Những trò chơi khó quên trong ký ức người Nghệ
Nếu kể những trò chơi của người Nghệ xưa thì nhiều lắm. Mà toàn trò chơi "tự biên tự diễn", không có đồ chơi làm sẵn như con nít bây giờ. Con gái thì nhảy dây, nhảy ô, “rồng rắn lên mây có cây lúc lắc"... còn đám nam nhi thì vô khối. Nghệ ngữ xin giới thiệu bài viết của bác Viet Ho điểm lại một vài trò chơi gắn bó với ký ức nhiều người Nghệ.
Ai nhớ trò trọi gụ?
Nghĩ cũng lạ, ngày nay trẻ lớn tồng ngồng mà đi học cũng phải có kẻ đón người đưa, còn ngày xưa thì tha hồ “tuỳ nghi di tản”. Trai gái đôi khi có chơi chung cho có vẻ bình đẳng nhưng những trò chơi bi, chơi khăng, trọi gụ thì phải nhờ đến bàn tay khéo léo của các bậc “trượng phu” nhí.
Mặc quần thủng đít nhưng trong túi thằng nào cũng lủng lẳng con... gụ, mấy trái bi tự tạo. Gụ là một khúc gỗ được đẽo, đóng đinh tượng hình chùa một cột hay như đóng rơm đã bị rút mòn ở dưới gốc. Tuy giản đơn nhưng gụ cũng đã được phân chia đẳng cấp: “Nhất si, nhì da, ba ổi, trổi mưng, trưng, khế rễ thầu đâu”. Hay có người còn có bài vè về việc chọn gỗ làm gụ:
Nhất si, nhì da, thứ ba muồng chuống
Nhảnh lên nhảy xuống là gụ thầu đâu
Ù lâu gụ ổi
Ù trỗi gụ mưng
Lừng chừng gụ mấc.
Tuy vậy hồi đó cũng đâu dễ kiếm “nguyên liệu”. Ngày thì chơi bắn bàng, hay trốn tìm cốt là tìm mấy cái bụi có cây nhỏ, tối đưa dao đi... trộm bất kể đó là cây loại gì. Về đẽo gọt, đóng đinh, vẽ vòng tròn nhỏ, quấn giải rút vào quay tròn, kẻ nào “chết” sớm là bị bỏ vào vòng bị chọi cho tới khi bị toang hoác hay có kẻ thay thế. Nhưng cũng đâu dễ bọn trẻ đều là những nhà thiện nghệ. Ở ngoài nhìn “đứa con” của mình bị tra tấn xót lòng giả vờ “dạ” một tiếng như bị mẹ gọi “con về ngay” rồi tính chuyện vượt ngục. Bởi thế cũng phải ra luật lệ đàng hoàng: “Chạy làng vứt gụ nhà xia”.
Đến trò bắn bi
Bi hồi đó cũng đã có bán bi ve làm bằng thuỷ tinh, màu mè đẹp mắt nhưng dễ vỡ, con nít rất chảnh nỏ sèm. Bi phải làm từ những viên đá, công phu hơn, “tay chơi chả sợ gì mưa rơi”. Phải gọt đẽo từ những viên đá nhỏ, ghè từng tí một cho tới khi đã thành hình rồi bỏ giữa hai cổ chai ngoáy đi ngoáy lại tròn vo.
Một viên bi cũng phải mất cả tuần chế tạo, đi đâu hai tay cũng nghí ngoáy như bà già giã trầu vậy. Đá thanh màu xanh mềm dễ đẽo nhưng tụi trẻ lại khoái đá sứ trắng hay đen, phải lên tận “nhà sứ” (có lẽ nhà công sứ xưa) ở gần nhà thờ Cầu Rầm bới kiếm. Khi viên bi được gọt nhẵn, tròn vành vạnh, lấy tí dầu hay mỡ bôi vào láng bóng trông rất bắt mắt, chơi bi cũng nhiều kiểu:bi vòng, bi lỗ, bi tường... Kẻ nào thua là bi bị “bắt” làm tù binh đau lòng chảy nước mắt. Nhiều thằng thiện nghệ phải may túi ba gang để đựng “chiến lợi phẩm” bán lại kiếm lời.
Những trò chơi thuở nhỏ tuy giàn dị mà đầy ý nghĩa. Bạn bè xưa đã xa vời vợi “có thằng nhắm măt buông xuôi” trả nợ đời non nước, hỏi những thằng ở lại (ban cùng lứa) còn nhớ tới ngày xưa? Để sống lại những ngày xưa thân ái, giản dị mà thảnh thơi, đậm tình người?
(Kỳ sau kể chuyện bắt cá rô thia, đổ dế)
Tác giả: Viet Ho
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Làm lốt hay nốt, xin lốt hay nốt đúng chính tả?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Viết cái hủ hay cái hũ đúng? Phân biệt hủ hay hũ chi tiết
-
Không nỗi hay không nổi viết đúng? Mẹo phân biệt nỗi hay nổi
-
Méc hay mét khác nhau thế nào? Méc mẹ hay mét mẹ?