Từ điển ca dao tục ngữ Nghệ Tĩnh (vần L)
1. Lả đỏ rưng còn bưng rơm đến
Người ta đang có xích mích không tìm cách dàn hòa lại khoét sâu thêm mâu thuẫn, kích động làm tăng thêm sự tức giận của người khác trong lúc nóng nảy. Cậu nỏ ra răng cả, người ta đang nóng cậu lại nói thế hóa ra lả đỏ còn bỏ rơm thêm à?
2. Lạc Đồng Chợ, vợ Kim Chùy
Đồng Chợ và Kim Chùy là tên hai làng ở xã Tân Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh. Đồng Chợ thì trồng lạc nhiều, củ to và rất ngon. Gái Kim Chuỳ rất đẹp, thanh niên các nơi thường đến Kim Chuỳ dạm vợ
3. Lạc đàng bắt đuôi chó. Lạc ngọ bắt đuôi tru
Kinh nghiệm tìm đường của nông dân: con trâu nhớ ngõ không bao giờ nhầm lẫn, con chó thì không bao giờ lạc đường.
4. Lai nhai như chó nhai giẻ rách
Chỉ hạng người nói dai, nói dây dưa chuyện này ra chuyện khác làm người nghe khó chịu. Cái ông ni (này) nghe mô (đâu) học hành cũng cao mà nói chuyện thì cứ lai nhai như chó nhai giẻ rách.
5. Lại không xương nhiều đường lắt léo. L... không vành l... méo tứ tung
Sự nhiễu nhương, quay quắt của người đời trong quan hệ đối nhân xử thế, long người hay đổi trắng thay đen.
6. Làm anh, làm ả phải nhả miếng ăn
Làm anh làm chị phải biết nhường cơm sẻ áo, nhường nhịn mọi thứ cho em út. Mình còn nghèo nhưng làm anh làm ả phải nhả miếng ăn mẹ nó ạ.
7. Làm cho lắm, tắm ở trần
Mọi cố gắng của con người xét ở một góc độ nào đấy là hư vô. Giàu sang, nghèo hèn, ung dung nhàn hạ hay quăng quật vật lộn với đời đều thế cả, đều không tự phân biệt với nhau ở một số sinh hoạt hoặc tư thế nào đó của con người (Hơn nhau tấm áo manh quần, thả ra mình trần ai cũng như ai). Bôn ba vừa vừa thôi con ạ, làm cho lắm, tắm ở trần.
8. Làm quan có mả thổi lả có nòi
Theo quan niệm phong thủy ngày xưa, thì việc phát đạt trong làm ăn, danh vọng là do mả tiền nhân táng dược huyệt đất tốt, nghĩa là có phúc đức nhân quả mới gặp được may mắn ấy. Thổi lả là lấy từ câu thổi lả cháy mồm, ám chỉ kẻ hay ăn không nói có, đâm bì thóc chọc bì gạo. Thổi lả có nòi, tức là kẻ hay đơm đặt, xúc xiểm vốn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống như thế. Cậu đừng chơi với hắn mà có ngày gặp rắc rối đấy, hắn là kẻ lắm chuyện, thổi lả có nòi đấy.
Xem thêm: Tiếng Nghệ giúp tôi tìm về nguồn cội
9. Làm quan có tướng, hát xướng có nòi
Người làm quan phải có tướng mạo phi phàm, kẻ thích hát xướng là do gia đình có truyền thống này. Làm quan phải có tướng, hát xướng phải có nòi chứ mi (mày) tưởng ai cũng làm được hay sao?
10. Làm ruộng thì ra, làm nhà thì ốm
Quan niệm dân gian cho rằng làm ruộng thì ăn nên làm ra, con người cũng khoẻ ra, còn làm nhà do động đến quỷ thần nên thế nào cũng bị hạn, bị ốm. Làm ruộng quanh năm không sao, lần này làm nhà xong, nó ốm một trận thập tử nhất sinh.
11. Làm thông một nhà, làm gia cả họ
Quan hệ phong phú, phức tạp ở các cộng đồng nông thôn truyền thống: các mối quan hệ theo một hệ thống dây chuyền, chằng chịt vào nhau. Làm thông gia cũng đến là vất vả ông ạ, làm thông một nhà, làm gia cả họ.
12. Lang dưa, nưa mói, chói mật
Củ chói như củ khoai nước, khoai môn sáp, nấu lên chấm mật ăn rất ngon. (Khoai lang ăn với dưa muối, củ nưa khi luộc người ta thường bỏ một dúm muối vào luộc ăn mới đậm).
13. Lang đuôi thì bán, ló trán thì cày, bạc mày đánh thịt
Kinh nghiệm chọn bò.
14. Làng ra răng xạ năng ra rứa
Làng như thế nào thì mình như thế như thế ấy. Chỉ sức ép gần như tuyệt đối của cộng đồng nông thôn đối với sinh hoạt của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Thôi, đừng có nhởi trác tạc lắm, chú phải nhớ là làng ra răng xạ năng ra rứa.
15. Làng thương hơn nương rao
Trong cộng đồng nông thôn, cuộc sống của mỗi thành viên sẽ rất an toàn nếu giành được sự đồng thuận của cả cộng đồng, ngược lại thì dù tường cao hào kín cũng sẽ sống không yên ổn. Mần chi (làm gì) cũng không bằng được làng xóm thương yêu, làng thương hơn nương rào mà.
16. Làng xuôi xuôi với làng
Phải theo tập thể, hòa mình với tập thể, cộng đồng, không nên cưỡng lại ý kiến của cả tập thể.
17. Lành mần gáo bể mần môi
Thái độ không còn nhẫn nhịn được nữa; hành động quyết liệt mà không cần tính đến hậu quả. Dừ (bây giờ) tui không nhịn nữa lành mần gáo, bể mần môi (muôi) .
18. Lanh chanh như hành không mói
Hay lanh chanh, nói năng làm lụng có vẻ nhanh nhẩu nhưng thực chất lại đoảng. Con bé ni (này) đến mô (đâu) cũng lanh chanh như hành không mói.
19. Lao động vất vả, nằm ngả vinh quang
Sự bất mãn của những người lao động chân chính trước những kẻ ngồi mát ăn bát vàng. Người lao động thì lam lũ, vất vả kẻ ăn không ngồi rồi thì tận hưởng mọi vinh hoa phú quý ở đời này lắm cái quá quắt, người lao động thì vất vả gian truân, kẻ nằm ngả thì hưởng vinh quang, sung sướng.
20. Lao xao như bồ chao bể ổ
Bồ chao: chim gần giống khướu, mất trật tự, nói năng lộn xộn, ầm ĩ, không ai nghe ai. Người nói phải có kẻ nghe, đừng có lao xao như bồ chao bể ổ.
21. Lao xao như chợ Chào mất mấn
Chợ Chào, chợ vùng Kỳ Thọ, Kỳ Văn, Kỳ Thư huyện Kỳ Anh. Chợ vốn đã quá ồn ào, lại có thêm sự kiện lạ mất mấn (váy) nữa thì càng ồn ào tợn. Hàm chỉ cảnh tượng quá ồn ào, mất trật tự
22. Lạt như cần nấu suông
Tình cảm, quan hệ quá nhạt nhẽo như canh rau cần nấu suông .
23. Lạt như nác méng
Rất nhạt, gần như không có vị gì.
24. Lạt tre mợ nợ kẻ khó
Tre mợ dẻo dai, buộc chặt, lâu bền; còn nợ kẻ khó dai dẳng, khó đòi.
25. Lau chau như hau hau được nác
Hau hau: cá lòng tong, loại cá nhỏ hay sống ở các mương nước. Lúc nào có nước về là loại cá này rộ lên tranh nhau đi đón nước. Chỉ đám đông tranh giành nhau trong trạng thái hỗn độn mất trật tự. Bựa ni (bữa nay) cả bọn lau chau như hau hau được nác.
26. Lau nở trời hanh, lách nở trời oi
Lách: một loại cỏ thân ba cạnh thường mọc ở chổ có nước. Lau: một loại cây cùng với họ mía, mọc hoang thành bụi, thân xốp hoa trắng tụ thành bông). Kinh nghiệm dự báo thời tiết qua quan sát hiện tượng nở hoa cuả cây lách và cây lau. Hoa lau nở trắng như thé này chắc trời hanh.
27. Láu táu như cháu ông Bôi
Một dạng láu táu.
28. Lạy khu cao hơn trôốc
Van lạy một cách rối rít, cuống quýt vì quá lo sợ. Mình doạ cho hắn một trận hắn lạy khu cao hơn trôốc .
29. Lắc ngắc như c.. sợ cưa
Thợ cưa lúc cưa gỗ cả ngưởi phải chuyển động theo nhịp rút đẩy cưa trong đó bộ hạ là vật giao động nhiều nhất. Mi (mày) mần chi thì mần cho ra hồn chứ đừng lắc ngắc như c... thợ cưa.
29. Lắc xắc như ắc xắc vô bụi
Thiếu sự đoàn kết, nhất trí, nhường nhịn nhau. Anh em nhà nớ khi mô cũng như lắc xắc vô bụi tre.
30. Lăm xăm quần chằm áo vá. Thong thả quần bả áo sô
Những người thong thả rượu chè quanh năm.
31. Lằm rằm như dằm đâm vô l...
Chửi dai, chửi làu bàu suốt ngày vì bức xúc tức tới một điều gì đấy Chẳng rõ tức ai mà cô ả suốt ngày cứ lằm rằm như dằm đâm vô l...
32. Lắm hàng rạng khách
Cửa hiệu mà lắm hàng thì khách sẽ đến đông, có nhiều khách sang.
33. Lắm ló Xuân Viên, lắm tiền Hội Thống, lắm nống Do Nha, lắm cà Lộc Châu, Lắm dâu Cẩm Mỹ, lắm bị Kẻ Găng, Lắm măng Kẻ Cừa, lắm bừa Trung Sơn, Lắm cơn Yên Xứ
Các địa danh trên đều thuộc Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
34. Lắm nghề trề mui
Biết nhiều nghề thì không có nghề tinh, không có trình độ chuyên sâu do đó không thể làm giàu được, mà chỉ làm đủ ăn để độ nhật, qua ngày.
35. Lăng xăng như lằng bu kít
Làm ra vẻ bận rộn, hăng hái quá mức; chạy tới, chạy lui trước một sự việc nào đó (hàm ý mỉa mai). Ngồi yên cho người ta nhờ, mần chi mà cứ lăng xăng như lằng bu cứt rứa.
36. Lật đật thì đất cụng đè. Những người thong thả rượu chè quanh năm
Vội vàng, tất bật thường làm nhọc sức mà thất bại; cẩn thận, cân nhắc, trù tính trước để chủ động thì khoẻ người mà hiệu quả công việc sẽ cao, cuộc sống phong lưu, sung túc.
37. Lật đật như ma vật bà bóng
Quăng quật, quằn quại như người lên đồng bị âm hồn về ám. Mi đi mô mà lật đật như ma vật bà bóng rứa?
38. Lâu ni nỏ ẻ đàng. Bựa ni ẻ đàng cả làng bắt được
Cả đời không làm việc xấu, nay (vì hoàn cảnh bắt buộc) chỉ lần đầu làm việc xấu thì bị phát giác. Hàm chỉ người không may mắn trong cuộc sống. Khổ cho tui, lâu ni nỏ ẻ đàng (ỉa đường), bựa ni ẻ đàng cả làng bắt được.
39. Lấy chồng trửa làng bằng vàng treo trửa ngọ
Quan niệm xưa: lấy chồng gần nhà là sung sướng hơn cả vì gần bố mẹ được nhờ vả đỡ đần. Đây cũng là đặc điểm của văn hoá lúa nước. Mi lấy được hắn là sướng nhất rồi, lấy chồng trửa (giữa) làng bằng vàng treo trửa ngọ.
39. Le le xuôi về bể thì gió. Le le lên ngàn thì mưa
Kinh nghiệm xem thời tiết dân gian: hễ thấy vịt trời bay xuôi về biển trời sẽ nổi gió lớn và ngược lại, chúng bay về hướng rừng núi đất liền thì trời sẽ mưa to. Có chi khô khén thì cất đặt đi thôi le le bay lên ngàn rồi.
40. Lẹm cằm ăn nói đong đưa. Cong mui nói hớt, nói thừa tớt mui
Kinh nghiệm xem tướng phụ nữ của dân gian: người lẹm cằm thì tính tình lẳng lơ, nói năng đong đưa, điệu đà; người môi cong thì hay hóng hớt chuyện thiên hạ; người tớt môi (môi trên ngắn hơn môi dưới) thì hay đặt chuyên nói thêm, nói bớt. Đây là ba nét tướng xấu của người phụ nữ mà đàn ông khi chọn vợ cần tránh.
41. Lên truông xuống động
Công việc quá vất vả, khó nhọc
42. Ló có phân như thân có của
Lúa có phân thì tốt tươi, thân có của thì xênh xang, sang trọng. Chăm bón phân thì lúa mới chắc bông mẩy hạt, ló có phân như thân có của bà con ạ.
43. Ló lổ lập hạ buồn bạ cả làng
Lúa trổ vào tiết lập hạ là tại lúa cấy quá muộn, gặp nắng hạn cây lúa héo, bông bị khô lép dẫn tới mất mùa. Năm ni (nay) ló lổ lập hạ buồn bã cả làng.
44. Ló lổ thanh minh rung rinh cả xạ
Lúa trổ vào dịp thanh minh, khí trời mát mẻ, nắng vừa đủ độ cho lúa phơi mao, nên cầm chắc được mùa, làng xã tưng bừng, phấn khởi.
45. Loay xoay như trâu dậm chạc mụi
Trạng thái bối rối, không tìm được cách giải quyết trước sự việc đòi hỏi bức bách. Mần chi (Làm gì) mà cứ loay xoay như gà đau đẻ rứa.
46. Lóc bóc như cá tràu khe
(Cá tràu khe: Cá nước ngọt cùng họ cá chuối sống ở khe suối, nhỏ vừa, da đen, rất nhanh và phàm ăn, thấy mồi là đớp ngay). Chỉ người tính khí thiếu kiên nhẫn, thận trọng, khiêm tốn. Cái thằng nớ lóc bóc như cá tràu khe.
47. Lóc xóc không bằng góc rọng
Bôn ba chạy đôn chạy đáo kiếm ăn không bằng làm ruộng, làm ruộng là chắc ăn hơn cả. Mi (mày) buôn bán lóc xóc không bằng một góc rọng nhà hắn.
48. Lọc lừa vơ bừa rụng răng
Quá kỹ lưỡng trong kén chọn, cứng nhắc theo những tiêu chuẩn quá cao để mất cơ hội thành ra lỡ làng, ế ẩm lại vơ phải thứ kém chất lượng. Lấy ai thì lấy đi đừng kén chọn mại lọc lừa vơ bừa rụng răng đó con ạ.
49. Lót lét như thằn lằn mùng năm
Thằn lằn mùng năm: tục truyền vào mùng năm tháng năm là tốt sâu bọ, nên thằn lằn, rắn rất nhát. Bộ dạng nhát sợ, lấm lét như đang làm một việc gì mờ ám mà mình không muốn. Bựa ni (bựa nay) làm răng mà mi lót lét như thằn lằn mùng năm rứa?
50. Lờ vờ như cờ không gió
Ngưòi chậm chạp, thiếu năng động, linh hoạt.
51. Lớ ngớ vớ được méng ngon
Sự may mắn tình cờ. Cái thằng nớ lớ ngớ mà vớ được méng ngon .
52. Lởi xởi trời cho, lo bo trời lấy
Sống vui vẻ, rộng thoáng với người thì sẽ gặp may mắn, không thua thiệt về kinh tế và ngược lại. ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc cuôí cùng để trộm lấy sạch. Rõ là lởi xởi trời cho, lo bo trời lấy.
53. Lớn tác nhác mần
Chỉ hạng người sức khoẻ thì có nhưng chây lười không chịu làm việc. Nó lớn tác thế nhưng nhác mần thì đại hạng.
54. Lợn tám đòn không bằng gà con trong trứng
Kinh nghiệm ăn uống: ăn trứng gà lộn rất bổ.
55. Lúa đụn tiền kho
Giàu có, dư dật về của cải.
56. Lụa chợ Hạ, chè Hương Sơn
Đây là những đặc sản của Hà Tĩnh. Chợ Hạ thuộc làng Tùng ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ở đây có làng dệt Tùng ảnh - Châu Phong có truyền thống từ lâu đời. Lụa Hạ nổi tiếng trong nước, vừa đẹp, vừa mát, vừa mềm lại rất bền. Hương Sơn là một huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh. Ở đây, chè nhiều và ngon. Ai về Hà Tĩnh thì về Mặc lụa chợ Hạ uống chè Hương Sơn.
57. Lụa tốt xem biên, người hiền xem tướng
Kinh nghiệm dân gian: Muốn biết lụa tốt hay xấu thì xem biên, muốn biết người hiền hay dữ thì xem tướng mạo.
58. Lừ đừ Yên Hợp, lớp tớp Thầy Cừ
Yên Hợp và Thầy Cừ là hai xóm của làng Kiệt Thạch, xã Thanh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Yên Hợp là xóm đạo nên tác phong con người khoan Hòa hơn mà bị nhận xét là lừ đừ chậm chạp; Thầy Cừ là xóm làm nghề gỗ nên tác phong dân ở đây nhanh nhẹn có phần hơi hấp tấp.
59. Lừa đàng đón ngọ
Tìm kiếm, theo đuổi bằng mọi cách.
60. Lừa như lừa con na
Lừa gạt người dễ dàng bằng mánh khoé dỗ trẻ con do chỗ xem thường hoặc không hiểu đối tượng, hoặc đối tượng bị lừa quá khờ khạo Mi lừa tau như lừa con na.
61. Lưng cằng găng bụng
Trạng thái ăn uống no nê quá mức.
62. Lưng còng lòng mỏi
Mong đợi một cái gì đó quá lâu mà không đạt được. Bao nhiêu năm bà lão đã lưng còng lòng mỏi mong thằng con trai đi làm ăn xa chưa về.
63.Lưng đòn xóc bụng sọc dừa
Dáng người lười biếng, ít lao động. Cu nớ lưng đòn xóc bụng sọc dừa, nhờ vả chi dược.
64. Lưng rồng mắt khánh vẻ vang. Đánh Đông Đông tạnh, đánh Đoài Đoài tan
Kinh nghiệm chọn gà chọi tốt
65. Lưng thắt đáy như con tò vò
Lưng rất eo, rất nhỏ. Trỏ dáng người rất đẹp.
66. Lưng vốn chè trâm
Chè trâm: một loại cây thuộc họ cây hậu phác, vị đắng, tính hàn, thường được nông dân ngày xưa dùng để hãm nước uống. Nước hãm từ loại chè này rất mau thiu) Vốn liếng giắt lưng quá ít ỏi, mỏng manh, rất dễ trắng tay khi bước vào làm ăn. Lưng vốn chè trâm mà mi (mày) đòi đi buôn gỗ hay sao ?
67. Lươn trùn ăn no trút nhớt vô đúa
Lươn trùn: lươn còn nhỏ như con giun đất; trút nhớt: chất nhầy ở da lươn vướng lại trong rổ. Hưởng hết của ngon vật lạ lại trút phần cặn bã, rác bẩn lại bắt người khác chịu tiếng xấu.
Xem thêm: Từ điển ca dao tục ngữ Nghệ Tĩnh vần H, K
Tác giả: SƯU TẦM
Nguồn tin: Ca dao tục ngữ
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Lười nhác hay lười nhát viết đúng? Phân biệt nhát và nhác
-
Cách phân biệt xong hay song chính xác nhất
-
Viết chiến sỹ hay chiến sĩ là đúng? Nên chọn cách viết nào?
-
Ngành hay nghành là đúng? Khi nào viết ng hay ngh?
-
Tỉ lệ hay tỷ lệ là đúng? Cách viết nào chính xác hơn?
-
Mặc khác hay mặt khác từ nào đúng chính tả tiếng Việt?
-
Sổng chuồng hay xổng chuồng? Viết sổng hay xổng là đúng chính tả?
-
Gởi hay gửi? Kính gửi hay kính gởi? Cách phân biệt gởi và gửi
-
Top những câu đối hay về ông bà tổ tiên kèm giải nghĩa chi tiết
-
Dời lịch hay rời lịch đúng chính tả? Cách phân biệt dời hay rời
-
7 bài thơ ngắn hay về triết lý cuộc sống của tác giả Thái Bá Tân