Hỏi đáp tiếng Nghệ: xắt mấn, trấn mấn, khu mấn là gì?
Trong tiếng Nghệ có 3 từ đều dùng từ "mấn": Xắt mấn, trấn mấn, khu mấn. Điều thú vị, cả 3 từ này xuất hiện khá nhiều trong giao tiếp hằng ngày, trở thành câu cửa miệng của người dân xứ Nghệ. Vậy nghĩa đằng sau những từ này nên hiểu như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau.
1. Xắt mấn nghĩa là gì?
Nếu bạn về miền quê xứ Nghệ, hẳn sẽ được nghe những câu có từ "xắt mấn". Ví dụ, người Nghệ sẽ nói "mi là cấy đồ xắt mấn", "mi đi xắt mấn ở mô mà lâu rứa"... Vậy xắt mấn nên hiểu nghĩa là gì? Xin thưa, trong tiếng Nghệ, "xắt" là "giặt" (trong giặt quần áo), "mấn" là "váy", nên "xắt mấn" nghĩa là "giặt váy".
Để hiểu rõ hơn về "xắt mấn" có lẽ chúng ta nên tìm về cuộc sống người Nghệ thời xưa. Lúc đó họ giặt quần áo bằng cách lấy cây dài để đập vào quần áo, động tác như chặt, như xắt thịt nên gọi là "xắt đồ" (hiện tại người Nghệ vẫn nói "xắt đồ" thay vì giặt quần áo).
Còn về nghĩa bóng, "xắt mấn" là cách để nói về người hậu đậu, vô tích sự, không được việc. Ví dụ nói "mi là đồ xắt mấn" thì hiểu "mày là đồ hậu đậu, vô tích sự". Hoặc nếu nghe nói "mi đi xắt mấn ở mô mà lâu rứa" thì hiểu trạng thái chờ đợi sốt ruột, đâm ra bực mình nên buông câu "xắt mấn" để nói "sao làm gì mà lâu về thế".
Bạn đọc cũng có thể hiểu thêm nghĩa bóng từ xắt mấn qua bài thơ Xắt mấn nghĩa là chi của bác Nguyễn Quế nhé.
2. Trấn mấn là chi?
Cũng từ "mấn", nhưng người Nghệ còn dùng câu "béo như con trấn mấn" để chỉ sự béo tròn, mập mạp của ai đó hoặc con vật nào đó. Con trấn trong tiếng Nghệ là con rận, còn "mấn" thì nghĩa là "váy", lúc này "trấn mấn" có thể hiểu là "rận sống trong váy".
Như vậy, béo như con trấn mấn đơn giản là một cách ví von hài hước, dí dỏm của người Nghệ. Tuy nhiên, theo tác giả Lại Huyền Châu trong bài thơ Trấn mấn là chi tác giả nêu ra một nghĩa khác như sau:
Chuyện rằng xưa lũ rận
Núp váy mụ tiện dân
Hút máu béo trần trân
Dân tui kêu trấn mấn.
Sống bám và ăn bẩn
Tham lam tranh cướp nhau
Ầm ĩ, nát nhĩ nhàu
Nỏ con mô thắng cả.
Lo tranh dành cãi vã
Mồm mỏi bụng đói meo
Chúng mới ngoắc tay nghoèo
Không tranh giành đấu đá
Ừ thì không cãi vã
Mỗi khúc mấn một thằng
Đấm đá cại chắc hăng
Tiện dân mụ trụng mấn
Nước sôi thì chết rận
Câm mồm chớ ồn ào
Khu vực mấn thằng nào
Thì cứ lo mà chiến
No căng máu dân tiện
Trấn mấn cứ sinh sôi
Con cháu đủ bầy lôi
Cấu kết thành bè đảng
Lợi ích và lập nhóm
Máu me hút thoả thuê
Trấn mấn hút say mê
Mụ tiện dân ốm yếu
Mãn tính vì máu thiếu
Ốm đau cứ dật dờ
Mụ sống đến bây giờ
Nhưng chỉ nuôi trấn mấn.
3. Quả khu mấn là gì?
Rất nhiều bạn đọc ngoài tỉnh nghĩ rằng trên đời này có "quả khu mấn". Thực ra, đây không phải là tên một loại quả mà chỉ là một tiếng lóng của người Nghệ.
"Khu mấn" xét về nghĩa phổ thông là khu nghĩa là mông, mấn là váy. Nhưng theo cách nói của người Nghệ để nói về ý nghĩa giá trị việc làm và thái độ với đối tượng không cảm tình. Bên cạnh đó, từ "khu mấn" nhiều khi cũng mang ý nghĩa chỉ "nghèo", "không có cái gì đó"
Ví dụ:
A: Nghe bảo em đó đẹp lắm
B: Đẹp cái khu mấn (có nghĩa là không đẹp)
A: Cậu mới trúng số phải không?
B: Trúng cái khu mấn (ý nói không trúng)
Tùy từng trường hợp và ngữ cảnh mà từ "khu mấn" sẽ có những nghĩa khác nhau, tuy nhiên tựu trung lại thì từ này thường được dùng để chỉ các ý nghĩa sau: Ý nghĩa không tốt, không thích, không có cảm tình, không có giá trị. Hoặc, chỉ nghèo, không có thứ gì đó, không.
Như vậy, trong tiếng Nghệ "mấn" là "váy", nhưng tùy từng trường hợp mà mang nghĩa bóng khác nhau. Bạn đọc nếu còn thắc mắc vui lòng nhắn tin qua Fanpage Tiếng Nghệ nhé.
>>>Xem thêm: Tiếng Nghệ Tĩnh: Trôốc tru, khu mấn nghĩa là chi?
Tác giả: Nghệ Ngữ
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Làm lốt hay nốt, xin lốt hay nốt đúng chính tả?
-
Méc hay mét khác nhau thế nào? Méc mẹ hay mét mẹ?
-
Viết kỹ càng hay kĩ càng? Nên viết i ngắn hay y dài hay hơn?
-
Tí hay tý? Tí nữa hay tý nữa? Tí xíu hay tý xíu viết đúng?
-
Xì xụp hay sì sụp đúng? Khi nào dùng sì sụp hoặc xì xụp?
-
Lãng tử là gì? Người lãng tử là người như thế nào?
-
Sà xuống hay xà xuống? Sà vào lòng hay xà vào lòng?
-
Tai vách mạch dừng hay tai vách mạch rừng mới đúng?
-
Không nói lên lời hay nên lời? Thốt lên lời hay thốt nên lời?
-
Già dơ hay già rơ mới là từ đúng chính tả?
-
Ráng lên hay rán lên? Ráng chịu hay rán chịu đúng?