Tiếng Nghệ giúp tôi tìm về nguồn cội

Thứ ba - 30/03/2021 14:01
Đó là chia sẻ của bác Thịnh Lài (Nghệ An) - tác giả của rất nhiều bài thơ tiếng Nghệ hay đã đăng trên Nghệ ngữ. Bác Thịnh Lài cho biết, tiếng Nghệ thân thiện và giúp bác sống lại một thời tuổi thơ của mình. Trong bài viết sau Nghệ ngữ xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài thơ Thời xa vắng cùng những tâm sự của bác Thịnh Lài.
keo rom
Kéo xe bò chở rơm. 

 

Viết thơ tiếng Nghệ từ kỷ niệm thời thơ ấu


Chia sẻ với Nghệ ngữ, bác Thịnh Lài (quê ở Nghệ An) cho biết bản thân bác không phải là nhà thơ và bắt đầu viết thơ tiếng Nghệ từ khi có... smartphone. Đến hiện tại bác Thịnh Lài đã viết rất nhiều bài thơ tiếng Nghệ thú vị, nhận được rất nhiều chia sẻ từ những người con xứ Nghệ Tĩnh. Trong đó bài thơ Thời xa vắng gợi nhiều kỷ niệm thao thức hơn cả.

"Bài thơ này y hệt ngày xưa của xóm tôi sinh sống. Trong đó hình ảnh mỗi sáng cha thức dậy đi cày, mẹ nấu nồi khoai rồi đến kỷ niệm vại cà, hàng xóm gọi nhau í ới cứ in sâu đậm trong lòng. Và tôi đã viết nên Thời xa vắng" - bác Thịnh Lài tâm sự.



Cha ơi tru đã ẻ
Mau dậy ăn đi cày
Khoai mệ nấu xong rồi
Vưa nhắc nồi xuống đất

Cha lật đa lật đật
Rửa cái mặt qua loa
Rồi ra nơi vại cà
Bốc vội vàng nửa đọi

Ngoài đàng nghe ai gọi
Đi cày chà chắt ơi
Vơ vội kỳ áo tơi
Cột cầy oi ngang bụng

Mệ mi kêu con phụng
Đập tru ra khỏi ràn
Roi cày giắt trên giàn
Bù ta gưn chuồng lợn

Chạc mụi bựa trước cuộn
Cha nhét sát mái tranh
Bước kỳ chưn nhanh nhanh
Cầm ra cho cha nốt

Có lẹ đến bựa mốt
Mỳ có nác máy bơm
Trưa ny ăn xong cơm
Hai đứa ra rọng tát

Chạc khau dai bựa trước
Đứt mấy khúc nối rồi
Bứt cơn mây sau hồi
Buộc thay vô cho trặt

Lấy dao rạ mà chặt
Cơn mác mẻ đo nha
Nửa buổi đưa cho cha
Méng nác ra để uống

Con cà tràu cha truống
Trốoc đuôi nấu dấm dưa
Để mà ăn bữa trưa
Lưa ngài chiều cũng được

Coi con ga bựa trước
Có nhảy cục tác không
Mẹ mi nói thằng hồng
Theo dõi coi có đẻ

Vô nhà xia giả ẻ
Hé phên để mà nhoi
Chơ đứng ngoài thòi boi
Thột hấn bay bể trớng

Nói thằng hùng chạy xuống
Bà ngoại lấy cấy thang
về trèo lên nóc ràn
Tút nạm rơm mần ổ

Không thì lấy cấy rổ
Bựa qua bị sổ vèng
Về mà mần cho nheng
Thôi tau đi khỏi nắng

Tầm khoảng nửa buổi sáng
Nhớ đổ ló ra phơi
Canh chơ đừng đi chơi
Ga hần bươi ăn hết

Kiếm cầy trào mà rệt
Nhớ cày ló nữa nha
Trưa chạy ra ngoài cha
Lấy dam về mà náng

Con mô nậy để bán
Tết mà sắm áo hoa
Cho bằng con ngài ta
Nha mấy ênh mấy ả

Nhớ đổ dầu bựt lả
Cho nhạy mà nhen lò
Chơ cứ thổi lò mò
Thì đến mai mì đỏ

Vác cày ra cửa ngọ
Vẫn còn dặn ở nhà
Nhớ chạy sang ông hoà
Vay chút dầu túi họoc

Mới đó mà mấy chục
Năm rồi đã trôi qua
Dừ nằm nghị thương cha
Thì lưa ma mô nựa.

 
cay cuoc
Cày, bừa, ai nhớ?

 

Tiếng Nghệ mộc mạc và thân thiện


Chia sẻ với Nghệ ngữ, bác Thịnh Lài cho biết bác làm thơ từ năm 1980 khi còn đóng quân tại Lào. Hiện tại công việc của bác là bán cháo lươn tại Nghệ An. Và trên trang cá nhân bác Thịnh Lài viết rất nhiều bài thơ tiếng Nghệ khác nhau. Nhiều đến nỗi mà bác thành thật chia sẻ "không nhớ là viết bao nhiêu bài".

Quay lại bài thơ Thời xa vắng khi chia sẻ lên Facebook cá nhân bác đã nhận được rất nhiều lời tán dương. Nhiều người bình luận rằng qua bài thơ này giúp họ tìm lại được tuổi thơ của mình. Tuổi thơ đó là hình ảnh cha đi cày mỗi sáng, mẹ nấu nồi khoai cùng nhiều hình ảnh thân thương khác.

Thử phân tích một vài điểm đặc biệt trong bài thơ này có lẽ chỉ người Nghệ mới hiểu. Ví dụ ở hai câu thơ đầu:


Cha ơi tru đã ẻ
Mau dậy ăn đi cày


Hai câu thơ này rất đặc biệt vì ngoài tiếng Nghệ đặc trưng (tru, ẻ) còn gợi đến một hình ảnh thú vị ở miền quê xứ Nghệ: Người dân trước khi đi chạy thường đợi tru ẻ trong ràn để lấy phân, sau đó mới đi cày. Vì phân chuồng vốn rất quý với người nông dân.

Tiếp sau đó, càng đọc chúng ta càng bắt gặp hình ảnh người cha thân thuộc. Đó là người cha xứ Nghệ "lật đật" dậy, sau đó rửa mặt qua loa rồi ra vại cà lấy để vô ăn với khoai mà "mệ nấu xong rồi". Khoai ăn với cà mói, hình ảnh mà người xứ Nghệ ai cũng nhớ!

Không chỉ thế, trong từng câu thơ sau đó bác Thịnh Lài khéo léo gợi lại hình ảnh người cha xứ Nghệ rất quen thuộc: Mang áo tơi, cột oi ngang bụng (để khi đi cày có con cá nào bắt luôn).



Cha lật đa lật đật
Rửa cái mặt qua loa
Rồi ra nơi vại cà
Bốc vội vàng nửa đọi

Ngoài đàng nghe ai gọi
Đi cày chà chắt ơi
Vơ vội kỳ áo tơi
Cột cầy oi ngang bụng

 
khoai ca
Trấy cà mói ăn với cổ khoai!


Không chỉ thế, trước khi cha đi cày, cha còn dặn mẹ dặn con về những công việc trong nhà. Rất nhiều việc được kể lại bằng giọng Nghệ thân thương: đập tru khỏi ràn, tìm roi cày cho cha, tìm chạc mụi, dặn tát nác, dặn trưa đem nác ra cho cha uống, kho khúc cá tràu với dưa....

Coi con ga bựa trước
Có nhảy cục tác không
Mẹ mi nói thằng hồng
Theo dõi coi có đẻ

Vô nhà xia giả ẻ
Hé phên để mà nhoi
Chơ đứng ngoài thòi boi
Thột hấn bay bể trớng


Kết lại bài thơ, tác giả Thịnh Lài trở về hiện tại khi quá khứ thân thuộc đã trở nên xa ngái. "Mấy chục năm trôi qua" như nước chảy qua cầu, mới đó tiếng cha dặn trước khi đi cày không còn nữa.

Mới đó mà mấy chục
Năm rồi đã trôi qua
Dừ nằm nghị thương cha
Thì lưa ma mô nựa.


Ngoài bài thơ tiếng Nghệ này, bác Thịnh Lài còn viết nhiều bài thơ thú vị khác. Trong đó có nhiều bài thơ đậm chất hài hước kiểu người Nghệ, về các vấn đề thời sự. Qúy bạn đọc quan tâm có thể đọc thêm thơ của bác Thịnh Lài TẠI ĐÂY.

 

Tác giả: Nghệ ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 6 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây