Bàn về giọng Nghệ quê ta
Kể cũng lạ, người trong một nước, cùng ngôn ngữ vậy mà còn nảy sinh ra nhiều tiếng địa phương. Điều đó còn dễ giải thích chứ thổ âm thì thiên hình vạn trạng.
Chỉ riêng Nghệ Tĩnh khi phát ngôn ta có thể đoán chắc chắn họ là người Nam Đàn, Anh Sơn, Can Lộc, Hương Sơn hay Thạch Hà, Vinh, Hồng Lĩnh.
Tiếng Nghệ trọ trẹ, khó nghe
Nếu đổ lỗi giọng nói là do nguồn nước thì lý do đâu mà người Bắc di cư vào Nam, sinh năm, đẻ bảy, đời con, đời cháu, uống nước sông Đồng Nai dài dài mà vẫn phát âm giọng Bắc?
Cũng mô, tê, răng, rứa mà giọng Huế thì nhỏ nhẹ mà “tiếng Nghệ lại trọ trẹ, nặng nề khó nghe”. Miền Trung còn có giọng Quảng Nam ,Quảng Ngãi ngươi miền khác nếu nghe lần đầu thì thiệt đúng “eng không eng téc đèng đi ngủ”.
dân miền Trung tự xưa đã nổi tiếng có người tài giỏi nhưng vì giọng nói trọ trẹ khó nghe. Cho nên đi đâu cũng thường bị hiểu lầm, chế giễu, không trước mặt thì cũng sau lưng bị chê là “tồ” cổ hủ quê mùa. Nhiều người miền Trung vì thế mà thiếu tự tin, bị mặc cảm, cố bằng nhiều cách để che dấu sự tích cá gỗ quê mình.
Người thì cố nói cho nhẹ nhàng, dùng từ phổ thông cho chuẩn chính xác, kẻ lại “mua cái lồi về lấu cơm lếp” bê luôn cả mớ cho nó tiện bề sử dụng. Của đáng tội dân miền Trung thì như cái điểm giữa của bàn cân nghiêng về bên nào cũng được, giọng Bắc cũng hay mà tiếng Nam cũng nhại, xài được. Hơn nữa trời cho, biết phân chia tr, ch, s, x, n, l và r sòng phẳng chính xác chỉ mỗi nỗi nặng nề mà mọi dấu ngã đều bị phát âm thành nặng cho “thắm đượm tình quê”.
Chọn tiếng “cho vừa lòng nhau”
Nói như vậy không phải là bảo thủ, cái gì của mình cũng hơn người, mà phải biết yêu, khuyết điểm để gìn giữ và học hỏi, sửa đổi, để hòa đồng đó là một điều cần khuyến khích, phát huy. Để người khác tỉnh khỏi “nhọc nhằn” khi chỉ “nghe giọng nói” thì mình cũng phải chọn lời, chọn tiếng “cho vừa lòng nhau”.
Nhưng cũng đừng quá lố để người đời đặt chuyện chế diễu như có cô gái Nghi Lộc, học ở Hà Nội khi về quê, cùng cả nhà ăn tiệc xum vầy, kể chuyện đi đường thì dở giọng bắc “Ở Hà lội chời lắng chang chang (rồi buột miệng tiếng Nghi Lộc) về đến cầu Cấm trời mưa như cầm trĩnh mạ trút”.
Đó là chuyện truyền miệng không rõ thực hư, còn chính tôi khi bị ông xe ôm đổ bộ xuống vùng ngoại ô Sài Gòn gọi thằng bạn (dân Nghệ nhưng đã thành thổ địa ở đây) ra đón nó hỏi ở đâu thì chịu, đưa phone cho chú nhỏ bán hàng bảo chỉ dùm đường, nó cầm nghe, trả lại rồi nói: “ông ấy xài tiếng nước ngoài cháu nghe không hiểu” may mà tôi nhanh trí bảo nó cứ nói tiếng Việt đây là đâu là được, thoát nạn .
Xa quê ,quanh năm xì xồ với người xa lạ, xem tivi “Mười cô gái Đồng Lộc” nghe giọng Nghệ thân quen bỗng òa khóc nức như đứa trẻ (may mà không ai hay). Vậy mà khi nghe ai ca “chời mô xanh bằng chời Can Lộc, nước mô chong bằng nước xông La” lại thấy lòng mình bị tổn thương “xót xa như rụng bàn tay” 2. Thú thực tôi rất bức xúc và thắc mắc “vị chi một chút tẻo tèo teo”3 nhưng chính nó lại là linh hồn của bài hát lẽ nào các nhà sản xuất (CD) các nhạc sỹ sáng tác lại nhắm mắt làm ngơ để cả bài ca (dù giọng ca hay) “Trái gió cho nên phải lộn lèo”4.
Người ta thương nói âm nhạc là tiếng nói chung của nhân loại, bất cứ ai nghe nhạc của bất cứ chủng tộc nào, ngôn ngữ nào, tuy không hiểu lời nhưng cũng hiểu được âm điệu, tâm hồn, cũng xiêu viêu trong tiếng đàn, nhịp trống. Một điều kỳ lạ là một ca sỹ dù không nói được ngoại ngữ, vậy mà khi ca lời ca của bản nhạc ngoại quốc lại phát âm lại rất chuẩn. Hoặc ở Nghệ An những người dân (bình thường) Hưng Dũng, Nghi Lộc khi hát (karaoke) mà không hề nhầm lẫn cà có đuôi hay có cuống.
Tóm lại cũng như mọi người ham thích văn nghệ tôi thường nghe để thưởng thức những giai điệu quê nhà. Từng biết một bài hát nhưng có nhiều người ca, cố tìm cho mình ít nhất một bài hay, hợp ý. Không phải chỉ riêng những bài về Nghệ Tĩnh mà cả các thể loại đồng quê khác, Huế ra Huế, Nghệ ra Nghệ và của tất cả mọi miền tổ quốc. Không có khiếu nhưng khi hứng thú tôi cũng lẩm nhẩm nhại theo bài vọng cổ hài “Văn Hường đi Suzuki”: “Cùng dzượt đường xa, cùng dzú ga ta bay vù vù …” à quên “dzù dzù” mới "chánh hiệu con nai dzàng"
Chú thích:
(1) ăn không ăn tắt đèn đi ngủ
(2) bên kia sông Đuống
(3-4) Hồ Xuân Hương
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Vị chi một chút, tẻo tèo teo
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải, lộn lèo
Tác giả: VIET HO
Tags: tiếng nghệ trong mắt ai
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Tỉ mỉ hay tỷ mỷ đúng? Nên viết i ngắn hay y dài hay hơn?
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Lý thuyết hay lí thuyết? Lý luận hay lí luận viết đúng?
-
Top 5+ địa chỉ thuê xe máy ở Hà Tĩnh tốt và có giá rẻ nhất
-
Đăng ký hay đăng kí là đúng? Nên viết i ngắn hay y dài?