Học tiếng Nghệ An Hà Tĩnh với những từ phổ biến nhất (phần 2)

Chủ nhật - 17/04/2022 22:09

Trong bài viết Top 100 từ tiếng Nghệ An dịch ra tiếng phổ thông (phần 1) Nghệ ngữ đã giới thiệu đến bạn đọc các từ tiếng Nghệ vần A, B, C, D. Ở bài viết lần này, BBT sẽ cập nhật và giới thiệu đến bạn dọc cách học tiếng Nghệ An Hà Tĩnh vần E - G - H - I - K - L - M - N nhé!

Học tiếng Nghệ An Hà Tĩnh
Tiếng Nghệ sâu nặng nghĩa tình như con người nơi đây. Ảnh: Quốc Đàn


1. Học tiếng Nghệ An Hà Tĩnh qua vần E, Ê, G

Rất nhiều bạn đọc ở các tỉnh miền Nam, miền Bắc email về Nghệ ngữ thắc mắc về cách học tiếng Nghệ An Hà Tĩnh. Những lần đó, BBT đều cố gắng giải thích rằng, với tiếng Nghệ còn tùy từng vùng và từng cách nói, từng ngữ cảnh mà có nghĩa khác nhau. Đôi khi việc ghi ra chữ cũng khác nghĩa với người dân xứ Nghệ khi nói, đó là chưa kể một số khó khăn khác trong quá trình học tiếng địa phương này.

Ở các bài viết trên Nghệ ngữ, BBT chỉ cố gắng đưa ra những ví dụ cơ bản nhất, phổ thông nhất để bạn đọc tra như... tra từ điển. Còn các trường hợp cụ thể bạn đọc có thể email về toiyeunghengu@gmail.com để BBT giải đáp kỹ càng hơn nhé. Còn bây giờ, chúng ta vào giờ học tiếng Nghệ nha!

  • Eng/ Enh: Anh

Trong tiếng Nghệ từ "eng/ enh" phổ biến nhất. Từ này dùng để xưng hô thay từ "anh" trong tiếng phổ thông. Ví dụ người Nghệ sẽ gọi "eng ơi sang uống nác" thì có nghĩa "anh ơi qua uống nước" nha.

  • Ẻ: ỉa

Trong tiếng Nghệ Tĩnh, việc đi đại tiện họ gọi là "ẻ". Từ này cũng được dùng rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày của người Nghệ. Ví dụ, người Nghệ hay nói "tau ẻ vô" để thể hiện một thái độ không đồng tình. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết về "quẹt khu và ẻ vô" trong tiếng Nghệ nha.

  • Éch: ách cày

Đây là một dụng cụ làm nông của người Nghệ, gắn với chiếc cày. Éch dùng để quàng vào cổ con trâu để kéo cày. Ngày nay, do nông nghiệp hiện đại hơn, cày máy nhiều hơn nên bạn đọc có thể sẽ rất ít thấy vật dụng này. Trong cuộc sống người Nghệ hay nói "Éch trửa đàng quàng vô cổ".

  • Ga: con gà

Người Nghệ Tĩnh gọi con gà là "cân ga/ con ga". Tuy nhiên bạn đọc cũng nên hiểu ngày nay "ga" ở xứ Nghệ cũng có nghĩa là khí ga/ bếp ga nữa nha. Trong thơ Nguyễn Bùi Vợi từng có câu nổi tiếng: Răng chưa sang nhởi nhà choa/ Bà o đạ nhốt con ga troong truồng.

  • Gại/ khải: Gãi ngứa

Đây là một động từ thể hiện hành động "gãi ngứa". Ví dụ người Nghệ nói "gại/ khải nhằm lộ ngá" thì bạn đọc cần hiểu "gãi đúng chỗ ngứa" nhé.

  • Gắt: Gặt

Một động từ khi làm việc đồng áng. Người Nghệ hay nói "gắt ló" thì có nghĩa là "gặt lúa"

  • Gấy: vợ

Trong tiếng Nghệ Tĩnh, vợ gọi là "gấy", chồng gọi là "nhông". 

Anh về cứ việc rèo bò
Râu tóc chưa đủ chưa ra trò gấy nhông

  • Gin/ gưn: Gần

Tùy từng vùng địa phương ở Nghệ An và Hà Tĩnh mà người dân có thể nói gin hoặc gưn. Nhưng cả hai đều có nghĩa là "gần". Ví dụ họ hay hỏi "nhà mi cách nhà cân nớ có gin khung?" thì có nghĩa "nhà mày cách nhà con đó có gần không".

  • Giôống: giống

Nếu bạn đọc nghe nói "bay giốông chắc hè" thì nên hiểu "tụi mày giống nhau thế". Tương tự, người Nghệ gọi "ôông" thay cho "ông".

