Người Nghệ Tĩnh xưng hô như thế nào?

Chủ nhật - 21/06/2020 21:00
Kho tàng thơ ca dân gian xứ Nghệ là một gia tài đồ sộ lưu giữ các giá trị văn hóa, tinh thần, ngôn ngữ, văn chương… vô giá của nhiều thế hệ người Việt định cư trên mảnh đất núi Hồng, sông Lam. Thơ ca dân gian xứ Nghệ phong phú, đa dạng, gồm nhiều thể loại như ca dao, hát ví, hát giặm, vè. 

1. Đặt vấn đề 

Cho đến nay, nhiều công trình nghiên cứu đã khảo sát thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh trên các bình diện nội dung và hình thức từ nhiều góc độ khác nhau. Từ góc nhìn ngôn ngữ học, một số công trình đã khảo sát đặc trưng hình thức của các thể thơ dân gian Nghệ Tĩnh, tìm hiểu một số đặc điểm ngôn ngữ của ca dao, của ví giặm Nghệ Tĩnh... 

Ngôn từ trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh hết sức đa dạng, có nhiều nét độc đáo, có tính đặc hữu địa phương. Với tư cách chất liệu nghệ thuật, các thành tố cấu thành phương ngữ Nghệ Tĩnh đáp ứng đầy đủ nhu cầu giao tiếp phản ánh một khuynh hướng thẩm mỹ thể hiện dấu ấn văn hóa một vùng đất từ khe Nước Lạnh đến Đèo Ngang; đó là sự ưa chuộng cách nói thẳng thắn, bộc trực, tự nhiên. Trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh, cách dùng từ, cách cấu tạo từ theo hướng mỹ cảm ngôn ngữ đã thể hiện cách nhìn hiện thực ít nhiều mang đậm sắc thái văn hóa địa phương.

 
xunghe3
Ngôn từ trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh hết sức đa dạng. Ảnh: Báo Nghệ An


2. Cách xưng hô trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh 

Ngôn ngữ với chức năng quan trọng nhất là làm công cụ diễn đạt và qua ngôn ngữ đã phản ánh cách ứng xử của từng cộng đồng người khác nhau. Không chỉ có thế, bức tranh văn hóa ngay trong cùng cộng đồng lại diễn ra khá đa dạng, qua từng khu vực, vùng miền. Cố nhiên, sự phân cắt giữa các vùng văn hóa và các phương ngữ không hoàn toàn trùng khớp với nhau, nhưng có thể qua cái lợi khí đắc lực này, ngôn ngữ đã phản ánh rõ nét nhất, đậm đà nhất bản sắc văn hóa khu vực, từng vùng địa lý, dân cư.

Nghệ Tĩnh là một vùng văn hóa mà dân gian gọi là xứ Nghệ. Một trong những tinh hoa văn hóa xứ Nghệ là tiếng Nghệ (còn gọi là phương ngữ Nghệ Tĩnh). Cái thứ tiếng, người các vùng khác cho là trọ trẹ, trầm nặng đã làm nên hồn vía Nghệ, một thương hiệu Nghệ. Trong giao tiếp hàng ngày cũng như trong giao tiếp nghệ thuật, với cái chất Nghệ, người dân vùng này đã khoác một vỏ ngữ âm kèm theo giá trị ngữ nghĩa cho các đơn vị từ ngữ, tạo sự khác biệt và không thể trộn lẫn với vùng khác. 

Trước hết, thật khó có nơi nào có hệ thống từ xưng hô phong phú như Nghệ Tĩnh. Người Nghệ, trong xưng gọi thường dùng các từ như: anh cháu, anh chắt, anh cu, anh đị, anh hoét, anh ngoéc, anh mới, anh xạ, anh nhiêu, anh học, anh nho, ông chắt, ông cu, ông hoe... Mỗi từ ngữ xưng gọi như thế đều có nét nghĩa phân biệt. 

Chẳng hạn: anh cháu là chỉ người đàn ông đã có cháu gái đầu lòng; anh nho chỉ người có học vấn trong làng; anh xạ (xã) chỉ người đàn ông đã/đang làm việc làng xã. Khi xưng gọi, các từ này còn kết hợp với tên riêng, theo đó, các vai giao tiếp hết sức cụ thể, thân mật: Bứt cỏ bỏ phân/ Anh cu Thân xóm Trại/ Ông hoe Ngại xóm Trong/ Ông chắt Sung xóm Nam/ O Cam xóm Bắc/ Trấy (trái) gấc bà Thừa/ Cái bừa ông cu Thiêm (Hát giặm). Hay: Trèo truông cho đổ mồ hôi/ Mượn khăn điều anh xạ lau đôi má hồng (Ca dao). Dĩ nhiên, đã có anh cháu, anh chắt, anh cu, anh đị… thì cũng có ả cháu, bà cháu, ả chắt, ả cu, ả đị… làm thành từng cặp xưng hô cân xứng. Chẳng hạn: Không ai khốn nạn/ Bằng ả cu Kiều (Hát giặm). 

