Những chàng trai làm thơ tiếng Nghệ gây sốt cộng đồng mạng
Thế Mạnh (xã Thanh Mỹ, Thanh Chương) và Phan Quang Phóng (xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên) là hai cái tên nổi tiếng trên cộng đồng mạng nhờ những bài thơ tiếng Nghệ ngọt ngào. Mỗi tác giả trẻ này đều sáng tác hơn 100 bài thơ, riêng Thế Mạnh đã xuất bản hai tập thơ viết bằng tiếng Nghệ cho riêng mình.
Phan Quang Phong: làm thơ vì yêu ngôn ngữ Nghệ
Đọc thơ Phan Quang Phóng, người Nghệ nói chung luôn cảm thấy sự gần gũi mà anh gửi gắm qua chất thơ giản dị, gần gũi nhưng đầy triết lý.
Chia sẻ trên báo Nghệ An, Phan Quang Phóng cho biết anh bắt đầu sáng tác thơ từ năm cấp 2. Hồi ấy, gia đình Phóng quá nghèo, 4 người ở trong một ngôi nhà thưng phên dột nát. Hằng ngày, Phóng cùng anh trai phải ra đồng bắt cua, trồng rau, đào đất thuê, đào sỏi bán… để phụ giúp bố mẹ. Thương bố vất vả đạp xích lô, thương mẹ thức đêm dậy sớm để nấu rượu bán nuôi 2 anh em ăn học, anh chỉ có thể gửi gắm tâm sự vào những vần thơ giản dị. Như trong bài thơ Mất mùa anh viết
Bựa qua mới mần về nghe mệ gọi
Nói nằm ni khắp đội bị mất mùa
Cả làng xạ nhà ai ai cụng rứa
Ló lổ mà gặp trúng nhựng ngày mưa.
Hồi mọi ngay mấy cha con cày cấy
Chỉ có lân với đạm phị đì mua
Chơ thời dừ cấy chì chi cụng máy
Tính đi rồi, tính lại nỏ ằn thua.
Mệ nói tội cho mấy nhà trong xóm
Bám rọng nương nuôi con cái học hành
Ló mới khô, hàng xáo vô bán sạch
Chơ mần chi có một nạm để dành.
Nhà ta dừ thì lưa dăm sào rọng
Mệ nuôi thêm con lợn với bầy ga
Chăm trong vườn kiếm nạm rau, nạm cỏ
Rồi bán đi có đồng bạc vô, ra.
….
(Mất mùa - Phan Quang Phóng)
Học xong cấp 3, Phan Quang Phóng tham gia nhập ngũ tại Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân, Lữ đoàn 283 (Nghi Phú, Vinh). Những bài thơ “con cóc” xuôi theo dòng tâm trạng được người lính lưu cẩn thận vào những cuốn nhật ký.
Năm 2007, anh ra quân, vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, anh đã từ bỏ ước mơ vào đại học, sang Hàn Quốc lao động. Hiện anh đang là công nhân tàu thủy chuyên vận chuyển hàng trong nước.
8 năm xa quê hương, tất cả tình yêu, nỗi nhớ, những thứ anh thấy và trải nghiệm nơi quê nhà, đều được Phan Quang Phóng gửi gắm hết vào những vần thơ.
Thơ tiếng Nghệ của Phan Quang Phóng thường không chú trọng trau chuốt ngôn từ mà thiên về cảm xúc giản dị và muốn định hướng tình cảm con người về quê nhà.
Phan Quang Phóng tâm sự rằng: “Tôi muốn đóng vai hết tất cả những nhân vật xung quanh mình để nói lên tâm sự, mong muốn và nỗi lòng của họ. Muốn làm được như vậy, đòi hỏi tôi phải ôn lại rất nhiều kỉ niệm về tuổi thơ, hàng xóm, cô dì, chú bác. Chủ yếu hướng về những giá trị tốt đep”.
Mô rồi bụi hóp, bụi tre
Bóng râm cho nhựng trưa hè "lửa nung"
Mô rồi mấy đứa góp chung
Ổi xanh, cơm nguội, ngồ đùng, mệ con.
Mô rồi mấy trấy bưởi non
Gươi vôi, gôn dép, đá mòn lại thay
Mô rồi đánh thẻ, chuyền tay
Quần toàn đất bột ngồi chuầy khắp nơi.
Mô rồi tắm bốt, tập bơi
Cợi tru lướt sóng, nón cời chạc giang
Mô rồi lộ nghẹ dọc, ngang
Búng tai, chặt mũi lại sang đánh quỳ.
Mô rồi tay dính đen sì
Ô chùa, cù quặm, bắn bi, thổi vòng
Mô rồi rặt rặt nhốt lồng
Trửa trưa rủ chắc ra đồng bắt sâu.
(Mô rồi tuổi thơ xứ Nghệ - Phan Quang Phóng)
Thế Mạnh: hai tập thơ tiếng Nghệ ra đời
Thế Mạnh gây sốt trên cộng đồng mạng với khả năng làm thơ tiếng Nghệ rất ngọt ngào. Dường như chuyện gì anh cũng có thể làm thơ được, từ kỷ niệm tuổi thơ đến chuyện đời, chuyện người, chuyện hàng xóm, chuyện đá bóng… Sau những thành công bước đầu, đến nay Thế Mạnh đã có trong tay 2 tập thơ viết bằng tiếng Nghệ.
Gần đây, cộng đồng mạng đã biết đến "nhà thơ tiếng Nghệ" Thế Mạnh (SN 1992) quê ở xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương qua những bài thơ giọng Nghệ đặc sắc do anh sáng tác và đăng trên mạng xã hội. Đó là những bài thơ nói về quê hương, cha mẹ, tuổi thơ… với giọng điệu mộc mạc, chân chất, nhưng thắm đượm nghĩa tình.
Khi trưa tau đạ nhủ rồi
Ở nhà mà nhởi đừng đòi đi theo
Dừ ra ngồi đó mà kêu
Đừng để tau phải nói nhiều nựa nha
Nhủ mi ở nhà rệt ga
Để khỏi hấn ẻ hấn tha cả thềm
Mần cha mi hay dậm bèm
Tau nói mi cứ nỏ sèm nghe tau
Mi ngồi mi hôốc chờ lâu
Kêu mằn hăn cắm nghe đau muốn về
Nhủ mi về trước nỏ nghe
Cự đòi tau chở ngồi xe đến nhà
(Tau đạ nhủ rồi - Thế Mạnh)
Thế Mạnh hy vọng những bài thơ tiếng Nghệ của anh sẽ giúp mọi người cùng nhau ôn lại kỷ niệm quê hương, góp phần bảo tồn và giữ gìn tiếng Nghệ.
Thế Mạnh chia sẻ: “Em yêu tiếng quê, yêu thơ nên lâu nay đã làm rất nhiều bài thơ bằng tiếng Nghệ đăng trên mạng, được cộng đồng mạng đón nhận nhiệt tình. Để lưu giữ những vần thơ này, em đã chọn lọc và xuất bản thành tập thơ đậm chất Nghệ. Em khá hồi hộp khi tập thơ ra đời và rất vui khi được bạn đọc đón nhận một cách hào hứng".
Được biết, tốt nghiệp THCS, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Thế Mạnh (SN 1992) quyết định không học lên THPT mà chọn con đường học nghề, đi làm việc ở miền Nam, xuất khẩu lao động sang Nga… Trong quá trình mưu sinh nơi xứ người, từ nỗi nhớ quê hương da diết, Mạnh đã làm thơ tiếng Nghệ để thể hiện tình cảm, tiếng lòng của bản thân với gia đình, với quê hương.
Bay đừng cò dở cấy giọng nớ ra
Đừng có nghị ông bà choa ra rứa
Dù nông dân có túng nghèo đi nựa
Cụng nỏ đi xin của vợ chồng bay
Vì thương con choa phải chạy đi vay
Để cho bay mua máy cày đập rọng
Dừ thuận đàng đi xuất khẩu lao động
Ông bà choa đang phải cọng nợ lời
Sang bên tê bay có tí bạc rồi
Gọi về quê toàn nói lời khó nót
Bay khinh choa suốt quanh năm trồng trọt
Mần cả đời nỏ nổi một cơ ngơi
Con vợ mi chê choa rách mồng tơi
Tính chanh chua hay học đòi ni khác
Đi nhởi suốt nhủ mần công thì nhác
Có nhiều khi hấn còn nạt cả choa
(Bay đừng mần rứa - Thế Mạnh)
Còn rất nhiều tên tuổi khác có những bài thơ tiếng Nghệ thật hay. Nghệ ngữ sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn trên website này trong thời gian tới. Mong bạn đọc cùng chia sẻ để góp phần gìn giữ, lan tỏa tiếng Nghệ quê ta.
Tổng hợp bởi Nghengu.vn
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Gáng hay ráng? Gáng lên hay ráng lên? Ráng sức hay gáng sức?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Tỉ mỉ hay tỷ mỷ đúng? Nên viết i ngắn hay y dài hay hơn?
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Top 5+ địa chỉ thuê xe máy ở Hà Tĩnh tốt và có giá rẻ nhất
-
Lý thuyết hay lí thuyết? Lý luận hay lí luận viết đúng?