Từ điển ca dao tục ngữ Nghệ Tĩnh (vần H, K)

Chủ nhật - 02/05/2021 14:55
Tiếp nối các bài sưu tầm trước đây về tục ngữ ca dao xứ Nghệ, trong bài viết này Nghệ ngữ xin giới thiệu những câu ca dao tục ngữ tiếng Nghệ Tĩnh vần H, K. Mời quý bạn đọc cùng tham khảo.
du bo min


Từ điển ca dao tục ngữ Nghệ Tĩnh vần H


1. Hạc độ lưng quy

Hạc là loài chim có chân cao, cổ và mỏ dài, tượng trưng cho sự phiêu diêu tiêu sái của cảnh tiên, người tiên (hạc giá vân du: cưỡi hạc chơi mây; quy: rùa, tượng trưng cho sự sống lâu. Hình ảnh hạc đậu lưng rùa  thường là biểu tượng của cuộc sống hòa hợp, phúc lộc thọ dồi dào, hiển quý, sang trọng.

2. Hai mươi tháng chín mưa rấp trộ rươi. Hai mươi tháng mười mưa rấp trộ cá

Thời điểm hết mùa rươi và mùa cá.

3. Hai tay bưng đọi chè tàu. Vưa  đôi thì lấy ham giàu mà chi

Chỉ việc nhân duyên vợ chồng thì phải vừa đôi phải lứa chứ nếu lấy nhau vì giàu sang thì trái lẽ thường, nhân duyên tan vỡ.

 4. Ham chi bó ló quan tiền. Mụ gia dệ ở, nhôông hiền là hơn

Điều mong muốn thiết tha nhất của người phụ nữ khi đi lấy chồng là được chồng hiền và mẹ chồng dễ tính.

 5. Ham nơi sây trái rậm cành. Ham nơi đông chị nhiều anh mà nhờ

Khi lấy chồng, lấy vợ phải chọn nơi anh em đông đúc mà nhờ cậy lẫn nhau.

 6. Hàm chó vó ngựa

Những chỗ nguy hiểm, hại người nên tránh xa. Đến nhà hắn là đến cái nơi hàm chó vó ngựa đấy, mi (mày) phải coi chừng!

7. Hàng bấc thì qua, hang quà thì đến

Chỉ hạng phụ nữ trắc nết, tham ăn, không biết lo lắng công việc nhà cửa, đi chợ thì ăn quà về nhà thì ăn vụng, thiếu vật dụng gì cũng không biết hay không biết. Mụ vợ hắn chúa hay ăn quà hễ đi chợ là hàng bấc đi qua, hàng quà thì đến.

8. Hay ăn thì bần, hay mần thì giàu

Lẽ thường ở đời, khá giả là do siêng năng, tằn tiện; nghèo đói là bởi nhác nhớn, phung phí.
rau nong dan min
Rau dún.

9. Hay mần thì đói, hay nói lại no


Điều trái lẽ thường, nhưng lại phổ biến trong xã hội bất công, thối nát: người lao động chân chính thì nghèo đói, bọn quan chức chỉ uốn ba tấc lưỡi lừa bịp thiên hạ lại no ấm, giàu sang. Mần (làm) chi lắm cho nhọc xác, mi (mày) không chộ (thấy) kẻ hay mần thì lại đói nhăn răng, bọn hay nói thì lại no nít (nứt) nang (dạ dày).

 10. Hay như cối xay lọi cốt

Cối xay tre gãy cốt thì vật nghiêng, vật ngửa trong thùng, không xay được lúa). Sự không hay, sự trục trặc dẫn đến ách tắc những việc khác Hay gì mà hay, hay như cối xay lọi cột.

 11. Hắn dại có ông vại hắn khun

Ông vải: ông bà, cụ kị, tổ tiên. Không nên xem thường kẻ khác, nhất là những kẻ có thần thế. Đừng gây sự với hắn, không bở mô (đâu), hắn dại có ông vại hắn khun.

 12. Hèn tru hơn bạo bò

Sự kém cỏi của đàn ông cũng còn hơn sự tài giỏi của đàn bà (quan niệm xưa). Thôi, việc nớ (ấy) bà đừng mó tay vô, để đó cho tui hèn tru đang hơn bạo bò.

13. Hết mưa hết nác trọt

Nước trọt: nước giọt gianh, chảy thành rãnh cạn, mưa tạnh là nước cũng chảy hết. Sống nhờ vào người khác, khi người ta thất thế thì hết chỗ cậy nhờ.

14. Ho như đóng nôốc

Ho to, liên tục, vang xa. Không rõ hắn bị chi mà suốt ngày ho như đóng nôốc.

 15. Hò voi bắn súng sậy

Hò: đuổi đánh; súng sậy: súng trẻ con làm bằng ống sậy một đầu bịt bằng loại hạt cây nhỏ, đầu kia có thanh tre nhỏ, vót tròn làm pít-tông để nén hơi. Làm một việc quá lớn nhưng năng lực và phương tiện quá yếu kém.

 16. Họ Trương bạo cại. Họ Nguyễn lắm ngài. Họ Mai lắm của

Chỉ ba dòng họ lớn ở Thạch Hà, Hà Tĩnh, mỗi họ đều nổi tiếng bởi một đặc điểm.

 17. Hoạ may thì gặp, đợi chờ thì không

Ở đời cái ngẫu nhiên, tình cờ lại hay đến, cái mong muốn, chờ đợi lại không mấy khi gặp.

18. Hoành Sơn mây bá. Bàn Độ lấp mào, thế nào cụng mưa

Hoành Sơn là dải núi cuối cùng của dãy Trường Sơn ăn ra biển, chắn ngang đồng bằng duyên hải miền Trung, tại địa phận huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Bàn Độ là một hòn núi lớn cũng tại địa phận Kỳ Anh) . Kinh nghiệm về thời tiết của dân địa phương: hễ thấy mây bám lưng chừng dải Hoành Sơn hoặc phủ lấp ngọn núi Bàn Độ thì trời ắt mưa.
cum tru min
Ai nhớ?

19. Học trự túi như hụ. Học đ... sáng như đèn


Học cái hay cái tốt thì khó, học cái dở cái xấu thì dễ.

20. Hội Thống lắm tiền. Xuân Viên lắm ló. Tiên Điền lắm quan

Hội Thống (nay là Xuân Hội), Xuân Viên, Tiên Điền là những làng nổi tiếng của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) ngày xưa. Dân Hội Thống thì giàu nhờ nghề biển và buôn bán, lắm tiền; dân Xuân Viên thì giàu về lúa gạo; còn Tiên Điền là đất văn vật nhiều người học hành đỗ đạt nên lắm quan

 21. Hồng ngâm chuột vọc, người ngọc ngâu vầy

Ngâu: ma. Cái cao quý, sang trọng bị hoen ố, hủy hoại (chủ yếu nói về người phụ nữ) .

22. Hột mói cắm đôi

Quan hệ rất thân tình, đồng cam cộng khổ từ việc lớn đến việc nhỏ. Hai ả ở với nhau đến hột mói cắm đôi rứa mà giừ (bây giờ) có thằng cha nớ (ấy) đến là sinh chuyện.

 23. Hơn một ngay hay một đều

Làm việc gì đó kịp thời thì hiệu quả sẽ hơn hẳn.

 24. Hớp tớp như cá rớp tháng ba

Cá rớp: một loại cá ở vùng biển Nghệ An, sinh sản vào khoảng tháng ba. Trong thời kỳ sinh sản, cá rất hiếu động. Chỉ những ai đó hấp tấp láu táu Đồ hớp tớp như cá rớp tháng ba.