Thú vị hơn cả là cách người Nghệ Tĩnh dùng các danh từ mệ, mự, mụ để xưng hô trong giao tiếp hàng ngày ở phạm vi gia đình, làng xóm. Từ mệ đối ứng ngữ âm với từ mẹ, nhưng lại có thêm nét nghĩa vợ. Do vậy, giao tiếp gia đình, người chồng Nghệ có thể gọi vợ là mệ; còn những người khác có thể gọi mệ cháu, mệ chắt, mệ đị, mệ cu, mệ hoe... 

Chẳng hạn: Mệ mi (mày) mô (đâu) ngồi lại/ Tau đi tỉnh mới về/ Chộ (thấy) những cái thật ghê/ Ngồi đây tau nói chuyện (Hát giặm). Từ mự Nghệ Tĩnh tương ứng với hai từ trong tiếng Việt là thím và mợ. Các cặp đôi xưng hô chú - thím, cậu - mợ trong tiếng Việt, người Nghệ thay bằng chú - mự, cụ - mự. Chẳng hạn: Cháu về, anh em dức lác (chê trách)/ Chú thì nói hầu ri (như thế này)/ Nói thiệt với mự mi (mày)/ Tính mần răng (làm sao) khỏi khổ (Vè). Hay: Em về thưa với thầy mẹ/ Thưa cụ mự cô dì/ Dù gả bán em đi/ Em sua (xua) tay không lấy/ Em lắc đầu không lấy (Hát giặm). 

Ngoài tư cách là một danh từ thân tộc, từ mự Nghệ Tĩnh còn dùng để xưng hô cho nhiều vai giao tiếp khác nhau. Trước hết, từ mự chỉ những người phụ nữ có tuổi từ 40 trở lên: Trốc cúi (đầu gối) bằng ống giang/ Lạ lùng chi hỡi mự (Hát giặm) là lời nhận xét hàm ý chê bai người phụ nữ có tuổi nhưng dáng vẻ gầy nhom. Nhưng ở tình huống giao tiếp: Cho dù cho vẹn chữ tòng/ Ai nuôi con cho mự lấy chồng mự ơi (Ca dao) thì mự ở đây chỉ quả phụ (gái góa) còn trẻ đang ở vào tình thế lựa chọn nuôi con hay tái giá. 

Còn nữa, trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh, nhiều trường hợp, từ mự lại có nghĩa chiếu vật là các cô gái xuân thì: Cơn (cây) da (đa) mà đợi bến đò/ Bến đò mà đợi cơn da/ Mự xẩn xẩn xa xa/ Tui (tôi) xẩn xẩn xa xa/ Muốn sum họp một nhà/ Để thành đôi như đụa (Vè). Hay: Thầy cũng nhủ (bảo) lấy vợ đi/ Mẹ cũng nhủ lấy vợ đi/ Tui (tôi) chưa muốn chưa ỳ/ Nhất tâm lòng tôi đợi mự (Ca dao); Trăng lên có chiếu sao trời/ Hỏi thăm mự xạ (xã) đã ăn trầu ai chưa (Ca dao). 

>>>Xem thêm: Bàn chuyện giao tiếp trong tiếng Nghệ

 
96510219 2669856049809125 3638861649412096000 n
Trăng lên có chiếu sao trời/ Hỏi thăm mự xạ (xã) đã ăn trầu ai chưa? Ảnh: Nghệ ngữ


3. Nghệ Tĩnh dùng cho nhiều vai giao tiếp

Cũng như mệ, mự, từ mụ Nghệ Tĩnh cũng được dùng cho nhiều vai giao tiếp. Trên khu vực địa phương, người Nghệ không nói vợ chồng mà thay bằng ông mụ, hoặc gấy nhông: Thuận ông thuận mụ/ Tát cạn bể Đông/ Thuận buồm xuôi gió (Hát giặm); Nước đục thì đã có phèn/ Chanh chua có muối gấy hèn có nhông (Ca dao). 

Cũng trong giao tiếp hàng ngày, người Nghệ gọi bà già bằng mụ, cũng là từ các bà già tự xưng. Đây là lời bà lão 70 tuổi trong một bài vè: Mụ đây cũng nỏ (không) lạ/ Tiếng ông nói láp (đùa) đã lâu/ Nói củ khoai vạc mọc ra ao/ Nói con rắn lót ổ bờ rào/ Nỏ (không ) được câu mô (nào) nhằm (đúng) cả. Từ mụ còn được dùng để gọi các địa chủ bà đối xử với người ở dối trá, bủn xỉn, keo bẩn, tham lam, độc ác: Cái mồm mụ nhiếc/ Đứt rọt (ruột) đứt da/ Cái mồm mụ la/ Vơ làng vơ xóm (Vè). Lại có các tổ hợp mà mụ là yếu tố để tạo nên loạt từ xưng hô dùng trong phạm vi giao tiếp gia đình, làng xóm rất tự nhiên, gần gũi: mụ tra (bà già), mụ gia (mẹ chồng), mụ o (bà cô), mụ nậy (vợ cả), mụ mọn (vợ hai). 

Chẳng hạn: Đứa nào bạc ác/ Bàn cho rẽ cửa rẽ nhà/ Tại thơ trẻ hay ông tra (ông già)/ Tại mụ tra hay con nít (Vè); Ham chi (gì) bó ló (lúa) quan tiền/ Mụ gia dễ ở chồng hiền là hơn (Ca dao); Một trăm ông chú không lo/ Lo vì một chút mụ o nhọn mồm (Ca dao); Người ta mụ mọn làm tôi/ Còn tôi mụ nậy số hôi ra gì (Vè). 

Các danh từ thân tộc dùng phổ biến để xưng hô trong tiếng Nghệ còn có ả, o, bà o. Ả tương ứng với chị, o tương ứng với cô, bà o tương ứng với bà cô trong tiếng Việt toàn dân: Thung huyên anh ngoại sáu mươi/ Cảm ơn ả đã có lời hỏi thăm (Hát phường vải); Nào tình chum với nác (nước)/ Nào tình giếng với mo/ Nào tình tui với o/ Như vải mắc trên go/ Cứ nhung nhăng rứa mãi/ Cứ nhùng nhằng rứa mãi (Hát giặm); Yêu nhau đem quách nhau đi/ Bà o trơ mấn (váy) bà dì hỏng ăn (Ca dao). 

Giao tiếp hàng ngày, người Nghệ dùng phổ biến các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, thứ hai, cả số ít, số nhiều như: tui, tau, mi, hấn, choa, nậu, bay, bọn choa, nhà choa, bọn bay, tụi bay..., trong đó, các cặp xưng hô tau - mi, choa (bọn choa) - bay (bọn bay) có tần số cao nhất. Chẳng hạn: Tình ơi có biết chăng tình/ Mi tham tiền bạc mi khinh tau nghèo/ Tau than tau thở đã nhiều/ Mi cứ lắc trốc (đầu) mi theo thằng giàu (Ca dao) là lời chê trách thẳng thắn, bộc trực của chàng trai đối với cô gái phụ tình vì ham giàu. Hay: Mấy đứa độc ác/ Trời nổi phong ba/ Đất nổi can qua/ Cho bay thất thế bay ra ở chùa/ Còn như choa bây giừ (giờ)/ Đang là cái thằng sống tủi (Hát giặm) là lời cảnh báo những kẻ bất nhân rồi sẽ có kết cục không tốt đẹp. 

Ngoài Bắc có từ nạ dòng (nạ có nguồn gốc từ *ná, nghĩa là mẹ) thì Nghệ Tĩnh có từ mẹ dòng và cũng có từ cha dòng mà ở ngoài Bắc không có: Mẹ dòng ở vậy nuôi con/ Khăng khăng chực tiết, dạ còn đăm chiêu (Vè); Cha dòng một áo thì hơn/ Trai tân chín kép mười đơn chẳng màng (Ca dao). 

Ở nhiều vùng nông thôn Nghệ Tĩnh, trâu bò chăn thả chung thành bầy và giao cho một người đàn ông phụ trách, do đó có từ ghép ông bầy. Từ ông bầy cũng dùng để xưng hô hết sức quen thuộc: Khắp thôn trong xã ngoài/ Ai cũng kêu (gọi) bằng ông bầy cả thảy/ Ai cũng gọi ông bầy cả thảy (Hát giặm).

