Từ điển ca dao tục ngữ Nghệ Tĩnh (vần R, S)

Thứ năm - 13/05/2021 23:00
Trong bài viết hôm nay Nghệ ngữ xin giới thiệu đến bạn đọc những câu ca dao tục ngữ tiếng Nghệ vần R, S. Mời bạn đọc đón xem và cảm nhận nhé.
lop nha min
Lợp nhà tranh.

Từ điển tiếng Nghệ vần R


1. Ra đàng hỏi kẻ tra, về nhà hỏi con nít

Người già sống lâu, nhiều kinh nghiệm. Ra đường hỏi người già là rõ nhất vì họ biết nhiều nhất. Còn muốn biết chuyện trong gia đình thì hỏi trẻ em là rõ nhất vì trẻ em thật thà, có gì nói nấy, thậm chí hay khoe, chưa có ý thức bảo vệ bí mật.

 2. Ra đi gặp tắn thì may. Ra về gặp tắn nằm ngay chịu đòn

Quan niệm mê tín: đi làm việc gì đó nếu gặp rắn thì rất may mắn, còn trên đường về gặp rắn lại không may, là điềm xấu.

 3. Ra đi mẹ đạ dặn rồi. Không làm thì đứng đừng ngồi khó coi

Làm ăn chung nếu lười biếng thì không thể  chấp nhận. Nếu có mệt chỉ nên đứng nghỉ một lát thì ít người để ý, ngồi xuống trông nhếch nhác và dễ bị phát hiện, bị tẩy chay. Đây là một kinh nghiệm ứng xử trong sinh hoạt cộng đồng.

4. Rạch ồ ồ như cá rô mắc cạn

Nói to, làm việc gì cũng ồn ào, làm to chuyện lên.

5. Rau tập tàng thì ngon. Con tập tàng thì khôn.

Rau tập tàng: rau vặt, rau dại nhiều thứ góp lại; con tập tàng: con không có cha, không rõ cha là ai, con do mẹ quan hệ không đứng đắn mà có. Rau tập tàng nấu canh hoặc luộc, ăn sống đều ngon do lạ miệng, có nhiều hương vị. Con tập tàng phải chịu nhiều gian khổ tự lập sớm nên sớm khôn.

 6. Rằm tháng sáu, con cháu đi ăn sim

(Sim, cây thấp, mọc ở các đồi núi, hoa màu tím, quả nhiều hạt, chín ăn khá ngọt). Hằng năm cứ đến rằm tháng sáu âm lịch là lúc sim chín rộ người ta đua nhau lên núi hái về các chợ bán.

 7. Răng cào chìa

Răng to, hô, chìa ra rất xấu. Răng ông nớ như răng cào chìa.

 

8. Răng đen má đỏ


Người phụ nữ đẹp (theo quan niệm thời xưa).
mi nang min
Mì náng, ai còn nhớ?

 9. Rặt rặt ẻ cứt đận

Chỉ người tằn tiện, bủn xỉn đến quá mức.

 10. Rậm lông mày dày lông l...

Kinh nghiệm xem tướng, xem mặt đoán bên trong chỗ kín.

11. Rầy thì bắt bỏ bù

(Rầy: ngượng ngùng, e ngại; rầy còn là cách gọi khác một số loài bọ như bọ vừng, bọ muổng mà dân địa phương thường bắt bỏ vào bầu đem về rang ăn). Đây là hình thức chơi chữ ngụ ý nói: không việc gì sai trái để phải e ngại, ngượng ngùng cả.

12. Rẻ như ổi

Rất rẻ, không đáng giá.

13. Rẻ như toóc lụt

Rất rẻ vì hầu như không còn giá trị (trong một thời điểm nào đó, ví như toóc mùa lụt).

 14. Rèo như rèo bò

Trông nom, dạy dỗ con cái em út, kẻ dưới nói chung một cách khó nhọc vì nghịch ngợm hoặc chậm hiểu. Thằng nớ mần tội bọ hắn rèo như rèo bò.

 15. Rèo tru đực không bằng chực bựa ăn

(Rèo tru đực: chăn trâu đực. Chăn trâu cái mau đẻ lãi nhanh chăn trâu đực thì vừa lâu lãi vừa hay quẩng mỡ). Nỗi bực bội vì phải chờ ăn, chờ cho đủ người, đủ mâm, thời gian chờ đợi như lâu hơn nhiều so với thời gian thực tế.

 

 16. Riệu Đức Thanh, chanh Chợ Thượng


Đức Thanh thuộc huyện Đức Thọ là nơi có rượu ngon nổi tiếng, chợ Thượng cũng thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh là nơi có chanh ngon, nhiều.

17. Ròi bu kiến độ

Thức ăn để ruồi nhặng đậu, kiến bò vào, rất mất vệ sinh.

 18. Ròi bu kiến cắm

Trẻ em không có người chăm, thả bò lê la rất tội nghiệp. Tội nghiệp, hắn thả cho ròi bu kiên cắm từ khi sáng tận giừ.

 19. Rọng cạn, má úa

Tính chất thời vụ cấp bách, đòi hỏi khẩn trương, chậm trễ là hỏng việc. Rót mật thử ròi (ruồi) Làm những việc vô ích, hoài công.

20. Rọt như rọt cá cóc

Bụng rất to so với cơ thể. Ăn nhiều quá hay răng mà thằng mô thằng nấy rọt như rọt cá cóc cả.

 21. Rọt tựa ống pheo

Thân hình quá ốm yếu, ruột giống như ruột tre.

22. Rổ trẹt lận nẩy tròn

Rổ trẹt: rổ có thành thấp, thường dùng để bán cá, trông qua tưởng nhiều nhưng kì thực rất  ít, lại nẩy tròn lên lúc đong nữa thì càng chứa ít cá, có lợi cho người bán.

23. Rộc Mĩ Tú lắm cá. Lèn Trung Phường lắm đá. Đất chợ Bộng lắm nồi. Đất Văn Tập lắm vôi.

Đây là những địa danh ở hai huyện Yên ThànhDiễn Châu, Nghệ An nổi tiếng về các sản phẩm: cá, đá nồi, vôi.
cau cay min
Được mùa cau đau mùa ló.

 24. Rù rờ như cờ không gió


Chậm chạp thiếu sinh khí, thiếu mạnh mẽ, quyết đoán. Đàn ông con trai chi mà rù rờ như cờ không gió rứa.

25. Rú Bờng, rú Mả, rú Bin. Ba rú họp lại bằng một chin rú Hồng

Rú Hồng lớn gấp nhiều lần những ngọn rú khác

 26. Rú Đọ đội mụ. Rú Vọng ấp mái thì trời mưa

Rú Đọ tức núi Bàn Độ, rú Vọng là núi Cao Vọng là những ngọn núi ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Nhân dân địa phương có thói quen đoán thời tiết dựa vào quan sát núi. Núi Bàn Độ mây bá đỉnh, hoặc núi Cao Vọng mây phủ mái thì thế nào cũng có mưa.

 27. Rú Lần đội mạo thì trời sắp mưa

Rú Lần tức núi Lạn Sơn, một trong những ngọn núi của Hồng Lĩnh. Kinh nghiệm xem thời tiết của nhân dân vùng vùng Nghi Xuân: khi thấy mây phủ đỉnh rú Lần biết là trời sắp mưa.

28. Rú Hôống đeo đai, rú Cài đội mạo

Rú Hôống rức núi Hồng Lĩnh, rú Cài một ngọn núi ở làng Kiệt Thạch, Thanh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Đây là kinh nghiệm xem thời tiết của người dân vùng này: thấy núi Hồng Lĩnh có mây vắt lưng chừng như đeo đai, núi Cài có mây bá trên đỉnh là biết trời sắp mưa.

 29. Rúm ró như chó khiếp pháo

Sợ quá mức, sợ đến rúm ró cả thân thể.

30. Rửa đọ thì chớ chồng cao.

Kinh nghiệm dân gian khi rửa bát đ a. Chồng cao dễ đổ vỡ

31. Ruộng cao trồng mầu, ruộng sâu cấy chiêm

Kinh nghiệm trong sử dụng đất canh tác có hiệu quả tránh những thiệt hại do thời tiết gây ra: ruộng cao không có nước không nên cấy lúa mà chỉ trồng màu, ruộng sâu không nên cấy vụ mùa vì mùa mưa nước ngập.

 

32. Ruộng không phân như thân không của

Kinh nghiệm trồng lúa: phân rất quan trọng cho quá trình sinh trưởng của cấy lúa, thiếu phân lúa sẽ kém phát triển ví như người không có của, thiếu ăn, gầy yếu.
 

TU DIEN TIENG NGHE min
Xe đạp ni ai còn?

 

 Từ điển ca dao tục ngữ tiếng Nghệ Tĩnh vần S


1. Sào sậy bè lim

Công việc quá sức, quá khả năng, khó đạt hiệu quả.

2. Sáo nhảy quá đăng

Làm những việc vượt quá quyền hạn, chức phận cho phép. Chưa hỏi ý kiến lãnh đạo mà các đồng chí đã tự ý làm, rõ ràng là sáo nhảy quá đăng, không thể chấp nhận được.

 3. Sấm tháng mười cày cươi mà cấy

Kinh nghiệm trồng trọt: tháng mười có sấm thì nhất định vụ chiêm sau đó sẽ  được mùa, nên tận dụng đất để cấy lúa.

 4. Sập vàng trải chiếu hoa

Cuộc sống phong lưu, sung túc

5. Sầu tương tư hư nhan sắc

Sầu muộn vì tình thường dễ làm nhan sắc tàn phai. Không lấy đứa ni thì lấy đứa khác việc chi mà phải buồn khổ lắm rứa, sầu tương tư hư nhan sắc đó con ạ.

6. Sấm ra tháng chín. Cấy trên đống nhấm cụng được ăn

Kinh nghiệm trồng trọt: Sấm tháng chín sẽ được mùa.

 7. Sây du đại hạn, sây nhạn được mùa

Kinh nghiệm dân gian: dâu sai quả thì đại hạn, nhãn sai quả thì được mùa.

 8. Sây sim đại hạn, sây nhạn được mùa, sây cua thì lụt

Kinh nghiệm dân gian: sim sai quả thì đại hạn, nhãn sai quả thì được mùa, cua nhiều thì lụt.

 

mon nghe min
Cá mát kho nghệ.

 

 9. Sèm nhệ dại


Chỉ cảm giác thèm muốn cao độ, trước cái gì đó hấp dẫn, đặc biệt là trước thức ăn ngon. Bọn nớ ăn cá ngon quá, tau sèm nhệ dại.

 10. Siêng chẻ chạc, nhác lợp nhà

Ngày trước ở nhà tranh, nhà lá cứ vài ba năm lại phải lợp lại. Trong công việc lợp nhà lạt là thứ trọng yếu liên quan đến công việc của tất cả mọi người, đòi hỏi phải làm nhanh không thể chậm trễ. Nếu chậm, thiếu lạt, người ngồi trên mái gọi vang lên. Mọi thiếu sót, chậm trễ dễ đổ dồn cho người chẻ lạt cho nên người siêng năng, nhanh nhẹn mới nhận việc này. Còn lợp nhà nếu có chậm một tý là có người bên cạnh buộc với sang vài nuộc cũng không sao.

 11. Siêng đi chạc, nhác đi nu

Tương tự câu siêng chẻ chạc, nhác lợp nhà

 12. Siêng gánh nác nhác đi ẻ

Ngày xưa cả làng dung chung một cái giếng, gánh nước là việc thường xuyên, hàng ngày. Nước là nhu cầu cần kíp để nấu nướng, người siêng năng mới dám nhận công việc này vì chỉ cần chậm trễ là không kịp nấu cơm, ảnh hưởng đến bữa ăn của cả gia đình, người lớn dễ nhận thấy. Lười biếng thì tìm cách trốn tránh công việc bằng mọi lí do mà lí do không ai có thể trì hoãn là đại tiện.

 13. Siêng làng Trác, nhác làng Sau. Lắm cau làng Nồi, bạ ngồi Đồng Cạn. Lắm hạn làng Chùa, lắm vua Đồng Địch.

Các làng trên đều thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân. Mỗi làng có một đặc điểm riêng.

14. Sim, nang, sang, sú

Đây là những thứ quả của rừng có nhiều về mùa hè ở vùng rừng núi Nghệ Tĩnh, người dân hay lên rừng lấy về bán.

 15. Sinh mắt cho rách trán

Mắt có cũng như không; không chịu quan sát, nhìn ngó chung quanh, không biết cách tìm kiếm. Người ta đua nhau làm ầm ầm rứa mà mi không biết rứa thì sinh mắt mần chi cho rách trán đi .

16. Sổ cầu Bùng lấy thùng đựng nác

Kinh nghiệm xem thời tiết của dân địa phương: Sổ xuất hiện phía cáu Bùng là dấu hiệu báo trời sẽ mưa. (Cầu Bùng ở Diễn Châu, Nghệ An) .

 17. Sổ quàng Lạch cái đách cụng khô

Dấu hiệu trời nắng hạn.

 18. Sổ quàng Rông, hướng Đông thì bạo

Kinh nghiệm coi thời tiết.

 

mit cam min
Gơ cha là trời!

 

19. Số chó đòi


Chó vốn là loại động vật có bản năng săn mồi vào cỡ siêu hạng trong thế giới động vật. Chó sói cũng như chó nhà nếu nó đã bám đuổi được con mồi thì nó đuổi bắt kì được. Người được ví mắc phải số chó đòi là người liên tục gặp vận rủi, vận đen, cuộc đời long đong lận đận luôn gặp phải chuyện không may. Hắn làm cái gì cũng không nên chuyện, số hắn đúng là số chó đòi.

 20. Số không giàu làm đau xương hoóc

Không có số đậu của thì đừng cố làm giàu vì như thế cũng vô ích, thậm chí có khi còn hại mình.

21. Số ma trơi

Ma trơi tức là lân tinh bị cháy ban đêm khi thay đổi thời tiết ở các khu nghĩa địa. Đặc điểm của ngọn lửa  lân tinh là bập bùng lúc tắt lúc đỏ lúc nhỏ lúc to, khi bay cao, khi sà xuống thấp. Những người số phận phập phù, long đong hay tự ví mình như vậy. Mình gặp cái số ma trơi, không làm chi nên ăn được.

 22. Sông su nác nậy

Cảnh sông nước hiểm nguy, gian nan, vất vả.

23. Sởi lởi trời gởi của cho. Quăn co trời gò của lại

Người vui tính, cởi mở, dễ dãí với mọi người thì làm ăn dễ dàng, có của; người khó tính, cau có, dáng điệu tất bật vất vả thì khó làm ăn không có của.

 24. Sợ đọi cơm đáy, không sợ thầy to tiếng

Sợ đọi cơm đầy là sợ miếng ăn không sợ thầy to tiếng tức là không sợ uy quyền. Đây là một đạo lý trong thực tiễn cuộc sống ngày xưa của người nông đân. Đối với họ cái đói và miếng ăn là đáng sợ nhất. Đừng có to mồm mà dọa, choa đây chỉ sợ đọi cơm đầy, không sợ thầy lo tiếng.

 25. Su ao lắm cá, độc dạ khốn thân

Người có tâm địa hiểm độc, hại người sẽ bị trừng trị.

 

 26. Su ót lẹm cằm ham ăn như chó


Có quan niệm cho rằng người có gáy sâu và cằm chẻ (lẹm cằm) thì rất tham ăn.

 27. Sủa như chó sủa ma

Một cách nói điêu khi giận dỗi về hiện tượng bệnh ho nhiều, ho suốt đêm do không kiêng khem, gìn giữ

 28. Sưa răng nói hớt, trớt mui nói thừa

Quan niệm dân gian cho rằng những người thưa răng, môi trớt thường hay nói khoác loác, nói sai hoặc nói quá sự thật. Mi là thằng sưa răng nói hớt, trớt mui nói thừa .

 29. Sừng bánh chưng, lưng tôm càng

Trâu có đặc điểm trên là trâu xấu

 30. Sừng cánh ná, dạ hình vôi mắt ốc nhồi

Kinh nghiệm chọn trâu: trâu có những đặc điểm trên là trâu tốt.

 31. Sưa răng nói dối, trối răng nói thừa

Kinh nghiệm xem tướng: Người răng thưa và răng trối đều ăn nói không thật thà.


Xem thêm: Từ điển ca dao tục ngữ tiếng Nghệ Tĩnh
 

Tác giả: SƯU TẦM

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây