Những câu nói của người Nghệ An Hà Tĩnh thú vị nhất
Tiếng Nghệ thú vị và ngọt ngào - một bạn đọc ngoài tỉnh đã nhận xét như thế. Thú vị như thế nào? ngọt ngào ra sao? Mời bạn đọc xem những câu nói của người Nghệ An Hà Tĩnh sau đây để biết nhé!
1. Top những câu nói của người Nghệ An Hà Tĩnh hay nhất
Những câu nói của người Nghệ An Hà Tĩnh luôn gây "khó khăn" cho người ngoài tỉnh. Do lối nói nhanh, sử dụng nhiều thổ ngữ nên nhiều bạn đọc ví tiếng Nghệ nghe "như hát". Dưới đây là một số câu nói như thế!
1.1. Mô rú mô khe mô nỏ chộ. Mô rào mô bể chộ mô mồ!
Dịch: Đâu rừng, đâu khe, đâu không thấy. Đâu sông, đâu biển, thấy đâu nào!
Bàn thêm: Trong câu toàn tiếng Nghệ này, bạn đọc sẽ bắt gặp nhiều từ tiếng Nghệ phổ biến như: Mô, mồ, nỏ chộ... Theo đó, từ "mô" ở đây có nghĩa là "đâu" (ví dụ người Nghệ hay hỏi "đi mô" - đi đâu), từ "mồ" có nghĩa là "nào", còn "nỏ chộ" có nghĩa "không thấy", "chẳng thấy".
Những từ này còn có thêm những nghĩa khác ở các ngữ cảnh khác. Bạn đọc có thể tìm đọc ở chuyên mục Hỏi đáp tiếng Nghệ nhé.
1.2. Mi răng mà ngu như trốôc tru như rứa, có rứa mà cụng khung hiểu.
Dịch: Mày sao mà ngốc như đầu trâu thế, có thế mà cũng không hiểu.
Bàn thêm: Trong câu nói của người Nghệ Tĩnh này bạn đọc sẽ bắt gặp một số từ như: Trốôc tru, rứa, răng... Đây cũng là những từ dùng cho, rất phổ biến trong giao tiếp hằng ngày của người Nghệ.
Cũng xin lưu ý thêm với bạn đọc, câu nói trên không hẳn là câu chửi trong tiếng Nghệ nha. Tùy vào ngữ cảnh mà câu nói đó là một câu nói vui, hàm ý trêu đùa nhau mà thôi. Ví dụ người Nghệ hay nói "đồ trốôc tru" để chỉ ai đó nói mãi mà chẳng hiểu....
1.3. Cấy đồ quẹt khu, nỏ mần chi nên hồn
Dịch: Cái đồ bỏ đi, chẳng làm gì nên hồn.
Bàn thêm: Trong những câu nói của người Nghệ An Hà Tĩnh thì câu nói này khó hiểu và dễ bị hiểu nhầm nhiều nhất. Đặc biệt là từ quẹt khu trong tiếng Nghệ.
Như Nghệ ngữ đã nhiều lần giải thích, quẹt khu không chỉ mang nghĩa đen mà còn mang nghĩa bóng, thể hiện tính cách thẳng thắn, có sao nói vậy của người Nghệ. Chính vì thế, nếu nghe người Nghệ Tĩnh nói "đồ quẹt khu" bạn đọc cũng đừng vội xem đây là cách nói thô nhé.
1.4. Bựa nớ đi ngoài cươi bấp cấy cẳng bổ trợt trúc cúi, mai đi mần không đặng.
Dịch: Bữa đó đi ngoài sân vấp ngã chầy đầu gối, mai đi làm không được.
Bàn thêm: Nhiều bạn đọc hỏi cái cươi là gì? Trục cúi là chi? Thì trong câu nói này đã giải thích đầy đủ nhé. Cái cươi chính là khoảng sân trước nhà, còn trục cúi là đầu gối (có nơi nói thành "trúc cúi").
"Cươi", "trục cúi", "bấp", "cẳng"... chính là những từ tiếng Nghệ phổ biến nhất mà bạn đọc ngoài tỉnh cần học trước khi về xứ Nghệ nha.
1.5. Quê choa nói rứa đó, bọn bây dịch chi thì dịch đi hè.
Dịch: Quê hương bọn tao nói thế đó, bọn mày dịch gì thì dịch đi nhé.
Bàn thêm: Quê cho là từ tiếng Nghệ thể hiện sự tự hào của người Nghệ. Người Nghệ hay nói "choa" như một cách nói trìu mến, thân thương. Ngoài quê choa, thì người Nghệ thường nói: Bọn choa, nhà choa, cha choa, ngài nhà choa...
2. Những câu nói của người Nghệ Tĩnh với các từ: Sọi, nhởi, nỏ, ngá, rầy...
Một bạn đọc gửi email nhờ Nghệ ngữ tổng hợp những câu nói của người Nghệ An Hà Tĩnh có các từ như sọi, rầy, ngá... Dưới đây là những câu nói như thế, mời bạn đọc tham khảo nhé.
2.1. Nhìn chị nớ rành sọi mà mại chưa lấy nhông hầy!
Dịch: Nhìn chị kia đẹp thế mà mãi chưa lấy chồng nhỉ!
Bàn thêm: Sọi là một tính từ rất đẹp trong tiếng Nghệ. Hiểu theo nghĩa chung, từ sọi trong tiếng Nghệ có thể hiểu là "đẹp", "tốt", "chất lượng cao"... Ngoài dùng để ví người, thì từ sọi còn được dùng để nói lúa, gạo, ngô...
Với người, khi nói "chị nớ rành sọi" thì bạn đọc nên hiểu là chị đó đẹp cả người lẫn nết nhé. Nếu chỉ đẹp người, không đẹp nết thì người Nghệ không dùng từ sọi đâu nha.
2.2. Dừ mi ở chộ mô rứa? Rảnh sang tau nhởi.
Dịch: Bây giờ mày ở chỗ nào thế? Rảnh sang nhà tao chơi!
Bàn thêm: Trong câu nói của những người Nghệ này có các từ tiếng Nghệ thú vị như: Dừ, chộ mô, rứa, nhởi... Theo đó lần lượt nghĩa của các từ này là: Bây giờ, chỗ nào, thế, chơi... Bạn đọc ngoài tỉnh cũng lưu ý rằng đây đều là những từ sử dụng rất nhiều trong giao tiếp của người Nghệ nha.
2.3. Tau ngá lưng, mi khải cho tau cấy.
Dịch: Tao ngứa lưng, mày gãi cho tao cái!
Bàn thêm: Trong những câu nói của người Nghệ An Hà Tĩnh hằng ngày thì từ "ngá", "khải", "cấy" được dùng rất nhiều. Một điều thú vị, dù bây giờ nhiều người biết tiếng phổ thông, kể cả giới trẻ đi học trong Nam ngoài Bắc, nhưng họ vẫn nói "ngá" thay vì ngứa, "cấy" thay vì "cái".
Tất nhiên, tùy theo ngữ cảnh mà một số từ như từ cấy trong tiếng Nghệ mang nghĩa khác nữa. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm ở bài viết trước của Nghệ ngữ nha.
2.4. Cấy đồ khu mấn, cẩn thận tau đập cho đó!
Dịch: Cái thứ không ra gì, cẩn thận tao đánh cho đó.
Bàn thêm: Người Nghệ Tĩnh thẳng thắn, bộc trực, có lẽ chính vì thế mà ngôn ngữ người Nghệ rất đặc biệt. Ví dụ, khi họ giận, họ nói bằng những từ ngữ địa phương thể hiện cảm xúc mạnh mẽ như xắt mấn, khu mấn...
2.5. O ni du ai?
Dịch: Cô này dâu nhà ai?
Bàn thêm: O ni du ai là câu cửa miệng của người Nghệ để hỏi một người lạ mặt khi về làm dâu xứ Nghệ. O trong tiếng Nghệ là để chỉ người con gái nói chung, còn "du" có nghĩa là "dâu, con dâu". Nếu bạn đọc chuẩn bị về làm dâu xứ Nghệ nên học câu nói này nhé.
Ở trên là những câu nói của người Nghệ An Hà Tĩnh mà bạn đọc thường gặp trong giao tiếp với người Nghệ. Ở các bài viết sau Nghệ ngữ sẽ tiếp tục cập nhật tới bạn đọc những câu nói khác nhé. Bạn đọc nếu còn thắc mắc vui lòng nhắn tin qua Fanpage Tiếng Nghệ nha.
Tổng hợp bởi Nghengu.vn
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Làm lốt hay nốt, xin lốt hay nốt đúng chính tả?
-
Viết cái hủ hay cái hũ đúng? Phân biệt hủ hay hũ chi tiết
-
Không nỗi hay không nổi viết đúng? Mẹo phân biệt nỗi hay nổi
-
Méc hay mét khác nhau thế nào? Méc mẹ hay mét mẹ?