Top 5 món ăn Tết Nghệ An và Hà Tĩnh ngon nhất
Món ăn Tết Nghệ An có rất nhiều món với nhiều hương vị khác nhau. Trong đó một số món rất đặc trưng, chỉ có ở xứ Nghệ và gắn bó với nhiều người dân nơi đây theo thời gian. Bài viết sau Nghệ ngữ sẽ giới thiệu đến bạn đọc 5 món ăn ngày Tết ở xứ Nghệ nổi bật nhất kèm cách nấu chi tiết nhé.
Với người xứ Nghệ, ngày Tết họ không quá coi trọng cao sang mỹ vị hoặc đòi hỏi những món ăn đắt tiền. Dịp lễ này, với người dân nơi đây, mâm cơm mang tính biểu trưng cho sự ấm cúng, sum vầy với những món ăn gắn bó qua bao đời cha ông. Đặc biệt, các món ăn trong ngày Tết luôn mang phong vị xứ Nghệ không trộn lẫn với bất kỳ miền nào.
Dưới đây là 5 món ăn Tết ở Nghệ An và Hà Tĩnh ngon nhất, nổi tiếng nhất mà Nghệ ngữ giới thiệu đến bạn đọc.
1. Món ăn Tết Nghệ An nổi bật nhất: Thịt bò kho mật mía
Thịt bò kho là món ngày Tết có ở bất kỳ miền nào của nước ta. Nhưng ở Nghệ An, món thịt bò kho có cách nấu rất lạ miệng: kho mật mía và nước chè xanh.
Đây là hai nguyên liệu gắn bó từ lâu đời và trở thành nét văn hóa của người xứ Nghệ. Ai sinh ra và lớn lên tại Nghệ Tĩnh đều biết mật mía và nước chè. Tại vùng đất này, mật mía dường như được sử dụng trong hầu hết các món ăn thường ngày: kho cá nục, uống với nước chè, nấu giả cầy... Có lẽ nhờ có mật mía mà màu sắc món ăn nào cũng trở nên đẹp hơn và hương vị thì miễn bàn: rất đậm đà.
Riêng nước chè đem kho cùng thịt bò với người miền khác có thể thấy lạ. Nhưng có ăn mới thấy cách nấu này rất đặc biệt. Nước chè xanh khi nấu cùng thịt bò sẽ đánh bay mùi tanh, làm thịt mềm hơn, thấm vị hơn, khi ăn sẽ cảm nhận được hương thơm từ chè.
Về cách nấu, người Nghệ rất kỳ công với món ăn Tết Nghệ An này. Họ thái thịt, tẩm ướp và nấu tỉ mỉ từng bước. Bạn đọc có thể học cách làm bò kho mật mía Nghệ An chuẩn vị mà chúng tôi đã giới thiệu chi tiết nhé.
2. Món ăn Tết Hà Tĩnh nổi bật nhất là ram
Ram là món ăn Tết Nghệ An và Hà Tĩnh thường có trong mâm cúng lẫn đãi khách. Mặc dù hình thức món này rất giống chả giò xứ Bắc, nhưng hương vị của món ram hoàn toàn khác biệt.
Có thể kể một số điểm khác nhau của ram Hà Tĩnh như: lá để cuốn ram được làm riêng (nguyên liệu chính là mật mía và gạo), các nguyên liệu rất đa dạng từ trứng gà, thịt nạc heo xay cho đến rau ngò gai, hành lá... Điểm độc đáo là ram Hà Tĩnh nhiều rau hơn thịt. Nên ăn giòn và không ngán bằng các món nem hay chả giò.
Trong mâm Tết người Nghệ Tĩnh ram gần như món phải có. Và món này bao giờ cũng "hết trước" vì dễ ăn, béo mà không ngán, giòn mà không cứng. Nếu gia đình sẵn rau sống thì thêm một đĩa kẹp cùng ram nữa thì tuyệt vời.
Bạn đọc có thể học cách làm ram Hà Tĩnh chuẩn vị mà Nghệ ngữ đã giới thiệu chi tiết trước đó nhé.
3. Món ăn Tết Nghệ An và Hà Tĩnh đều có: bánh ngào đêm giao thừa
Dù hiện nay, bánh ngào không còn là lựa chọn phổ biến của nhiều gia đình nữa, nhưng vẫn là món ăn Tết Nghệ An và Hà Tĩnh xưa gắn với nhiều thế hệ. Ngày trước, vào đêm giao thừa, các gia đình sẽ quây quần bên nhau và cùng nấu một nồi bánh ngào.
Vì sao ngày xưa người Nghệ thường nấu bánh ngào đêm giao thừa? Đơn giản loại bánh này biểu trưng cho sự ngọt ngào, hạnh phúc - điều mà năm mới đến ai cũng cầu mong.
Về cách nấu, bánh ngào xứ Nghệ Tĩnh được nấu cùng mật mía - nguyên liệu vô cùng quen thuộc. Bên cạnh đó là bột nếp, đậu xanh, thịt heo, gừng và hương hoa bưởi. Món bánh này rất thơm, nồng, ăn mềm, dẻo, béo nhẹ. Đặc biệt trong ngày Tết thường có không khí lạnh, ăn bánh ngào nóng lại càng ngon hơn.
Về cách nấu bánh ngào mật mía xứ Nghệ bạn đọc có thể tham khảo bài viết trước đó của Nghệ ngữ nhé.
4. Tết đến nhớ món chả viên ông bà xưa hay làm
Một món ăn Tết Nghệ An và Hà Tĩnh thời xưa gắn bó với nhiều thế hệ là chả viên (chả vo). Món ăn này được xem là món Nghệ Tĩnh nhiều nguyên liệu bậc nhất: từ rau các loại đến thịt, bột, gia vị...
Mỗi chiếc chả viên được vo tròn hội tụ đầy đủ hương vị của các nguyên liệu. Sau khi hấp chín, chả viên có thể đem bảo quản vào hộp, để trong tủ lạnh, có khách đến là mang ra chiên sơ và thưởng thức rất tiện lợi.
Chả viên của người Nghệ Tĩnh đậm vị nhờ nguyên liệu đa dạng. Trong đó theo cách làm xưa của ông bà hầu như có đủ mọi loại rau, gia vị thường ngày như rau răm, lá chanh, lá lốt, ngò gai cho đến lá gừng và kèm vài quả ớt cay...
Món chả này rất thích hợp cho ngày Tết nhé. Bạn đọc có thể tham khảo cách làm chả viên xưa mà Nghệ ngữ đã giới thiệu trước đó nha.
5. Món ăn Tết từ xưa đến nay ở xứ Nghệ: củ kiệu muối
Củ kiệu muối là món ăn kèm với bánh chưng, bánh dày rất nổi tiếng ở xứ Nghệ. Món ăn này được ví là "nhít bên đây, bên tây nỏ có".
Với kiệu muối ăn Tết, người Nghệ sẽ muối trước nửa tháng, tầm rằm tháng Chạp. Và người dân nơi đây sẽ có nhiều cách muối khác nhau: muối xổi, muối với cà... Sau đó củ kiệu sẽ được ăn như món dưa chua hoặc đem nấu với nhiều món Tết như kho cá, kho thịt, làm mọc...
Về cách muối kiệu xứ Nghệ, bạn đọc có thể tham khảo 4 cách làm củ kiệu muối khác nhau nhé.
Còn nhiều món ăn Tết Nghệ An và Hà Tĩnh khác mà Nghệ ngữ chưa thể kể hết trong bài viết này. Một số món như thịt kho riềng, cơm lam... bạn đọc cũng có thể tìm đọc trên chuyên mục Về xứ Nghệ ăn gì nhé. Mến chúc bà con đồng hương có một mùa xuân ấm áp bên gia đình.
Tác giả: Nghệ ngữ
Ý kiến bạn đọc
Đăng ký thành viên
Bài viết xem nhiều
-
Sức thuốc hay xức thuốc đúng? Phân biệt sức hay xức
-
Giòn giã hay ròn rã hay dòn dã viết đúng chính tả tiếng Việt?
-
Gáng hay ráng? Gáng lên hay ráng lên? Ráng sức hay gáng sức?
-
Viết tỷ hay tỉ đồng đúng? Khi nào viết tỉ hay tỷ?
-
Tỉ mỉ hay tỷ mỷ đúng? Nên viết i ngắn hay y dài hay hơn?
-
Chịu nổi hay chịu nỗi? Chịu không nổi hay chịu không nỗi?
-
Chọn vẹn hay trọn vẹn đúng chính tả? Phân biệt trọn & chọn
-
Phân biệt dồ hay rồ, bị dồ hay bị rồ, phát rồ hay phát dồ?
-
Rứa thâu là gì trong tiếng Nghệ? Ví dụ về từ rứa thâu
-
Top 5+ địa chỉ thuê xe máy ở Hà Tĩnh tốt và có giá rẻ nhất
-
Lý thuyết hay lí thuyết? Lý luận hay lí luận viết đúng?