 

Từ điển ca dao tục ngữ tiếng Nghệ vần K


1. Kè nhè như che kéo mật

Che: công cụ để ép mía làm mật. Khóc dai và lâu hoặc nói nhiều và lặp đi lặp lái gây cảm giác khó chịu như âm thanh của che kéo mật. Nói gì thì nói gọn gọn thôi đừng có kè nhè như che kéo mật.

2. Kẻ ăn dứa có cưa có đục. Kẻ ăn dừa chập côộc cơn đa

Sự trớ trêu sự bất công trong cuộc sống. Kẻ không cần lại có đủ thứ, người cần thì không có điều kiện, phương tiện mà làm.

3. Kẻ Cài reo, kẻ Treo khóc

Kẻ Cài là dân làng Kiệt Thạch, Thanh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh; kẻ Treo là dân làng Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Do dãy Hồng Lĩnh chắn gió Đông Bắc nên mưa thì lụt mà nắng thì hạn, trong khi đó dân kẻ Cài chỉ cách đấy khoảng vài cây số thì mưa thuận gió hoà. Tình hình thời tiết ra ri (thế này) chắc là kẻ Cài thì reo mà kẻ Treo thì khóc.

 4. Kẻ Giặm đục đá nấu vôi. Miệng thì thổi lửa tay lôi rành rành

Chỉ sự vất vả của nghề nấu vôi vùng xung quanh lèn Hai Vai (kẻ Giặm), huyện Diễn Châu, Nghệ An.

5. Kẻ hay lo bằng kho kẻ hay mần

Đề cao vị trí của người tổ chức chỉ huy, biết lo tính để công việc trôi chảy, thu được kết quả cao nhất.

6. Kẻ hay mua thua kẻ hay góp

Người hay mua nhưng không biết bảo quản, cất giữ thì tài sản tứ tán; còn người hay góp thì tích luỹ, bảo quản được, sử dụng dài lâu nên tài sản nhiều hơn. Làm đâu quăng đấy thì con mua mần chi, kẻ hay mua thua kẻ hay góp đó con ạ.

7. Kẻ Vẹt đánh trống đì đẹt,  bỏ chùa không thưng

Kẻ Vẹt: tên nôm của một làng, nay vẫn gọi là xóm Kẻ Vẹt, thuộc xã Việt Xuyên, Thạch Hà, Hà Tĩnh ngày nay. Phê phán thói giả dối, trống chiêng thờ phụng nhưng lại bụt bỏ chùa hoang.

 8. Kẻ Vọt mổ rọt thiên hạ

Kẻ Vọt: tên nôm của làng Bình Lãng Hạ, nay thuộc phường Bắc Hổng, Thị Xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Tương truyền dân Treo Vọt xưa thuộc loại ngược ngạo, đầu trộm, đuôi cướp.

 9. Kẻ Vùn dáy khun hàng xứ

Kẻ Vùn: tên nôm của làng Yên Điểm, nay thuộc xã Thịnh. Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Gọi là kẻ Vùn vì nơi đay cát biển vun (vùn) lên một giải cát cao hàng chục mét và dài hàng chục ki-lô-mét kéo từ đầu làng giáp làng Cương Gián, Nghi Xuân đến cuối làng giáp xã Thạch Kim, Thạch Hà. Dải cát này chắn biển như một cái đê bao, dân nơi đây gọi là truông Vùn). Dân kẻ Vùn sống bán ngư bán nông, nghèo nên hay đi tha phương cầu thực vì thế mà khôn hơn dân xứ khác. Nhởi (chơi) với dân kẻ Vùn là khó đấy, kẻ Vùn dạy khun hàng xứ chứ chẳng thường mô (đâu).
lop nha min
Lợp nhà.

 10. Kéo gộ thì phải có đà. Đ... chắc phải có đàn bà nắt lên


Phải biết phối hợp đồng thời với nhau trong công việc thì hiệu quả mới cao.

 11. Kê chớ lôông già. Cà chớ lôông non

Kê trồng già, cà trồng non thì kém năng suất.

 12. Kêu như kêu đò

Nhỡ đò phải kêu to người ta mới nghe thấy vì đò đã sang bên kia sông hoặc đã cách xa bến. Kêu to và nhiều lần mà vẫn không có hiệu quả. Ngủ chi mà kêu như kêu đò vẫn không dậy.

13. Khải nhằm lộ ngá

Đạt được điều đúng với sở thích, yêu cầu. Mi nói đến chuyện nớ thì khải nhằm lộ ngá của hắn rồi, hắn phun ra hết cho coi.

14. Kháu như chó cúc

Trẻ em xinh xắn, hiền ngoan giống như những con chó nhỏ. Thằng cu ni kháu như chó cúc.

 15. Khăm đụa không bổ

Đậm đến mức như đông  đặc lại. Đọi nác chè em múc ra khăm đụa vô không bổ.

Xem thêm: Cách om chè xanh xứ Nghệ chuẩn vị

 16. Khất lần khất lựa

Trì hoãn việc trả nợ, hoặc việc đáp ứng yêu cầu của ai đó theo như đã hứa. Có mấy trăm bạc nợ mà không chịu trả, cứ khất lần khất lựa mại.

 17. Khe Đá Hàn lắm nác, khe Đá Bạc lắm rêu

Khe Đá Hàn, khe Đá Bạc là những con khe ở Kỳ Tân, Kỳ Văn huyện Kỳ Anh. Khe Đá Hàn nổi tiếng nhiều nước (hiện đã có đập thủy lợi), khe Đá Bạc thì lắm rêu.

18. Khéo cày đầy đọi

Cần mẫn, chịu khó và biết làm ăn sẽ no đủ. Lo gì cho mệt, khéo cày thì đầy đọi.

 19. Khéo vá vai, tài vá nách

Vai và nách rất khó vá, phải là người khéo tay, có kinh nghiệm mới vá đẹp được.

 20. Khi có thì chẳng ăn dè. Đến khi giáp hạt thì ghè mô ra

Kinh nghiệm chống đói của người xưa, ăn uống phải biết tiết kiệm thì mới bảo đảm được số lượng lương thực tích trữ phòng đói.

 21. Khi đi gặp tắn thì son. Khi về gặp tắn thì đòn đến lưng

Quan niệm cho rằng đi gặp rắn thì may mắn, về gặp rắn thì bị tai hoạ (gặp xà thì đi gặp quy thì về).
tre làng min
Nghỉ ngơi bên lũy tre làng.

 

 22. Khi măng không uốn, khi tre trổ vôồng


Không giáo dục con cái từ nhỏ lớn lên sẽ hư, khó dạy bảo. Con cái to từng mô hư từng nấy, đúng là khi măng không uốn khi tre trổ vồồng.

 23. Khi nào chuối nác nở hoa. Cỏ ga nứt rệ ấy là trời mưa

Kinh nghiệm dự báo thời tiết của dân gian.

 24. Khi nào nhạn nở đầy hoa. Kiến leo cột nhà, chạy lụt cho mau

Kinh nghiệm dự báo thời tiết của dân gian.

 25. Khi thì không có mà coi, khi thì cả voi liền ngựa

Cái oái oăm, thất thường trong cuộc sống, khi thì không có mà dùng, khi thì tràn ngập thứ gì cũng có dùng không hết. Hội nghị bựa (bữa) ni (này) răng (sao) mà lắm quan khách rứa (thế) không biết, thật là khi thì không có mà coi, khi thì cả voi lẫn ngựa.

 26. Khiếp như chó khiếp pháo

Sợ hãi quá mức trước uy thế, sức mạnh của người khác.

 27. Khoai chợ Lù, bù chợ Huyện

Chợ tù ở xã Hồng Lộc, chợ huyện ở xã Bình Lộc. Các địa danh này đều thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Khoai chợ Lù và bầu chợ Huyện vốn nổi tiếng là ngon.

28. Khoai lang nhằm chầu hơn lâu tháng

Khoai lang trồng đúng dịp, gặp thời tiết thuận lợi thì sẽ phát triển nhanh, năng suất cao hơn là để lâu, đủ ngày tháng.

 29. Khoai La Mạc, lạc Cao Điềm, Tiền Hạnh Lâm, mâm Văn Chấn, mấn Cát Ngạn

Các địa danh trên ở Thanh Chương Nghệ An. Mỗi nơi có một loại sản phẩm đặc trưng của mình.

30. Khoai năng mó, ló lúa năng thăm

Quan tâm, săn sóc thì hiệu quả sẽ tốt hơn.

31. Khoai to vồng lắm cổ. Độ ba lá dệ vun. Gà mất mẹ mau khun. Gái đến thì mau nậy

Kinh nghiệm sản xuất và xem xét sự vật, con người. Trồng khoai luống to mới nhiều củ vun đậu phải khi đậu ba lá mới vừa và tiện, gà con mất mẹ, phải tự kiếm sống, trưởng thành nhanh, con gái đến tuổi dậy thì lớn phổng lên.

 

32. Khoẻ như tru, ngu như lợn


Chỉ hạng người có khoẻ mà không có khôn, khoẻ mạnh nhưng đần độn. Nó khoẻ như tru nhưng lại ngu như lợn.

 33. Khô như rơm tháng sáu

Rơm tháng sáu khô kiệt không còn chút độ ẩm nào. Hàm chỉ sự cạn kiệt về tiền của, sự túng quẫn.

 34. Khố ba quấn, mấn ba xoay

Kinh nghiệm ăn mặc của người lao động: khố phải quấn đủ ba vòng mới chặt, váy phải xoay đủ ba vòng mới buộc giải thì không bị dồn nếp gấp về một phía.

35. Không ăn không mần, giờ dần cụng dậy

Giờ dần: người xưa chia một ngày đêm ra mười hai giờ (thập nhị chi) là: tý, sửu dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, vị, thân, dậu, tuất, hợi. Giờ dần tương đương khoảng từ 3giờ 30 đến 5giờ 30). .Chỉ nếp thức khuya dậy sớm của nhà nông nói riêng, của người lao động nói chung. Phải tập dậy cho sớm con ạ, con cái nhà nông không ăn không mần giờ dần cũng phải dậy.

 36. Không chết nác đôông cụng chết nác rặc

Nác đôông: nước lớn, nước lên; nác rặc: nước xuống. Thế nào cũng chết, không nơi này thì nơi khác, không lúc này thì lúc khác. Đây thường là một nhận định, một lời doạ, lời chửi đối với kẻ dưới có tính không cẩn thận, liều lĩnh. Mần ăn kiểu ni thì không chết nác đôông cũng chết nác rặc.

 37. Không cho mần thầy thì khoóc. Cho mần thầy thì đoọc nỏ ra

Ngu dốt, kém cỏi nhưng không tự biết thân, phận, lại muốn tỏ ra minh hơn người, làm thầy thiên hạ, kết quả là càng thêm nhục. Phải tự biết mình, đừng muốn làm những điều mà năng lực mình không cho phép. Không biết thì mần thinh đi lại còn mần bộ.

38. Không có cá lấy rau má làm trọng

Ứng xử khéo léo mọi tình huống.

39. Không có tru lấy bò mần nậy

Tình thế khó khăn, không chọn được vật đúng tiêu chuẩn, hoặc người đủ khả năng cáng đáng công việc đành phải lấy ép, chọn ép. Ông ta lên được cái chức giám đốc rồi tưởng thế là ghê gớm chứ chẳng qua không có tru thì lấy bò mần nậy thôi.

40. Không lân không vôi thì thôi làm lạc

Lân và vôi là hai thứ hoá chất rất cần cho việc trồng lạc. Lân thì cho việc phát triển củ, vôi thì giúp khử phèn, diệt sâu bọ. Bà con nhớ cho: không lân không vôi thì thôi làm lạc.
nguoi nghe min
Đi đơm.