Ngoài cách dùng từ xưng hô, cách cấu tạo từ xưng hô có tính đặc hữu địa phương, cách ứng xử trong giao tiếp của Xưng hô trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh đa dạng, độc đáo có tính đặc hữu địa phương người Nghệ Tĩnh còn có nét khác biệt, đó là dùng nhiều cách xưng gọi khác nhau cho cùng một đối tượng. Chẳng hạn, xưng hô với bà địa chủ, ngoài từ bà thông dụng còn có các từ chúa bà, ả, vú, mụ. Chẳng hạn: Bầy tui (chúng tôi) cức cái phận/ Bầy tui giận cái duyên/ Mắm bà thì mắm đen/ Ba mươi tầng cộc (gộc) chuối (Vè); Chúa bà ăn rồi lại nằm/ Bắt tui (tôi) xay ló (lúa) tối tăm trong nhà (Ca dao); Đến ở với ả ốm đau đời đời/ Cơm thì ả bới vơi vơi/ Lườn hai mạnh đọi trời ơi là trời (Vè); Bựa (bữa) đầu vú nói thương yêu/ Bựa sau vú nói những điều tốn cơm/ Bựa đầu vú để tôi đơm/ Bựa sau vú nói tau đơm cho mày (Ca dao); Con mụ mụ ấp mụ yêu/ Con choa mụ bỏ vào niêu nấu xào (Ca dao). Xưng hô với người vợ đầu (vợ cả), Người Nghệ dùng các từ mụ nậy, mụ, chị cả, chị, vú. 

Đó là các trường hợp: Ba quân thiên hạ/ Người làm mọn đã thường/ Khi mụ nậy ghen tuông/ Ta kiếm điều ngọt nhạt (Vè); Sáng mai mụ nhiếc nhối/ Mụ đá thúng đụng nia/ Mụ nói nọ nói kia/ Những hoa tàn nhị tàn/ Những hoa tàn nhị rữa (Hát giặm); Thương anh răng nỏ muốn thương/ Sợ rằng chị cả đón đường đập em (Ca dao); Thầy sai múc nước/ Chị dục lấy tăm (Hát giặm); Về đến đầu cựa ngọ (của ngõ)/ Vú mách vội với thầy/ Coi dì hai hắn đây/ Có triêng chi (gì) đổ hết/ Có gánh gì đổ hết (Hát giặm). 

Chức năng chủ yếu của xưng hô là thiết lập quan hệ tiếp xúc giữa những người đối thoại và duy trì cuộc đối thoại giữa các bên tham gia. Do đó, người Nghệ không dùng rặt những từ xưng hô địa phương mà tùy từng đối tượng và phạm vi giao tiếp có cách lựa chọn phù hợp. 

Có những trường hợp, người Nghệ dùng từ xưng hô như quân tử, thuyền quyên, chàng, thiếp, nường, nàng… mang màu sắc thi ca: Xin mời quân tử vào chơi/ Thuyền quyên muốn tỏ đôi lời cho minh (Ca dao); Hay: Xin mời quân tử vào trong/ Để cho thiếp tỏ chữ tùng một hai (Ca dao)... Tuy nhiên, giao tiếp trong khu vực địa phương, nhìn chung, người Nghệ quen dùng các từ xưng hô có trong tiếng Nghệ, chủ động cấu tạo các từ xưng hô kiểu Nghệ. Mỗi từ như thế có đặc trưng ngữ nghĩa riêng, có sắc thái địa phương rõ nét, phản ánh các tình huống giao tiếp khác nhau, các cách ứng xử khác nhau trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh. 

 
cho que 6
Người Nghệ xưng hô kiểu Nghệ. Ảnh: Quỳnh


4. Kết luận 

Trở lên, chúng tôi đã phác thảo vài nét sơ bộ về cách ứng xử trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh trên dẫn liệu thơ ca dân gian địa phương. Còn nhiều khía cạnh khác chưa được đề cập đến, nhưng rõ ràng đây là cách xem xét đặc trưng phương ngữ Nghệ Tĩnh trong tương quan với thơ ca dân gian xứ Nghệ. Cách tiếp cận này, chẳng những giúp chúng ta nhận biết chính xác tính chất đa dạng, sinh động trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh, thấy được những nét đặc hữu địa phương của tiếng Nghệ mà còn có thể nhận biết khá rõ nét dấu ấn văn hóa riêng biệt của vùng đất non xanh nước biếc./.

 

Tác giả: TS. Nguyễn Hoài Nguyên - Hội Ngôn ngữ học Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây