Chuyện xảy ra ở quán Thúy Mùi
Năm đó tôi lên 10, lúc đầu tôi không hiểu vì sao mấy người trong làng lại phí công cho chuyện của Thúy Mùi như vậy. Nhưng sau đó tôi về cùng phe với họ, vì nghe được rằng Thúy Mùi là gái dạt, gái giang hồ hết thời từ miền Nam về.
Quán Thúy Mùi đông khách, đa số là đàn ông, cũng có một vài ả đàn bà, đỏm dáng, gợi cảm y chang Thúy Mùi. Mấy phụ nữ trong làng tôi bảo nhau rằng Thúy Mùi mở quán làm bức bình phong đấy, quản chồng chặt vào, coi chừng hỏng cả chồng lẫn tiền.
Còn cánh đàn ông trước mặt các bà luôn thao thao nói cần gì ngữ ấy, vợ mình là nhất. Nhưng đôi ba lần các ông thì thào với nhau “nhìn Thúy Mùi về nhìn vợ mình mà ngao ngán”, “Thúy Mùi đứng trước mặt ngắm ăn cơm muối trắng cũng ngon”. Còn mấy gã thanh niên trong làng thì suốt ngày hát nghêu ngao: “Bé lên ba bé đi cạo tóc. Cô thương bé vì có ba đón về. Ba đón về mà không về nhà bé. Ở nhà cô Thúy ba ngày sau ba mới về. Là lá la la la là lá la la…” hay “Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm”…
Tôi ngày đó hay theo ông nội chơi cờ trong nhà văn hóa xóm. Ông có một hội bạn già chuyên đánh cờ tướng và bàn bạc chuyện đời bên ấm nước chè đặc. Và tất nhiên chuyện Thúy Mùi về làng không thể thoát khỏi những câu chuyện đời mà ông tôi và hội bạn già bàn tán. Ông tôi bảo, Thúy Mùi vốn gốc làng Trùa này, cha mẹ nó trốn nợ bỏ vô Nam năm 1990, tức năm tôi còn nằm trong bụng mẹ. Hồi đó Thúy Mùi xinh nhất làng, mỗi tội nhà nghèo nhất làng. Thúy Mùi không được học, lại phá phách như con trai, mười bảy tuổi đã có bầu, chẳng biết con ai. Gia đình nợ nần, con gái chửa hoang. Bỏ đi là đúng, “đắm đò giặt mẹt”.
Tôi nhớ như in lời ông Gia, bạn ông tôi nói hôm đó: Nhân bất học bất tri lý, gái không học thì thành đĩ điếm, trai không học rồi thành ma cô.
Tôi sợ thành ma cô! Nên tôi ghét quán Thúy Mùi. Ghét cái cảnh xe máy của đám thanh niên xăm trổ từ đâu tới nẹt pô làm ồn chẳng thế nào tôi tập trung học bài được. Tôi muốn quán Thúy Mùi dẹp đi, trả lại những ngày tháng bình yên của ngôi làng nơi tận khỉ ho cò gáy này, để tôi còn học, lấy tấm bằng khen học sinh giỏi, tránh con đường ma cô như ông Gia nhắc.
Một đêm, tiếng nổ ầm trời vang lên phía ngã tư. Ai đó nổ bộc phá ngay trước quán Thúy Mùi. Cả làng tôi bảo, chắc lại bọn giang hồ tranh giành khách khứa, phen này Thúy Mùi không đi mới lạ. Họ thở phào, nhẹ nhõm như bỏ được cục nhọt trong mắt. Tôi cũng hân hoan, vì nghĩ ma cô, đĩ điếm nên tránh xe miền quê yên bình này. Tôi cần yên tĩnh để học, để thi đại học, thành ông này bà nọ, về giúp làng mình, tôi không thể thành ma cô.
Nhưng Thúy Mùi chẳng đi đâu cả. Hôm sau, Thúy Mùi thuê người về xây lại hàng rào có hẳn dây theo gai, và mấy hôm sau quán vẫn đông như thường. Xe máy lại nẹt pô, áo quần lại hở hang thấy từng thớ thịt, và nước hoa nồng nặc, thứ hương mà mỗi lần ngang qua tôi không tài nào chịu nổi.
Làng tôi ngày trước còn xã giao giờ thì họ khinh ra mặt, họ cạch hẳn cái tên Thúy Mùi. Đám con nít ăn chưa no lo chưa tới như tôi cũng khinh Thúy Mùi ra mặt. Đi chăn bò, nhiều lần ngang qua quán, chúng tôi thường rủ nhau ném đá vào nhà rồi chạy. Những lần đó, phía trong nhà tôi thấy Thúy Mùi la hét.
Một ngày chủ nhật, tiếng xe cấp cứu bỗng rộn lên đầu làng. Tôi ba chân bốn cẳng chạy ra xem, trước quán Thúy Mùi người đông như kiến, người ta bàn tán xôn xao gì đó. Tôi len qua đám đông, thấy phía trước Thúy Mùi nằm trên cáng. Máu ướt đẫm tấm khăn màu trắng, chảy từng giọt xuống mặt đất. Mấy bà bên cạnh xì xào, con Mùi xuất huyết, hình như có bầu và sẩy luôn rồi!
Tiếng dữ đồn ầm lên. Con Thúy Mùi chửa hoang lần hai. Trời ạ, đàn bà chửa hoang đã xấu, đàn bà chửa hoang hai lần thì nên gọi là gì đây. Mặt mũi dòng họ nó để đâu, cả truyền thống tốt đẹp của cái làng Trùa này bây giờ để đâu. Những người làng tôi từ nam phụ nữ ấu đều rộn lên chuyện Thúy Mùi, họ bảo đợt này con Mùi về kiếm cớ đuổi đó đi, không là nó trở thành gương xấu, đám con nít nhìn đó học mất nết hết.
Nhưng ngày Thúy Mùi về đó chẳng ai dám nói nửa lời. Một phần sợ những tay giang hồ xăm trổ vào ra bất chợt, một phần đất của Thúy Mùi, nhà của Thúy Mùi ai có quyền mà đuổi?
Tôi ngày đó cũng suy nghĩ dữ lắm, cũng muốn “góp công” vô cái chuyện đuổi Thúy Mùi đi. Nhưng chẳng suy nghĩ được gì, tôi lại theo ông tôi đi đánh cờ và nghe bàn chuyện thời sự. Hôm ấy, chuyện Thúy Mùi được các ông bà ở hội người già mang ra bàn tán, tất nhiên ai cũng muốn Thúy Mùi phải rời ngôi làng này.
“Phải có cách để con Mùi tự ra đi” – ông Gia lên tiếng trong lúc đánh cờ. Ông nội tôi gật gù bảo bác có ý gì hay không, tôi ngồi bên đợi chờ. Người làng tôi nể ông Gia lắm, ông là người đầu tiên lấy bằng thạc sĩ lý luận gì đó của làng, nói như mẹ tôi ông Gia là cây đa cây đề, là tấm gương hiếu học cho đám con nít cả làng noi theo.
Tôi ngồi đó nghe mấy ông bà phán, bỗng giật mình khi tiếng ông Gia gọi: “Thằng Lộc, về nhà lấy giấy bút ra đây”. Tôi chạy một mạch, vừa chạy vừa khấp khởi mừng vì có cảm giác sắp làm nên chuyện gì đó.
– Mày chữ đẹp, ngồi đây chép cho ông! Ông Gia ra lệnh cho tôi rồi chậm rãi đọc:
Ve vẻ vè ve
Cái vè con điếm
Lúng la lúng liếng
Cướp chồng người ta
Mặt mũi như hoa
Ruột gan tàn độc
Bao người vợ khóc
Vì mày mà ra
Hãy cút đi xa
Hỡi con đĩ điếm
Loa loa loa loa
…
Tôi nắn nót chép xong, đọc to một lần nữa trước các ông các bà, việc này tôi làm rất tốt, vì ở lớp tôi luôn được cô khen khoản chép bài và đọc thuộc lòng. Tôi tự hào lắm, nhất là khi ông Gia dúi vào tay tôi từ bạc 100 ngàn xanh gi, bảo tôi chạy đi gọi thằng Hiệp, ra quán photo in 100 bản mang về. Tôi hí hửng quay đi còn nghe tiếng ông Gia bàn luận: “Rồi con Mùi phải tự ra đi. Bởi dù đĩ điếm hay ma cô cũng có lòng tự trọng”.
Chiều đó lũ trẻ trong làng được tập hợp lại, tôi được giao nhiệm vụ đọc to, tụi kia đọc theo, một lúc là thuộc, còn nhanh hơn học bài ở lớp. Ông Gia bảo chúng tôi chơi trò rồng rắn, đi ngang qua quán Thúy Mùi cứ thế mà đọc, càng to càng tốt, rồi vo tròn những tờ in bài vè kia, ném vào sân.
Hai hôm sau, Thúy Mùi bỏ làng đi. Chẳng ai biết Thúy Mùi đi đâu, mà cũng chẳng cần biết, ai cũng thở phào nhẹ nhõm như nhổ được cái gai trong mắt, bỏ được hòn sỏi dưới chân. Tôi cũng hớn hở vui vì góp công đầu vào “đại thắng” của làng Trùa!
Mười năm từ ngày Thúy Mùi biệt tích, tôi đã là một gã thanh niên bước chân vào đại học, mang ước mơ trở thành ông nọ ông kia, làm rạng danh làng Trùa. Năm ngoái tôi về, làng chẳng đổi thay nhiều, vẫn bến nước, cây đa già, và ngay ngã tư quán Thúy Mùi vẫn còn đó, chỉ có điều quán nay rêu xanh mọc lên, âm u, lạnh lẽo.
Mẹ tôi bảo, trước ngày tôi về một tuần, ông Gia mất. Điều lạ, khi hấp hối bên giường bệnh, ông bảo anh con trưởng ra đầu quán Thúy Mùi, đào một nắm đất mang về, đặt bên cạnh. Rồi ngày đưa ông ra huyệt mộ, nắm đất đó được chôn theo cùng, theo di nguyện.
Tôi rợn người, trong đầu hiện về hình ảnh những giọt máu chảy xuống ướt nền đất, hôm Thúy Mùi đi bệnh viện.
Tác giả: NGHỆ NGỮ
Nguồn tin: Webtretho
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Gáng hay ráng? Gáng lên hay ráng lên? Ráng sức hay gáng sức?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Tỉ mỉ hay tỷ mỷ đúng? Nên viết i ngắn hay y dài hay hơn?
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Top 5+ địa chỉ thuê xe máy ở Hà Tĩnh tốt và có giá rẻ nhất
-
Lý thuyết hay lí thuyết? Lý luận hay lí luận viết đúng?