Tổng hợp một vài câu tiếng Nghệ An phổ biến nhất

Thứ sáu - 11/11/2022 22:10

Thỉnh thoảng, Nghệ ngữ nhận được tin nhắn nhờ nói một vài câu tiếng Nghệ An phổ biến nhất cho bạn đọc ngoài tỉnh nghe và học tiếng Nghệ. Ở bài viết lần này Nghệ ngữ xin đáp ứng yêu cầu này với 50 câu thường gặp trong cuộc sống xứ Nghệ. Mời bạn đọc theo dõi nha!

vai cau tieng nghe an
Trấy ni trấy chì chi?

 

1. Top một vài câu tiếng Nghệ An có dùng từ răng, rứa, ri, rầy, nỏ...


Nếu tìm hiểu về tiếng Nghệ, bạn đọc sẽ thấy trong cuộc sống thường ngày người Nghệ hay nói các từ như răng, rứa, ri, rầy, nỏ... Ở phần bài viết này Nghệ ngữ sẽ giải thích rõ hơn về các từ này, đồng thời đưa ra ví dụ một vài câu tiếng Nghệ An có sử dụng kèm theo dịch tiếng phổ thông.
 

1.1. Răng tiếng Nghệ An là gì?


"Răng" trong tiếng Nghệ An có nghĩa là "sao", "sao thế". Ví dụ một số câu thường dùng có từ này như sau:
  • Ri là răng mi = Thế này là sao mày?

  • Răng con nỏ nghe lời mệ = Sao con không nghe lời mẹ?

  • Răng rứa enh hè = Sao thế vậy anh?

 

1.2. Rứa tiếng nghệ an là gì


Cùng với từ "răng", "rứa" cũng xuất hiện khá nhiều trong từ điển tiếng Nghệ. Vậy rứa có nghĩa là gì? Xin thưa, trong tiếng Nghệ Tĩnh "rứa" có nghịa là "vậy", "thế". Dưới đây là một vài câu tiếng Nghệ có dùng từ này.
  • Rứa mi đi nhởi với o nớ chưa = Vậy mày đi chơi cô ấy chưa?

  • Rứa hổng = Vậy à/ thế à.

  • Kệ rứa i = Kệ vậy đi / mặc vậy đi.

Lưu ý với bạn đọc, trong tiếng Nghệ nếu từ "rửa" (dùng dấu hỏi) thì là động từ, thể hiện động tác rửa ráy sạch sẽ (ví dụ rửa rau, rửa cẳng...).
 

cau tieng nghe an
Cạu cá rô ngon hầy!

 

1.3. Ri tiếng Nghệ An là gì? Một vài câu tiếng Nghệ An có từ ri

 

"Ri" trong tiếng Nghệ có nghĩa là "thế này". Dưới đây là một vài câu mà người Nghệ thường dùng từ ri:

  • A ri mi nì = Thế này mày nè

  • Mi mần ăn a ri đó = Mày làm ăn thế này đó 

Lưu ý: Trong một vài trường hợp, từ ri trong tiếng Nghệ còn có nghĩa là "rừng". Ví dụ nếu bạn nghe người Nghệ nói "lợn ri" có nghĩa là "con heo rừng / lợn rừng". 
 

>>> Xem thêm: Top 35+ tiếng địa phương Nghệ An phổ biến nhất
 

1.4. Rầy tiếng Nghệ An là gì?


Rầy trong tiếng Nghệ là một tính từ, có nghĩa theo tiếng phổ thông là "xấu hổ". Một vài câu trong tiếng Nghệ có dùng từ rầy như sau:

  • Mi mần tau rầy chết i được = Mày làm tao xấu hổ đến chết đi thôi.

  • Tau nghe rầy mi nạ = Tao thấy xấu hổ mày ạ

Ngoài ra, người Nghệ còn hay dùng từ "bây rầy" có nghĩa "làm không tốt", "làm lung tung". Ví dụ họ nói "bay đừng cò bây rầy i nựa" có nghĩa "tụi bay đừng có làm lung tung nữa".
 

1.5. Nỏ biết là gì? Một vài câu người Nghệ thường nói


Nỏ trong tiếng Nghệ có nghĩa là "không", nỏ biết có nghĩa là "không biết", "chẳng biết". Trong cuộc sống người Nghệ, đây là câu thường dùng nhiều nhất, ví dụ như sau:

  • Mềnh nỏ biết ung nạ = Mình không biết bạn ạ

  • Em nỏ biết chi cả = Em chẳng biết gì cả

 

2. Tổng hợp một vài câu tiếng Nghệ An có dùng từ cây, hấn, ni, trục cúi...


Trên thực tế, nếu chỉ dùng một vài câu tiếng Nghệ An để nói hết, hiểu hết tiếng Nghệ là điều không thể. Nhưng những câu dưới đây chỉ mang tính minh họa, giúp bạn đọc ngoài tỉnh hiểu một phần nào đó trong sự đa dạng của tiếng Nghệ mà thôi.
 

2.1. Cấy tiếng Nghệ An là gì?


Cấy trong tiếng Nghệ có hai nghĩa. Thứ nhất, cấy có nghĩa là "cái", còn nghĩa thứ hai cấy có nghĩa là "giống cái". Nghệ ngữ gợi ý một vài câu thường dùng từ này để bạn đọc phân biệt nhé.
 

  • Lấy cho mệ cấy máy điện thoại với con = Lấy cho mẹ cái máy điện thoại với con.

  • Mang cho cha cấy cày ra đồông = Mang cho cha cái cày ra đồng.

  • Nhìn cun ròi bay qua choa biết cun đực hay cun cấy = Nhìn con ruồi bay qua bọn tao biết con đực hay con cái.

  • Nhà choa mới mua cun tru cấy = Nhà bọn tao mới mua con trâu cái.

    cau tieng nghe
    Khoai chấm mói lạc.

     

2.2. Hấn tiếng Nghệ An là gì?


Hấn trong tiếng Nghệ có nghĩa là "hắn", "họ" - tức ngôi thứ ba trong xưng hô, giao tiếp. Ví dụ một vài câu tiếng Nghệ An có dùng từ này như sau:

  • Hấn mần như ẻ = Hắn làm không ra gì

  • Bọn hấn nhởi nhớp = Bọn họ chơi bẩn

  • Bựa qua choa đập cho hấn một trận = Hôm qua bọn tao đánh cho hắn một trận.


>>>Xem thêm: Top 50 từ điển tiếng Nghệ Tĩnh khó nghe, khó hiểu nhất
 

2.3. Ni tiếng Nghệ An là gì?


Trong tiếng Nghệ An và Hà Tĩnh, ni có nghĩa là "này", "nay". Dưới đây là một vài câu có dùng từ ni trong tiếng Nghệ để bạn đọc hiểu rõ hơn.

  • Đêm ni nhít định tau đến nhà em nớ = Đêm này nhất định tao đến nhà em đó.
     

2.4. Trục cúi là gì? Cái cươi là gì?


Một vài bạn đọc hỏi, người Nghệ hay nói "trục cúi" vậy có nghĩa là gì? Xin thưa, trục cúi chính "cái đầu gối" đó. Ví dụ họ nói: Đau trục cúi = đau đầu gối.

Còn cái cươi chính là "cái sân" trước nhà nhé. Đây là một trong những danh từ phổ biến, dùng từ xưa đến nay ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ví dụ họ nói "cun Hoa ra quét cho mệ cấy cấy cươi = Con Hoa ra quét cho mẹ cái sân".

 

2.5. Chi tiếng Nghệ An là gì?


Chi trong tiếng Nghệ có nghĩa là "gì". Người Nghệ hay nói "chì chi" có nghĩa là "gì thế". Một vài câu tiếng Nghệ An có dùng từ này như sau:

  • Mi mần chi a ri = Mày làm gì thế hả?

  • Chì chi ri mi hè = Gì thế vậy mày?

Lưu ý, trong một vài trường hợp người Nghệ còn nói "ngon chì chi", "đẹp chì chi" có nghĩa là khen ngợi "rất ngon", "rất đẹp" nha.

một vài câu tiếng Nghệ An
Bạn thử nói một vài câu bằng tiếng Nghệ đi?

 

3. Giải nghĩa một vài câu tiếng Nghệ phổ biến


Dưới đây là một vài câu tiếng Nghệ An mà Nghệ ngữ nhận được nhờ giải đáp nghĩa theo tiếng phổ thông.

Cấy chi rứa là gì?

Giải đáp: Đây là một câu hỏi quen thuộc "cấy chi rứa" có nghĩa là "cái gì thế", "chuyện gì thế". Ví dụ nghe tiếng ai quát tháo đâu đó, người Nghệ sẽ hỏi "cấy chi rứa hè" thì có nghĩa "chuyện gì thế nhỉ?".

Ao ni su ri


Giải đáp: Có nghĩa "ao này sâu thế".

O ni du ai là gì?


Giải đáp: Có nghĩa cô này là con dâu nhà ai? Một câu hỏi thường thấy trong cuộc sống người Nghệ.

Mô rứa hầy là gì?


Giải đáp: Có nghĩa đâu thế nhỉ. Người Nghệ hay hỏi "mi đi mô rứa hầy" có nghĩa là "mày đi đâu thế?"

Nỏ chộ là gì?


Giải đáp: Nỏ chộ = chẳng thấy. Ví dụ "tau nỏ chộ chi cả" có nghĩa "tao chẳng thấy gì cả".

Cọt tiếng Nghệ An là gì?


Giải đáp: Cọt có nghĩa là gầy. Một số vùng còn dùng từ "tóm" cũng có nghĩa gầy. Ví dụ " thằng ni cọt mại i hè" có nghĩa "thằng này gầy mãi/ không chịu lớn thế nhỉ".

Ở trên là một vài câu tiếng Nghệ An phổ biến mà Nghệ ngữ xin giải đáp đến bạn đọc. Nếu bạn đọc còn thắc mắc nào khác xin gửi email về toiyeunghengu@gmail.com hoặc nhắn tin qua Fanpage Tiếng Nghệ nhé.

>>> Xem thêm: Top 50 câu thả thính bằng tiếng Nghệ An dịch tiếng phổ thông

 

Tổng hợp bởi www.nghengu.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây