Thân thương tiếng Nghệ quê mình
Người Nghệ quê ta, sống, học tập và làm việc xa quê, luôn nhớ về quê hương với tình cảm thiết tha, nồng ấm. Nơi đó mảnh đất Hồng - Lam đang lưu giữ biết bao giá trị văn hoá vật chất tinh thần to lớn, bao hàm trong đó cả tiếng nói vô cùng quen thuộc: tiếng Nghệ quê mình.
Tiếng Nghệ rất đặc trưng
Tiếng Nghệ xuất phát từ đất Nghệ. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau, từ Hoài Hoan, Cửu Đức của nước Văn Lang rồi Hoan châu, Nghệ An châu (1030), Nghệ An thừa tuyên, rồi xứ Nghệ (1490), xứ Nghệ có từ đây. Ngày nay dù đơn vị hành chính đã đổi thay, nhưng nói tới xứ Nghệ là để chỉ cả Nghệ An - Hà Tĩnh.
Xứ Nghệ gắn liền với người Nghệ và văn hóa Nghệ. Tiếng Nghệ của người Nghệ đã góp phần làm cho chất Nghệ đậm đà sâu lắng, ấn tượng hơn trong văn hóa Việt. Chúng ta đã biết, ngôn ngữ là sản phẩm của con người trong quá trình tư duy và hoạt động. Ngôn ngữ phụ thuộc vào tộc người, thổ nhưỡng, khí hậu... Người Nghệ sinh ra, lớn lên trên đất Nghệ, mảnh đất "như tranh" mà mưa nhiều nắng lắm, gió Lào và bão lũ. Con người chân chất và tiếng nói cũng rất đặc trưng. Có thể nói tiếng Nghệ là tiếng nói của người Nghệ bản xứ. Người Nghệ đi xa sống những vùng đất khác, đời đầu tiên vẫn mang theo tiếng Nghệ. Người xứ khác đến xứ Nghệ sinh sống, lâu đời họ cũng bị Nghệ hoá và trở thành dân Nghệ.
Trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay, đã phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ, chứng tỏ con người đã có mặt nơi đây từ rất sớm, Thẩm Òm (Quỳ Châu), Đồng Trương (Anh Sơn), làng Vạc (Nghĩa Đàn), Thẩm Hai (con Cuông), Hang Chùa (Kỳ Sơn), Quỳnh Văn, Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu), Bãi Cọi (Nghi Xuân), Rú Trăn (Nam Đàn), Đồng Mõm (Diễn Châu),Thạch Lạc (Thạch Hà) v.v..hàng chục vạn năm đến hàng nghìn năm trước, tổ tiên người Việt đã sinh sống nhiều nơi trên đất Nghệ. Buổi hồng hoang, họ sống trong hang động, sau lan ra trung du miền núi và tràn xuống đồng bằng, góp phần hình thành nên nhà nước Văn Lang của các vua Hùng.
Hơn 1000 năm Bắc thuộc cho đến lúc dành quyền tự chủ (179 TCN - 905) dưới sự thống trị của phong kiến phương Bắc với nhiều chính sách bóc lột và đồng hoá, nhưng người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hoá của mình. Văn hoá Việt có sức đề kháng vô cùng to lớn. Tiếng nói và các phong tục tập quán không bị Hán hoá. Trong tình hình chung ấy, tiếng Việt của người Nghệ sống trên đất Nghệ tiếp tục tồn tại, xu hướng địa phương từng bước hình thành trong quá trình chung sống lao động, dưới tác động của các yếu tố tự nhiên, xã hội và được lưu truyền trong chính con người xứ Nghệ.
Tiếng Nghệ ngày nay phải chăng là tiếng của người Việt cổ, ít ra là tiếng của người Việt cổ sống trên đất Nghệ An - Hà Tĩnh từ mấy nghìn năm trước. Vượt qua thời gian, tiếng Nghệ không những tồn tại, phát triển mà đã trở thành nét văn hoá đặc trưng của quê hương, không lẫn vào đâu được.
Chắt chiu từ đất cát và nắng gió miền Trung, tiếng Nghệ ít nhiều có nét tương đồng với phương ngữ miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị ,Thừa Thiên), tuy nhiên nó có hai điểm độc đáo dễ nhận thấy trong âm điệu và từ vựng.
Âm điệu nặng, vẫn là ngữ pháp tiếng Việt nhưng người Nghệ hay bỏ dấu ngã( )hoặc dấu hỏi(? ) để nói, đọc thành dấu nặng(. ) . Ví dụ Hà Tĩnh - Hà Tịnh , có lẽ - có lẹ, xin lỗi - xin lội, rồi hả - rồi hạ ... Âm điệu Nghệ vừa trầm vừa mạnh, không nhẹ như giọng Bắc, không dẻo như giọng Nam.
Tiếng Nghệ có hẳn một hệ thống từ vựng ,đa dạng về từ loại và quý giá về mặt lịch sử [đại từ (choa - chúng tôi, bọn tao), động từ ( bứt - cắt, cợi - cưỡi ) ,danh từ ( chưn - chân , tru - trâu) , thán từ (na - ư , hậy - nhỉ) , tính từ ( hẳn - tốt , túi - tối ) ...]. Đây là tiếng nói của tổ tiên, của ông cha ta từ ngàn xưa để lại, hiện đang được sử dụng một cách rộng rãi trong nhân dân xứ Nghệ , đặc biệt là ở nông thôn. Theo thời gian, nhiều từ trong tiếng Nghệ đứng trước nguy cơ mai một hoặc bị "lãng quên" vì sự vật được biểu thị đã hoặc sẽ không còn tồn tại ngoài thực tế (vũng khanh - mương nước trước trước thềm nhà, chạn - trần nhà gỗ ở nông thôn)... Nhưng nó sẽ được đi vào... từ điển tiếng Nghệ.
Tiếng Nghệ tồn tại trong chính nhân dân
Nước ta bị giặc Tàu giặc Tây đô hộ lâu dài nhưng chữ Hán và chữ Pháp không thể ghi âm trọn vẹn tiếng Nghệ. Chữ Hán thì tượng hình phải phiên âm Hán - Việt, chữ Pháp thì thiếu dấu, bởi vậy khi chưa có chữ quốc ngữ, tiếng Nghệ không tồn tại trong văn bản viết mà tồn tại trong chính nhân dân, chỉ có chữ quốc ngữ mới biểu đạt hết những từ ngữ và âm sắc mà người Nghệ nói. Tuy nhiên, nghe nói thì dễ hơn đọc hiểu. Nếu người Nghệ nghe người Nghệ nói với nhau thì hiểu nhanh hơn, nhưng người Nghệ đọc một đoạn văn bản do chính người Nghệ nói ra, nhiều lúc cũng không hiểu ngay được:
Rào su ni, ngóoc mần chi
Túi ra ri, chộ chi mô mà qua
Gắt khi mô, rọng su hung
Choa nỏ ưng bứt ló cho bay
(Sông sâu này, nhìn làm chi / tối thế này, thấy gì đâu mà qua / Gặt khi nào, ruộng sâu không / bọn tao không thích gặt lúa cho bọn mày)
Trong từng vùng của xứ Nghệ có những từ "siêu Nghệ". Ví dụ: cái lỗ - ki bôộng , đường dốc - đàng đôộng... Càng về với nông thôn chất Nghệ càng đậm đặc hơn. Chính người quê đã và đang lưu truyền "ngôn ngữ" Nghệ truyền thống.
Với hai điểm độc đáo đó, đi đâu người Nghệ cũng dễ nhận ra. Mới chào xã giao bằng âm điệu Nghệ thôi, người nghe đã hỏi lại : - Anh là người Nghệ à? - ôi ! không thể là không. Rất tuyệt vời!
"Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ đá sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em"
(Nguyễn Bùi Vợi )
Ngày nay sức lan toả của tiếng Nghệ rộng rãi hơn. Người Nghệ xa quê mang theo tiếng Nghệ đi khắp mọi miền đất nước. Do yêu cầu của cuộc sống, người Nghệ học thêm giọng Bắc giọng Nam. Người Nghệ giọng nặng, hình như phát âm tiếng Trung Quốc chuẩn hơn tiếng Anh, thay đổi âm sắc khó hơn nên nhiều người không muốn đổi giọng Nghệ, nhưng vẫn thay đổi được để phù hợp với hoàn cảnh. Nhiều người nói giọng Hà Nội, giọng miền Nam như dân gốc, nhưng họ không quên tiếng Nghệ. Các bạn trẻ nhanh nhạy, xa quê nửa tháng là nói được giọng xứ người, sau một vài năm lại trở về giọng Nghệ. Đó là sự trở về với những gì thân thuộc thuở cha sinh mẹ đẻ, xa quê càng thấy yêu quê.
Những người con gái con trai, về làm dâu làm rể xứ Nghệ, nhiều khi phải chuẩn bị tiếng Nghệ để về giao tiếp, nếu không thì sẽ phiền hà:
Mỗi lần trai xứ Nghệ
Đưa vợ về thăm quê
Từ lúc bước lên xe
Có thêm nghề phiên dịch"
(Phan Nhân)
Người Nghệ sống xa tổ quốc cũng mang theo tiếng Nghệ bên mình, giữa Moscow, Paris, Kiev, Seoul… được nghe một câu hò ví dặm, đã cảm thấy nao nao "răng mà thương mà nhớ", mà " thắm đượm tình quê" đến thế !
Người nước ngoài học tập lao động ở Nghệ An, Hà Tĩnh (công nhân, sinh viên…) hoặc tiếp xúc với người Nghệ ở các địa phương khác cũng học tiếng Nghệ, nói tiếng Nghệ . Được biết nhiều bạn sinh viên Lào ở đại học sư phạm Huế, đại học Vinh… chơi với sinh viên người Nghệ cũng nói tiếng Nghệ như người Nghệ gốc. Thật là vui!
Tiếng nói quê hương
Tiếng Nghệ - tiếng nói quê hương, là phương tiện giao tiếp của người xứ Nghệ, là món quà của người xứ Nghệ xa quê , trao cho nhau những ngày hội ngộ đồng hương, chỉ nghe giọng nói thôi, xa xôi cũng xích lại gần, bao cách trở hoá thành thân thiết.
Tiếng Nghệ là dấu hiệu đầu tiên để phát hiện con người xứ Nghệ ,là biểu hiện đầu tiên của văn hoá Nghệ trong mỗi con người (Nghệ Tĩnh).
Tiếng Nghệ đã đi vào thơ ca như một nỗi niềm thương nhớ, làm cho thơ ca sống động hơn, vĩnh cửu hơn với thời gian, như thơ của Trần Hữu Thung , Nguyễn Bùi Vợi ....
Tiếng Nghệ đã đi vào nhạc và có mối quan hệ mật thiết với dân ca. Hát là sự ngân nga của nói . Dân ca Nghệ Tĩnh đã làm cho tiếng Nghệ như thêm hương thêm sắc.
Bưng cơm ăn nỏ được
Bưng nước uống nỏ trôi
Cầm lấy đọi ,đọi rớt
Cầm lấy đụa, đụa rơi
Cha tui mì hỏi: mần răng rứa con ơi!
Mẹ tui cụng hỏi: mần răng rứa con ơi!
Tui nỏ dám trả lời: rằng thương anh vô kể.. "
(Dân ca Nghệ Tĩnh )
Xứ Nghệ có nhiều nét văn hoá đặc sắc, trong đó tiếng Nghệ là “món quà” tinh thần vô cùng yêu quý mà quê hương đã ban tặng cho mỗi chúng ta. Dù làm gì nơi đâu, người Nghệ vẫn luôn mang theo trong mình, hành trang tinh thần vô giá ấy. Những lúc xa quê, tiếng Nghệ lại vỗ về, sưởi ấm lòng ta... như vòng tay của mẹ và chở ta về nơi chôn rau cắt rốn bằng con thuyền tâm tưởng, dạt dào truyền thống văn hoá Hồng – Lam.
Xem thêm: Tiếng Nghệ qua nghiên cứu của một người Pháp
Tác giả: AN NAM
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Làm lốt hay nốt, xin lốt hay nốt đúng chính tả?
-
Viết cái hủ hay cái hũ đúng? Phân biệt hủ hay hũ chi tiết
-
Không nỗi hay không nổi viết đúng? Mẹo phân biệt nỗi hay nổi
-
Méc hay mét khác nhau thế nào? Méc mẹ hay mét mẹ?