Nghệ Tĩnh quê ta trong ca dao tục ngữ
Ca dao miêu tả quê cha đất tổ
Một vài câu ca dao tục ngữ diễn tả “thế thái nhân tình” liên quan tới Nghệ An – Hà Tĩnh, ví dụ như:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.
Khi đọc câu ca dao trên đây, tôi mỉm cười tự hỏi nếu tôi thay đổi chữ “xứ Nghệ” bằng một địa danh khác chắc chắn sẽ có vài người “hiểu lầm” vì quê hương ta đi mô cũng thấy đường quanh quanh, đồi núi và sông hồ nhiều lắm: “Đường vô Tầm Bó quanh quanh, non xanh nước biếc như tranh họa đồ” nghe cũng không đến nỗi tệ! Do đó, tôi tiếp tục kiếm tìm để thâu lượm những câu ca dao mang nhiều nét đặc thù, diễn tả rõ ràng hơn về quê cha đất tổ của mình:
Quê ta ngọt mía Nam Đàn,
Bùi khoai chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài.
Hoặc:
Cá rô Bầu Nón kho với nước tương Nam Đàn,
Gạo tháng mười cơm mới, đánh tràn không biết no.
Nếu bạn là người gốc Hà Tĩnh, có lẽ bạn sẽ thích thú ngâm nga:
Ai về Hà Tĩnh thì về,
Mặc lụa chợ Hạ, uống chè Hương Sơn.
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dằm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao!
Những phong tục tập quán của tổ tiên; và một trong những “phong tục” đó được diễn tả qua những câu ca dao đơn sơ mộc mạc:
Công anh làm rể Chương Đài,
Một năm ăn hết mười hai vại cà.
Giếng đâu thì dắt anh ra,
Kẻo anh chết khát với cà nhà em!
Thú thật với các bạn, tôi không nhìn thấy tận mắt cảnh “làm rể” ở Bình Giả, nhưng tôi biết rất rõ “vại cà” vì hầu như nhà nào ở Bình Giả cũng có, không nhiều thì ít... Tục lệ “cổ truyền” tôi được chứng kiến nhiều nhất ở Bình Giả là “hội nước chát”, còn gọi là nước chè xanh. Những bậc cha anh của tôi ở Bình Giả chiều chiều thường “mời” nhau quây quần bên ly “nước chát” kể chuyện thế thái nhân tình, “nói trạng” và ngay cả quyết định những việc quan trọng như hôn nhân con cái, việc xóm làng...
Chè ngon nước chát xin mời,
Nước non, non nước nghĩa người khó quên.
Hát giặm xứ Nghệ
Ngoài những câu ca dao truyền khẩu, Nghệ An - Hà Tĩnh còn có những bài “hát giặm” do một số nho sĩ sáng tác, được bà con ưa thích và phổ biến rộng rãi. “Hát giặm” thường có tính cách trình diễn, do nam nữ đối đáp, hoặc hai ba người “ngâm” lên để kể một giai thoại, hay một sự việc vừa xảy ra, hoặc kể một sự tích gì có tình tiết, nội dung và hình thức đều được trau chuốt kỹ lưỡng. Ví dụ:
Trai:
Tiết thanh nhàn thong thả
Muốn thăm hỏi vài câu
Cuốc thánh thót kêu sầu
Gió phảng phất mùa sâu
Nhớ trong sách đã lâu:
Chuyện “Tư mã phượng cầu”
Thương thì mũi tìm trâu
Trâu đâu tìm chạc mũi (chạc mũi = dây thừng)
Gái:
Trời mở rộng phong quang
Giã ơn trời mở rộng phong quang
Em đánh tiếng đưa sang
Đêm tàn canh vò võ
Tay em cầm con bấc đỏ
Mong bỏ đĩa dầu đầy
Mời bạn ở lại đây
Đôi ta giở lời rày
Tình đó với nghĩa đây
Trai:
Giống như đọi nác đầy (đọi nác = chén nước)
Bưng nhẩn nhẩn trên tay
Không khuy sơ một hột
Gió nỏ triềng một hột
Công đôi ta thề thốt
Kể đã mấy niên rồi
Lòng đã quyết lứa đôi
Ngãi đã quyết thề bồi
Nhất ngôn nói hẳn lời
Đừng bốn chốn ba nơi
Đừng trăng gió chào mời
Trăng nhiều trăng rạng rỡ
Trăng nhiều đèn rạng rỡ
Gái:
Em đã có chồng rồi
Em đã có lứa rồi
Vung úp đã vừa nồi
Đũa ghép đã thành đôi
Bạn đừng có ỡm ờ với tôi!
Tôi lấy chân khỏa lại
Tôi lấy bàn khỏa lại
Trai:
Têm một quả trầu không
Bỏ vô hộp con rồng
Đi băng nội băng đồng
Qua năm bảy khúc sông
Qua chín mười đỗi đồng
Nghe tin em đã có chồng
Anh quăng lắc vô bụi
Bạn gạt tùa vô bụi.
Có những bài hát giặm rất dài, kể chi ly tình tiết “một chuyện tình”:
Anh thương em một tháng hai kỳ
Dồn đi tính lại, cũng như mười ngày
Năm rộn mà chầy
Có hai mươi bốn miện (miện = kỳ)
Xuân qua rồi hè đến
Thu đã muộn, đông rồi
Nhớ bạn cũ chưa nguôi,
Sang lập xuân vũ thuỷ
Đêm em nằm em nghĩ
Nghĩ kinh trập, xuân phân,
Lòng tưởng sự ái ân
Sang thanh minh, cốc vũ
Đêm dêm nằm nỏ ngủ
Nhớ bạn mãi thường thường
Tiết lập hạ nhớ thương
Bước sang tuần tiểu mãn
Trông ra ngoài chán chán
Tiết mang hiện lại gần
Người đập đất, gánh phân
Để mùa màng gặt hái
Anh thương em mãi mãi
Sang hạ chí tiết hè
Em nghe tiếng sầu ve
Em buồn trong gia sự
Bạn buồn trong gia sự
***
Tiết tiểu thử, đại thử
Trời nắng sốt lắm thay!
Ra ngồi tựa cột cây
Anh với em than thở
Bạn với mình than thở
***
Tiết lập thu, xử thử
Ai diều sáo mặc ai
Vàng lác đác giếng tây
Ta thương người bạn cộ (cộ = cũ)
Nhớ mãi người bạn cộ
***
Vừa đến tiết bạch lộ
Bầy chim trắng bay sang
Cây heo hắt lá vàng
Sang thu phân hàn lộ.
***
Đêm em nằm, em chộ (chộ = thấy)
Tiết sương giáng lại kề
Trông bạn cũ ta về
Sang lập đông giá rét
Tiết tiểu tuyết, đại tuyết
Trời giá rét lắm thay
Sang đông chí cấy cày
Dạ bồi hồi nhớ bạn
Tiết tiểu hàn chưa dạn
Đã bước sang đại hàn
Dạ tưởng nhớ người ngoan
Vừa năm cùng tháng tận
Vừa cuối mùa cuối tận.
***
Phận lại ngồi trách phận
Phận nỏ giám trách phận
Anh thương em từ tháng giêng đến tháng chạp!
Đến chuyện hát đố, hát đối
Đọc qua những câu “hát giặm” trên đây tôi thật lòng “khâm phục” trí nhớ của ông bà tổ tiên... Tôi cầm giấy đọc vẫn còn “trúc trắc”, nhưng ông bà cha mẹ tôi, nhiều người không biết chữ, nhưng đã nhớ thuộc lòng và ngâm nga theo giọng hò điệu hát rất hay, thật xứng đáng là giòng dõi “địa linh nhân kiệt”. Là những người “sinh sau đẻ muộn”, cá nhân tôi và nhiều bạn trẻ chỉ thích những bài “hát dạo” kể chuyện trai gái hò hẹn, “chọc chắc”, nhất là vào những dịp cuối năm, sau khi thu hoạch mùa màng, chuẩn bị mừng năm mới:
Bấy lâu thức nhắp mơ màng,
Bên rèm tiếng gió, đầu giường bóng trăng.
Bấy lâu nghe hết tiếng nàng,
Bên anh nức tiếng đồn vang đã lừng,
Nghe tin anh cũng vội mừng,
Vậy nên chẳng quản suối rừng anh sang.
Bấy lâu anh mức chi nhà,
Để em dệt gấm thêu hoa thêm sầu!
Đồn rằng cá uốn thân vây,
Đồn em hay hát, hát hay anh tìm.
Chốn này vui vẻ, tưng bừng,
Hạc nghe tiếng phượng xa chừng tới nơi.
Đêm khuya trời tạnh sương im,
Tai nghe tiếng nhạc, chàng Kim tới gần.
Dừng xa, khoan kéo, ơi phường!
Hình như có khách viễn phương tới nhà.
Đi qua nghe tiếng em reo,
Nghe xa em kéo, muốn đeo em về.
Đi ngang trước cửa nàng Kiều,
Dừng chân đứng lại, dặt dìu đôi câu.
Đi ngang thấy búp hoa đào,
Muốn vào mà bẻ, sợ bờ rào lắm gai!
Đồn đây là chốn Đào Nguyên,
Trăng thanh gió mát, cắm thuyền dạo chơi.
Lạ lùng anh mới tới đây,
Thấy hoa liền hái, biết cây ai trồng.
Đến đây vàng cũng như son,
Ai ai thời cũng như con một nhà.
Hát mừng, hát chào:
Khi nháy mắt, khi nhện sa
Khi chuột rích trong nhà
Khi khách kêu ngoài ngõ
Tay em đưa go đủng đỉnh
Tay em chìa khoá động đào
Bước năm lần cửa, ra chào bạn quen
Mừng rằng bạn đến chơi nhà
Cam lòng thục nữ gọi là trao tay.
Hát hỏi:
Em có chồng rồi, em nói rằng chưa
Tội riêng em đó, nỏ lừa được anh
Em chưa có chồng, em mới đến đây
Chồng rồi chiếu trải, màn vây ở nhà
Hát đố và hát đối:
Anh về chẻ lạt bó tro
Rán sành ra mỡ, em cho làm chồng.
Em về đục núi lòn qua,
Vắt (cổ) chày ra nước, thì ta làm chồng
Trai thanh xuân ngồi hàng thuốc bắc,
Gái đông sàng cảm bệnh lầu tây
Hai ta tình nặng nghĩa dày,
Đối ra đáp được, lúc này tính sao?
Đến đây hỏi khác tương phùng
Chim chi một cánh bay cùng nước non?
Tương phùng nhắn với tương tri,
Lá buồm một cánh bay đi khắp trời
Lá gì không nhánh, không ngành?
Lá gì chỉ có tay mình trao tay?
Lá thư không nhánh, không ngành,
Lá thư chỉ có tay mình trao tay.
Người Kim Mã cưỡi con ngựa vàng
Đất Phù Long rồng nổi, thì chàng đối chi?
Người Thanh Thuỷ gặp khách nước trong
Hoành sơn ngang núi, đã thoả lòng em chưa?
Nghe anh bôn tẩu bấy lâu
Nghệ An có mấy chiếc cầu hỡi anh?
Nghệ An có ba mươi sáu chiếc cầu
Phồn hoa đi lại bốn cầu mà thôi
Cầu danh, cầu lợi, cầu tài
Cầu cho đây đó làm hai giao hoà
Nhớ em nhất nhật một ngày
Đêm tơ tưởng dạ, làng rày nhớ trông
Chờ em nửa tháng ni rồi
Ôm đờn bán nguyệt, dựa ngồi cung trăng
Nghe tin anh giỏi, anh tài
Đào tiên một cõi Thiên Thai ai trồng?
Thiên thai là của nàng Kiều
Riêng chàng Kim Trọng sớm chiều vào ra.
... Và còn nhiều lắm những câu ca dao tục ngữ “Nghệ An - Hà Tĩnh”. Không phải “ngẫu nhiên” mà quê cha đất tổ của chúng ta được mang danh “địa linh nhân kiệt” với những danh nhân lẫy lừng khắp nước Việt và cả thế giới với Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Công Trứ, La Sơn Phu Tử... Rất nhiều bà con đang lưu lạc khắp bốn phương trời nhưng vẫn ước mong được trở về nơi “chôn nhau cắt rún” để tìm lại cội nguồn, để được tận mắt ngắm nhìn “Sông Lam Núi Lĩnh”, để được nghe những “tự tình dân tộc” tổ tiên tôi đã truyền lại qua nhiều thế hệ trong văn chương truyền khẩu “Ca Dao Tục Ngữ”:
Ai đi vô nơi đây xin dừng chân xứ Nghệ,
Nghe câu hò ví dặm càng lắng lại càng sâu,
Như sông Lam chảy chậm đặm bao thủa vùi sâu.
Ai ơi cà xứ Nghệ càng mặn lại càng giòn
Nước chè xanh xứ Nghệ càng chát lại càng ngon.
Tình xứ Nghệ không mau nhưng bén rồi mà sâu lắng,
Quen xứ Nghệ quen lâu càng tình sâu nghĩa nặng.
Khoai lang vàng xứ Nghệ càng nhai kỹ càng bùi,
Cam Xã Đoài xứ Nghệ càng chín lại càng thơm.
>>> Xem thêm: Từ điển thành ngữ, tục ngữ tiếng Nghệ Tĩnh hay nhất
Tác giả: SƯU TẦM
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Lười nhác hay lười nhát viết đúng? Phân biệt nhát và nhác
-
Cách phân biệt xong hay song chính xác nhất
-
Ngành hay nghành là đúng? Khi nào viết ng hay ngh?
-
Mặc khác hay mặt khác từ nào đúng chính tả tiếng Việt?
-
Sổng chuồng hay xổng chuồng? Viết sổng hay xổng là đúng chính tả?
-
Gởi hay gửi? Kính gửi hay kính gởi? Cách phân biệt gởi và gửi
-
Dời lịch hay rời lịch đúng chính tả? Cách phân biệt dời hay rời
-
7 bài thơ ngắn hay về triết lý cuộc sống của tác giả Thái Bá Tân
-
Cập nhật số điện thoại, giá cước Taxi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mới nhất
-
Chân quý hay trân quý viết đúng? Mẹo phân biệt chân hay trân
-
Xi nhê là gì? Nói không xi nhê nghĩa là sao?