Tiếng Nghệ An Hà Tĩnh vùng nào khó nghe nhất?

Thứ năm - 19/05/2022 20:59

Tiếng Nghệ An Hà Tĩnh vùng nào khó nghe nhất? Câu hỏi này còn khá gây tranh cãi vì trên thực tế không ai đem ra "thi thố" để biết vùng nào khó nghe hơn vùng nào. Tuy nhiên theo một số bạn đọc bình chọn thì vùng khó nghe nhất là xã Nghi Đức, TP Vinh (Nghệ An).

tieng nghe an ha tinh
Tiếng Nghệ rất phong phú. Ảnh: Giàng A Cường

 

Đi tìm vùng nói tiếng Nghệ khó nghe nhất

Khi nói về tiếng Nghệ An Hà Tĩnh nhiều người ngoài tỉnh cho rằng vùng đất Nghi Lộc (Nghệ An) có giọng nói khó nghe hơn cả. Tuy nhiên, một số người cho rằng người dân ở xã Nghi Đức, TP Vinh (Nghệ An) mới là quán quân.
 

  • Hãy thử nghe một số tiếng sau của người dân vùng này nhé:

  • “Chét ơi, vìa en cơm” (Chắt ơi, về ăn cơm)

  • “Chéo ơi, đeo reng đó” (Cháu ơi, đau như thế nào đó)

  • “Reng mịa lậy phô rứa” (Sao mẹ lại nói thế)

  • “Tai mi bậy reng rứa” (Tay mày bị sao vậy)

  • “Cơn phêu” (Cây tre)...

Theo thông tin, xã Nghi Đức có 12 xóm và được chia thành “Đông Đức” và "Tây Đức". Người Tây Đức gồm 3 xóm Xuân Đức, Xuân Hoa, Xuân Đồng nói giọng giống như những người Nghệ An khác. Còn người Đông Đức bao gồm các xóm Xuân Tín, Hương Tín, Xuân Hương, Xuân Trung, Xuân Thịnh, Xuân Bình 13 và 14, Xuân Mỹ, Xuân Trang 100% nói giọng lạ như ở trên. Điều này tạo nên một sự thú vị trong tiếng Nghệ quê ta!

Người Nghi Đức gọi giọng nói của mình là “tiếng quen”, và khi nói giọng phổ thông bình thường như bao người Nghệ An khác được gọi là “tiếng lạ”. Khi trò chuyện với nhau, người Nghi Đức luôn sử dụng “tiếng quen” của mình. Nhưng khi nói chuyện với những người ngoài xã, người dân ở mảnh đất này lại chuyển sang dùng “tiếng lạ” – giọng nói bình thường như những người khác.

Người ở vùng khác đến đây, khi nghe người bản địa nói chuyện, hầu như tất cả mọi người đều mắt tròn mắt dẹt với giọng nói của người Nghi Đức. Không một ai hiểu họ đang nói về điều gì. Nhiều người ví von, xã ven đô này có giọng nói lạ nhất Việt Nam.

Lâu nay đã xảy ra nhiều tình huống hài hước đối với người ngoài khi chứng kiến những người Nghi Đức nói chuyện với nhau. Hầu như mọi người đều nghĩ rằng họ đang nói tiếng Anh hoặc tiếng dân tộc với nhau?! Những phát âm vừa lạ, vừa khó hiểu ở xã ven đô thành phố Vinh thực sự rất thú vị.

 

tieng nghe tinh
Dù cùng một xã như hai bên Đông - Tây xã Nghi Đức lại có giọng nói khác nhau. Ảnh: Giàng A Cường

 

Xứng là vùng nói tiếng Nghệ An Hà Tĩnh "lạ" nhất


Tìm về vùng nói tiếng Nghệ An Hà Tĩnh lạ nhất, nhiều người chỉ biết há hốc khi nghe các cụ thường nói chuyện với đứa chắt của mình: “Chét ơi, chét mằn chi đó? Bòa hun chét cấy hè”. Nếu không dịch ra nghĩa là “Chắt ơi, chắt làm gì đó? Bà thơm chắt cái nào” thì chắc chắn sẽ không ai hiểu được.

Hay khi bà hỏi một người hàng xóm về tình hình lúa năm nay: “Tềnh hềnh ló móa nem ni a reng ênh?”, nghĩa là “Tình hình lúa má năm nay thế nào anh?”. Hoặc gọi người con tên Nguyễn Anh Tuấn về ăn cơm thì nói “Tún ơi, vìa en cơm” nghĩa là “Tuấn ơi, về ăn cơm”...

Trẻ con ở đây, được tiếp xúc nhiều với người ngoài vùng, đi học đây đó nên giọng nói đã có phần thay đổi nhiều. Giờ đây, hầu như trẻ em Nghi Đức đã đổi thành giọng Nghệ bình thường, còn một số ít vẫn nói đặc giọng Nghi Đức như người bà, người mẹ của mình. Nhưng khi về quê, hay gặp người cùng xã ở nơi nào đó xa xôi, người Nghi Đức vẫn không bao giờ nói giọng nào khác ngoài giọng Nghi Đức của mình.

Những người thuộc tuổi trung niên và thế hệ 8x, 9x ở đây vẫn nói giọng Nghi Đức như các thế hệ đi trước. Cái chân được gọi là “cấy chưn” hoặc “cấy kéng”, tay thì được gọi là “tai”, tao thì gọi là “teo”, con gà gọi là “con goa”, mẹ nghĩa là “mịa”, cha có nghĩa là “ch...oa”, con lợn sẽ được “biến” thành “con lạn”..., cục đá thành “cộc đóa”. Và rất nhiều từ nữa được người Nghi Đức nói rất khó hiểu, và giọng nói của họ rất khó hoặc thậm chí không thể nào viết ra được thành chữ phổ thông.

 

Bài thơ dạy tiếng Nghi Đức


“Nghi Đức hai tiếng thân thương

Tiếng quê học mãi tỏ tường như ri

Tên “mày” thì gọi là “mi”

Tôi–teo, hắn-hấn, gì-giầy, cô-o

Còn “bòa” đích thị là “bò”

Trâu thì “tru” đó, “đoòn bòa”(đàn bò) hiểu không

“Khu” thì nghĩa là mông,

Tai-tay, kéng-cẳng, lậc lèa - cẳng chân

Hai hai thì gọi “hâm hoai”

Khoai thì gọi “cú khuôi” đúng rồi

“Choạc cơn” "mằn vỏng”(làm võng) “teo ngòi”(tao ngồi)

“Tróa chuối” (lá chuối) nút “rợu”(rượu) “đạu mòi”(đồ mồi) “nhém”(nhắm) luôn.

Đường quan thì gọi “đoàng quôn”

“Quốc lọo” đích thị là Đường 1A

Con gà thị gọi “cuôn goa”

Cá-cúa, lợn-lạn, hoa-hua thật tài!

Rảnh tay vác kiếm ra mài

Chặt cây “chọong nỏong” đi “cài”(cày) với choa (cha)

“Cu đoọp” “cối đích” chưa mua

Tiền còn mấy “trảư” (đồng) “mằn” (làm)vua mấy “hòi”(hồi).

“Con troi” đích thị con giòi

Ceo(cau), trầu, chìa(chè), thuốc “họọc”(học) đòi “mằn”(làm) chi

Lá khoai thì gọi là “di”

Mạ non gọi “mọong” “lạt pheo ri”(lạt từ cây tre) buộc vào"


Có thể nói tiếng Nghệ An Hà Tĩnh vô cùng phong phú và đa dạng. Cùng một xã như Nghi Đức mà hai bên Đông - Tây đã có sự khác nhau rõ rệt. Điều này chứng tỏ tiếng Nghệ quê ta vẫn còn nhiều điều thú vị mà chúng ta - những người con xứ Nghệ vẫn chưa tìm hiểu hết.

 


 

Tác giả: SƯU TẦM

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây