Từ điển ca dao tục ngữ Nghệ Tĩnh (vần C)
1. Cà cưỡng nuôi con ọ hếu
2. Cả đời thì ăn của chồng. Mới được một đồng đòi đi ăn riêng
Chỉ loại người thiển cận cạn nghĩ, không biết thân phận, khi túng thiếu thì dựa dẫm người khác, lúc có đồng ra đồng vào thì trở mặt với nhau, vong ân bội nghĩa.
3. Cả ngày ham nhởi ham chơi. Khi tắt mặt trời đổ ló ra quây
Mảng chơi, phơi lúa khi nắng đã tắt. Ham mê chơi bời quên công việc, thực hiện công việc khi không còn có ý nghĩa, tác dụng nữa.
4. Cả rặp cả đẻ
Làm một việc gì đó không có sự chuẩn bị hoặc đổ dồn một lúc nhiều việc nên rất bối rối, mệt nhọc vì thiếu nhiều thứ cần thiết. Lần sau mần (làm) là phải chuẩn bị trước ít nhít (nhất) vài ba ngày, cả rặp cả đẻ ri (thế này) thì nhọc lắm.
5. Cá Bàu Nậy, chè khe Yên
Bàu Nậy là một cánh đồng trũng sâu lắm cá; khe Yên là một khe nhỏ trên núi Hồng Lĩnh, hai bên bờ khe trồng nhiều chè. Cả hai địa danh này đều thuộc xã Hồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.
6. Cá chạch đất sỏi
Đất sỏi thì không thể có cá chạch. Chỉ thứ quý hiếm, rất khó tìm. Chỉ lưa (còn) cá chạch đất sỏi là tau (tao) chưa được ăn nữa mà thôi.
7. Cá cựa Nhượng, khoai Mục Bài
Cựa Nhượng: cửa biển thuộc xã Cẩm nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh còn gọi là Nhượng Bạn. Cẩm Nhượng là nơi lắm cá, có nhiều loại cá ngon; Mục Bài (thuộc Thạch Hà - Hà Tĩnh là nơi có nhiều khoai ngon.
8. Cá đơm đó ló đi cày
Thú vui do cuộc sống tự cung tự cấp đưa lại. An nhiên tự tại không lệ thuộc vào ai. ăn đi chú, cá đơm đó ló đi cày là sướng nhất thiên hạ nhé.
9. Cá lẹp kẹp rau mưng
Cá lẹp: một loại cá biển nhỏ, thịt bùi; rau mưng: đọt lá non cây lộc vừng dùng làm gia vị. Kinh nghiệm ẩm thực dân gian cho rằng cá lẹp kẹp với rau mưng ăn rất ngon.
10. Cá lui về sông Vịnh, chim ngược ngàn kiếm đôi
Sông Vịnh: sông đào chảy qua thành phố Vinh, đổ ra sông Lam. Trở về đúng cội nguồn, môi trường sống của mình.
11. Cá nhảy thác, cỏ lác đầy khe
Gặp thời cơ nhưng phải vượt qua nhiều gian nan, thử thách.
12. Cá nhỏ đó thưa
Gặp quá nhiều khó khăn nên khó mà đạt được mục đích.
13. Cá rô bàu Nón, nước tương Nam Đàn
Hai sản phẩm nổi tiếng của Nam Đàn.
Xem thêm: Tương Nam Đàn được làm như thế nào?
14. Cá rô cụng tiếc, cá diếc cũng muốn
Con người hay tham lam, cái chi cũng muốn có.
15. Cá rô mốc mốc, gạo lốc phơi chen
Cá rô mốc mốc: cá rô già, bạc đầu, rất béo; gạo lốc là loại gạo trắng, thơm ngon; phơi chen là phơi khó khén, hạt gạo đều. Bữa ăn mà có cá rô mốc và cơm gạo lốc phơi chen thì như ăn đặc sản.
16. Cá rô tháng năm như dằm gỗ lim. Cá rô tháng năm thì bằm cho chó
Mùa tháng năm thường khô hạn, ngắn ngày, cá rô không có thức ăn nên gầy, xương xẩu cứng như dằm gỗ lim.
17. Cá sông Giăng, măng chợ Cồn
Sông Giăng và chợ Cồn đều thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ An. Cá sông Giăng và măng chợ Cồn ngon có tiếng.
18. Cải mới trổ bông non, gà vừa thì nhảy ổ
Niềm vui được mùa của người nông dân.
19. Cái số mần khổ cái thân
Số mệnh xấu nên thân phải chịu nhiều đày đọa. Câu này bộc lộ sự oán trách số phận.
20. Cam tròn, thị vẹo, khế cù queo
Kinh nghiệm chọn các loại quả cam có dáng tròn đều thì chất lượng tốt, còn thị và khế hình dáng cong vẹo lại ngon ngọt hơn những quả có hình dáng bình thường.
21. Cành sườn, sa vạng thẳng đôi đùi. Ướt mục, dài mui sớm biết hơi.
Kinh nghiệm chọn chó săn tốt.
22. Càng quen càng lèn cho đau
Trong mua bán, hai bên quen nhau thì thường nể nhau, thiếu cảnh giác, nếu có một bên không tốt thì bên kia thường hay bị thiệt. Vì thế ở đời cần phải tỉnh táo sòng phẳng, nhất là trong quan hệ vật chất.