 

 41. Không mắc trôốc thì cụng mắc tai


Chỉ hạng người tham lam mà ngu dại, nên trong quan hệ xã hội luôn mắc tai vạ. Mần ăn ẩu tả như mi (mày) thì rồi không mắc trôốc cũng mắc tai.

 42. Không to ngang cụng nậy dọc

Không được cái này thì cũng được cái kia, không uổng phí, vô ích. Gắng mà ăn đi con, ăn vô trong bụng không to ngang thì ắt cũng nậy dọc.

 43. Khun chi trẻ, khoẻ chi tra

Trẻ thì có sức khoẻ nhưng lại chưa có sự từng trải, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu khôn ngoan; già thì ngược lại có thừa khôn ngoan kinh nghiệm nhưng lại thiếu sức khoẻ. Chỉ những nghịch lý của đời người mà các thế hệ phải biết kết hợp với nhau để khắc phục. Bọn bay (chúng mày) mới mấy tuổi ranh mà dám khoe khun khoe dại, khun bay thì khun chi trẻ, khoẻ choa (bọn tao) thì khoẻ chi tra.

 44. Khun cho người ta hại. Dại cho người ta thương. Dở dở ương ương người ta ghét

Trong quan hệ xã hội phải thành thực, phải biết mình biết người không thì dễ bị thiệt thòi. Con khun thì khun cho người ta hại, con dại thì chịu dại cho người ta thương, chứ đừng dở dở ương ương mà người ta ghét.

 45. Khun con hơn khun của

Kinh nghiệm dân gian, con cái khôn ngoan thì cha mẹ được nhờ, không chỉ giữ được của cải do cha mẹ để lại mà còn ăn nên làm ra. Ngược lại thì dù của nhiều bao nhiêu con cái cũng phá hết. Cứ lo làm giàu đi, rồi mấy thằng trời đánh nớ (ấy) hắn phá cho mà coi, tao đã bảo là khun con hơn khun của mà có đem vô (vào) lộ (lỗ) tai mô (đâu) .

 46. Khun như tiên không tiền cụng dại. Dại như chó có ló cụng khun

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền: Có tiền có của thì việc gì cũng làm được, thiên hạ ai cũng cầu cạnh ngợi khen. Không có tiền của thì dẫu khôn ngoan đến mấy cũng bị người đời xem khinh xem thường.

47. Khun như tinh đến Giang Đình cụng mắc

Chợ Giang Đình ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh nổi tiếng vì nhiều người buôn bán lọc lõi khiến nhiều người sành nghề nơi khác đến phải thua.

48. Khun sọi đi rửa đọicho nạ dòng. Hú ha hú hớ vớ bông hoa nhài

Sự chế giễu, mĩa mai đối với những kẻ ba hoa, khoác lác khoe khôn khoe sõi mà cuối cùng phải chịu những hậu quả xấu.

49. Kiến đen leo ngược, trời mưa như trút. Kiến đen xuống hang trời nắng chang chang

Kinh nghiệm dự báo thời tiết trong dân gian.

 50. Kiềng sắt bén mun

Đến duyên, thành gia thất.

51. Kín tranh hơn lành gộ

Tranh: Tấm kết bằng cỏ tranh hoặc rạ dùng để lợp nhà; lành: tốt. Dù thô sơ mà đầy đủ tươm tất, kín đáo còn hơn cao sang mà tuềnh toàng. Làm cái nhà lá đơn sơ nhưng phên dậu gọn gàng, cửa nẻo đầy đủ là được kín tranh hơn lành gỗ anh à.

Xem thêm: Từ điển ca dao tục ngữ xứ Nghệ vần E, Ê, G

Tác giả: SƯU TẦM

Nguồn tin: Ca dao tục ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây