Top 5 điều thú vị về tiếng Hà Tĩnh
Tiếng Hà Tĩnh có gì thú vị? Một bạn đọc đã hỏi như thế trên Fanpage Tiếng Nghệ. Trong bài viết sau, Nghệ ngữ sẽ trả lời tới bạn đọc này qua việc giới thiệu 5 điều thú vị về tiếng nói của người Hà Tĩnh nhé. Mời bạn đọc cùng theo dõi nha.
1. Tiếng Hà Tĩnh "lẫn lộn" các thanh điệu
Nếu nghe người Hà Tĩnh nói chuyện bạn đọc sẽ thấy họ dùng sai các thanh điệu như huyền (\), sắc (/), nặng (.), hỏi (?), ngã (~), không dấu rất nhiều. Ví dụ, nếu trong tiếng phổ thông nói "suy nghĩ" thì người Hà Tĩnh nói "suy nghị", "kỹ càng" thành "kỵ càng", "chặt củi" thành "chặt cúi", "kỹ thuật" thành "kỷ thuật", "thịt gà" thành "thịt ga"
Qua các ví dụ đó có thể thấy, trong tiếng Hà Tĩnh người dân nơi đây thường dùng "lẫn lộn" dấu ngã (~) thành dấu nặng (.), dấu hỏi (?) thành dấu sắc (/), dấu huyền (\) thành không dấu. Tất nhiên, không phải tất cả các vùng ở Hà Tĩnh đều nói theo cách này mà ở mỗi huyện, thậm chí mỗi xã còn có cách nói khác nhau.
Ví dụ nếu bạn đọc về xã Hà Linh (huyện Hương Khê) thì nghe người dân nơi đây nói giọng rất khác so với các xã lân cận như Phúc Đồng, Hương Bình... Một câu chuyện thú vị mà người dân nơi đây thường nói đùa là, người dân vùng Hà Linh hay nói dấu nặng (.) thành dấu huyền (\) nên khi họ nói "chó ăn lộn ngài, ngài ăn lộn chó" thì ai nấy đều cười rôm rả!
Vì sao có sự khác biệt này? Điều này Nghệ ngữ xin phép chưa thể giải thích, mong nhận thêm ý kiến từ bạn đọc.
2. Tiếng nói người Hà Tĩnh nhiều thổ ngữ
Khi nói chuyện với nhau, người Hà Tĩnh dùng rất nhiều thổ ngữ. Với những từ này, nếu không có từ điển tiếng Hà Tĩnh thì bạn đọc sẽ không tài nào hiểu được.
Ví dụ, người Hà Tĩnh gọi "cây" bằng "cơn", gọi "mũ" bằng "mạo", gọi "bầu" bằng "bù", gọi "trâu" là "tru"... Tất nhiên, đó là những từ dễ nhất, còn nhiều từ rất khó, đến người Hà Tĩnh nếu đi xa, ở nơi khác về lỡ quên cũng khó mà hiểu.
Trong bài viết Tản mạn về ngôn ngữ địa phương Hà Tĩnh, tác giả Tống Trần Tùng chia sẻ, ví dụ về các loại dụng cụ đan từ tre nứa để đựng thì người Hà Tĩnh có vô số loại và tên gọi như: "giành”, “ky”, “đúa”, “sảo”, “cạu”, “nôống”...
Một bạn đọc ngoài tỉnh hỏi Nghệ ngữ rằng: "Em thấy tiếng nói của người Hà Tĩnh thường thây vần "âu" thành vần "u", ví dụ "sông sâu" thành "sông su", "con trâu" thành "con tru"... vậy các từ còn lại chỉ cần thay thế là được đúng không?". Xin thưa, không phải đơn giản như thế, trên thực tế đó chỉ là một sự trùng lặp ngẫu nhiên thôi. Ví dụ, người Hà Tĩnh nói "thi đậu đại học" thành "thi độ đại học" chứ không thể thay thế vần "âu" thành "u" được. Điều thú vị của tiếng nói người Hà Tĩnh có lẽ là ở chỗ này!
3. Tiếng Hà Tĩnh thuần Việt, không lai tạp
Từ năm 2019, khi thành lập Website Nghengu.vn này, Admin đã có nhiều cuộc trò chuyện với một số các bác là người yêu tiếng nói quê hương. Bên cạnh đó, qua một số bài viết, tài liệu đọc được, ad nhận thấy tiếng Hà Tĩnh thuần Việt, không lai tạp.
Trong bài viết Hãy giữ lấy ngôn ngữ quê hương, bác Nguyễn Bá Vượng - người sáng lập CLB Nghệ ngữ từng chia sẻ: "Tiếng chuẩn Nghệ - Tĩnh ít bị “Hán hóa”. Ngôn ngữ Nghệ - Tĩnh đến nay vẫn còn giữ nguyên gốc gốc ngôn ngữ xứ Hoan Châu ngày xưa. Hầu hết tiếng Việt cổ đang tồn tại trong ngôn ngữ đời thường của dân xứ Nghệ. Ngôn ngữ luôn phát triển theo quy luật khách quan của sự phát triển của xã hội. Qua quá trình học và giao tiếp hiện nay nhiều từ, cụm từ đã “phổ thông hoá” nhưng khi giao tiếp với nhau giữa những người xứ Nghệ thì “cái đuôi” ngôn ngữ gốc vẫn bị lòi ra".
Hay tác giả Tống Trần Tùng từng chia sẻ: "Trao đổi với nhà nghiên cứu Bùi Thiết xung quanh vấn đề này thì ông cho rằng ngôn ngữ của Hà Tĩnh nói riêng và của vùng khu Bốn cũ nói chung là một hệ thống ngôn ngữ hoàn chỉnh, khoa học, chứ không thể xem đó chỉ là ngôn ngữ địa phương".
4. Đa nghĩa, thể hiện tính cách người Hà Tĩnh?
Trong tiếng Hà Tĩnh có thể nghe và giải thích ra nghĩa đen dễ hiểu, nhưng thực tế nghĩa bóng mới là điều đáng nói. Và phải chăng một phần của nghĩa bóng này nói lên chính tính cách người Nghệ Tĩnh: thẳng thắn, có sao nói vậy!
Ví dụ với cụm từ "ẻ vô, quẹt khu" mà Nghệ ngữ đã giới thiệu trước đây có thể hiểu nghĩa đen là "ỉa vào, quẹt mông". Nhưng đằng sau những từ này chính là tính cách người Nghệ: thẳng thắn, bộc trực. Một khi người Hà Tĩnh nói "tau ẻ vô", "cái đồ quẹt khu" thì cần hiểu rằng đây là một động thái dứt khoát, mạnh mẽ, bất cần của họ trước một sự việc, hiện tượng trái với lẽ phải, trái với đạo lí, trái với suy nghĩ của họ.
Hoặc với từ "xắt mấn" thì có thể hiểu đơn giản là hành động giặt váy, nhưng đằng sau đó là nghĩa bóng chỉ người không được việc, hậu đậu, vô tích sự. Hoặc đơn giản hơn khi người Hà Tĩnh nói "mi đi xắt mấn mô về đó" thì hiểu theo nghĩa tức giận, trách móc "mày đi đâu mà lâu về thế hả"...
Hay với từ "óc" thì vừa có nghĩa "trí óc, đầu óc" như tiếng phổ thông, nhưng trong cách nói người Hà Tĩnh thì "óc" còn có nghĩa là hạt và nghĩa khác. Ví dụ họ sẽ nói "óc mít" tức là hạt mít, óc cay là trái ớt cay, "óc nóc" là con nòng nọc...
5. Tiếng nói người Hà Tĩnh đi vào thơ ca rất nhiều
Dù không thể thống kê cụ thể, nhưng có rất nhiều bài thơ, tác phẩm văn học nổi tiếng trong đó có sử dụng tiếng Hà Tĩnh. Ngoài những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Trần Hữu Thung, Nguyễn Bùi Vợi... thì trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có sử dụng gần 30% vốn từ xứ Nghệ.
Theo bác Nguyễn Bá Vượng, hai câu trong Truyện Kiều đúng là “Ngựa xe như nước, áo quần như nen”. “Nen” là phương ngữ Hà Tĩnh ở một số vùng chỉ động tác “đóng vào” cho chặt. Khi dịch ra phổ thông người ta thay động từ “nen” thành động từ “nêm”. Câu này in trong sách “Truyện Kiều” là “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”.
Một nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, tác giả Trần Quỳnh Trang trong bài viết Tiếng Nghệ trong Truyện Kiều cho biết từ tiếng Nghệ Tĩnh dùng nhiều nhất là "chi" với 63 lần. Ngoài ra còn nhiều từ tiếng địa phương xứ Nghệ Tĩnh khác như: ả, mụ, nghé, dậm...
Không chỉ những tác phẩm kinh điển, mà ngay trong cuộc sống thường ngày hôm nay, tiếng nói quê hương cũng đi vào thơ ca và được bạn đọc nhiệt liệt đón nhận. Một số nhà thơ đã trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội bằng những bài thơ viết bằng tiếng Hà Tĩnh như Nam Nguyễn, Từ Công Hải, Lại Huyền Châu...
Còn bạn, bạn thấy tiếng Hà Tĩnh có gì thú vị? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua email toiyeunghengu@gmail.com hoặc Fanpage Tiếng Nghệ nhé. Rất mong nhận được sự góp ý, bài vở sáng tác để làm phong phú thêm tiếng nói quê hương ta nha.
Tác giả: Nghệ Ngữ
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Làm lốt hay nốt, xin lốt hay nốt đúng chính tả?
-
Viết cái hủ hay cái hũ đúng? Phân biệt hủ hay hũ chi tiết
-
Không nỗi hay không nổi viết đúng? Mẹo phân biệt nỗi hay nổi
-
Méc hay mét khác nhau thế nào? Méc mẹ hay mét mẹ?