Râm ran chè chát
Người Việt ai mà không biết chè xanh, đặc biệt là dân Nghệ thì nó không những là đồ giải khát bổ, hiệu lực ít tốn kém mà còn là tập tục, văn hóa là lối sống. Khi nồi cơm còn đương nấu dở thì đã có bát nước chè xanh “năng lưu khách” để "cùng nhau trò chuyện tâm tình bên nhau” và nói không ngoa chè xanh (ít ra với dân Nghệ) là quốc hồn quốc túy.
Nhớ chè chát xứ Nghệ
Nghệ Tĩnh với nước biếc non xanh dưới bể thì tôm cua, mực nhảy. Gữa đồng bằng với dòng sông nước chảy quanh năm để xới vun lúa, sắn, ngô khoai và vại cà Nghi Lộc, trên thì nhút Thanh Chương, Đô lương, Anh sơn, Hương sơn với những đồi chè tươi tốt quanh năm như bức tranh họa đồ muôn thuở. Suốt tháng quanh năm những người buôn ngược bán xuôi, những con đò đã đầy rồi, hết còn cắm sào đứng đợi, vội vàng, quay quả đưa những màu xanh đó đi khắp mọi miền quê để đâu đâu cũng rộn rã “râm ran chè chát” màu xứ sở.
Người thành phố thì ít khi “hãm” chè xanh bởi vì nó tuy ít công phu nhưng cồng kềnh mất công lắm. Người mang tiếng “nghiện” chè xanh thì phải biết chọn, biết cách om chè xanh cho vừa lòng nhau nhưng dù sao cũng không cầu kỳ, tỉ mỉ mà lại giản dị thân quen như chính miền quê đã sản sinh nó vậy. Không vất vả như nhà nông nhưng dân thành phố quen thói đói ăn, khát uống nhiều khi chỉ “mình ta với ta” cho nên quen kiểu “mì ăn liền” bỏ nắm trà vào nước sôi chờ tí là được. Hà Nội còn đầy rẫy quán cóc chỉ bán “chè chén”. Có lẽ mỗi Vinh là thành phố bán nước chè chát mà thôi?
Trước kia ở Vinh cũng nhiều quán chè chát lắm. Người tứ xứ đổ về kiếm kế sinh nhai thì còn gì dễ dàng hơn là cái chõng con con mấy cái bát to, nhỏ cho tùy loại khách hàng rồi mấy củ khoai, lòi ngô luộc, đĩa lạc rang lót dạ. Phần lớn là những người lao động chân tay, những bác xe bò xe ba-gác, xe xích lô buổi sáng sau khi đã “đổ bê-tông” ở hàng xôi bắp vào chèn lên bát “chè chát” nóng hổi xì xụp lấy sức cho một ngày lao lực. Người mua, kẻ bán cũng nghèo khó cùng cực như nhau “mồng tơi không kịp rớt”. Tuy vậy hình ảnh “cô hàng nước” thân mật ấy cũng đã vào thì ca Việt nam:
Anh còn có mỗi cây đàn
Anh đem bán nốt theo cô hàng chè xanh
Ai nhớ bát nước chè xanh ngày xưa
Người ta thường diễu “chè hâm lại gái ngủ trưa” vậy mà tôi thường thấy ai ai cũng hâm đi nấu lại tận dụng cho tới khi nó không còn hơi chè nữa thì mới nhả bã. Một điều kỳ lạ là chè cốt - nước đầu tiên có người đem lên bàn thờ cúng quên để ròng rã mấy tháng sau mà đọi chè vẫn còn nguyên xi màu sắc, không thiu, uống còn mát hơn là café bỏ tủ lạnh ngày nay nữa.
Có ở quê thì mới thấm thía nghĩa “râm ran chè xanh”. Người ta không “bán nước” mà chỉ cho không biếu không. Bát nước miếng trầu là đầu câu chuyện. Bát che xanh để họp nhau lại, để giúp sức dựng nhà, lợp rạ cho chòm xóm. Hoặc rỗi rãi hơn chỉ để nói về “làng tôi thắng lợi vụ chiêm” về “từng bậc nước leo lên ruộng hạn” hoặc truyền cho nhau những vần thơ câu hò, vè, tục ngữ thành ngữ tiếng Nghệ dân dã.
Những ngày hè gió Lào, nóng nực nắng chang chang cũng không ấm cúng bằng tình xóm làng thân mật. Để những ai còn nặng ghánh với quê hương dù đi đâu, ở đâu mãi “Mạc Tư khoa” vẫn xôn xao khi nghe câu hò chạnh lòng nhớ quả cà, đọi chè chát quê nhà xứ sở nhớ mãi những hình ảnh dản dị, ấm cúng thân thương đó. Bát nước chè xanh óng ánh, chát mà mát rợn lòng người.
Vậy mà không phải ở đâu,lúc nào chè xanh cũng được chiếu cố ngưỡng mộ cho đúng tầm vóc của nó. Nhất là ngày nay trẻ, già chỉ tụ tập dzô dzô rồi đổ vô miệng những dòng vàng vàng tựa như chè xanh nhưng sóng sánh hơn, mê mẩn hơn sành điệu hơn. Nhiều kẻ mặt đỏ gay, mắt lờ đờ còn líu ríu hãnh diện cố khoe cái tài tửu lượng của mình.
"Râm ran chè chát" bây giờ đã lạc hậu bị lãng quên... cuối cuộc đời...
Tác giả: Viet Ho
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Làm lốt hay nốt, xin lốt hay nốt đúng chính tả?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Viết cái hủ hay cái hũ đúng? Phân biệt hủ hay hũ chi tiết
-
Không nỗi hay không nổi viết đúng? Mẹo phân biệt nỗi hay nổi
-
Méc hay mét khác nhau thế nào? Méc mẹ hay mét mẹ?