Người Nghệ phải nói tiếng Nghệ

Thứ tư - 28/08/2019 23:48
Xứ Nghệ nổi tiếng cả nước và thế giới, không chỉ vì vị trí địa lý, vai trò và sự đóng góp của nó cho đất nước, mà còn, đây là vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”, phong cảnh hữu tình: “Non xanh , nước biếc như tranh họa đồ”. Và cái mà người Nghệ gây ấn tượng nhất với thiên hạ, chính là “Tiếng Nghệ”.
Cách nói của Người Nghệ nhanh với âm sắc ngang và nặng. Trải qua lịch sử hàng ngàn  năm, tiếng Nghệ với vùng đất văn hóa Hồng Lam là giá trị vật chất và tinh thần, là kết tinh của một quá trình sống, đấu tranh dài dằng dặc, đầy gian khổ của cư dân Xứ Nghệ. Sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt: “bão, lụt dập dồn, đất caỳ lên sỏi đá, gió Lào thổi rạc bờ tre”(Nguyễn Bùi Vợi), nhưng nhờ sự chở che , ưu ái của “Hồn thiêng” Núi Hồng- Sông Lam, người xứ Nghệ đã sáng tạo ra, mới định hình nên được Tiếng Nghệ. Tiếng Nghê chính là thành tố văn hóa quan trọng bậc nhất, là giá trị có ý nghĩa bản sắc của văn hóa xứ Nghệ. Tiếng Nghệ chắc, nặng. Nhưng tiếng Nghệ rất có uy lực, khỏe khoắn mà nhẹ nhàng, uyển chuyển mà linh hoạt, mộc mạc mà chân tình, không khách sáo mà chung thủy, sâu nặng... bởi nó chứa chất trong lòng sức nặng ân tình...Tiếng Nghệ đã tự cất cánh bay lên một tầm cao thẩm mỹ! Nếu như văn hóa vùng đồng bằng Bắc bộ sản sinh ra được các làn điệu chèo, Quan họ... mượt mà, đẹp nổi tiếng thì xứ Nghệ, tiếng Nghệ, văn hóa Hồng Lam, quy tụ khí thiêng Núi Hồng -Sông Lam đã sản sinh ra được  dân ca Nghệ Tĩnh, mà tiêu biểu là các điệu “Hò Ví Dặm”, man mác yêu thương , bao la tình nhân ái...
 
hokego7
Hồ Kẻ Gỗ ở Hà Tịnh. Ảnh: Luyện Thanh Đoàn


Tiếng Nghệ, xứ Nghệ là nơi điển hình cả nước còn lưu giữ được rất nhiều, nếu không nói là nhiều nhất vốn từ vựng của người Việt cổ. Trong lịch sử văn học dân tộc, có thể nói xứ Nghệ đã góp mặt cho đất nước nhiều văn nhân nổi tiếng như Hồ Xuân Hương,  Nguyễn CôngTrứ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Xuân Diệu, Cù Huy Cận. Đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du đã có công rất lớn trong việc đem những từ ngữ thuần Việt, có gốc gác từ xứ Nghệ, hòa quyện với ngôn ngữ đầy hoa mỹ, ước lệ, với những điển tích, điển cố để tạo nên tác phẩm Truyện Kiều bất hủ... Một hiện tượng đặc biệt nữa là, hiện nay, nhiều nhà ngôn ngữ học hàng đầu của cả nước, đều là người xứ Nghệ: GS Cao Xuân Hạo; GS Nguyễn Tài Cẩn; GS Phan Ngọc...Phải chăng họ đã được “nguồn sữa mẹ là tiếng Nghệ” nuôi dưỡng?
 

Tiếng Nghệ là đặc sản của người Nghệ  hiến dâng cho đất nước để làm nên sự phong phú, đa sắc, đa thanh của tiếng Việt. Cũng như người Nghệ, xứ Nghệ, tiếng Nghệ đã được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế biết đến. Không có lý do gì để chúng ta không tự hào về tiếng Nghệ .
 

Bác Hồ vĩ đại của chúng ta đã sống hầu như khắp mọi miền đất nước, suốt hơn 30 năm bôn ba hải ngoại, đi khắp năm châu bốn biển, nhưng giọng nói cội nguồn vẫn là tiếng Nghệ: “Bác đi khắp bốn phương trời/ Vẫn còn ấm mãi Giọng Người Miền Trung...”(NT TốHữu). 

Ngày 2/9/1945, tai Quảng trường Ba Đình, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nước VNDCCH, trước Quốc dân đồng bào, Bác nói: “Tôi nói đồng bào nghe  rõ không!”.Âm sắc tiếng Nghệ hùng hồn, ấm áp, thân thiết, tiếng của Bác vang vọng khắp mọi miền đất nước và thế giới. Ngày Bác sắp đi xa,“Bác vẫn muốn nghe một điệu Hò Ví dặm”(Lời Bác dặn trước lúc đi xa-NS Trần Hoàn). Đồng bào xa Tổ Quốc, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu Hò Ví dặm!..”(NSTrần Hoàn). Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, quê Quảng bình vẫn nói tiếng Quảng bình. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước là người xứ Nghệ, từ trước đến nay, đều nói tiếng Nghệ, hoặc có pha trộn, nhưng dễ dàng nhận ra chất giọng Nghệ.. Các nhà bác học, các học giả, trí thức người Nghệ nổi tiếng, ở trong nước, ngoài nước, đều nói tiếng Nghệ, giọng Nghệ. Ở khu di tích Kim Liên-Nam Đàn, khi về thăm lại căn nhà xưa của Bác, được nghe hướng dẫn viên nói giọng Nghệ, nhẹ nhàng, ấm cúng, truyền cảm, thấm đậm ân tình, du khách cảm động, ai cũng rơi nước mắt. Mới đây, kỷ niệm 120 năm sinh nhật Bác Hồ, đêm 19/05/2010, Đài THVN đã phát sóng trực tiếp cầu truyền hình “Hành trình theo chân Bác”, diễn ra tại ba điểm cầu: Hà nội-Làng Sen (Nghệ an) –Bến cảng Nhà Rồng (Tp HCM) . Cùng song hành với tiếng Hà Nội, tiếng Sài Gòn, ở điểm cầu Làng Sen( Nghệ an), MC Diệp Chi ( Đài THVN), người quê Nam Trung-Nam Đàn (Nghệ An), đã dẫn chương trình bằng tiếng Nghệ. Với tấm lòng yêu quê hương tha thiết, giọng nói của người con gái xứ Nghệ nhẹ nhàng, mềm mại, man mác thân thương, sâu lắng, xúc động lòng người, gợi lên bao niềm thương nỗi nhớ Bác Hồ, hấp dẫn người dự khán hơn cả tiếng Hà Nội, tiếng Sài Gòn.. Đoàn dân ca Nghệ An, được nhân dân khắp mọi miền đất nước ưa thích, là nhờ dẫn chương trình bằng giọng Nghệ, nhẹ nhàng, ấm áp; Tiếng ca dân gian xứ Nghệ ngọt ngào, ân tình, bay bổng, ngân vang mênh mang, như hồn thiêng Núi Hồng-Sông Lam quê Bác!...  Xem ca kịch “Lời Người lời của Nước non”, hàng triệu đồng bào đều dàn dụa nước mắt khi nghe giọng Nghệ trìu mến, thân thương của Bác Hồ thăm hỏi bà con xóm làng dịp Bác về thăm quê. Ngay cả con em xứ Nghệ đi làm ăn xa, trên  ô tô, trong gia đình, bao giờ cũng lưu giữ vài đĩa hát dân ca Nghệ Tĩnh, để lúc chạy xe trên đường, lúc tụ họp gia đình...mở máy ra nghe cho đỡ nhớ quê...Ra giêng Tết nguyên đán, tại Bến Nhà Rồng- Nhà Lưu niệm Bác Hồ, hàng vạn con em xứ Nghệ/Tĩnh họp đồng hương, để gặp gỡ, thăm hỏi, chúc mừng nhau Năm Mới, và để được sưởi ấm lòng, vì được nói, được nghe tiếng Mẹ đẻ thân thương của mình: Tiếng Nghệ .
 

Thế mà, thật đáng buồn, hiện nay, Đài Phát thanh, Truyền hình Nghệ An- Tiếng nói chính thức của Chính quyền và Nhân dân Nghệ An, đặc biệt quan trọng là các buổi phát thanh truyền hình Thời Sự, phát trên sóng NTV, phát thanh viên không phát âm bằng Tiếng Mẹ Đẻ:Tiếng Nghệ, mà lại “tự pha tiếng”của mình, nói một thứ tiếng lai căng, rất  khó nghe. Họ học theo tiếng Bắc nhưng Bắc không ra Bắc, Nghệ không ra Nghệ! (Mà có người còn tự cho là tiếng Bắc-giọng Tràng An chính hiệu?!..). Nhiều người Bắc vào đây, xem/ nghe Đài Truyền hình Nghệ An cũng thắc mắc, tại sao phát thanh viên lại không nói giọng Nghệ. Trong khi đó, được biết, hiện tại, Đài Tiếng nói Việt Nam đang chủ trương xây dựng các buổi phát thanh địa phương, nói tiếng Dân tộc ít người). Chẳng trách, một số con em chúng ta đi làm ăn xa cố tình “học mót” tiếng xứ người. Có ai chê người Huế nói tiếng Huế, người Quảng Bình nói tiếng Quảng Bình, hay người Sài Gòn nói tiếng Sài Gòn vv...đâu mà sợ họ chê người Nghệ nói tiếng Nghệ. Phải chăng tiếng Nghệ là xấu?! Đừng vì tự ti vô lối mà cố tình quên đi tiếng nói, giọng nói của quê hương! Cái đáng chê là Người Nghệ không hiểu biết tiếng Nghệ. phải chăng họ đã quên mất mình là người Nghệ. Người Nghệ thì phải nói tiếng Nghệ. Trong sự giao lưu và hòa nhập với cả nhân loại, chúng ta đang tích cực bảo tồn Bản sắc Văn hóa Dân tộc Việt Nam. Người Nghệ, xứ Nghệ cần giữ gìn bản sắc văn hóa của mình là tiếng Nghệ  nếu không muốn bị hòa tan, mất gốc.
 

Với tâm huyết hướng tới một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc quê hương xứ sở, chúng tôi đề nghị Đài PTTH Nghệ An, trong các buổi Phát thanh, Truyền hình, nhất là chương trình thời sự, phải phát âm bằng Tiếng Mẹ Đẻ :Tiếng Nghệ. Cụ thể là Tiếng Vinh, vì Vinh từ gần 200 năm nay là trung điểm, là trung tâm văn hóa, kinh tế xứ Nghệ. Âm sắc tiếng Vinh nhẹ, hay nhất, chính xác nhât. Dĩ nhiên, phải dùng từ ngữ phổ thông.
 

Mong rằng, Tiếng Nghệ không chỉ là tiếng nói quen thuộc, thân thương trong cuộc sống tường ngày của người nghệ mà còn là tiếng nói, giọng đọc của các phát thanh viên, các MC Đài PTTH Nghệ An, và Hà Tĩnh. Nếu được vậy, tôi tin là qua sóng phát thanh truyền hình, không chỉ đồng bào ta trong tỉnh, mà trong cả nước, cả kiều bào ở xa Tổ quốc, đều được nghe, được hiểu, để yêu thêm đât nước, quê hương Xứ Nghệ . 

>>>Xem thêm: Tản mạn về phương ngữ Hà Tĩnh

 

Tác giả: THÁI HỮU TRỊNH

Nguồn tin: Văn hóa Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây