Tiếng Nghệ trong mắt ai
Thế là tôi đã qua hai mùa hoa sữa gắn bó với trái tim hồng Tổ quốc, thời gian đủ cho một chàng trai Xứ Nghệ tuổi 20 quen dần với không khí ồn ã, náo nhiệt của thủ đô. Thế nhưng, có một cái luôn hiện hữu trong ta làm ta nhớ quê, đó là Tiếng Nghệ!
Xa quê, nhớ lắm... một bờ đê uốn quanh con sông như nét mi con gái, một cánh đồng lúa bát ngát đòng non tơ như thiếu nữ tuổi trăng tròn, một bờ phi lao, một con đường đất, những người quê kham khổ lụng làm…tất cả đều đã hằn in trong ta về nơi chôn nhau cắt rốn. Khi nhớ quê ta lại đem nó ra mà nghĩ ngợi, mà chiêm nghiệm, thế nhưng có một cái vô hình luôn hiện hữu trong ta, gần ta hết thảy, thiêng liêng hơn hết thảy, đó lại là “Tiếng Nghệ ”!
Nó như một vị sứ giả tận tình đưa những người con trên đất mẹ Miền Trung lại gần với nhau hơn. Giữa chốn đông người, với những khuôn mặt không quen biết, bỗng bất chợt va vào ai đó, vội xuýt xoa xin lỗi, rồi nhận ra một cái gì gần gũi phát ra đầu cửa miệng. Quê choa phải không. Bạn cũng người Nghệ An à. Thế là nắm lấy tay nhau, gần thân bất chợt.
Có một chuyện vui thế này: một bác nông dân đưa con lên thủ đô thi đại học, con khuất sau cửa phòng thi bố cũng ngồi bệt xuống đất cùng với những phụ huynh từ khắp mọi miền quê có chung sứ mệnh, một ông bên cạnh xích đến hỏi: Bác quê ở đâu thế ?, khổ thân cho bác “nghệ ta” nói mãi cũng chỉ thấy người đàn ông há mồm, tròn mắt dường không hiểu gì, bực quá bác mới hét lên “tôi nói đồng bào nghe rõ không”, đến lúc này mới thấy ông kia vỗ tay vào đùi mình đen đét :Hiểu rồi, hiểu rồi, Người Nghệ An, quê hương Bác Hồ đây mà.
Trường tôi có một hội đồng hương (hội đồng hương nghệ An ở Hà Nội thì nhiều vô kể), ngày sinh hoạt hội có chị học khóa trước sắp ra trường đứng dậy phát biểu, chị nói một thôi một hồi rồi bất chợt dừng lại như người ta lấy hơi rồi mới tiếp “Vào trường, suốt ngày cong môi, uốn lưỡi “lói” giọng Thủ Đô cho dễ nghe, hôm nay gặp toàn dân quê mình, nói giọng mình… đã quá !”.
Người Nghệ An ta hẳn đều biết cô MC duyên dáng Diệp Chi của Rung Chuông Vàng nhỉ, Xin thưa đó là người Nghệ An ta đó, chị sinh ra và lớn lên ở Thành Vinh, nhưng trời ban cho chị một khả năng điều chuyển giọng nói của mình đến kỳ lạ, nghe kể lại rằng chị đã từng làm cho các đàn anh, đàn chị ở Đài Truyền Hình Việt Nam kinh ngạc khi nói liền một câu với ba loại phương ngữ Bắc – Trung – Nam, có phóng viên hỏi chị: vì sao Diệp Chi là người Nghệ An mà nói giọng Hà Nội sõi thế, chị đã trả lời rằng : vì yêu cầu của công việc, còn tôi yêu tiếng quê tôi lắm, mà thật vậy, không yêu mà mỗi lần quay xong chương trình người ta lại thấy chị bấm máy gọi về cho mẹ, lúc đó thì chỉ có mô, tê, răng, rứa thôi.
Trường tôi có nhiều người Nghệ An, toàn là những cái tên đáng được nhắc tới cả, ví như Thầy Quân của môn Kinh Tế Chính Trị chẳng hạn, nghe thầy giảng bằng cái giọng Nghệ mỗi giờ lên lớp thì vui khôn xiết, thầy có khuôn mặt mà ngay ở cái miệng đã cáo thị với bất kỳ ai về khiếu khôi hài của mình. Có lần, không hiểu đang giảng về cái gì thầy liền rẽ sang chủ đề Tiếng Nghệ, thầy nói : Tiếng Nghệ có khi là nguồn gốc của mọi ngôn ngữ trên thế giới đấy các bạn ạ (cả lớp nhao nhao: thế là thế nào hả thầy). Chứ còn gì nữa. Tôi lấy ví dụ nhé, có hai người Nghệ An gặp nhau, hỏi : O đi mô tê ? - Tui đi ra ga - O ra ga mô ? - Tui ra ga ni - Ga ni ga chi ? - Ga ni ga Si - Ra ga mần chi ? Bữa ni phiên chợ Si !... tôi hỏi các bạn có phải người Nhật lấy âm điệu này để sáng tạo ra tiếng nói của mình không ! Lại nữa, người Nghệ An có câu “nỏ”, “nỏ” là không, các bạn thấy nó giống với từ “no” trong tiếng Anh không, tiếng Anh “no” cũng là không, phải chưa nào. Đến lúc đó thì chỉ khổ mấy cái miệng đua nhau mở hết cỡ mà cười.
Quả thật, dẫu trăm ngã buôn ba, nhưng mỗi người con xa quê đều để riêng một ngăn nhớ cho Tiếng nói quê mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta dẫu đã gắn bó hầu như cả thời trai trẻ ở trời tây với ý chí cứu nước, cứu dân, nhưng sau bao năm xa quê ngày 2/9/1945 tiếng nghệ thân thương ấy vẫn vang lên hào sảng trên Quảng trường Ba Đình lộng gió. Có những người sống giữa Thủ đô cả chục năm trời vẫn nói cái tiếng mà “chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn”.
Thế mà có lúc không khỏi thấy chạnh lòng khi nhiều thanh niên Xứ Nghệ chỉ mới chạm chân xứ lạ, khi trở về đã “ngọng nghịu” một thứ tiếng pha tạp khó nghe.
Buồn thay !
>>>Xem thêm: Tiếng Nghệ răng mà thương mà nhớ
Tác giả: Hồ Viết Thịnh
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Tags: tiếng nghệ trong mắt ai
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Tỉ mỉ hay tỷ mỷ đúng? Nên viết i ngắn hay y dài hay hơn?
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Lý thuyết hay lí thuyết? Lý luận hay lí luận viết đúng?
-
Top 5+ địa chỉ thuê xe máy ở Hà Tĩnh tốt và có giá rẻ nhất
-
Đăng ký hay đăng kí là đúng? Nên viết i ngắn hay y dài?