Top 8 những câu nói tiếng Nghệ An cơ bản cho người ngoài tỉnh
Những câu nói tiếng Nghệ An như "nỏ", "choa", "nhởi", "bựa"... vốn rất quen thuộc với người xứ Nghệ, nhưng với những người ngoài tỉnh thì nghe như "ngoại ngữ". Trong bài viết sau Nghệ ngữ sẽ giải thích chi tiết những câu nói này tới bạn đọc.
Những câu nói tiếng Nghệ An cơ bản nhất
Từ khi Nghệ ngữ ra mắt bạn đọc đến nay, admin nhận được rất nhiều email, tin nhắn hỏi về "cách học tiếng Nghệ". Đa số những người hỏi là ở ngoài tỉnh, có nhu cầu gặp gỡ, hoặc "mần du, mần rể" xứ Nghệ... Dươi đây là một số câu nói tiếng Nghệ An mà Nghệ ngữ thường nhận được.
1. Nỏ tiếng Nghệ An là gì
"Nỏ" trong tiếng Nghệ có nghĩa là "không" - thể hiện một cách từ chối.
Ví dụ người Nghệ hay nói "tau nỏ ăn" thì có nghĩa "tao không ăn". Hay "em nỏ yêu" có nghĩa "em không yêu". Hoặc tùy vào ngữ cảnh mà người Nghệ chỉ nói "nỏ" mà không đi kèm câu nào khác cũng để thể hiện cách từ chối.
2. Choa tiếng Nghệ An là gì
Trong tiếng Nghệ hay có cụm từ xưng hô "bọn choa", "nhà choa", "quê choa"... Vậy choa có nghĩa là gì?
Choa lúc này có nghĩa là "chúng tôi". Ví dụ "quê choa" có nghĩa "quê chúng tôi" - nhưng cần hiểu là với người Nghệ nói "choa" là một cách nói tự hào, đầy kiêu hãnh. Họ sẽ không nói "quê chúng tôi là...", mà sẽ nói "quê choa".
3. Nhởi tiếng Nghệ An là gì
"Nhởi" có nghĩa là "chơi" trong tiếng Nghệ Tĩnh.
Ví dụ người Nghệ hay nói "đi nhởi" thì hiểu là "đi chơi" nhé.
4. Anh yêu em tiếng Nghệ An nói thế nào?
Rất bất ngờ khi câu hỏi này trở thành một trong những câu nói tiếng Nghệ An được hỏi nhiều nhất. Đa số bạn đọc là nam giới ở các tỉnh thành khác "lỡ yêu thầm" con gái xứ Nghệ, nên muốn học tiếng Nghệ để gây ấn tượng.
Câu trả lời rất đơn giản, anh yêu em tiếng Nghệ An nói là "eng yêu em". Ngược lại, nếu muốn nói em yêu anh trong tiếng Nghệ thì nói "em yêu eng" là được nha.
5. Bựa tiếng Nghệ An nên hiểu sao
Nếu trong tiếng phổ thông, "bựa" là một tính từ, thể hiện một điều gì đó không tốt, không đúng chuẩn mực (ví dụ, hắn bựa quá). Thì ngược lại, trong tiếng Nghệ "bựa" có nghĩa là "bữa".
Ví dụ, "bựa cơm" có nghĩa "bữa cơm". Hay "được một bựa ăn ngon mồm" thì hiểu là "được một bữa ăn ngon miệng".
Điều này do đặc trưng trong cách nói tiếng Nghệ, người Nghệ hay dùng dấu nặng thay cho dấu ngã.
6. Chộ tiếng Nghệ An là gì
"Chộ" tiếng Nghệ An có nghĩa là "thấy", "trông thấy".
Ví dụ người Nghệ nói: "em chộ eng đi đầu ngái lại" thì có nghĩa "em thấy anh đi đầu xa lại".
7. Không tiếng Nghệ An là gì
Để nói không, người Nghệ sẽ dùng từ "nỏ" như giải thích ở trên. Hoặc một số vùng miền, người Nghệ nói "khung" thay cho không.
Ví dụ "tau khung cần mi nựa mô" thì hiểu là "tao không cần mày nữa đâu".
8. Mần tiếng Nghệ An là gì
“Mần” là phương ngữ, nếu “quy đổi” ra tiếng phổ thông thì nghĩa tương đương của nó là “làm”. Tuy nhiên, mần không chỉ mang mỗi cái nghĩa làm thông thường mà nó nhiều hơn, rộng hơn thế. Nôm na là phải dùng chữ mần thì mới đủ đặm, đủ công lực, dùng chữ mần mới đã! Chữ mần gắn với người Nghệ đã đành nhưng hơn thế, chữ mần còn ẩn chứa trong đó tính cách người Nghệ.
>>> Xem thêm: Chữ "mần" trong tiếng Nghệ hiểu sao cho đúng?
Học những câu nói tiếng Nghệ An qua thơ
Ngoài những câu nói tiếng Nghệ An cơ bản ở trên, bạn đọc cũng có thể học tiếng Nghệ qua thơ nhé. Dưới đây là một ví dụ của một người Nghệ là Phan Quang Phóng.
Em về xứ Nghệ làm du
Bỡ ngỡ từ những buổi đầu mới quen
Nhọc nhằn từ cách gọi tên
Phát âm từng chữ đầu tiên ngượng ngùng.
Gấy nhông thay tiếng vợ chồng
Núi thời gọi rú, còn sông gọi rào,
Chọt thì có nghĩa bới, đào
Làm - mần, chộ - thấy, mồ - nào, mô - đâu.
Bộng - lỗ, nỏ - không, su sâu
Chi - gì, rứa - thế, trốc - đầu, chạc - dây
Hấn - hắn, nác - nước, cơn - cây
Đài - gầu, truột - tuột, mi -mày, tau - tao.
Đàng - đường, chủi - chổi, răng - sao
Chí - chấy, gúi - gối, vô - vào, giun - chun
Mấn - váy, khu - đít, khun - khôn
Gưn - gần, hột - hạt, lưa - còn, ngái - xa.
Rọt - ruột, khải - gãi, ga - gà
Mệ đây là mẹ, tra - già nhé em,
Coi thì ý nói là xem
Đập đây là đánh, sèm - thèm, tru - trâu.
Con du ý nói con dâu
Dam - cua, trắn - rắn, trốc - đầu, sưa - thưa
Tán gái thì gọi là cưa
Đưng - đang, đọi - bát, vừa vưa - khá nhiều.
Trật triều có nghĩa rất chiều
Cả nhả ý nói có nhiều em ơi!
Bứt - hái, nhứt - nhất, nảy - rơi
Dạch - dành, dắc - dắt, nhởi - chơi, nốc - thuyền.
Trự bạc ý nói đồng tiền
Gọi ả biết chị, o liền biết cô
Một cân thì bảo một lô
Ngong - nhìn, ló - lúa, ra rồ - phát điên.
Ròi - ruồi, mọi - muội đó em
Vợ chú, vợ cụ gọi kèm mự luôn
Nhao nhác đồng nghĩa với ồn
Khun đây ý nói là khôn đó mà.
Kệ nậy - người lớn em à!
Rầy là xấu hổ, troạng là thủng thôi
Choa thì có nghĩa bọn tôi
Bây thì ngược lại đi đôi bọn mày.
Chục ục ý nói rất dày
Rọng là ruộng lúa, còn rầy - thẹn nha
Quả bầu thì gọi bù ta
Bầu đỏ - bù rợ, bí là trấy bim.
Còn nhiều, nhiều lắm đó em
Cá tràu, cá gáy còn thêm dam kềnh
Cấy oi, chủi trện quê mình
Ruốc hôi, thu đủ, chình ình nữa cơ.
Nhưng mà không tiện vào thơ
Để em tự hiểu vì giờ là dâu
Cứ hỏi khu mấn trái đâu
Giờ thì đã biết... còn lâu... bị lừa.
>>> Xem thêm: Học tiếng Nghệ An Hà Tĩnh qua 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết
Tổng hợp bởi Nghengu.vn
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Làm lốt hay nốt, xin lốt hay nốt đúng chính tả?
-
Viết cái hủ hay cái hũ đúng? Phân biệt hủ hay hũ chi tiết
-
Không nỗi hay không nổi viết đúng? Mẹo phân biệt nỗi hay nổi
-
Méc hay mét khác nhau thế nào? Méc mẹ hay mét mẹ?