Mần cấy em

Thứ hai - 05/07/2021 09:20
Nhà thơ Đinh Sỹ Minh đang ở cái tuổi, trẻ đã qua và già chưa tới nên “Siêng viết tút, và chăm con phây. Không có tuổi, nghiện selfie, bia rượu khi gặp hợp cạ không biết say, không hút thuốc”. Những bạn bè học Đại học Xây dựng (1973 - 1978) đều nói, mấy chục năm qua Minh vẫn thế, tồn tại cả cái hay, cái dở của cuộc đời.
nghe ngu
Xứ Nghệ.

Ra trường, chàng trai Đức Thọ ấy về Vinh công tác, tại Viện QHTK Nghệ Tĩnh. Những năm tháng đầu đời, kiếm tiền và tiêu như rác nên uống rượu, hút thuốc và hàng chục trò không tên của dân kỹ thuật. Để rồi khi theo vợ lên Tây nguyên mưu sinh và về hưu ở Hà Nội, ông mới thấy cái quý giá:

Giữa ồn ào náo nhiệt của phố đông
"Đi mô rứa" nghe nao lòng đến thế
Một cảm giác- quê choa về, chợt đến
Thấy xốn xang dù nỏ biết chi.


Tôi quen ông, khi tham gia hội Đức Thọ tại Hà Nội. Tuổi đã lục tuần ông vẫn thích "Lòng lạ, cá tươi". Nên trong thơ thi sĩ họ Đinh vẫn như tuổi 18+:

"Mi ngài mô?" - em ở đâu ra?
Đủ cho ta sẻ chia nhiều rồi nhé
Trong thoáng chốc thấy gần gụi lắm
Và vô tư trao gửi - một nhà.


Chàng trai xây dựng năm nao đi nhiều, khi con trai trưởng thành ông bà đã đến Paris hoa lệ và khắp châu Âu. Niềm xúc cảm đã được bật thành thơ, “Ta thây yêu tiếng quê choa đến vậy” và có những câu đắt đến nao lòng “Không mô bằng tiếng mẹ đã ru ta”. Anh viết “không mô” nhưng lại "ru ta" không phải “ru tui” bởi đơn giản nó là cảm xúc lẫn lộn tây ta, mô tê nhưng lại pha bắc. Dấu chân anh đi đến đâu, mạch sống theo đó.

Giờ đã qua ngữ điệu của bốn phương
Ta thây yêu tiếng quê choa đến vậy
Qua cay đắng ngọt bùi từng trải
Không mô bằng tiếng mẹ đã ru ta.


Trong bài thơ của Đinh thi sĩ có các địa danh nổi tiếng “Sông La” và “dãy Trường Sơn”có này mưa bão để “Nặng nhân ái, nặng phù sa núi lở”. Sỹ Minh nhớ lời mẹ ru và “nhớ cha nặng đòn roi”, một cái nhớ rất riêng, cả ngọt bùi lẫn đòn roi.

Dòng sông La và dãy Trường sơn
Cứ thác lũ để quê mình nặng nợ
Nặng nhân ái, nặng phù sa núi lở
Ta lớn khôn, nhớ cha nặng đòn roi.


Tôi chưa đọc hết 3 tập thơ của Sỹ Minh, nhưng rất thích cái tếu táo đậm chất Nghệ, đậm chất dân kỹ thuật. Không phải trai Nghệ, đố ai dám thật đến từng con chữ: "Mần cấy em" Nghe thương quá đi thôi. Thơ thật nên không tục, vì người ta hiểu Sỹ Minh đã dành cho cô gái láng giềng chả cần mai mối cũng nên vợ, thành chông.

"Mần cấy em" Nghe thương quá đi thôi
Anh nói rứa , Em đã mềm trong dạ
Nặng thì nặng nhưng sao sâu lắng lạ
"Enh của em! thương anh lắm anh nà"


Đọc TIẾNG QUÊ CHOA của Đinh Sỹ Minh, người ta thấy đất, thấy người, thấy tình nghĩa đất miền Trung. Thơ Minh không nặng về vần điệu, nó là những cảm xúc, thành dòng chính vì vậy nó đi vào lòng những người cùng quê. Phải thấm gió Lào, cát trắng mới cảm nhận được thơ tiếng Nghệ:

Gió Lào đi qua, Cát trắng- trắng trời
Nung hồn mẹ phôi thai điệu ví
"Chư đi mô rồi cụng nhớ về..." Thương thế!
Nghe rưng rưng , lại nhớ quê choa.


Tự nhận “Mềnh là thợ hồ- kỹ sư xây dựng, kiêm mót chữ- hội viên Hội nhà văn Hà nội” nhưng với tôi Đinh Sỹ Minh là ông anh, nhà thơ của đồng quê. Ông nhặt từng con chữ trên cánh đồng văn chương màu mỡ mà Thanh Yến (nhà thơ), Thu Thủy (văn sĩ) là các đồng thôn Vinh xưa.
Đinh Sỹ Minh đã không làm hổ danh cha ông về đường văn chương. Ông nội anh đã từng vịnh thơ:

"Thong thả lên thăm đỉnh núi Hồng
Thăm chùa Thiên Tượng, lại chùa Long
Giang sơn mù mịt, đàm khôn xiết
Phật Bụt cao xa, nói chẳng cùng


Sắc sắc, không không! Ờ sắc sắc
Không không, sắc sắc! Ấy không không
Trời đã chiều rồi về kẻo tối
Kệ trời! Kệ đất, kệ non sông!"


Bài thơ thể hiện rõ, cụ đang bất lực trước "Giang sơn mù mịt". Đang ngơ ngác trước "Phật bụt cao xa".

 

TIẾNG QUÊ CHOA

Giữa ồn ào náo nhiệt của phố đông
"Đi mô rứa" nghe nao lòng đến thế
Một cảm giác- quê choa về, chợt đến
Thấy xốn xang dù nỏ biết chi.

"Mi ngài mô?" - em ở đâu ra?
Đủ cho ta sẻ chia nhiều rồi nhé
Trong thoáng chốc thấy gần gụi lắm
Và vô tư trao gửi - một nhà.

Có một thời ta mới quê ra
Cứ ngượng ngịu rầy vì giọng nói
Cứ lắp bắp í a í ới
Muốn che đi như có tội không bằng.

Giờ đã qua ngữ điệu của bốn phương
Ta thây yêu tiếng quê choa đến vậy
Qua cay đắng ngọt bùi từng trải
Không mô bằng tiếng mẹ đã ru ta.

Dòng sông La và dãy Trường sơn
Cứ thác lũ để quê mình nặng nợ
Nặng nhân ái, năng phù sa núi lở
Ta lớn khôn, nhớ cha nặng đòn roi.

Để tình yêu qua gian khổ mặn mòi
Cái khốn khó chìm đè lên giong nói
Yêu thương đó ẩn mình trong chờ đợi
Sống thủy chung trói chặt những phận đời.

Gió Lào đi qua, Cát trắng- trắng trời
Nung hồn mẹ phôi thai điệu ví
"Chư đi mô rồi cụng nhớ về..." Thương thế!
Nghe rưng rưng , lại nhớ quê choa.

Nặng thì nặng nhưng em vẫn cứ say
Ơi giọng nói từ ngày ta lớn dậy
Đi khăp bốn phương trời vẫn vậy
Tiếng quê choa chan chứa tình người.

"Mần cấy em" Nghe thương quá đi thôi
Anh nói rứa , Em đã mềm trong dạ
Nặng thì nặng nhưng sao sâu lắng lạ
"Enh của em! thương anh lắm anh nà"

Tác giả: Nguyên An Thanh (Nhóm Vinh Xưa)

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây