Ngôn ngữ Hà Tĩnh có gì đặc biệt?

Thứ tư - 09/11/2022 21:42

Ngôn ngữ Hà Tĩnh có sự khác biệt ở lớp từ vựng phong phú hơn, thanh điệu chuyển hóa cùng các hiện tượng biến âm... Bên cạnh đó ở mỗi xã phương trong cùng một huyện, thị trấn cũng có những sự thay đổi rất đặc biệt. Bài viết sau Nghệ ngữ mời bạn đọc cùng tìm hiểu kỹ hơn về phương ngữ của tỉnh Hà Tĩnh nhé!

Ngôn ngữ Hà Tĩnh
Tiếng quê, tiếng lòng!

Ngôn ngữ Hà Tĩnh từ "gi" thành "tr"

 

Nếu nghe người Hà Tĩnh nói chuyện, bạn đọc sẽ thấy trong khi phát âm họ thường thiếu âm đệm. Chính vì thiếu "đệm" nên ngôn ngữ Hà Tĩnh thường nghe, khô, cứng và không mềm mại như ngôn ngữ miền Bắc, miền Nam.

Ví dụ, trong tiếng phổ thông có các từ: lúa, lửa, nứa, đường, nước, trâu, sâu... thì trong tiếng Hà Tĩnh sẽ thành: ló, lả, ná, đàng, nác, tru, su... Ngoài ra rất nhiều từ người dân Hà Tĩnh đã biến đổi từ "gi" thành "tr": giữa - trửa (gặp nhau giữa đường = gặp chắc trửa đàng)... Hoặc một số từ người dân vùng này chuyển hóa khá lạ tai: lý luận - lý luịn, quân sự - quin sự...

Bên cạnh việc thiếu âm đệm, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người Hà Tĩnh có sự thay đổi trong việc sử dụng các thanh điệu như huyền (\), sắc (/), nặng (.), hỏi (?), ngã (~) và không dấu. Cụ thể, người Hà Tĩnh hay dùng "lẫn lộn" giữa sắc (/) với nặng (.), ngã (~) với hỏi (?)... Ví dụ: "đi củi” thành “đi cúi”, “đánh thắng” thành “đành thẳng”, “núi” thành “nủi” hoặc “kỹ thuật” thành “kỷ thuật”...

Đó là chưa kể, trong từ điển tiếng Hà Tĩnh còn có vô số thổ ngữ đặc biệt: Như “” thì gọi là “mạo”, “miều”; “bể nước” thì gọi là “bể cạn”, “nhăng”; “vung” gọi là “vàng”; “mẹ” gọi là “mệ”; “giàn bếp” gọi là “kến”; “váy” gọi là “mấn”; “vợ chồng” gọi là “gấy nhôông”, “sân” thì gọi là “cươi”...

Đặc biệt, với một từ mần trong tiếng Hà Tĩnh có thể có đến gần 30 nghĩa khác nhau. Hay từ chắc trong tiếng Nghệ Tĩnh cũng có vô số cách kết hợp làm nên các nghĩa rất phong phú. Đáng nói hơn, các từ vựng trong tiếng Hà Tĩnh không phải vay mượn từ Hán Việt mà mang tính độc lập, tự sinh, tự phát, tự phát triển theo lịch sử.

Trong bài viết Tản mạn về ngôn ngữ địa phương Hà Tĩnh, tác giả Tống Trần Tùng từng chia sẻ: "Còn nếu họ nói “đặc sệt tiếng Hà Tĩnh”, tức là cả ngữ điệu và từ dùng đều là ngôn ngữ địa phương, thì chắc rằng người nghe sẽ ngớ ra cứ như nghe một thứ ngôn ngữ không phải là tiếng Việt vậy".

Nhận xét này của tác giả Tống Trần Tùng rất chính xác, nếu người ngoài tỉnh nghe người Hà Tĩnh nói bằng giọng và thổ ngữ của chính họ thì rất khó hiểu. Lý do, tiếng Hà Tĩnh có phần khô, cứng, có khẩu âm riêng không giống với bất kỳ vùng nào. Điều này, từng có giả thuyết cho rằng, do môi trường sống khắc nghiệt nên hình thành thứ thổ ngữ đặc biệt này.

 
ngon ngu tinh ha tinh
Khoai chấm mật.

2. Nghe giọng Hà Tĩnh chân tình, gần gũi


Với nhiều người dân Hà Tĩnh, đặc biệt là giới trẻ, khi đi ra vùng miền khác, chính chất giọng này có phần trở thành rào cản trong giao tiếp. Nghệ ngữ từng chứng kiến một bạn học là người Hà Tĩnh lên thuyết trình trước lớp đại học và khiến cả lớp cười ồ vì chính giọng nói rất nặng tai. Nhưng về sau, khi mọi người vùng miền khác đã nghe, đã hiểu, họ cho biết rằng ngôn ngữ Hà Tĩnh rất đặc sắc, gần gũi và thân thương.

Ví dụ, có lẽ chỉ có người Hà Tĩnh và Nghệ An mới dùng các từ đậm chất địa phương trong việc xưng hô, chào hỏi như: “enh”, “ả”, “mụ”, “tau”, “mi”, “hấn”, “choa”... một cách gần gũi, thân tình đến thế. Hay đơn giản hơn, để chỉ thời gian, trong tiếng phổ thông chỉ có 3 ngày "hôm qua, hôm nay, ngày mai" thì tiếng Nghệ có đến 5 ngày: "bựa ni, bựa qua, bựa sơ, bựa sơ tề” hoặc “bựa ni, bựa mai, bựa mốt, bựa mốt tể, bựa mốt tề”... 

Đó là chưa kể một số vùng như Yên Huy (huyện Can Lộc) có kiểu nói lối rất tài tình, thông minh, dí dỏm. Ví dụ câu chuyện nói lối Chết là chôn

Hai ông thông gia nọ,
Gặp nhau bèn hỏi han.
"Chờ bên ông phong tục,
Đám khi chết có ăn?"

(Ý ông ấy muốn hỏi,
Khi mà có đám tang.
Có tổ chức ăn uống,
Như những nơi khác chăng?)

Ông Yên Huy thủng thẳng,
"Bên làng tui chết rồi,
Thì đem chôn ông ạ,
Chứ không ăn ông ơi"


Có lẽ, chỉ những người con xứ Nghệ mới hiểu hết ngôn ngữ Hà Tĩnh đặc sắc đến như thế nào. Chính vì thế, dù thời gian đầu đi xa quê thấy "ngại" nói giọng quê nhà, nhưng càng về sau họ càng nhận ra tiếng quê chính là tiếng lòng, đã ăn sâu vào máu thịt và trở thành tình yêu trong chính con người Hà Tĩnh.

>>> Xem thêm: Giọng Nghệ An vùng nào khó nghe nhất?

 

Tác giả: Nghệ Ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây