Tiếng Nghệ tương đồng với tiếng các miền khác như thế nào?
Lời tựa
Sau mấy ngày đọc (chỉ mới lướt qua chứ chưa đọc kỹ), nhưng tôi cũng có thể nắm được một số vấn đề trong cách giải thích từ ngữ của Từ điển tiếng Nghệ. Trong từ điển ngoài những từ có lẽ chỉ có ở xứ Nghệ, chẳng hạn chộ là nhìn thấy, cươi là sân, đài là cái gàu múc nước ngày xưa kết bằng mo cau, đọi là bát, chén, ga là con gà, nhởi là chơi, sèm là thích... còn có những từ tuy gọi là tiếng Nghệ nhưng tôi cũng tìm thấy trong tiếng Việt cổ mà người gốc Bắc (như tôi) ngày xưa có nghe cha mẹ sử dụng.
Cũng có những từ tương tự như trong phương ngữ Nam bộ, hoặc phương ngữ vùng Bình Trị Thiên, rất nhiều từ ngữ tương đồng với phương ngữ Bình Trị Thiên, nhất là về mặt tên gọi, như ả (chị), Eng (anh), o (cô), mụ (người đàn bà đứng tuổi), bọ (bố, cha), choa (tao, chúng tao).. có lẽ bởi cùng chung về mặt địa lý trên một giải đất hẹp ở phía Nam Bắc bộ (nhưng thuộc Bắc Trung bộ). Những nhà nghiên cứu về ngôn ngữ cũng nói có nhiều từ ngữ của tiếng Nghệ tương đồng với từ ngữ của người Mường, người Chăm hoặc với tiếng Quảng Nam.
Sơ bộ tôi có thể kể ra một số từ tương đồng với miền Bắc và miền Nam: (chữ nghiêng là nghĩa giải thích chép trong Từ điển tiếng Nghệ, ba chấm phía sau là còn những nghĩa khác).
Tiếng Nghệ tương đồng với tiếng miền Bắc
- Bẹo: động tác dùng tay chân (tại sao có thêm chữ chân?) véo, cấu vào người hoặc vật khác. Thỉnh thoảng ông bạn Salam hay nói "bẹo" người này người kia. Ngày xưa trong gia đình tôi cũng hay nghe người lớn dùng từ "bẹo má" đối với trẻ con, từ "bẹo" còn dùng trong trường hợp của đã ít mà còn chia ra làm nhiều, chẳng hạn một cái bánh nhỏ mà phải chia ra năm bảy phần, người lớn hay nói "bẹo ra chẳng đáng".
- Bơ: đơn vị đong - bơ gạo... ngày trước trong gia đình tôi gọi cái lon sữa bò đã hết dùng để đong gạo là "ống bơ" (hình như cứ 4 lon là một ký), ống bơ miền Nam gọi là "lon" (phát âm thành "loong"), trẻ con hay lấy chơi trong trò choi gọi là "tạt loong". Ngày xưa mỗi năm vào dịp rằm tháng tám Trung thu, tụi nhóc tì bọn tôi lại kiếm cái lõi cuộn chỉ đã hết bằng gỗ, lấy cái lon sữa bò bỏ đi, đục lỗ dùng dây thép cứng to bản gắn vào (miền Nam gọi là dây kẽm), liên kết giữa lõi chỉ và lon sữa bò, tra thêm cái que tre nhỏ làm tay cầm, đẩy cái lõi chỉ là bánh xe bên dưới, bên trên cái lon sữa bò quay tít. Trò chơi của đám trẻ con ngày xưa là thế.
- Cáu: cáu gắt, cáu bẩn... từ này trước đây trong gia đình cũng dùng với nghĩa như thế.
- Địu: đèo theo, mang theo sau lưng. nguòi miền Bắc nói "địu con", như ta thấy nơi người thiểu số Tây nguyên, hoặc nơi những vùng cao ở mền Bắc địu con phía trước hoặc sau lưng.
- Đượm: dễ cháy, dễ đun. Xưa tôi nghe cha mẹ nói "củi (hoặc than) này cháy đượm lắm", ngoài nghĩa dễ cháy, dễ đun còn hàm ý củi hay than đó cháy tốt, cho nhièu sức nóng hơn các than củi khác.
- Ghè: đập - ghè cho bể vụn. Ghè là đập vật gì đó cho nát nhỏ ra.
- Khuấy: ngoáy - khuấy bùn lên. xưa hay nghe nguòi lớn nói "khuấy cốc sữa", "nhớ khuấy lên không khê hết bên dưới" (nấu chè).
- Ngấu: hủ mục... tôi hay nghe nói "muối dưa, muối cà chưa ngấu", nghĩa là chưa đủ độ "chín tới" để ăn, hoặc "hũ tương làm chưa ngấu".
- Nhoáng: một lúc, một thoáng, nhanh. Người miền Bắc nói làm gi nhanh là "làm nhoáng một cái", tia chớp xảy ra quá nhanh gọi là "chớp nhoáng".
- Thơm: hôn (thơm trẻ em)... Miền Bắc cũng nói "thơm trẻ em", còn trong trường hợp giữa chàng và nàng, đôi khi chàng nói "cho thơm một cái", còn dân Nam bộ thì "cho hung (hun) miếng".
Tiếng Nghệ có nhiều tiếng giống tiếng miền Nam
- Ba láp: huênh hoang. Người Nam bộ nói là "bá láp", kẻ "tầm sàm bá láp" là kẻ ăn nói linh tinh lang tang, huênh hoang chẳng đâu vào đâu.
- Bà bửa: kẻ thô bạo. Dân Nam bộ nói "thằng ba bứa" để chỉ người lỗ mãng.
- Bàu: đầm nước. Ở miền Nam ta thường thấy từ "bàu", như "Bàu sen", "Bàu sấu".
- Bắp: bắp chuối, bắp ngô, bắp cải, bắp chân, bắp cày... Chỉ chỗ phình ra của sự vật. Người miền Nam kêu ngô là "trái bắp", nhưng cũng gọi bắp chuối, bắp vế...
- Biền: ruộng mưng mưng (cao vừa) ở ven sông. Về miền Tây ta thường hay nghe nói "bưng biền". Trong quyển Tự vị tiếng nói miền Nam của cụ Vương Hồng Sển (NXB Trẻ - 1999) ở mục từ "Bưng biền" cụ viết: Do "bưng" Cơme ráp "biên" (Hán tự), biên, bờ dọc mé sông. Đấy là ý kiến của cụ Vương. Không rõ chữ "Biền" (ruộng cao vừa ở ven sông) trong tiếng Nghệ, và cả trong phương ngữ Nam bộ có phải từ chữ "Biên" (Hán tự - bờ dọc mé sông) mà ra không? Ở đây ta có thể thấy rõ chũ "biền" trong "Bưng biền" của phương ngữ Nam bộ, có nguồn gốc từ chữ "biền" tiếng Nghệ. (đừng quên dân Nam bộ khi mới di dân vào miền Nam cách nay mấy trăm năm thời các chúa Nguyễn, đa phần có nguồn gốc từ vùng Thuận Hóa, ngôn ngữ là hành trang không thể không mang theo).
- Khẳm: đầy, chở đầy. Miền Nam hay nói "ghe chở khẳm", khẳm ở đây không những là "đầy, chở đầy", mà còn có nghĩa là "chở quá sức chứa" (hơi quá tải), như trong Từ điển phương ngữ Nam bộ (Nguyễn Văn Ái - chủ biên, NXB TPHCM-1994) đã giải thích.
- Ghe: thuyền. Người Nam bộ cũng gọi thuyền là ghe. Ở miền Bắc, nơi một vùng nào đó dân gian dùng từ "ghe" để chỉ bộ phận sinh dục của nữ giới. Tôi còn nhớ trước đây có quen với một đạo diễn phim ảnh trẻ dân Nam bộ, anh ta kể chuyện có lần đi làm phim ở một vùng quê miền Bắc, hôm ấy quay cảnh có ghe thuyền trên sông. Anh ta nói mỗi lần dùng loa hướng dẫn: "Đẩy ghe ra, chèo ghe đi tới..." là dân làng tới coi cười rần rần mà không hiểu tại sao, sau nghe giải thích mới vỡ lẽ.
- Lượm: lượm lặt (nhặt). trong phát âm người Nam bộ nói là "lụm". Từ lặt có nghĩa là "nhặt" trong lượm lặt có lẽ là một từ cổ. Ngày xưa trong gia đình tôi hay nghe nói lặt rau, là nhặt bỏ sâu bọ, lá úa, cọng... trước khi nấu nướng.
- Nêm: pha chế thức ăn,.. Từ điển phương ngữ Nam bộ giải thích: cho thêm mắm muối vào thức ăn cho vừa miệng.
- Sạ: gieo thẳng. Sạ lúa., không thông qua công đoạn cấy lúa.
Trong phương ngữ Nghệ An của Từ điển tiếng Nghệ, còn rất nhiều từ ngữ có ý nghia tương đồng với các phương ngữ khác, như đẫ nêu bên trên. Ta đã biết, tiếng Nghệ nghe đã khó (về mặt phát âm nhiều âm điệu trầm bổng). Hôm tôi nằm trong bệnh viện, trong phòng có một gia đình người Quảng Trị, khi gia đình họ nói chuyện với nhau gần như nghe không hiểu. Bữa bạn Nhật Thành điện thoại hỏi thăm cũng thế, phải qua vài câu, "định thần" lại "vừa nghe vừa đoán", tôi mới hiểu được bạn nói gì (có khi cũng không hiểu rõ). Lão Tân, và bạn Salam có thâm niên ở miền Nam nên tiếng nói đã "lai", dễ nghe hơn. Nhưng bỏ công một chút tìm hiều, đối chiếu, ta thấy trong cộng đồng ngôn ngữ của tiếng Việt, và một số tiếng nói khác có một sợi dây liên hệ từ lâu đời. Biết thêm được chút ít về tiéng nói, từ ngữ của ngôn ngữ địa phương cũng rất thú vị.
>>>Xem thêm: Tiếng Nghệ Tĩnh đặc biệt nhất cả nước
Tác giả: SƯU TẦM
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Gáng hay ráng? Gáng lên hay ráng lên? Ráng sức hay gáng sức?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Tỉ mỉ hay tỷ mỷ đúng? Nên viết i ngắn hay y dài hay hơn?
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Top 5+ địa chỉ thuê xe máy ở Hà Tĩnh tốt và có giá rẻ nhất
-
Lý thuyết hay lí thuyết? Lý luận hay lí luận viết đúng?