23. Cenh tập tàng, cơm rang, cá náng
Tập tàng: hổ lốn, hỗn độn; canh tập tàng là loại canh hỗn hợp nhiều loại rau dại khác nhau. Một kinh nghiệm của dân gian về ẩm thực: canh rau vặt thì ngon vì lạ miệng, cơm rang và cá nướng ăn thơm bùi rất ngon. Nói chung là những thức ăn dân dã, đơn giản mà lại ngon.
24. Cao bóng dù, su địa ngục
Quyền thế càng lớn thì tội lỗi càng nhiều, theo luật quả báo sẽ bị trừng phạt nặng. Càng làm to thì càng khốn, cao bóng dù su địa
25. Cau Lường, trù Hiếu
Hiếu: là địa danh ở Thái Hoà, Nghĩa Đàn; Lường là một địa danh ở Đô Lương. Đây là hai địa danh thuộc tỉnh Nghệ An, nổi tiếng về trầu cau.
26. Cau non loong hạt, cau tra lợ lứa
Ở đời việc gì thái quá hoặc bất cập đều không tốt.
27. Cày lặp lắm ló, nói lặp khó nghe
Đây là kinh nghiệm trong giao tiếp: không nên nói nhiều vì như thế dễ làm cho người nghe mất cảm tình mà dẫn đến hỏng việc.
28. Cắm rắm như địt trong mấn
Chỉ người hay cằn nhằn làm người khác khó chịu. Con mụ nợ (ấy) suốt ngày cắm rắm như địt trong mấn.
29. Cắm rắm như kẻ Trằm mất khế
(Kẻ Trằm ở Diễn Châu). Dân kẻ Trằm được người quanh vùng gán cho thuộc tính hay cằn nhằn, ca cẩm. Dân gian còn có câu: "Loàm ngoàm như kẻ Trằm mất tru" để chỉ thuộc tính này.
30. Cẳng như que xoi điếu
Chân khẳng khiu gầy guộc. Cong như que xoi điếu thì đâm đá chi.
31. Cẳng xéo khoai
Xéo khoai: động tác dung đôi đũa cả quết khoai khô đã đồ chín với đậu hoặc lạc. Vì loại thức ăn này vốn đã dẻo, càng quết lại càng dẻo, nên khi quết đũa cứ dính chặt vào nhau. Biểu hiện sự rã rời mỏi mệt quá mức hoặc do mệt mỏi, đói hoặc say rượu.
Xem thêm: Món khoai xéo quê tui
32. Cậu bụng trự không bằng mự bụng lòng
Phê phán những kẻ coi trọng cuộc sống vật chất hơn cuộc sống tinh thần Học chi cho lắm, cậu bụng trự không bằng mự bụng lòng.
33. Cơn mây nở hoa trời hết sấm, cơn nấm nở hoa trời ra oai sét
Kinh nghiệm dự báo thời tiết dựa vào dấu hiệu biến đổi của cây mây và cây nấm trong quá trình sinh trưởng
34. Cơn trên rừng chẻ ngược, cơn vườn tược chẻ xuôi
Kinh nghiệm chẻ tre (hoặc một số loại gỗ có thớ dọc có thể chẻ như tre): tre vườn chẻ từ gốc lên ngọn (xuôi) thì mới đều, ngược lại tre rừng thì phải chẻ từ ngọn xuống.
35. Cấy dày đầy ló
Kinh nghiệm canh tác của người nông dân, cấy dày tiết kiệm được đất cho năng suất cao. Cấy dày đầy ló, cấy sưa (thưa) bỏ mùa.
36. Cấy sưa thừa thóc, cấy dày cóc ăn
Kinh nghiệm gieo trồng lúa thời xưa. Khi chưa có khoa học kỹ thuật, phải cấy thưa lúa mới phát triển, bông sai, hạt mẩy. Ngược lại, cấy dày năng suất thấp. Cha ông nói cấm có sai: cấy sưa thừa thóc, cấy dày cóc ăn.
37. Cấy sưa thừa đất, cấy dày lúa chất đầy kho
Kinh nghiệm gieo trồng lúa thời nay. Khi đã có phương tiện và vật tư nông nghiệp hiện đại như thuốc sâu, thuốc trừ cỏ, phân bón tốt thì cấy dày có năng suất cao hơn ngày xưa cấy thưa nhiều. Bây giờ cấy sưa thừa đất, cấy dày lúa chất đầy kho.
38. Cha bằng dái con bằng khái
Sự khác nhau về tính tình bản lĩnh, năng lực của cha và con: con mạnh mẽ, tài ba; cha ươn hèn, kém cỏi. Thí dụ: Nhà nớ (ấy) rứa (thế) mà có phúc, cha bằng dái, con bằng khái.
39. Cha bòn con bỏ
Người làm kẻ phá, rất uổng. Hắn nỏ biết nghị (nghĩ) cha mẹ thì vất vả mới kiêm được đồng tiền mà hắn đem nướng cả vô sòng bạc. Đúng là cha bòn con bỏ.
40. Cha chết bấm chin chú. Mẹ chết bú vụ dì
Gặp lúc hoạn nạn thì chỉ có thể nương tựa vào người thân thuộc, ruột rà.
41. Cha ướt đái, mẹ đặc nồi
Chỉ đặc điểm của người làm nghề đánh bắt thủy hải sản. Cha phải lặn lội ướt quần, ướt áo mới có tôm cá đầy nổi của mẹ.
42. Chạc mụi tìm tru. Tru nỏ tìm chạc mụi
Thường chỉ quan hệ nam nữ, con trai tìm con gái chứ con gái không đi tìm con trai. Đừng chờ cô ả mạnh dạn thế chứ đời mô có chuyện chắc mui đi tìm tru.
43. Chắc ngắn giếng su
Năng lực quá hạn chế so với yêu cầu công việc, không thể đạt kết quả.
44. Cháo nóng húp queng, tiền dèng trả nợ
Chi chút làm ăn, ki cóp dành dụm tiền nong mới có thể giải quyết được những khó khăn lớn trong đời.
45. Chạy như chó dái
Chó dái: chó đực đã đến thời kỳ dậy. thì, phát dục mạnh chạy đi tìm chó cái suốt ngày. Chạy lung tung, chạy rông khắp chốn. Mi (mày) mần chi làm gì) mà chạy suốt ngày như chó dái rứa (thế).
46. Chạy trấp chạy ngả
Chạy vội vàng, loáng quáng để xoay xở một việc gì đó. Hơn tháng ni, hắn chạy trấp chạy ngả mà không lo được việc làm cho con.
47. Chát như lá lấu
Cây lấu mọc trên núi, lá có vị rất chát. Hàm chỉ nước chè hãm quá chát. Nhà hắn chuyên uống cái thứ nác (nước) chát như lá lấu.
Xem thêm: Râm ran chè chát
48. Chăm làm là đống vàng mười. Ai chăm gánh nặng, ai lười trắng tay
Khuyên mọi người phải cố gắng, chịu khó trong cuộc sống lao động.
49. Chạng làng chẻo chẹt nỏ mần chi ai. Cu cu rúc rích nuôi trai trong nhà
(Chạng làng: còn gọi là chim làng, bách thanh điểu, loại chim hay kêu, hót hay đặc biệt giỏi nhại tiếng các con vật khác. Sở dĩ gọi là chim chẳng làng là vì mỗi khi những con chim khác đến phạm vào khu vực nó thường đậu hoặc làm tổ thì nó vừa đánh trả vừa kêu inh ỏi, như chửi cả làng). Kẻ bên ngoài trông bộ hung tợn, to tiếng lớn giọng, khoác lác phách lối nhưng thực chất lại chẳng nên cơm cháo gì, người bên ngoài có vẻ ít nói lại đầy mưu mô, toan tính, làm những việc tày đình.
50. Chẳng thà mắc vọng ru con. Tội chi mà cấy mạ non tháng mười
Kinh nghiệm thời vụ, lúa vụ mùa mà cấy mạ non tháng thì lúa không phát triển được và sẽ mất mùa.
51. Chặt tre chú ý gai, có tai lắng nghe người
Phải cẩn trọng trong mọi trường hợp thì mới tránh được những nguy hiểm luôn rình rập; phải biết tìm hiểu dư luận trước khi hành động thì mới mong tránh được hậu quả xấu.
52. Chấm trán lọ đuôi khung nuôi cụng nậy
Đây là giống lợn khoang, có điểm trắng ở trán và đuôi nuôi nhanh lớn.
53. Chin thì trái quýt cắt hai. Lộ miệng ống ná, lộ tai vạt đầu
Chọn chó săn tốt: bàn chân khum như quả quýt cắt đôi miệng đài nhỏ, vành tai như dùng dao vạt một nhát.
54. Chè chợ Lù, cá mu chợ Huyện
Chợ Lù thuộc xã Hồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh là nơi bán chè xanh nổi tiếng ngon. Cá mu: (cá nục nhỏ) ở chợ Huyện (Bình Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh gần biển nên tươi ngon.
55. Chè rú Mả, cá đồng Sâu
Núi Mả là một trong những quả đồi trồng chè ở Hồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh). Theo kinh nghiệm của nhân dân địa phương thì chè ở đây ngon nhất; đồng Sâu (Tân Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh là cánh đồng trũng rất nhiều cá.
56. Chè trưa rượu sớm
Cuộc sống phong lưu, thong dong chỉ ngồi ăn hưởng mà chẳng phải lo lắng điều gì.
57. Chết ba tiếng trôống , sôống ba méng dồi chó
Chết không thể thiếu trống kèn cũng như sống không thể thiếu dồi chó. Ăn đi chú em, chết chẳng qua được ba tiếng trôống, sôống chẳng qua chỉ được ba méng dồi chó.
58. Chết c... đe trời
Khi chết, con người đều giống nhau ở tư thế nằm. Cuộc sống con người vô vị, dù ở cương vị nào, dù giàu sang đến đâu, rồi cũng kết thức tầm thường như nhau cả. Mần to mần nậy chi rồi chết c... cũng đe trời cả.
59. Chết cha ăn cơm với cá. Chết mẹ đứng nga ba đàng
Đề cao vai trò của người mẹ đối với con cái trong nhà
60. Chết thì chúc thực điểm trà. Sôống thì xin đọi nác cà nỏ cho
Thói đời giả dối, khi sống keo kiệt với nhau, khi chết lại nghi lễ, cầu cúng linh đình.
61. Chết tru còn thêm mẻ rìu
Khi làm thịt trâu, người ta phải dùng rìu để chặt xương. Tổn thất, thiệt thòi đủ đường: đã gặp tai họa lại còn phải tốn kém vì tiếp đãi láng giềng. Năm nay nhà tôi xui xẻo đủ đường, rõ là chết tru còn mẻ rìu.
62. Chi cụng hay, lưa tí hột cay cụng nghiện
Cái gì cũng thông thạo, sành sõi. Cha con ông thì chi cũng hay, lưa tí hột cay cũng nghiện.
63. Chim gà, cá lệch, cảnh cau
Ba thứ ngon nhất: chim ngon nhất là gà, cá ngon nhất là lệch, cảnh đẹp nhất là cau.
64. Chim khun ăn trấy bù lù. Người khun ở với người ngu bực mình
(Bù lù: một loại cỏ có quả chua). Trong ăn ở, chềnh lệch nhau về năng lực, trí tuệ khó sống với nhau.
65. Chim khun chưa bắt đạ bay. Người khun chưa nắm lấy tay đạ cười
Sự khôn khéo trong giao tiếp, ứng xử.
66. Chim rừng gà rú chớ nuôi. Bò hoe lọ trán, cộc đuôi thì đừng
Kinh nghiệm chăn nuôi: chim rừng, khó nuôi, hay bị bệnh; bò lõ trán, cộc đuôi hay bị cảm.
67. Chó ăn mồm
Câu chửi loại người khinh bạc, không thèm nói năng, chào hỏi ai. Cái thằng chó ăn mồm đó ai mà nhởi với nó.
68. Chó cắm áo rách
Đã nghèo lại gặp lúc eo.
69. Chó chạy trước mang
Hành động hấp tấp, thời cơ chưa đến đã nói hoặc làm dẫn đến hỏng việc. Chưa làm được mi (mày) đã huênh hoang, đúng tà chó chạy trước mang.
70. Chó dại tha kít về nhà
Do ngu dốt nên tự chuốc lấy phiền toái, làm khổ mình và người thân. Con với cái đồ chó dại tha kít về nhà.
71. Chó le lại. Ngài vại vưng
Vào lúc cuối xuân sang hạ, nắng bắt đầu gay gắt (nắng đến mức chó thè lưỡi mà thở) cũng là lúc đúng thời vụ gieo vừng. Cha ôông (ông) nói rồi: chó le lại, ngài vại vưng,cứ rứa (thế) mà mần (làm), đừng lo muộn.
72. Chó nằm chủi hoàn chó nằm chủi
Thân phận thấp hèn, dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể vươn lên để thay đổi địa vị xã hội. Hắn đi tứ phương rồi cũng cứ phải quay về đất ni (này), có ngóc trôốc (đầu) lên được mô (đâu), chó nằm chủi hoàn chó nằm chủi.
73. Chó ngáp táp phải ròi
Vô tình gặp may. Hành động một cách bản năng nhưng lại đạt được một kết quả nào đấy. Cái thằng chó ngáp táp phải ròi, méng (miếng) đất xin khôông (không) mà giừ (giờ) có mấy trăm triệu.
74. Chó tha lá béng
Chỉ tác phong lôi thôi, luộm thuộm. Dép guốc mô mà đi như chó tha lá béng rứa con?
75. Chó trụ nây
Kiên quyết làm bằng được một việc gì đó. Cái thằng thật kiên trì, trụ ở ngoài rọng
76. Chó búp tai ngài nạc mặt
Mặt nạc đóm dày, mo nang trôi trấp biết ngày nào khôn. Chó cụp tai thì đần, không tinh; người nạc mặt thì không khôn ngoan, linh lợi.
77. Chọc kít không lên hơi
Chỉ hạng người ươn hèn không làm nên tích sự gì. Cái hạng chọc kít không lên hơi như mi mà cũng đòi mần (làm) thôn trưởng!
78. Chọng chợ Gát, nát chợ Lối
Chọng (chõng tre) chợ Gát (xã Thạch Minh, Thạch Hà, Hà Tĩnh hình thức đẹp, chất lượng tốt; nát (gàu dai) chợ Lối (xã Quang Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh bền, dễ tát nước.
Xem thêm: Những cái tên quê tôi
79. Chộ ngài ta mần, mình xách mấn chạy
Cách ứng xử không phải lối do đố kỵ lẫn nhau.
80. Chối trơn mít như chó liếm kít lá tre
Thành ngữ này nhằm phê phán những kẻ lật lọng một cách trắng trợn trong nói năng, cư xử. Hắn nói rứa (thê) rồi mà giừ (bây giờ) đã chối trơn mít như chó liếm kít lá tre.
81. Chồn đèn bao lăm thịt, con nít bạo lăm hơi
Thái độ không thèm chấp những kẻ non nớt mà lên mặt tự cao tự đại. Tưởng dệ (dễ) dọa tau (tao), chồn đèn bao lăm thịt, con nít bao lăm hơi .
82. Chớ cho ai lận, chớ hề lận ai
Lận: lừa dối người khác để chiếm đoạt tài sản. Khuyên sống trung thực, ngay thẳng, không tham chiếm của người và cũng không để người lừa gạt chiếm đoạt của mình.
83. Chợ đại, ngài dại cụng đi
Chợ đại là chợ phiên chính, người đi chợ đông, mua bán nhộn nhịp hơn phiên chợ thường nhiều. Người dại khờ ít khi dám đi chợ vì dễ mua đắt bán rẻ, dễ bị lừa, nhưng với không khí tưng bừng của phiên chợ đại thì cũng bị cuốn hút mà đi. Mi (mày) đi phiên chợ ni (này) rồi biết, chợ đại ngài dại cũng đi.
84. Chợ Eo nuôi rể, chợ Huyện kể du
Chợ Eo (thuộc Hậu Lộc, Can Lộc) là nơi thường bán lòng lợn ngon, người ta hay mua về đãi khách, mà con rể thì được coi là khách quý Chợ Huyện (Bình Lộc, Can Lộc) là chợ lớn nhất vùng hạ huyện Can Lộc, nơi đây đàn bà ngồi chợ cả ngày và hay đưa chuyện nhà, chuyện ăn ở với dâu con ra kháo nhau.
85. Chợ Voi chân dép chân giày
Người Nghệ Tĩmh xưa nghèo đói chủ yếu đi chân đất chân dép chân giày là nói đến sự sang trọng, lịch sự. Câu này nói niềm tự hào của người dân Chợ Voi, chợ nổi tiếng lâu đời ở vùng bắc Kỳ Anh, nơi có đặc sản bánh tày nổi tiếng cả nước.
86. Chớp cửa Lò rệt bò mà chạy
Chớp phía Cửa Lò tức là chớp phía đông, ngoài biển. Cơn giông từ ngoài biển thường ập đến nhanh, phải tránh kịp thời .
87. Chớp cửa Rào, dợ hàng rào mà nấu
Theo kinh nghiệm của nhân dân địa phương nếu cửa Rào (một cửa biển ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh có Chớp thì mưa lụt dài ngày vì vậy không đi rừng lấy củi được và chắc chắn phải dỡ hàng rào (tre hoặc gỗ) mà đun bếp.
88. Chớp đằng đông vừa trông vừa chạy. Chớp đằng bắc trật c... mà coi
Kinh nghiệm xem xét thời tiết: chớp đông thì mưa đến rất nhanh, chớp phía bắc thì ít khi mưa đến nơi.
89. Chớp mụi Đao dợ rào mà nấu. Chớp mụi Lội cổi áo ra phơi
Mũi Đao: Hòn núi nhỏ nhô ra biển hình lưỡi đao ở gần Đèo Ngang; mũi Lội tức đảo Sơn Dương, một hòn đảo nhỏ ở vùng biển phía Nam huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Một kinh nghiệm xem thời Tiết của nhân dân vùng Kỳ Lợi, Kỳ Phương huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh: thấy chớp ở phía mũi Đao biết chắc trời sẽ mưa to, mưa lâu, chớp ở mũi Lội thì trời sẽ tạnh, ráo.
90. Chú khi ni mi khi khác
Không nên bận tâm đến việc của người khác vì ai rồi cũng có phần trách nhiệm và hưởng thụ như nhau. Sự thay bậc đổi ngôi một cách trớ trêu. Thời giừ (bây giờ) nó lộn quất (thoái hoá) rứa (như thế) đó chú khi ni mi khi khác.
91. Chua nhắt nác đấy
Chỉ hiện tượng do ăn phải thực phẩm quá chua đến mức són đái. Chanh nhà hắn ăn chua nhắt nác đấy.
92. Chua như kít mèo
(Cứt mèo mùi chua khắm rất khó chịu). Chỉ sự nói năng cửa ai đó với giọng điệu gây khó chịu cho người khác. Cái thằng ăn nói chua như kít mèo.
93. Chui rú tội ngài cao, lội rào tội ngài thấp
Ở đời là rứa (thế) lấy mô (đâu) ra đồng đều, đi rú tội ngài cao; lội rào tội ngài thấp, thôi thiệt đầu ni (này) thì hơn đầu khác.
94. Chụm chút với cau sần
(Chũm chút: chũm cau bé, xơ cứng là phế phẩm khi người ta bửa cau. Cau sần: cau hạt già, cứng, ăn không ngon). Chỉ cuộc sống quá nghèo túng, đạm bạc.
95. Chuối mùa đông cho khôông nỏ lấy
Kinh nghiệm không nên mua chuối mùa đông.
96. Chuồn chuồn đạ dạo không bạo thì cụng lụt
Chuồn chuồn đi dạo (bay thấp là đà thấp như người ta đi dạo) thì mưa to gió lớn. Đi đâu thì đi nhanh mà về chứ chuồn chuồn đã dạo không bạo (bão) thì cũng lụt.
97. Chuột chù ăn trù đỏ mui
Lố lăng, kệch cỡm; xấu mà hay làm đỏm.
98. Chuồng gà hướng Đông, cái lông nỏ còn
Theo kinh nghiệm dân gian, chuồng quay về hướng Đông khó nuôi gà.
99. Chút kít đàn ông bằng một công đàn bà
Quan niệm phong kiến xem thường phụ nữ: người đàn ông bao giờ cũng hơn phụ nữ về mọi mặt nhất là việc làng nước và các công việc nặng khác. Lăng xăng chi mấy ả nớ (ấy), chút kít đàn ông bằng một công đàn bà.
100. Chưa ăn cha rìu con rạ. Ăn rồi cha ngả con nghiêng
Quy luật tâm sinh lý tự nhiên của con người, chưa ăn uống thì còn hăng hái làm; ăn rồi thì muốn nghỉ ngơi, sinh lười biếng. Tranh thủ mà làm đừng cho ăn vội chưa ăn thì cha rìu con rạ, ăn rồi cha ngả con nghiêng.
101. Chưa chồng chơi đúm chơi đu. Có chồng chẳng dám mở trù ai ăn
Khi đã có chồng, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi không còn tự do như thời con gái.
102. Chưa đặt khu đạ tu mồm
(Tu: nói to, nói liên tục). Chỉ những kẻ hấp tấp, vô duyên, vừa ngồi xuống đã nói huyên thuyên, bất chấp hay dở, đúng sai. Nó chứng nào vẫn tật ấy, chưa đặt khu đã tu mồm.
103. Chưa đập người ta mặt đỏ như vang. Đập người ta rồi mặt vàng như nghệ
Khi bị kích động thì hung hăng, nhưng lúc hành động xong rồi mới biết rằng mình mắc dại.
104. Chưa giàu đạ lo kẻ trộm
Chỉ loại người hồ đồ, huênh hoang, khoác lác. Chẳng ai như mi (mày) chưa giàu đã lo kẻ trộm .
105. Chưa giơ roi đã chạy. Chưa hò đứng ngay.
Chỉ những kẻ quá hèn nhát, hèn nhát đến mức mất hết cả tự chủ.
106. Chưa mở mắt đạ ngoắt mỏ
Chỉ loại người hay nói hay chửi, hễ thức giấc là mở mồm chửi mắng người khác.
107. Chưa qua truông đã trật c... cho khái
Phê phán loại người thiển cận, bội bạc, không có trước có sau. Kể chi cái hạng bất nghĩa bất nhân, chưa qua truông đã trật c... cho khái.
108. Chựa được bệnh, ai chựa được mệnh
Số mệnh đã định phải chết thì không ai chữa được. Bệnh hiểm thế thì tui (tôi) đành chịu, chựa được mệnh chứ ai chựa được mệnh.
109. Co ro như cò tháng tám
Tháng tám là tháng mưa bão, cò vốn mảnh dẻ, không đi kiếm ăn được chỉ đứng co ro tránh mưa gió. Cái loại ngài (người) co ro như cò tháng tám thì mần (làm) nên cơm cháo chi.
110. Có cây mới có dây leo. Có cột có kèo mới có đòn tay
Nương tựa vào nhau để cùng tồn tại, có cái này thì mới có cái kia và ngược lại.
111. Có đi có bấp
Đã làm việc thì ít nhiều có sơ xuất
112. Có khunngoan đến cửa quan mới chộ
Đến nơi quyền thế mới biết rõ bản lĩnh của mình là thế nào. Đi đâu nó cũng khoe khun khoe ngoan, có khun ngoan đến cửa quan mới chộ.
113. Có kiêng mới lành, có dành mới lưa
Sống phải thận trọng, giữ gìn một cách chu đáo thì mới mong bình yên, biết dành dụm mới có của cải.
114. Có lời rơi ra nước mắt
Những cảnh ngộ éo le, những đau khổ không thể nói nên lời. Trong những lời trình bày cảnh ngộ của bà ấy, có lời rơi ra nước mắt.
115. Có phúc sinh con biết lội. Có tội sinh con hay trèo
Con hay bơi lội thì khi gặp nạn rơi xuống nước hoặc lũ lụt không bị chết đuối, con hay leo trèo thì có ngày ngã gãy tay què chân hoặc chết. Thằng bé hay leo trèo tôi lo lắm anh ạ, có phúc sinh con hay lội, có tội sinh con hay trèo.
116. Có trăng chớ phụ bóng đèn
Khuyên người đời phải sống thủy chung, không nên có mới nới cũ.
117. Có trụ mà không có nghịa
Chê trách phê phán những hành vi ứng xử thiếu văn hoá của một ai đó. Loại có trự mà không có nghĩa cho học hành tốn cơm
118. Cóc hủi núp bụi tre còi. Tui không dạm nó, nó đòi lấy tui
Kẻ thân phận chẳng ra gì nhưng lại cuồng vọng, ao ước những điều viễn vông
119. Con du vô nhà, mụ gia ra ngọ
Phong tục khi cưới hỏi: khi con dâu vào nhà, mẹ chổng phải ra ngõ. Con dâu và mẹ chổng không ưa nhau, cả hai không muốn chạm mặt nhau. Con du, mụ gia nhà nớ như mặt trăng mặt trời, con du vô nhà mụ gia ra ngọ.
120. Con gấy mà lấy chồng xa. Như con lợn béo khái tha lên rừng
Người xưa cho rằng: cho con gái đi lấy chồng xa là coi như mất đứa con, bởi ngày xưa điều kiện giao thông khó khăn, người con gái lấy chồng xa là biệt tăm biệt tích, không mấy khi về thăm cha thăm mẹ.
121. Con gấy mà lấy tra dòng. Như nước mắm cốt chấm lòng lợn siu
Cha dòng: người đàn ông goá vợ. Sự bất tương xứng đến bi hài trong cảnh ngộ người con gái tân lấy phải người đàn ông đã từng có vợ nhất là khi người ấy đã quá già.
122. Con hay méch, mẹ sẹch đầu
Sau ba tháng, khi đứa con đã "biết mách", người mẹ phải trải qua giai đoạn rụng tóc ở cữ để mọc tóc mới. Người mẹ phải tẩm bổ để hồi phục sức khỏe.
123. Con khun đẹp mặt mẹ cha. Nhược bằng con dại nhuốc nha trăm đàng
Hai trạng thái khác nhau của cha mẹ trước con cái.
124. Con không đẻ không thương, của không mần không tiếc
Bất cứ thứ gì, nếu không đo bản thân bỏ công sức làm ra đều không quý, không xem trọng, do đó mà sử dụng phung phí. Cho nó bao nhiêu tiền nó cũng phá,đúng là con không đẻ không thương, của không mần không tiếc.
125. Con ngài méo mó mới có trự tiền
Làm được đồng tiền phải trả giá: tính cách, nhân cách, nhân dạng đều có thể bị thay đổi đáng sợ. Ở đời tưởng có của mà dệ (dễ), con ngài méo mó mới có trự tiền .
126. Con nhà giàu hay mần, con nhà bần hay ăn
Con nhà giàu (chân chính) thường siêng năng, con nhà nghèo lại dễ sinh lười biếng, siêng ăn nhác làm. Nhìn bầy con phá gia chi tử nhà hắn mà phát ớn, đúng là con nhà giàu hay mần, con nhà bần hay ăn.
127. Con nhà giàu đẻ chợ Cày. Con ăn mày đẻ chợ Gát
Chợ Cày (chợ thị trấn huyện Thạch Hà) là chợ giàu, đẻ ở chợ Cày thì sướng; Chợ Gát (chợ Gát là chợ của xã Thạch Minh, Thạch Hà) là chợ của dân nghèo, đẻ ở chợ Gát thì khổ. Ngụ ý con người ta sướng khổ là do hoàn cảnh xuất thân.
128. Con nít lộ đít có tinh
Còn ít tuổi mà đã ranh mãnh, tinh tướng; biết nhiều chuyện của người lớn. Đừng coi thường con nít thời ni (nay), con nít lỗ đít có tinh.
129. Con nít sướng khi ăn giỗ. Tru bò sướng khi sổ ràn.
Trẻ con thích ăn, thích vui cho nên sướng nhất là khi được ăn giỗ; trâu bò bị nhốt nhiều, nên sướng nhất là khi được sổng chuồng.
130. Con nỏ chê cha mẹ khó, chó nỏ chê chủ nghèo
Đạo lý trong quan hệ ứng xử giữa con cái với cha mẹ, tớ với chủ: những quan hệ này / không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế. Cha ông đã dạy: con nỏ chê cha mẹ khó chó nỏ chê chủ nghèo, nhưng thật tốt phúc mới được như rứa (vậy).
131. Con so về nhà mạ. Con rạ về nhà chồng
Một số địa phương có tục con gái đi lấy chồng, khi sinh con so thì về sinh ở nhà cha mẹ, hết thời gian ở cữ thì mới đưa con về nhà chồng, ngược lại sinh con rạ thì ở nhà bên chồng.
132. Con trong lừ đỏ hoe con mắt. Con ngoài lừ ngút ngoắt muốn vô
Chuyện đời kẻ lâm nạn thì hối không kịp, kẻ chưa lâm nạn lại hồn nhiên vô tư lao vào cạm bẫy. Cái chuyện vô, ra hợp tác xã trước đây hay thật con trong lờ đỏ hoe con mắt, con ngoài lờ ngút ngoắt muốn vô.
133. Con tru còn sắm được nựa là chạc mụi
Cái lớn lao, cái phần chính yếu còn đủ sức mua thì không có lí gì lại không mua nổi những thứ phụ trợ, lặt vặt.
134. Con tru không tiếc, đi tiếc chạc mụi
Chỉ những kẻ thiển cận, tiết kiệm không phải lối, đã bỏ ra vốn lớn làm ăn mà lại tiếc những thứ nhỏ nhặt khiến cho công việc không trôi chảy. Chẳng ai như chú, con tru không tiếc lại đi tiếc chạc mụi, mần việc lớn răng (sao) được.
135. Cổ cao ba ngấn, tóc quấn ba vòng
Theo nhân tướng học cổ truyền thì đây là tướng quý của phụ nữ: Cổ cao tóc dài là người đẹp, hiền thục, có hậu.
136. Công mô mà tát nước bè. Ná mô đan đậu mà chè vườn hoang
Không nên làm những việc vô ích.
137. Cơm cá trích ních mấy cụng không no
Cá trích thịt thơm bùi, ăn không ngán cho nên ăn được nhiều cơm. Với người dân nghèo trước đây, cơm cá trích đã là điều mơ ước. Đi cày mà ăn cơm cá trích thì ních mấy cũng không no.
138. Cơm ló lốc. Trôốc cá thèn. Đèn dầu tây. Mây chợ Dùng. Mủng chợ Găng. Măng chợ Cồn
Ngày trước, các đặc sản này được xem là tốt hơn các thứ cùng loại.
139. Cơm mô cho đầy bụng chó. Ló mô cho đầy niều ga
Không nên quá lãng phí cơm gạo mà phải để cho vật tự đi kiếm ăn. Cho chúng ăn vừa vừa thôi, có mô no chó, ló mô no ga.
140. Cơm sôi bớt lửa, gấy chửa bớt đòn
Cơm sôi bớt lửa thì sẽ tránh được khê vợ có chửa giảm bớt việc đánh đập để không ảnh hưởng đến thai nhi. Nó đang có mang, mi (mày) có giận mấy cũng phải nhớ câu: cơm sôi bớt lửa, gấy chửa bót đòn.
141. Cơm sôi đừng cho đàn ông độ, ló lổ đừng cho đàn bà thăm
(Độ: chắt nước cơm). Đàn ông vụng về, chắt nước không khéo cơm dễ sống hoặc khê. Người xưa kiêng không cho đàn bà đi thăm khi lúa trổ, vì họ quan niệm lúa trổ cần hấp thụ tinh hoa trời đất mà người phụ nữ thì không được tinh khiết sạch sẽ. Việc chi cũng phải mần cho đúng cách: cơm sôi đừng cho đàn ông độ, lúa lổ đừng cho đàn bà thăm.
142. Cơm tấm ăn với cá rô. Sao em phụ bạc lấy dùi gồ đập nhôông
Trách người phụ nữ không biết giữ gìn sự êm ấm trong gia đình, lăng loàn, trắc nết làm những điều vô đạo. Cơm trắng mà khê. Người con gái xinh đẹp, trong trắng, thảo hiền nhưng duyên phận lại hẩm hiu.
143. Con cỏ héo gặp trộ mưa rào
Sự thỏa thuê, sung sướng khi đạt được những điều khao khát từ lâu.
144. Cơn có cội, sông có nguồn
Khuyên con người luôn ý thức về nguồn cội.
145. Cơn khô không lộc, ngài độc không con
Cây khô thì không thể đâm chồi, nẩy lộc; người độc ác thì không thể có con (lời rủa đối với những người phụ nữ tính tình độc ác).
146. Cơn tốt một chồi
Khi lấy chồng, người con gái nên tránh những gia đình con một. Những nơi đó dù khá giả nhưng gia cảnh thường neo đơn, trơ trọi khó lòng nương tựa lâu dài.
147. Cơn Trang Nu, đập tru mà chạy
(Trang Nu ở Diễn Châu). Kinh nghiệm xem thời tiết của dân địa phương.
148. Cu cu không gáy
Không thỏa mãn trong tình duyên.
149. Của mình thì giự bo bo. Của người thì muốn ngả mo mà đùm
Mo: bẹ cau già rụng xuống, thường dùng để gói cơm hoặc thức ăn). Chỉ hạng ích kỷ, keo kiệt, giữ riệt của mình, muốn dùng của người. Cái hạng người của mình thì giự bo bo; của người thì muốn ngả mo mà đùm, chơi với nó bị nó rút ruột có ngày.
150. Cục phân cân ló
Đề cao vai trò của phân bón trong việc trồng lúa. Đừng có phí phạm để rơi vãi thế này, cục phân cân ló con ơi .
151. Cuông bỏ rú, rồng bỏ mưa
Bị rơi vào cảnh ngộ không còn đất sống.
152. Cưa Chân Phúc, đục Tràng Thân
Chân Phúc nay thuộc huyện Nghi Lộc và Tràng Thân nay thuộc xã Diễn Phúc, Diễn Châu, Nghệ An. Đây là hai nơi có nghề mộc rất nổi tiếng.
153. Cười như bò đấy tấm tôn
Cười to, thành tràng dài, tiếng rổn rảng; cái cười vô duyên vô lối của những kẻ nông nổi. Mấy thằng vô công rổi nghề, xúm nhau uống rượu vặt rồi cười như bò đấy tấm tôn .
154. Cười re ré như chó xé dẻ lụa.
Ré lên cười từng hồi lien thanh như phát rồ. Con gấy (gái) con gớm chi (gì) mà cười re ré như chó xé dẻ lụa .
155. Cưới vợ tháng hè, bò què tháng sáu
Bò què tháng sáu đúng vào vụ mùa, việc đồng áng sẽ bị ngưng trệ. Cưới vợ tháng họ cũng gặp những hạn chế như vậy.
156. Cứt ga một nơi bỏ mun một chộ
Hành động không chính xác; làm việc thiếu cẩn thận; tinh thần loáng quáng, không tỉnh táo. Con với cái, sai làm việc gì cũng cứt ga một nơi, bỏ mun một chộ.
Xem thêm: Từ điển ca dao tục ngữ xứ Nghệ vần B
Tác giả: SƯU TẦM
Nguồn tin: Ca dao tục ngữ
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Lười nhác hay lười nhát viết đúng? Phân biệt nhát và nhác
-
Cách phân biệt xong hay song chính xác nhất
-
Viết chiến sỹ hay chiến sĩ là đúng? Nên chọn cách viết nào?
-
Ngành hay nghành là đúng? Khi nào viết ng hay ngh?
-
Tỉ lệ hay tỷ lệ là đúng? Cách viết nào chính xác hơn?
-
Mặc khác hay mặt khác từ nào đúng chính tả tiếng Việt?
-
Sổng chuồng hay xổng chuồng? Viết sổng hay xổng là đúng chính tả?
-
Gởi hay gửi? Kính gửi hay kính gởi? Cách phân biệt gởi và gửi
-
Top những câu đối hay về ông bà tổ tiên kèm giải nghĩa chi tiết
-
Dời lịch hay rời lịch đúng chính tả? Cách phân biệt dời hay rời
-
7 bài thơ ngắn hay về triết lý cuộc sống của tác giả Thái Bá Tân