  • Giự: giữ

Đánh giặc giự vua, làm mùa giự giôống

  • Gọ: Gõ

Một biến âm của gõ. Ví dụ người Nghệ Tĩnh hay nói "gọ cựa " thì có nghĩa "gõ cửa".

  • Gộ: gỗ

Gộ chợ Mọ, bò chợ Si

  • Gụ: con gấu

Cười như gụ say mật oong
 

lang que
Con trâu thì gọi cân tru.


2. Cùng học tiếng Nghệ Tĩnh qua vần H, I, K

Việc học tiếng Nghệ An Hà Tĩnh có thể nói là... rất khó. Vì thực tế giọng Nghệ rất khó nghe, người vùng này qua vùng kia chưa chắc đã nghe và hiểu hết. Tuy nhiên, bạn đọc vẫn có thể nắm những từ cơ bản để học và nói như người Nghệ nhé.

  • Hại: hãi

Người Nghệ Tĩnh hay nói "hại" thay cho "sợ/ hãi". Họ nói "nghe đạ hại hè", thì bạn đọc nên hiểu là "nghe đã sợ chưa".

  • Hạm: hãm

Ví dụ người Nghệ hay nói "hạm nác chè", có nghĩa là "hãm nước chè". Với hai từ "hại", "hạm" bạn đọc có thể thấy người Nghệ hay dùng dấu nặng thay cho dấu ngã nha.

  • Hấn: hắn

Một từ xưng hô trong tiếng Nghệ. Người xứ Nghệ hay kêu "hấn" thay cho "hắn".

  • Hói: đoạn sông cụt

Ở xứ Nghệ có nhiều vùng nước đọng được gọi bằng từ "hói".

  • Hớng: hứng

Ví dụ nói "hớng nác mưa" có nghĩa "hứng nước mưa".

  • Hui: thui

Ví dụ "hui thịt bò" thì có nghĩa "thui thịt bò"

  • Hun: hôn

"Hai eng ả nớ hun chắc bay tề" thì có nghĩa "hai anh chị kia hôn nhau kìa".

  • Ì: ừ

"Nhít ì, nhì mần thinh" có nghĩa "nhất ừ, nhì im lặng".

  • ỉu: bị ẩm, không còn dòn

Ví dụ người Nghệ nói "bénh tráng ỉu hết rồi" thì hiểu là "bánh tráng không còn dòn nữa".

  • Kè: Một loại cây cọ lá rách

Thịt chó chợ Bè, tro kè làng Đông

  • Khái: con hổ

Người Nghệ hay nói "đồ khái tha ma bắt" với nghĩa "đồ hổ tha ma bắt".

  • Khải: gãi ngứa

Ví dụ người Nghệ nói "khải nhằm lộ ngá" thì bạn đọc nên hiểu "khải đúng chỗ ngứa". Như vậy, nếu nghe khải (dấu hỏi) thì là một động từ, còn khái (dấu sắc ) là một danh từ - bạn thấy học tiếng Nghệ An Hà Tĩnh khó chưa?

  • Kháp: gặp mặt

Kháp nhau giữa đêm rằm hát hội, chiếc nón ba tầm trao gửi làm tin.

  • Khạp: thùng gỗ lớn dùng đựng nước mưa, đựng mật mía, hoặc muối nước mắm.

  • Khén: được phơi khô dòn thơm

Ví dụ đến ngày mua người Nghệ hay nói "ló khen" ý nói "lúa phơi khô rồi".

  • Khở: gỡ, bóc ra

Một động từ trong tiếng Nghệ. Ví dụ "khở tờ giấy ra" có nghĩa "gỡ tờ giấy ra".

  • Khót: vót, gọt

Đây là một từ khá hay và dùng rất nhiều trong tiếng Nghệ. Người Nghệ Tĩnh hay nói "khót bưởi mà ăn" thì bạn hiểu là "gọt quả bưởi mà ăn nha".

  • Khu: đít

Da đen khu đỏ lắm ló nhiều tiền
Da trắng khu trắng chỉ phiền vợ con

  • Khun: khôn

Một tính từ thể hiện sự khôn ngoan. Người Nghệ hay nói "khun" thay cho từ "khôn" trong tiếng phổ thông.

hoc tieng nghe an
Về xứ Nghệ người ơi!


3. Học tiếng Nghệ An Hà Tĩnh qua vần L, M, N

Bạn đọc có thể thấy có rất nhiều phiên bản tiếng Nghệ Tĩnh, điều này do các địa phương ở xứ Nghệ có cách nói rất phong phú. Đôi khi hai xã phường gần sát bên nhau nhưng tiếng nói vẫn rất khác.

  • Lả: lửa

Lả đỏ rưng còn bưng rơm đến (ca dao tục ngữ xứ Nghệ). Bạn đọc lưu ý, khi học tiếng Nghệ An Hà Tĩnh thì "lả" (dấu hỏi) có nghĩa "ngọn lửa". Nhưng "lá" (dấu sắc) là... lá xanh trên cây nha.

  • Lặc lè: khuỷu chân

Một cách gọi của người dân vùng Nghệ An.

  • Lại: lưỡi

Chó le lại, ngài vại vưng (kinh nghiệm dân gian để chuẩn bị mùa màng)

  • Lắt: nhặt. Ví dụ lắt rau nghĩa là nhặt rau

Dao vàng lắt rọt tằm rơi
Không đau không xót bằng lời em than

  • Lặt: Thiến heo, thiến chó

  • Lẩy, mần lẩy: làm dỗi, làm hờn

"Hấn mần lẩy rồi" thì có nghĩa "nó dỗi rồi"

  • Lệ: lễ

Mần lệ, cúng lệ có nghĩa "làm lễ, cúng lễ".

  • Ló: lúa

Ló lổ thanh minh rung rinh cả xạ
Ló lổ lập hạ buồn bạ cả làng

  • Loọc: luộc

Một động từ chỉ nấu nướng.

  • Lôông: trồng/ lông

"lôông cơn" có nghĩa "trồng cây", nhưng "lôông chó" có nghĩa "lông chó" nha.

  • Lưa: còn

Người Nghệ hay nói "rưng lưa", "nưng lưa", "răng lưa" ý nói còn gì đó chưa hết.

  • Mấn: váy

Tiếng phổ thông gọi váy thì ở xứ Nghệ gọi mấn. Một từ rất phổ biến là "xắt mấn" mà Nghệ ngữ đã giới thiệu trước đó nha.

  • Mần: làm

Mần rể chớ nấu thịt tru, mần du chớ rang cơm nguội

  • Mạn: mượn

"Cho mạn năm chục ngìn với" có nghĩa "cho vay/ mượn 50 ngàn với".

  • Mẳn: nhỏ

Một tính từ thể hiện một vật gì rất nhỏ.

  • Me: con bê (con bò con)

  • Méch: mách

"Tau về méch mẹ" có nghĩa "tao về mách với mẹ"

  • Mên: phên, liếp đan bằng nứa

  • Mi: mày

Một từ xưng hô của người Nghệ Tĩnh.

  • Mô: đâu

Đi mô mà vội mà vàng

  • Mồ: nào

"Có trù cho mánh bạn mồ" thì hiểu là "có trầu cho miếng bạn ơi"

  • Mọi: con muỗi

  • Mờn: mừng vui

"Mờng như cha chết sôống lại" ý nói "mừng vui như kiểu cha sống lại"

  • Mự: mợ

Mự là vợ của chú trong tiếng Nghệ

  • Mụ gia: mẹ chồng

Thương chồng phải khóc mụ gia
Ngẫm tui với mụ nỏ bà con chi
Mui môi Chim ri, ga rú chớ nuôi
Trai lông bụng, gấy thâm mui thì đừng

  • Mun: tro bếp

  • Mủng: dụng cụ đong, đo lường

Ôông xúc một mủng độ
Mụ xúc một mủng khoai
Nấu lên một nồi hai
Hai ôông mụ ngồi nhai...

  • Mươn: bàn ăn cơm loại nhỏ, thấp, làm bằng tre rất phổ biến ở Xứ Nghệ.

  • Mụt: mụn nhọt

  • Ná: nứa

Ná chẻ thì chìm, lim chẻ thì nổi

  • Nác: nước

Chết thì chúc thực điểm trà
Sôống thi xin đọi nác cà nỏ cho

  • Nân: béo núc ních béo nân đầu nân đuôi

  • Náng: nướng

Người Nghệ hay náng khoai, náng sắn ăn là cách họ "nướng".

  • Nậy: lớn

Không có tru lấy bò mần nậy

  • Nê: đầy bụng khó tiêu

  • Ngá: ngứa

  • Ngài: người

Mội ngài một đều dợ lều mà đi
Ngái xa Ngái thì thương, ghin thì thường

  • Nghị: nghĩ

Ngần đi nghị lại

  • Nghỉn, một nghỉn: một hơi

  • Ngọi, đừng ngọi: mơ mộng, đừng mơ tưởng hão huyền

  • Nhe: nhắm (cho trúng)

  • Nhít: nhứt, nhất

  • Nhớp: bẩn

  • Nhủ: bảo

Anh cứ nhủ rằng em không thương

  • Nhút: Một loại dưa muối nguyên liệu chính chủ yếu làm bằng quả mít

Đừng khinh dưa nhút tương cà
Tuy không lịch sự nhưng mà sạch trong


Còn rất nhiều từ tiếng Nghệ để học khác mà Nghệ ngữ sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bài viết tiếp theo nhé. Hy vọng rằng với những từ ở trên sẽ phần nào giúp bạn học tiếng Nghệ An Hà Tĩnh cơ bản rồi nha. Bạn đọc cũng có thể học qua kênh Youtube của Nghệ ngữ nữa nhé!
 

 

Tác giả: Nghệ ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 8 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây