Từ điển Nghệ An với các từ ù khăn, nhể, tề, rệt, nỏ, dừ
Từ điển Nghệ An rất rộng, rất nhiều, rất khác biệt tùy theo từng vùng, thậm chí từng xóm, từng xã. Ở bài viết sau Nghệ ngữ giải đáp đến bạn đọc các từ như ù khăn, nhể, tề, rệt, nả, bẹp, rờ rờ rận rận... Mời bạn đọc theo dõi nha.
1. Ù khăn tiếng Nghệ an là gì?
Trong bài viết Từ điển tiếng Nghệ An cho người ngoài tỉnh trước đây Nghệ ngữ đã giới thiệu hơn 500 từ phổ biến. Thế nhưng trên Fanpage Tiếng Nghệ, admin vẫn nhận được nhiều câu hỏi nhờ giải thích từ điển Nghệ An như: ù khăn là gì? Với bạn đọc là người Nghệ, chắc chắn nghe câu nói trên sẽ cười. Nhưng với bạn đọc ngoài tỉnh thì sẽ rất khó hiểu kiểu nói lái này đấy.
Xin thưa, "ù khăn" là một cách nói lái, nói vui, nói đùa, trêu chọc nhau của người Nghệ. "ù khăn" đọc lái ngược lại là "ăn khu", mà "khu" trong tiếng Nghệ nghĩa là "mông, đít". Vì vậy "ù khăn" là câu nói trêu nhau kiểu "mày ăn mông".
Lưu ý với bạn đọc, tính cách người Nghệ rất hay nói đùa, nói cho vui, chứ không có ác ý hay thành kiến trong kiểu nói này nha.
2. Từ điển Nghệ An nhể là gì?
Một bạn đọc khác lại hỏi, nhể tiếng Nghệ An nghĩa là gì? Có phải là nhé không? Xin thưa, "nhể" không phải là nhé đâu nha.
Vậy "nhể" nên hiểu thế nào? Hãy tham khảo một vài ngữ cảnh để hiểu rõ hơn nhé.
Ví dụ, một người Nghệ nói: Nhìn cấy bénh rán chộ nhể nác ménh. Dịch ra tiếng phổ thông: Nhìn cánh bánh rán thấy nhễ nước miếng. Như vậy "nhể" lúc này là "nhễ", chỉ là cách nói người Nghệ hay dùng lẫn lộn hai dấu này.
Hoặc trong trường hợp khác, từ "nhể" mang ý khác hoàn toàn. Ví dụ người Nghệ nói "Thằng nớ hay nhể" thì hiểu là "thằng đó hay lải nhải, không đáng tin". Lúc này "nhể" có nghĩa nói về kẻ nào lười xười, loẹt choẹt, lải nhải, dặt dẽo, vô trách nhiệm, vô nguyên tắc…
3. Tề trong tiếng Nghệ An hiểu ra sao?
Trong các bài viết trước đây, Nghệ ngữ đã giải thích từ "tề" trong tiếng Nghệ có nghĩa là "kìa". Ví dụ, "đó tề" có nghĩa "đó kìa"... Tuy nhiên, nếu chú ý bạn đọc sẽ thấy người Nghệ còn nhiều trường hợp nói chỉ mỗi từ "tề".
Ví dụ, khi nghe một chuyện gì đó, họ thở dài và nói "tề". Ý từ "tề" lúc này mang nghĩa thất vọng về một chuyện nào đó trong cuộc sống.
4. Rệt tiếng Nghệ An là gì?
Từ điển Nghệ An có vô số từ đặc biệt, và một trong số đó có từ: Rệt. Vậy rệt nên hiểu nghĩa là gì? Xin thưa, "rệt" theo nghĩa phổ thông là "đuổi". Ví dụ cụ thể như sau:
-
Hai ôông mụ nhà nớ rệt chắc = Hai vợ chồng nhà kia đuổi nhau.
-
Cun chó rệt cun ga = Con chó đuổi con gà.
-
Túi bựa qua tau rệt cho bọn nớ một trận = Tối hôm qua tao đuổi bọn kia một trận.
6. Từ điển tiếng Nghệ An nả là gì?
Nếu về xứ Nghệ, bạn đọc sẽ hay nghe "bay nả", "rứa nả". Vậy nả tiếng Nghệ An là gì? Xin thưa nả có nghĩa tương tự "ạ" thường dùng trong giao tiếp.
Ví dụ, "bây nả" có nghĩa "tụi bay ạ, tụi bay ơi". "Rứa nả" có nghĩa có nghĩa "thế ạ", "thế nha".
7. Chì tiếng Nghệ An là gì?
Để hiểu rõ chì trong tiếng Nghệ An là gì có lẽ nên bắt đầu bằng câu nói cửa miệng của người Nghệ: ngon chì chi, đẹp chì chi! Như vậy, "chì" lúc này là từ bổ nghĩa, không có nghĩa nếu đứng một mình.
Nói cách khác từ điển Nghệ An có từ "chì chi" dùng để nhấn mạnh một sự việc, con người, món ăn, cảnh đẹp... rất ưng ý. Ví dụ, ăn một tô cháo lươn ở Vinh họ sẽ thốt lên: Ngon chì chi bay nạ.
8. Nỏ mô là gì? Một từ điển Nghệ An thường gặp
Trong cuộc sống người Nghệ Tĩnh, họ hay nói "em nỏ mô", "enh nỏ mô" hoặc ngắn gọn hơn họ chỉ nói "nỏ". Vậy hai từ này có nghĩa gì?
Xin thưa, nỏ mô có nghĩa là "không đâu", một cách từ chối. "Em nỏ mô" có nghĩa "em không đồng ý đâu". Ví dụ bạn yêu một cô gái Nghệ An, bạn học cách tỏ tình bằng tiếng Nghệ, rồi cô gái ấy trả lời "em nỏ mô" thì hiểu là cô ấy từ chối. Tất nhiên, đôi khi "tình trong như đã mặt ngoài con e", nha!
9. Dừ tiếng Nghệ An là gì?
"Dừ" trong tiếng Nghệ An có nghĩa "bây giờ", "ngay lúc này". Ví dụ, khi về xứ Nghệ bạn sẽ nghe một số câu nói có từ "dừ" như sau:
-
Tau dừ đi = Tau đi ngay bây giờ.
-
Khi mô đến dừ = Từ lúc nào đến bây giờ.
-
Dừ nghị lại nghe hại = Bây giờ nghĩ lại thấy sợ.
10. Rờ rờ rận rận nghĩa là gì?
Từ điển tiếng Nghệ An có một câu nói rất hay, đó là "rờ rờ rận rận". Một số bạn đọc ngoài tỉnh, khi nghe nghe câu này liền phân tích theo kiểu "rờ" có nghĩa là "sờ", "rận" có nghĩa "con rận", nhưng phân tích vậy là sai.
Vậy khi nghe người Nghệ nói "rờ rờ rận rận nghĩa là gì"? À đây là một câu cửa miệng, người Nghệ thường nói khi để bày tỏ ý kiến từ chối, không đồng ý hoặc cho rằng một việc làm tào lao, không tốt đẹp. Ví dụ như sau: Mi lừa cun nớ à, đừng rờ rờ rận rận = Mày lừa con đó à, đừng làm tào lao.
11. Bẹp tiếng Nghệ An là gì? Hầy là gì?
Hai từ điển Nghệ An cuối cùng mà Nghệ ngữ giải thích đến bạn đọc là "bẹp", "hầy". Cụ thể hơn bạn đọc cùng tìm hiểu như sau nha.
Về từ "bẹp" trong tiếng Nghệ có 2 nghĩa. Thứ nhất, "bẹp" là tính từ để chỉ trạng thái sự vật kiểu vo tròn đập bẹp; thứ hai, "bẹp" là danh từ chỉ con gái. Trong đó, người Nghệ hay gọi con gái là "bẹp" - một cách gọi vui nhé.
Còn từ "hầy" bạn đọc sẽ thường nghe nói kiểu "rứa hầy" có nghĩa "nhé". Ví dụ "rứa hầy" có nghĩa "thế nhé".
Còn rất nhiều từ điển Nghệ An khác mà Nghệ ngữ chưa thế giới thiệu, giải thích hết trong bài viết này. Bạn đọc nếu còn thắc mắc vui lòng gửi email về toiyeunghengu@gmail.com hoặc ghé qua Youtube Tiếng Nghệ nha. Trân trọng!
>>> Xem thêm: Top 6 từ ngữ địa phương Hà Tĩnh dễ học cho bạn đọc ngoài tỉnh
Tác giả: Nghệ Ngữ
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Lười nhác hay lười nhát viết đúng? Phân biệt nhát và nhác
-
Mặc khác hay mặt khác từ nào đúng chính tả tiếng Việt?
-
Sổng chuồng hay xổng chuồng? Viết sổng hay xổng là đúng chính tả?
-
Gởi hay gửi? Kính gửi hay kính gởi? Cách phân biệt gởi và gửi
-
Viết kỹ thuật hay kĩ thuật? Cách phân biệt kĩ hay kỹ
-
Xêm xêm là gì? Viết xêm xêm hay sêm sêm mới đúng chính tả?
-
7 bài thơ ngắn hay về triết lý cuộc sống của tác giả Thái Bá Tân
-
Giòn hay dòn? Rán giòn hay dòn, giòn tan hay dòn tan?
-
Giành chiến thắng hay dành chiến thắng? Giành giải hay dành giải?
-
Cập nhật giá thuê xe 4 chỗ tại Vinh (Nghệ An) mới nhất
-
Top 7 địa chỉ cho thuê xe máy ở TP Vinh (Nghệ An) tốt nhất