Nhớ khoai xéo xứ Nghệ
Người Nghệ có ai mà không biết món khoai xéo trứ danh? Món ăn dân dã, thân quen này trở thành ký ức của bao người Nghệ, dù xa xứ nơi đâu họ vẫn luôn nhớ về... Chị Nguyễn Thu Thủy đã có bài viết về khoai xéo rất hay mà Nghệ ngữ xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc sau đây.
Tháng 8 ta, tiết trời đã chuyển sang se lạnh. Một vài hôm chiếc đài radio lại báo tin áp thấp nhiệt đới, áp thấp gần bờ chuyển thành bão. Rồi lại những trận lụt mưa nỗi niềm giăng giăng làm cầu nối trời với đất là những thác nước ai oán.
Tháng 8 mưa lụt kéo dài. Trung thu có năm còn chả mơ mộng việc kéo đèn trông trăng. Những năm, hoa khế mọc ở các kẽ cành thì năm đó mưa bão lớn, ông nội tôi bảo vậy. Nhà tôi, ngày mưa như cái đảo giữa đồng mênh mông nước. Ánh sáng leo lắt của cái thời điện đóm lúc có lúc không trở nên cô quạnh giữa những âm thanh cô tịch của tiếng ễnh ương, ếch nhái thi nhau hoà ca, tiếng cá quẫy trăng làm trăng vỡ, tan loang loáng theo bóng nước, cũng chẳng thi vị hơn là mấy.
Mưa không chỉ về đêm mà những ngày trước sau khai giảng thường mưa rất nhiều. Chúng tôi nghỉ học. Mưa dai giẳng ngày này qua ngày khác. Bố tôi gỡ cái nắp chum sành ra để lấy lương thực dự trữ. Khoai khô. Mùa tháng năm, thu hoạch khoai xong một ít để củ ăn dần, số còn lại rửa sạch, gọt bỏ sùng hà với đầu đày là bỏ vào cái ghế, như cái bào để cắt thành miếng ra phơi. Khoai được nắng, miếng khoai trắng thơm phức sau mấy nắng để nguội bỏ vào chum đề phòng ngày 3 tháng 8 như này.
Những ngày nhìn vào thùng gạo còn vơi vơi, bố tôi thường kiêm luôn nấu cơm để ghế khoai vào nồi cơm ăn độn. Bố tôi thường bảo, khoai hấp cơm ăn vừa bùi lại vừa đỡ ngán, ngọt nữa chơ, ăn cho nhuận tràng chứ mỗi cơm không ba ngày mưa gió ăn ngán. Cơm độn này, bố tôi ăn cùng với món cá lân cấn, lẫn vài con cá rô hạt bưởi, vài con tép lỡ thì kho cùng nghệ hành tăm với mấy quả khế chua vàng rộm cộng thêm món nhút mít muối nữa rồi khen nức nở. Mẹ tôi với lũ con nít như chúng tôi không thích món này, mẹ thì nói hồi nhỏ đã ăn khoai suốt, còn chúng tôi thì chưa quen nên mỗi đầu nồi bố tôi xới ra bát yêu to ăn một mình và luôn tự sướng với món độn mà bố tôi bảo truyền thống ngày xưa còn ăn quanh năm chứ không riêng gì mùa tháng tám.
Tháng tám, ngồi ăn nhìn mưa, thi thoảng lại lội nước ướt sũng như là chim sẻ, ăn vào nhanh đói. Thấy con kêu đói, trước khi đi ngủ bố tôi ngâm một ống đậu đen, một ống lạc, sáng mai bố bỏ vào nồi gang đun sôi rồi bỏ thêm lưng đúa khoai lang, một vốc nếp đãi sạch. Một mùi thơm của khoai đất cát, bùi bùi của đỗ và lạc bốc lên. Bố dùng hai chiếc đũa bếp xéo đều tay đến khi khoai nhuyễn, đậu đen lấp ló còn lạc thì trắng hồng xéo mà đũa cả cứ xoắn vào nhau, tay bố lại thoăn thoắt trông thật lành nghề. Xéo xong, bố xới cho mỗi người một xới vào bát con tuỳ vào sức ăn của từng người trong gia đình, còn lại tất cả xới ra cái đĩa nén chặt lại để đó lúc nào ăn thì lấy dao cau chia thành từng miếng. Khoai ngọt, đỗ bùi, lạc bùi, nếp dẻo quện vào nhau ăn lúc còn bốc khói đứa nào cũng thích, vừa ăn vừa trêu nhau và ngắm mưa, trong khi người lớn thì nẫu ruột xót gan bởi mưa ướt mục hết cả tâm tư lẫn hi vọng.
Đất trồng khoai trồng lạc giờ đô thị hoá thành đường 72 m và khu chung cư chọc trời, nghoảnh lại nhìn thành phố không còn bóng tre xanh gọi gió nồm lúc chiều buông. Bố tôi đã là người thiên cổ hàng chục năm rồi. Con tôi không biết được vồng khoai, ruộng lạc. Lớp trẻ không còn nghe tiếng trục lúa kẽo kẹt đêm trăng hay tiếng xắt khoai thoăn thoắt nơi sân nhà ngập mùi hoa cau. Chúng cũng không có cảm giác những tháng giáp hạt mưa tràn gió cuốn chỉ trông chờ vào những những chum vại, nào thì cà muối, nào thì khoai khô, gạo trữ, đậu, lạc, vừng...
Trẻ con bây giờ cái gì cũng lạ lẫm, loại thực phẩm chúng tôi sống cùng với thời gian và kỷ niệm giờ chỉ là thứ xa xỉ ăn lấy hương vị để biết mình còn là người Nghệ mang dòng máu Lạc Hồng ngàn năm. Đó không phải lỗi của chúng, không phải lỗi của ta. Đó là tất yếu của lịch sử phát triển chưa được quy hoạch bài bản về văn hoá và lịch sử.
Những ngày này lại quay về thời khó khăn. Trưa anh đồng hương nhèm nhèm bát khoai xéo, ngồi chỉ nghĩ giá mà được bát khoai xéo bố đơm cho thì ngon nhất trên đời. Ngày lễ Vu Lan không được về để thắp hương cho bố, bao kỷ niệm ùa về, nghèn nghẹn nơi cổ. Một mùa Vu Lan vời vợi với đồng bào chỉ biết theo dõi tình hình nhiễm bệnh qua báo đài. Mùa Vu Lan không có hoa hồng cài áo mà chỉ nhớ Người đã khuất qua món ẩm thực đi cùng Người thôi, món cùng Người vượt qua gian khó, cùng Người nuôi dạy con trưởng thành và hữu ích với cuộc đời như Người từng mong muốn.
>>>Xem thêm: Cách làm khoai xéo chuẩn vị xứ Nghệ
Tác giả: NGUYỄN THU THỦY
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Lười nhác hay lười nhát viết đúng? Phân biệt nhát và nhác
-
Cách phân biệt xong hay song chính xác nhất
-
Ngành hay nghành là đúng? Khi nào viết ng hay ngh?
-
Mặc khác hay mặt khác từ nào đúng chính tả tiếng Việt?
-
Sổng chuồng hay xổng chuồng? Viết sổng hay xổng là đúng chính tả?
-
Gởi hay gửi? Kính gửi hay kính gởi? Cách phân biệt gởi và gửi
-
Dời lịch hay rời lịch đúng chính tả? Cách phân biệt dời hay rời
-
7 bài thơ ngắn hay về triết lý cuộc sống của tác giả Thái Bá Tân
-
Cập nhật số điện thoại, giá cước Taxi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mới nhất
-
Chân quý hay trân quý viết đúng? Mẹo phân biệt chân hay trân
-
Xi nhê là gì? Nói không xi nhê nghĩa là sao?