Nỗi niềm xôi niềng niệng
Tuy cũng đủ bốn mùa xuân, hạ , thu, đông, có giá rét đêm đông, có cháy nồng nắng hạ, có mùa thu rì rào lá đổ và xuân sang ong bướm rộn ràng, nhưng lại thiếu gió Lào, thiếu mưa rào và gió mùa Đông Bắc.
Cả năm những ngày mưa ít ỏi chỉ đủ đếm trên mười ngón tay. Vậy mà dân Mỹ lại hay cằn nhằn vì mưa.
Mưa! Đường xá như chật hẹp hơn, người bộ hành vội vàng hơn dễ xẩy ra tai nạn vì đường trơn, nhất là chạy xe gặp phải black ice (nước đá đen). Đó là những vũng nước mỏng, lạnh đóng thành băng trên xa lộ gặp phải là như trượt băng lái xe nguy hiểm lắm.
Riêng tôi hay nghĩ vẩn vơ với những ngày mưa, nhất là vào buổi tối, hơi se lạnh, trong nhà, nghe tiếng mưa lộp độp trên mái nhà, lã chã trên cành lá lao xao, lòng đảo chao nhớ về kỷ niệm. Nhất là từ đầu hè nhìn những giọt mưa phản chiếu ánh đèn điện, chạy dài như những mũi kim nhọn xuyên trong bóng tối, để rồi hợp lại thành dòng chảy, róc ra róc rách - như dòng đời kỷ niệm!
Ngày đó trước dãy nhà tầng là một sân rộng, trẻ con tha hồ chia giang sơn để bày những trò chơi, đá bóng, nhảy dây... Đêm đêm ngồi giưới bóng đèn đọc sách, học bài và nhất là sau những trận mưa, bắt cà cuống.
Không biết đâu ra nhưng cà cuống sau ngày mưa đã thành lệ, cà cuống dèn dẹt màu nâu, lớn bằng ngón chân cái bay loạn xạ, đụng vào nhau, vào bóng đèn, cột điện để rụng rơi xuống đất, bọn trẻ tha hồ nhặt, nhóm lửa bằng cành, lá xi lau khô thành những bếp lửa nhỏ, nướng lên, xé ra chia nhau, nhai ngấu nghiến.
Cà cuống không có thịt, nướng lên cũng có mùi thơm nhất là những con đực có mùi “tinh cà cuống”. Với trẻ con cái vị cay cay, the the không mấy thích thú nhưng với người lớn lại là đặc sản trừ phi “người tịt mũi”. Nhất là bánh mướt ở xóm nước đá. Thấy mấy o bán hàng cẩn thận nhúng que tăm vào lọ penecilin bé bằng ngón tay chấm tinh dầu, khoắng vào chén nước năm ngon vắt chanh và lưa thua điểm đỏ trái ớt trịnh trọng như cha cố đạo rẩy nước thánh ban ơn. Có lẽ trẻ con cũng như người tịt mũi ,không biết giá trị của cà cuống, coi bắt cà cuống chỉ là trò chơi, bởi vậy khi lớn lên không còn thấy.
Kỷ niệm ấu thơ ngoài cà cuống còn có bọ hung, bọ vừng, dế mèn. Những con vật thân quen đó hầu như trẻ thế hệ chúng tôi người nào cũng biết và nhớ .Riêng tôi còn có kỷ niệm khó quên: xôi niềng niệng. Vâng xôi niềng niệng!
Ngày đó cả hai tỉnh Nghệ - Tĩnh chỉ có mỗi trường Huỳnh. Nhà tôi có cho một anh người Hà Tĩnh (không nhớ huyện) học sinh trường Huỳnh ở trọ. Quà ở quê đưa ra chỉ là nắm mo cau đùm lá chuối xôi niềng niệng. Cũng họ hàng cà cuống nhưng lại nhỏ hơn và đen nhánh.
Trẻ con Vinh thời đó quen quà sáng với bánh mì, xôi bắp, xôi lạc, xôi đậu đen, đậu xanh... nhưng xôi niềng niệng thật là lạ và nhìn không bắt mắt vì màu đen xéo với xôi trắng, lốm đốm như bị ruồi bâu. Ấy vậy mà lại bùi và ngon béo như xôi hành mỡ!
Đó là lần đầu và cũng là lần cuối được thương thức món ngon lạ đồng quê. Sau này qua mọi miền quê tôi đều đẻ ý và dò hỏi xôi niềng niệng. Nhưng hỗi ôi, xôi niệng niệng không ai biết. Một chút nuối tiếc, nhưng với tôi đó cũng là kỷ niệm đầu đời mấy dễ nào quên!
Chiều nào mà không có hoàng hôn
Kỷ niệm nào mà không có vui hay buồn
Xem thêm: Cái ổ rơm và bài vè của xóm
Tác giả: Viet Ho
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Gáng hay ráng? Gáng lên hay ráng lên? Ráng sức hay gáng sức?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Tỉ mỉ hay tỷ mỷ đúng? Nên viết i ngắn hay y dài hay hơn?
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Top 5+ địa chỉ thuê xe máy ở Hà Tĩnh tốt và có giá rẻ nhất
-
Lý thuyết hay lí thuyết? Lý luận hay lí luận viết đúng?