5 bài thơ tiếng Nghệ An Hà Tĩnh hay nhất năm 2022
Những bài thơ tiếng Nghệ là sự kết hợp tài tình giữa cách gieo vần, cảm xúc và sự độc đáo của tiếng địa phương Nghệ An - Hà Tĩnh. Có rất nhiều tác giả nổi tiếng ở khắp mọi nơi trên mảnh đất xứ Nghệ quê ta. Trong bài viết này, Nghệ ngữ sẽ giới thiệu đến bạn đọc 5 bài thơ của 5 tác giả hay nhất trong năm 2022.
1. Đến với bài thơ tiếng nghệ hay của tác giả Nguyễn Đức Biểu
Trong bài viết 5 tác giả sáng tác thơ tiếng Nghệ Tĩnh hay nhất trước đây Nghệ ngữ đã giới thiệu đến bạn đọc một số tên tuổi như: Thịnh Lài, Nam Nguyễn, Từ Công Hải... Ở bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc một tên tuổi mới: Nguyễn Đức Biểu.
Theo thông tin được biết, anh Nguyễn Đức Biểu hiện đang là Phó Bí thư Đảng uỷ xã Nghĩa Hợp, Tân Kỳ, Nghệ An. Trước đây, anh Đức Biểu từng viết rất nhiều bài thơ tiếng Nghệ thú vị như: Hoàng bò choa rành giỏi...
Trong bài viết này, Nghệ ngữ muốn giới thiệu đến bạn đọc bài thơ Nỗi niềm trong nắng hạn.
Đêm coi bóng, ngày đi tru con nả
Ngô mùa ni hạn mất nỏ còn chi
Ra ngoài bại trải mấy cấy bì
Thả tru ăn, đánh bài qùy khuây khỏa.
Con coi bóng đừng cá cược chi cả
Làm nghề nông vứt vả lắm con ơi!
Lam lụ quanh năm nỏ có tý lời
Nên con chớ chơi bời con nhé!
Ở nhà đây mọi người đều khỏe
Bác Huy, bác Hùng vẫn trẻ như xưa
Còn bác Liêng nhựng lúc trời động mưa
Hai trốc cúi cụng dây dưa nhức mỏi.
Riêng anh Thìn thì nỏ phải nói
Dù mất mùa cụng tươi rói như không
Chú Hợi, chú Bình rồi bác Hòa Hồng
Vẫn phong độ nhìn giống trai Hàn Quốc
Còn chú Minh vẫn dáng hình quen thuộc
Nỏ bóng ban, nỏ rượu, thuốc chi mô
Rồi thỉnh thoảng đi làm thêm thợ hồ
Trồng trọt chăn nuôi chi dồ cụng khá.
Chộ cha đang ngồi là ở bên Bại Đá
Bựa ni đi có cả chú Phương
Có anh Hà rồi lại thêm bác Hương
Nhìn ai cụng rành thương con nả.
Phía sau lưng ngô thì trắng xóa
Vẫn nói cười rôm rả con ơi!
Vẫn lạc quan vui vẻ, yêu đời
Nhìn ánh mắt vẫn rạng ngời hạnh phúc.
Trong bài thơ này, anh Đức Biểu sử dụng tiếng Nghệ quê mình để kể cho con nghe bằng thơ. Đúng chất của một người Nghệ "đêm coi bóng, ngày đi tru" và dù mất mùa ngô thì vẫn "thả tru ăn", rồi "đánh bài quỳ" khuây khỏa.
Các khổ thơ tiếng theo, anh Đức Biểu kể cho con nghe chuyện về những người hàng xóm thân thuộc. Nào là bác Huy, bác Hùng vẫn rất trẻ, còn bác Liêng thì "đau trục cúi" khi trời "động mưa" - hình ảnh quá đỗi thân quen với những ai sinh ra và lớn lên ở quê xứ Nghệ. Rồi tới những người trong làng khác cũng được anh miêu tả một cách giản dị. Mỗi người một vẻ, ai cũng có những nỗi niềm nhưng tất cả "cười rôm rả" rất lạc quan và yêu đời.
Có thể nói, trong bài thơ này, anh Đức Biểu đã vẽ lên tính cách người Nghệ: chịu thương chịu khó, rất lạc quan yêu đời. Cùng với đó là hình ảnh một làng quê yên bình, thân thương.
2. Bài thơ hay tiếng Nghệ Tĩnh của tác giả Lưu Hương Quế
Chị Lưu Hương Quế cũng là tác giả viết khá nhiều bài thơ tiếng quê ta thú vị. Một số bài có thể kể đến như Mần du thịt chuột, Tiếng choa...
Trong bài viết này Nghệ ngữ xin giới thiệu đến bạn đọc bài thơ Chuyện tau với mi của chị:
Đến bựa ni, tau mới kể chuyện mi
Năm lớp ba , mi đen như củ chuối
Vì học dốt nên phải ngồi bàn cuối
Lại còn bắt tau lén lút chuyển bài
Tau không mần về mi búng đỏ tai
Rồi mi chưởi : "tham ri thì ai lấy
Nếu lấy mi chỉ thằng nhìn không thấy
Cha tau cứ khen... chơ tốt đẹp chộ mô?
Ngài thì quắt queo như một miếng khoai khô
Mà bựa sau còn đòi mần cô giáo
Tau mắt lưng tròng rồi quẹt ngang tay áo
Lật đật đi về méch với cha mi
Ông vổ vai rồi nhủ cự về đi
Tội của hấn sau ni cho cháu trị
Rồi ông chưởi:"cha cấy thằng bà bị
Tý nựa về đây thì chết với tau!"
Nỏ nhìn mặt nhau cho đến cuối tuần sau .
Con đường cụ tau về như mọi bựa.
Đám choai choai chui mô ra đôông rứa?
Mặc chắc quần đùi đen đúa cứ đăm đăm
Có một thằng tiến đến hất cằm
"Đưa tiền đây! Bọn tau mua kẹo kéo!"
Tau mặt xenh ngài như tàu lá héo
Cúi thật nhanh tháo guốc chạy chò mau .
Nhưng nỏ ngờ tau chạy ngược ra sau
Thì trố mắt vì thấy mi đứng đó
Tay mi cầm một viên gạch đỏ
Quắc mắt nhìn - mi quát "bọn chầu hâu !
Răng dám cả gan bắt nạt em tau ?
Động đến hấn gạch ni nỏ có mắt !"
Cả bọn nớ xô nhau biến mất
Để tau với mi đứng ngẩn giống trời trồng.
Mi nỏ nói chi quăng cục gạch xuống sông
Mồm lẩm bẩm: "bựa ni là hết nợ"
Răng nỏ biết... chơ kể từ bựa nớ
Tau muốn cảm ơn - mi lại tránh mặt luôn.
Ngày mi lên đường - tau nước mắt cứ tuôn
Đứng từ xa nhìn mi mà thương rứa
Bốn năm sinh viên... tim tau nỏ mở cựa
Chỉ ngóng trông mi xuất ngụ trở về
Giữa tau với mi nỏ giao ước hẹn thề
Nhưng lại thấy hình như là duyên nợ
Cau với trù mi để dành dăm mớ
Tháng 10 ni , mi nhớ đưa sang
"Con nhóc" ngày xưa dừ đã sặn sàng
Lên xe hoa sang nhà mi "trả nợ"
Bộ đội mấy năm... răng mi còn lớ ngớ
Nắm chặt tay tau mà vẫn cứ run run
Thằng ngốc trước đây nay đã thành khun
Chàng rể tau chờ chính là mi đó!
Cả bài thơ tiếng Nghệ này là một câu chuyện tình từ nhỏ đến lớn. Tác giả rất khéo léo để kể chuyện tình bằng hình ảnh "năm lớp 3": Mi học dốt ngồi bàn cuối, còn tau thì chuyển bài cho xem. Sau đó, bao kỷ niệm tuổi thơ ùa về và được tác giả kể lại bằng chính tiếng Nghệ quê mình: Chàng trai chê cô gái, trêu đùa cô gái cho đến khi cô khóc và chạy về mách với cha.
Câu chuyện đi đến bước ngoặt khi cô gái bị đám trẻ choai chặn lại xin tiền. Và vị anh hùng - chàng trai hay trêu cô gái xuất hiện ra tay cứu giúp. Cũng chính từ đây tình cảm này sinh giữa chàng trai và cô gái.
Đến lúc trưởng thành, chàng trai xuất ngũ, cô gái vào đại học. Nhưng cô gái tâm sự "tim tau nỏ mở cựa" - để đợi chờ chàng trai trở về. Và một cái kết thật đẹp, chàng trai xuất ngũ, cô gái ra trường, họ tìm thấy nhau trên chuyến xe hoa về chung một nhà.
3. Bài thơ tiếng Nghệ của Thế Mạnh
Thế Mạnh là một tác giả lứa 9X, còn rất trẻ nhưng anh đã xuất bản một tập thơ tiếng Nghệ và được đông đảo người hâm mộ yêu thích,
Có thể nói, Thế Mạnh đã sáng tác hơn 100 bài thơ bằng tiếng quê ta. Trong đó bài nào cũng đặc sắc, đặc sệt tiếng Nghệ. Ở bài viết này Nghệ ngữ giới thiệu đến bạn đọc bài thơ Lấy vợ đi con của Thế Mạnh.
Mẹ nhủ là về lấy vợ đi con
Cụng tra trốc chư mô còn trẻ nựa
Ngài đạ xấu lại rành hay trọn lựa
Lấy về cho có điểm tựa mần ăn
Biết là con đang gặp lắm khó khăn
Bán sách thơ hơi nhọc nhằn vất vả
Nhưng con ơi tiền chưa là tất cả
Có vợ chồng cùng chung lả nấu cơm
Dù cho con có chạy nghề xe ôm
Hay nông dân phải phơi rơm trửa nắng
Nhưng mà khi biết vươn lên cố gắng
Thì gấy mô mà dám nặng lời chê
Chơ cha mi khi trước cụng mần thuê
Mệ lấy về nơi làng quê nghèo khổ
Nhưng ý chí của cha mi không nhỏ
Nên đến cưa mẹ cụng nỏ chê bai
Nghịa vợ chồng là phải cốt cả hai
Chứ ham chi những tiền tài danh vọng
Cự mần rứa sẽ có ngày bể mộng
Hấn có tiền nỏ coi trọng mình mô
Con gấy nghệ tuy giọng nói hơi thô
Nhưng tính cách nỏ nơi mô sánh nổi
Mần công nhà hay cấy chi cụng giỏi
Nỏ biết đàng đi kiếm hỏi mà cưa
Lấy chắc về cho có mắm có dưa
Đừng có nghị là mình chưa có vốn
Phải lấy về cho có nơi có chốn
Rồi dạm chắc lo yên ổn mà mần
Mẹ dặn con nỏ biết mấy chục lần
Đến tuổi ni còn ngại ngần chi nựa
Bựa mô về mẹ viết cho mấy trự
Thật là to "thằng ế vợ" sau lưng".
Cả bài thơ là tâm sự của một người mẹ xứ Nghệ giục con trai lấy vợ. Đúng chất người mẹ quê choa cứ sợ "con tra trốốc", sợ con "chọn chọn lựa lựa" rồi ế.
Sau đó, người mẹ bắt đầu khuyên răn bằng những lý lẽ giản dị: Dù hiện tại con còn vất vả kinh tế, nhưng cứ lấy vợ đi để "chung lả" nấu cơm, đồng cam cộng khổ. Để con hiểu hơn, người mẹ bắt đầu lấy dẫn chứng từ chính người cha, thời điểm mà cha mẹ lấy nhau cũng không có đồng nào trong tay. Cha mẹ chỉ có ý chí và khát vọng, sau đó thì cùng nhau làm ăn và sinh sống hạnh phúc cho đến bây giờ.
Và đi vào chi tiết hơn, người mẹ khuyên con đừng nên mơ mộng con gái cao sang. Vì mẹ sợ "hấn có tiền nỏ coi trọng mình mô". Thế là mẹ đi thẳng đến vấn đề "cứ lựa con gái xứ Nghệ mà lấy" - vừa gần, vừa hiểu và thông cảm cho mình để sống dài lâu.
Kết lại bài thơ, người mẹ nhắc lại rằng đã mấy chục lần giục lấy vợ rồi. Nếu lần này không chịu thì mẹ chỉ có cách viết "thằng ế vợ" dán sau lưng.
4. Bài thơ tiếng địa phương Nghệ An của bác Phan Đình Nghĩa
Trên câu lạc bộ Nghệ ngữ vừa xuất hiện một tác giả mới: bác Phan Đình Nghĩa. Dù còn rất ít bài thơ được đăng tải trên trang này nhưng các bài thơ tiếng Nghệ của bác rất hay và nhận được sự ái mộ của nhiều người xứ Nghệ.
Trong bài viết này Nghệ ngữ xin giới thiệu đến bạn đọc bài Tình tra của bác.
Ôông đi bủa lái rẹo
Được hai đọi cá cơm
Bà ở nhà phơi rơm
Quần xăn qua trúc cúi.
Lều tranh nhen than củi
Ôông bốc cá bỏ niêu
Bốc một nạm mói nhiều
Thêm một ti cổ nghệ.
Lả cười vui nắc nẻ,
Đốt nóng đỏ khu niêu
Dù cấy sốt trửa triều
Ôông vẫn vui như tết.
Nhắc niêu ra kiềng trệt,
Đặt bẹt trửa nền nhà
Ôông bốc một nạm cà
Múc một yêu nác muống.
Bà ơi vô ăn uống
Côông nớ để mai mần,
Tuổi ta đã yếu dần
Gắng mần chi cho nhọoc.
Mái lều tre lợp tóoc
Nền mát nhờ trang bùn
Hai cấy đòn gộ mun,
Mát khu khi ngồi trệt.
Ngồi một ti đợ mệt
Lấy đụa bếp bới cơm
Niêu cá nức mùi thơm
Ôông ăn đi cho bạo.
Mồ hôi ôông thấm áo
Bà lấy cấy quạt mo
Múc từng mếng gió to
Thổi vô ôông mát rượi.
Năm mươi năm ngày cưới
Hai chắc vẫn sống cùng
Khổ chịu, sướng hưởng chung
Đến răng loong, trốôc bạc.
Xạ hội ngày một khác
Họ phú quý, giàu sang.
Bà nói "nỏ rứa răng"
Mình vẫn vui,vẫn khỏe.
Tuổi tra tâm hồn trẻ
Vươt sóng gió cuộc đời
Bà cầm trặt tay tui
Bước trên đàng hạnh phúc!
Bài thơ là hình ảnh thân thương của cuộc sống hai người già. Bắt đầu từ hình ảnh ông đi búa lái được "hai đọi cá cơm", sau đó đem về kho với nghệ dưới căn bếp củi ấm cúng.
Khi miêu tả căn bếp, bác Phan Đình Nghĩa rất tài tình khi viết: "Lả cười vui nắc nẻ/ Đốt nóng đỏ khu niêu" - với nhiều người, chúng ta sẽ hiểu "lả không cười" mà chính lòng người đang cười vui - hình ảnh ông cười khi nấu cho bà ăn cho thấy một cuộc sống bình dị mà hạnh phúc.
Sau khi nấu xong, ông gọi bà vào ăn cơm, ông bảo bà rằng: "gắng mần chi cho nhọoc". Tiếp đó là những hình ảnh hạnh phúc bên trong căn nhà đơn sơ: ông dọn cơm, bà quạt mo... Và sau 50 năm ngày cưới cả hai ông bà hiểu nhau đến từng chi tiết nhỏ, họ dù tuổi nhiều nhưng tâm hồn vẫn như thời điểm cả hai yêu nhau...
Còn rất nhiều bài thơ tiếng Nghệ thú vị khác mà Nghệ ngữ chưa thể giới thiệu hết trong bài viết này. Hy vọng rằng thời gian tới Nghệ ngữ sẽ nhận thêm từ bạn đọc những sáng tác thú vị để lan tỏa tiếng quê mình nhé. Mọi thư từ, bài vở xin gửi về toiyeunghengu@gmail.com hoặc Fanpage Tiếng Nghệ nhé. Trân trọng!
Tác giả: Nghệ ngữ
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Lười nhác hay lười nhát viết đúng? Phân biệt nhát và nhác
-
Cách phân biệt xong hay song chính xác nhất
-
Ngành hay nghành là đúng? Khi nào viết ng hay ngh?
-
Tỉ lệ hay tỷ lệ là đúng? Cách viết nào chính xác hơn?
-
Mặc khác hay mặt khác từ nào đúng chính tả tiếng Việt?
-
Sổng chuồng hay xổng chuồng? Viết sổng hay xổng là đúng chính tả?
-
Gởi hay gửi? Kính gửi hay kính gởi? Cách phân biệt gởi và gửi
-
Dời lịch hay rời lịch đúng chính tả? Cách phân biệt dời hay rời
-
7 bài thơ ngắn hay về triết lý cuộc sống của tác giả Thái Bá Tân
-
Cập nhật số điện thoại, giá cước Taxi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mới nhất
-
Chân quý hay trân quý viết đúng? Mẹo phân biệt chân hay trân