Vinh và những món quà sáng khó quên
Chủ Nhật ngủ một giấc thật đã. Phải tới khi con cún tới liếm mặt mới tỉnh. Đói, theo thói quen lần tủ lạnh ngoài tủ đã có cái memo: "hai mẹ con đi chơi, ăn sáng thì tự biên tự diễn. Love you!”. Rõ vẽ vời, đã quen rồi, bây có ở nhà thì cũng đếch biết nấu cho choa ăn. Con nhà lính mà tính nhà... vua. Choa là người Nghệ An, hát bài Nghệ An, ăn mặc, đi đứng kiểu Nghệ An, ăn sáng kiểu Mỹ lúc nào cũng chỉ trứng rán, mấy miếng bacons, hoặc ham ăn với vài lát bánh mì, nhai như nhai giấy, ăn hoài đầy bụng choa ẻ vô.
Nhớ khoai đường độ
Nhớ tớ hồi xa xưa Vinh còn sót lại món Tây - bánh mì, sáng nóng giòn, một hào một nửa ăn cũng đỡ, nhưng khoái hơn là "khoai đường độ". Đó là sản phẩm của những củ khoai còn sống, cắt ngang từng khoang mỏng khoảng 2 mm, phơi khô, cất kỹ. Khi nấu đổ nước vừa phải như nấu cơm, thêm đường và đỗ đó, nếu có tí nếp cho vào nữa thì tuyệt cú mèo. Không phải là cao lương mỹ vị, nhưng lại ấm bụng, dễ ăn, lâu ngày không có, nhớ. Năm xu, một hào gói lá chuối, những người nhà quê đưa ra bán bị bọn ranh con lẽo đẽo theo sau nhí nhéo:
Ai khoai đường độ
Ăn dộ tiền tau
Mẹ tau đập tau đau
Tau chưởi cha mi khoai đường độ
Vinh hồi xưa khá sung túc, tôi chỉ biết qua lời kể của bà từ những món “cao lâu” cho tới “bún, giá, cá, ruốc” hay dân giã hơn “râu tôm nấu với rọt bù, chồng chan vợ húp gật gù khen ngon”. Hoặc “cá lẹp mà kẹp rau mưng/ ông gắp một miếng bà trừng mắt lên”.
Khi lớn lên Vinh hãy còn nghèo nhưng quà sáng thì sung túc lắm. Tính sơ sơ ở Cửa bắc cũng đủ các loại: Cháo, bún, phở rồi các loại xôi lạc, xôi đậu đen, đậu xanh ăn với trứng rán hoặc miếng giò gói lá chuối. Ngoài ra còn có xôi bắp là món chủ lực cho các bác xích lô, ba gác hay những kẻ lao động cực nhọc hoặc những người thich “đổ bê tông” vào buổi sáng, chèn vô là bát chè chát, bảo đảm no tới chiều tối.
Vị xưa ngon hơn bây giờ
Không biết có phải thiên vị hay không nhưng miếng trứng ngày xưa cũng ngon hơn. Tôi đã thử làm theo nhưng không thể cuốn trứng lại đẹp đẽ (và ngon) như của những cô, bà bán hàng xưa. Còn giò thì chắc chắn bây giờ xay máy, nhanh nhiều nhưng phẩm chất thì một trời một vực .
Hồi đó sau rạp 12/9 là xóm nước đá. Gọi vậy nhưng không thấy nước đá, chỉ nghe tiếng giã giò đầu làng cuối ngõ. Cứ hai người đàn bà quần xắn tới bẹn, dạng ra, ôm lấy cái cối đá trong đã có mấy miếng thịt heo thái nhỏ bỏ vào nước mắm ngon, tiêu và vài gia vị (gia truyền) cứ thế, cắc bụp bùm, cắc bụp bùm giã chày đôi để ngày mai đây đi giao hàng cho tứ xứ.
Mỗi khi có miếng thịt dính vào chày nhảy vào bẹn, lấy tay quẹt đưa ngay vào quy cũ, nhanh, điêu luyện sắc ngọt chẳng khác Quan Công lấy đầu Tần Kỳ như chốn không người. Không biết có phải giã bằng chày, cuốn lá chuối hay “có hơi người” mà miếng giò mịn màng, thơm ngon hơn là giò “công nghệ” bây giờ. Trong xóm còn có bánh mướt làm còn nhanh hơn mì ăn liền nữa, bánh nóng, giò nóng nếu là người quen hoặc sành ăn cô hàng còn lấy que tăm chấm cho một tí tinh cà cuống, trịnh trọng như cha đạo rẩy nước thánh vào bát nước mắm ngon đã nặn tí chanh, ăn vào suýt soa nhớ đời.
Xa hơn nữa là Quán Bàu, Quán Bánh. Ở đó thì thôi rồi "trăm hoa dua nở”. Do nguồn kho của dân Nghi Phú không những “chèm ngài như chèm chuối, người không chèm được choa chèm xe" (giọng Nghi Phú) họ còn có tài giết trâu mổ lợn. Nghe nói chỉ cần “một cấy trốc quạt” đã quật ngã con bò, một nhát dao là lợn bổ nhào không một tiếng kêu. Sáng ra đã thành lòng heo, cháo tim gan, cháo canh, bò nhúng giấm...
Nhưng đó phần lớn chỉ dành cho những tay chạy chợ hay lái xe, đại gia thời đó. Chứ đám học sinh, dân nghèo thành thị như bọn tôi chỉ biết vậy đâu dám đụng vào “kinh tế thị trường”. Mỗi khi đi qua nếu có người nhìn ra gọi í ới thì sĩ diện, làm bộ vỗ vào bụng xẹp lép “ăn rồi”, đạp xe vào “cửa hàng quốc doanh” trước rạp 12-9 để thưởng thức món “sốt vang”.Vừa ngon, bổ lại hợp túi tiền .
Ôi sốt vang! “ta mê mày như gái mê trai, như lão Trưởng mê Tiên bửu, như bà Hai cháo lòng mê ông Tư thuốc điếu, như bợm rượu mê chai đế mới ra lò”. Nghe nói đó là món Tây làm tôi ở đây lâu ngày không ăn thấy nhớ! Lùng sục khắp nơi:
Hỏi Ta ,Ta cũng phủi tay
Hỏi Tây ,Tây mẹc “thằng này mày điên"
Hóa ra là món cải biên
Tây hòa nước mắm mới nên nỗi này
Các nhà hàng do người Nam làm đầu bếp có món “thịt bò kho” ăn với bánh mì na ná thôi, nhưng làm sao mà so sánh được với sốt vang. Sốt vang là những miếng bạc nhạc thái nhỏ quân cờ, cái hay là chỉ có bạc nhạc nấu mới ngon gia vị gồm thảo quả (hoa hồi), cà rốt, ngũ vị hương rượu vang có tí nghệ (cà ri) cho nó sóng sánh đo đỏ, vàng vàng vui mắt và thơm nức mũi. Nấu nhừ với các gia vị khác có bỏ nước mắm thành một món súp Tây - Ta hữu nghị như thịt cầy nhắm với whiskey rất chi là ngon như cháo lươn Vinh ngày nay vây.
Bây giờ ở Vinh đã có cháo lươn thay thế nhưng có lẽ đó cũng là cái tài chế biến của dân ta “tre già măng mọc”.
Tác giả: Viet Ho
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Lười nhác hay lười nhát viết đúng? Phân biệt nhát và nhác
-
Cách phân biệt xong hay song chính xác nhất
-
Mặc khác hay mặt khác từ nào đúng chính tả tiếng Việt?
-
Sổng chuồng hay xổng chuồng? Viết sổng hay xổng là đúng chính tả?
-
Gởi hay gửi? Kính gửi hay kính gởi? Cách phân biệt gởi và gửi
-
Dời lịch hay rời lịch đúng chính tả? Cách phân biệt dời hay rời
-
7 bài thơ ngắn hay về triết lý cuộc sống của tác giả Thái Bá Tân
-
Chân quý hay trân quý viết đúng? Mẹo phân biệt chân hay trân
-
Xi nhê là gì? Nói không xi nhê nghĩa là sao?
-
Cập nhật số điện thoại, giá cước Taxi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mới nhất
-
Học kỳ hay học kì? Kỳ thi hay kì thi? Cuối kỳ hay cuối kì?