mềm / Chao ôi! Giọng mình giật cục / Người ta nói sao ngọt êm”, nhưng cô gái ấy không hề tự ti, ngược lại tự hào một cách tếu táo, đáng yêu: “Con gái Nghệ An ra thăm Hà Nội /  “Mô, tê, răng, rứa” làm quà / Bạn cười gãi “tróôc” bào chữa / “Rứa thôi dân Nghệ nhà choa!”.

Thế mới thấy những gì thuộc về hồn, cốt dâu dễ gì quên, đâu dễ gì bỏ, trái lại ai cũng nhân lên niềm yêu mến, nỗi tự hào.

Không hiểu các nhà ngôn ngữ đã lí giải như thế nào về giọng Nghệ quê tôi. Trong cái vốn hiểu biết của mình, tôi hiểu rằng, ngôn ngữ là sản phẩm của con người, của sản xuất, sinh hoạt và giao lưu trao đổi tình cảm nhưng bị chi phối bởi phong thổ, khí hậu. Cái chất giọng nằng nặng ấy là sản phẩm của thiên nhiên gió Lào nắng nóng khắc nghiệt, của bão lũ hoành hoành hàng năm, của những con người bộc trực, thẳng thắn, nhiệt tình nơi một miền quê còn nhiều gian khó. Cũng nhờ thứ tiếng ấy mà có những điệu hò xứ Nghệ sâu lắng, trữ tình, chẳng lẫn vào đâu được.

Thật cảm động khi nghe “giữa Mác Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”, người đi xa thương nhớ, nao lòng. Thật xúc động khi Trần Hoàn viết một khúc ca có chi tiết lịch sử về lãnh tụ Hồ Chí Minh, rằng trước lúc Người đi xa “Bác muốn Nghe một câu hò xứ Nghệ”. Ai đi xa mà lòng chẳng mang nỗi nhớ quê hương, với lãnh tụ Hồ Chí Minh tình cảm ấy đã ăn sâu vào máu thịt dẫu hàng chục năm bôn ba xa ngái quê hương. Một câu hò trước lúc đi xa để được là trở về, là tìm về cội nguồn, một phút giây lắng lại như dân gian từng nói “lá rụng về cội”. Bởi tình yêu quê hương đất nước luôn day dứt trong tim, mà chỉ có những câu hò, điệu ví mới giúp nguôi ngoai nỗi nhớ thương.

Với tôi lâu không nghe tiếng quê cũng thấy nhớ, không gần thấy thiếu, và mỗi lần được nói bằng chính giọng quê lại thấy gốc gác của mình. Tôi hiểu, tiếng Nghệ, với người Nghệ không chỉ là tiếng quê mà tiếng gọi trở về, là tiếng lòng thổn thức khôn nguôi.

Xem thêm:
Tiếng Nghệ tương đồng với tiếng các miền khác như thế nào?
Tiếng Nghệ qua nghiên cứu của một người Pháp

 

Tác giả: PHẠM THẠCH HOÀNG

Nguồn tin: Văn chương phương Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 6 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây